Hồi sinh truyền thống Giáng Sinh xưa cho thế hệ sau
Đã đến lúc để bắt đầu các truyền thống nghỉ lễ mới tập trung vào niềm vui và sự háo hức khi được cho đi.
Khi lướt qua các phương tiện truyền thông xã hội trong những năm gần đây, người ta sẽ nghĩ rằng truyền thống Giáng Sinh của người Mỹ chỉ xoay quanh những trò đùa có tên “yêu tinh trên kệ” (elf-on-the-shelf pranks), những bộ phim như “A Christmas Story” (Câu chuyện Giáng Sinh) và “Home Alone” (Ở nhà một mình), cùng những buổi chụp hình chân dung dở khóc dở cười mà bằng cách nào đó sẽ trở thành những tấm thiệp ảnh gia đình mới tinh mầu nhiệm. Tất cả những điều này có thể là những truyền thống Giáng Sinh vui nhộn, nhưng bạn hãy lùi lại một bước và quan sát chúng dưới góc nhìn khách quan trong giây lát.
Chà, những điều này có vẻ hơi nông cạn — nếu không muốn nói là vị kỷ và náo nhiệt phải không?
Nếu vậy thì có lẽ đã đến lúc để bạn bắt đầu một số truyền thống mới cùng con cái trong mùa lễ hội này — nhưng không phải là những truyền thống mới như các xu hướng liên tục xuất hiện trên mạng xã hội [hiện nay]. Tôi đang nói về việc nhìn lại quá khứ để có một số góc nhìn sâu sắc mới mẻ, [và hãy] bắt đầu với một trong những truyền thống Giáng Sinh yêu thích của tôi, đó là: đọc những câu chuyện về Giáng Sinh thời xưa.
Tình yêu của tôi đối với các câu chuyện Giáng Sinh xưa bắt đầu từ mùa lễ Giáng Sinh năm tôi 11 tuổi. Khi đó, cha mẹ đã tặng tôi một cuốn sách có nhan đề là “Christmas in My Heart” (Giáng Sinh trong Tim Tôi). Cuốn sách do giáo sư Joe Wheeler biên tập, nội dung được chọn lọc từ các Tạp chí St. Nicholas cũ và nhiều tạp chí truyện ngắn khác, cùng nhiều câu chuyện ra đời trong giai đoạn mà ông Wheeler gọi là “Thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật viết truyện” suốt cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Ông Wheeler đã cho xuất bản 30 tập trong số này, và nhiều cuốn đang nằm trên kệ sách nhà tôi, chỉ là chờ ai đó ngồi cuộn tròn trước cây Giáng Sinh để đọc chúng mà thôi.
Tuy nhiên, những câu chuyện này không chỉ mang đến một giờ ấm cúng bên lò sưởi, mà còn trao cho bạn một kho tàng truyền thống Giáng Sinh có thể mang đến phước lành cho cả người trẻ và người cao niên. Dưới đây là một vài việc có thể làm, được đúc rút từ những câu chuyện cổ đó để bạn thử làm cùng các con trong mùa lễ hội này.
Tự làm quà tặng ở nhà
Lễ Giáng Sinh năm 1955 là một mùa lễ khá khó khăn đối với gia đình tác giả J. Stephen Conn, người gốc Tennessee, khi các hóa đơn y tế lấn át khoản tiền lương ít ỏi mà cha ông chu cấp cho 12 người con, ông viết trong cuốn sách có nhan đề “A Homespun Christmas” (Lễ Giáng Sinh Bình Dị). Vì vậy, cha ông quyết định rằng chỉ được phép sử dụng những vật phẩm nhà làm cho mùa lễ Giáng Sinh. Vào buổi sáng Giáng Sinh, găng tay nhấc nồi, những cây cung và mũi tên được làm từ những que củi nhặt trong rừng, và những tập phiếu giảm giá được tìm thấy bên dưới gốc cây.
“Tôi thấy có điều gì đó đặc biệt trong lòng khi tôi đi xuống cầu thang — một cảm giác mà tôi chưa từng trải qua trước đây,” ông Conn viết. “Chắc chắn là tôi rất háo hức khi mở những món quà có tên mình trên đó, nhưng hơn hết là tôi nóng lòng muốn thấy các anh chị em của mình mở những món quà mà tôi đã làm cho họ. Tôi nghĩ tất cả mọi người đều có cảm giác giống mình.”
Vì vậy, bạn hãy thử đón mừng lễ Giáng Sinh giản dị cùng gia đình vào năm nay, khuyến khích các con làm những món đồ thủ công hoặc giúp đỡ người khác thay vì đến cửa hàng để mua quà tặng. Điều này có thể nhen nhóm lại niềm vui, điều kỳ diệu, và cảm giác hồi hộp khi được trao tặng cho người khác điều gì đó.
Tặng quà cho người cao niên khó tính
Tất cả chúng ta đều từng gặp những người khiến chúng ta khó chịu hoặc chỉ muốn tránh xa. Không có câu chuyện nào miêu tả điều này hay hơn câu chuyện vào thời kỳ Suy thoái của tác giả Hartley F. Dailey, có tên “The Red Mittens” (Đôi Găng Tay Màu Đỏ).
Câu chuyện kể về một người nông dân nghèo cùng cô con gái 8 tuổi Linda, và người nông dân hàng xóm cộc tính, Ông Lão Riggs. Tuy mối quan hệ hàng xóm giữa hai gia đình nông dân này không được hòa thuận lắm, nhưng cô bé Linda vẫn quyết định làm một đôi găng tay màu đỏ để tặng ông lão, cô bé gói món quà và đặt trước hiên nhà ông Riggs vào Đêm vọng Lễ Giáng Sinh. Sáng hôm sau, “Ông Lão Riggs lái chiếc xe Model T trên đường vào nhà chúng tôi,” cha của bé Linda giải thích. “Ông ấy vẫn nắm chặt vô lăng như thường lệ, nhưng mang đôi găng tay màu đỏ rực rỡ trên tay.”
