Ôi, Cây Giáng Sinh: Suy ngẫm về một truyền thống lâu đời
Trong suốt mùa lễ hội Giáng Sinh, nhiều người trong chúng ta sẽ trưng bày cây thông Noel. Chúng ta trang hoàng cây thông bằng các món đồ trang trí và đặt những món quà dành tặng cho người thân bên dưới gốc cây. Vậy đâu là nguồn gốc và quá trình phát triển của truyền thống lâu đời này?
Một biểu tượng tuyệt vời
Những cây thường xanh — loại cây thường dùng làm cây Giáng Sinh — từng được sử dụng làm biểu tượng ở khắp nơi trên thế giới. Chẳng hạn như, các nền văn hóa Ai Cập, Trung Quốc, và Do Thái cổ đại đã gắn kết cây thường xanh với sự sống vĩnh hằng.
Trước thế kỷ 16, Cơ Đốc Giáo thuở sơ khai đã áp dụng những tập tục này và ban đầu họ sử dụng cây Giáng Sinh đại diện cho Vườn Địa đàng và xua đuổi tà ma trong năm mới. Những quả táo, những chiếc bánh thánh, và những ngọn nến được gắn thêm lên cây thông, lần lượt tượng trưng cho ngày lễ tôn giáo của Adam và Eva, thân thể của Đấng Christ, và ánh hào quang của Đấng Christ.
Sau thế kỷ 16, cây Giáng Sinh đã trở thành một truyền thống văn hóa sâu sắc trong giáo hội Lutheran ở Đức trước khi được đón nhận tại nước Anh suốt đầu thế kỷ 19. Vào những năm 1830, cây Giáng Sinh lần đầu tiên được ghi nhận tại Mỹ quốc nhờ những người di cư đến từ nước Đức. Vào cuối những năm 1800, ông Edward Hibberd Johnson, cộng sự kinh doanh của nhà phát minh Thomas Edison, là người đầu tiên trang trí những ngọn đèn lên một cây thông Noel, và rồi cây thông Noel hiện đại đã ra đời kể từ đó.
Cây Giáng Sinh và Hang đá thời kỳ Baroque của xứ Napoli tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan
Gần đây, tôi đã có cơ hội chiêm ngưỡng “Cây Giáng Sinh và Hang đá thời kỳ Baroque của xứ Napoli”, trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Cây thông cao 20 foot (khoảng 6.1m) và đặt tại Đại sảnh Điêu khắc Thời Trung cổ của Bảo tàng này là ngôi nhà cho nhiều thiên sứ và tiểu thiên sứ chao liệng bên trên hang đá nơi diễn ra cảnh Chúa giáng sinh.
Những bức tượng nhỏ khắc họa cảnh Chúa giáng sinh có từ nửa sau thế kỷ 18, và do nghệ sĩ Loretta Hines Howard quyên tặng. Những bức tượng này được tạo dáng đặt ở các vị trí khác nhau, cao từ 12 đến 15 inch (30 đến 38cm) làm bằng gỗ và đất nung. Một trong những bức tượng này được cho là có xuất xứ từ xưởng chế tác của bậc thầy người Ý Giuseppe Sanmartino.
Những thiên sứ và tiểu thiên sứ bay lượn uy nghiêm phía trên khung cảnh Chúa giáng sinh, nơi có nhiều bức tượng đại diện cho mọi sắc tộc đến để chứng kiến sự chào đời của Đấng Christ. Những vị khách thường xuyên tham quan bảo tàng có thể vừa đi vòng quanh cây thông vừa thưởng thức bản nhạc hợp xướng tạo nên âm hưởng cho mùa lễ hội Giáng Sinh.
Khi tôi dạo bước quanh bảo tàng này, “Cây Giáng Sinh và Hang đá thời kỳ Baroque của xứ Napoli” dường như là nơi thu hút nhiều khách tham quan nhất. Họ đứng đó, chiêm ngưỡng, và suy ngẫm thật lâu.
Suy ngẫm về tính biểu tượng của những truyền thống lâu đời
Đôi khi chúng ta có thể mất kết nối với những ý nghĩa sâu xa hơn gắn liền với truyền thống có tuổi đời hàng thế kỷ như vậy. Lịch sử phong phú của cây Giáng Sinh có thể mang lại cho chúng ta một chút lắng đọng. Giờ thì chúng ta có thể dừng lại và nghĩ về ý nghĩa của nó đối với chúng ta.
Liệu chúng ta có nhìn nhận lại rằng cây Giáng Sinh là biểu tượng của một thiên đàng không có tội lỗi không? Phải chăng — đây là một biểu tượng về đức hạnh của Cơ Đốc Giáo — chúng ta suy ngẫm về việc dùng cây Giáng Sinh để xua đuổi quỷ dữ, tà ma, hoặc vận rủi trong dịp đầu năm mới? Phải chăng sự hiện diện của cây Giáng Sinh có thể giúp chúng ta suy ngẫm về sự sống đời đời hoặc các vị Thần đang dõi theo chúng ta từ thiên thượng? Có lẽ cây Giáng Sinh chỉ đơn thuần là một biểu tượng của sự đoàn viên và tấm lòng hiếu khách dành cho gia đình và bằng hữu trong suốt mùa lễ hội.
Chúng ta có thể chọn bất cứ đáp án nào cho riêng mình, nhưng mong rằng chúng ta sẽ tiếp tục kết nối một ý nghĩa tích cực và đúng đắn với truyền thống văn hóa lâu đời này.
Chi Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times