Vào dịp lễ Giáng Sinh, việc tặng quà cho những người mà chúng ta yêu mến luôn rất dễ dàng, nhưng thường thì những người không đáng yêu nhất — những người cao niên khó tính sống giữa chúng ta — mới là những người cần nhận được quà tặng nhất. Việc tìm đến những người này và trao cho họ chút yêu thương bất ngờ có thể là sự khởi đầu của một mối quan hệ đầy thú vị và đáng giá.
Hòa bình và thiện chí dành cho mọi người
Dù hàng xóm và những người quen có thể khiến chúng ta bối rối, nhưng đôi khi chính những thành viên trong gia đình chúng ta mới là những người khiến ta khó xử nhất vào dịp lễ Giáng Sinh. Giống như câu chuyện mà tác giả Paula Palangi McDonald kể trong cuốn sách “The Last Straw” (Cọng Rơm Cuối Cùng), một câu chuyện về sự ganh đua và những tranh cãi nhỏ nhặt giữa các anh chị em ruột.
Để cố gắng hòa giải những đứa con hay tranh cãi của mình, người mẹ Lisa đã đặt một chiếc máng đựng cỏ nhỏ trong nhà, và các con sẽ viết tên một thành viên trong gia đình làm được việc thiện mỗi tuần trong tháng Mười Hai lên đó. Bất cứ khi nào một việc tốt được hoàn thành, người làm việc tốt sẽ bí mật đặt một cọng rơm vào máng cỏ, để tìm cách “gây bất ngờ cho Chúa Hài Đồng khi Ngài giáng sinh vào Đêm vọng Lễ Giáng Sinh bằng việc chuẩn bị cho Ngài chiếc giường êm ái nhất trên thế giới.” Đáng tiếc là, đối với mỗi thành viên trong gia đình, nhiệm vụ này khó khăn hơn rất nhiều so với những gì mà họ tưởng tượng.
Lễ Giáng Sinh được xem là thời điểm của “hòa bình và thiện chí dành cho mọi người,” nhưng lại thường biến thành lộn xộn và xích mích trong sự bận rộn của mùa lễ. Sao bạn không giúp gia đình mình tránh xa các xu hướng này bằng cách bày ra những trò chơi vui nhộn như trong câu truyện “Cọng Rơm Cuối Cùng” nhỉ? Việc khuyến khích sự hòa thuận và gắn bó sẽ đem đến cho con bạn một trong những món quà tuyệt vời nhất của cuộc sống: những mối quan hệ bền chặt và đầy yêu thương giữa các anh chị em ruột.
Mời một người lạ
Đôi khi những người cô đơn nhất trong chúng ta là những người luôn tỏ ra rất ổn. Chẳng hạn như trường hợp trong câu truyện “Jolly Miss Enderby” (Cô Enderby Vui Vẻ), miêu tả về một cô giáo dạy lớp hai vui tính của tác giả Paul Gallico.
Mặc dù Cô Enderby tỏ ra vui vẻ khi dùng bữa tối Giáng Sinh một mình ở nhà hàng, nhưng cô hầu bàn Bella cảm thấy băn khoăn rằng có lẽ người phụ nữ này cần một người bạn, vì vậy cô đã mời Cô Enderby làm khách dùng bữa tối Giáng Sinh trong bữa tiệc của gia đình. Khi lau khô những giọt nước mắt giấu kín của mình, Cô Enderby vui vẻ chấp nhận lời mời, và thổ lộ: “Ôi Bella, tôi rất vui. Cô mang đến cho tôi một mùa Giáng Sinh hạnh phúc biết bao!”
Trong thời đại mà các gia đình tan vỡ và sự cô đơn dường như phổ biến hơn bao giờ hết này, thì có lẽ xung quanh chúng ta có rất nhiều Cô Enderby đang phải trải qua ngày lễ được xem là thời điểm vui vẻ nhất trong năm trong sự cô đơn và hiu quạnh. Vậy tại sao bạn không biến điều này thành một truyền thống mới bằng cách tìm kiếm “Cô Enderby” của riêng mình, và mời người đó đến buổi sum họp ngày lễ của gia đình bạn?
Đón mừng ‘Lễ Hiển Linh’
Nhiều người biết rằng, đôi khi những kỳ vọng quá cao trong dịp lễ chỉ dẫn đến sự thất vọng. Một cách để bù đắp cho sự thất vọng đó là đón mừng “Lễ Giáng Sinh Nhỏ,” hay Lễ Hiển Linh vào ngày 06/01.
Đó chính là điều mà nhân vật Margaret Greaves đã làm trong câu truyện “Merry ‘Little Christmas’” (Đón Mừng ‘Lễ Giáng Sinh Nhỏ’) của nhà văn Agnes Sligh Turnbull, sau kỳ nghỉ lễ đáng thất vọng. Nhân vật Margaret Greaves lấy ra những đồ trang trí Giáng Sinh cũ mà cô không dùng đến, thắp vài cây nến, hát những bài hát mừng Giáng Sinh cô yêu thích, và tĩnh tâm đọc một số câu chuyện Giáng Sinh yêu thích mà cô đã bỏ qua trong suốt mùa lễ hội. Trong buổi tối yên bình và tĩnh lặng đó, cô tìm thấy “trí tuệ và hiểu biết mới … cùng hy vọng và niềm an ủi.”
Trường An; Minh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times