5 phương pháp giáo dục giúp con bạn tách biệt khỏi đám đông
Trong vài năm qua, người ta thường xuyên nhìn thấy các bậc cha mẹ giận dữ hiện diện tại cuộc họp hội đồng trường. Họ lo lắng về những nội dung tình dục lộ liễu hoặc khuyến khích chuyển giới được trình bày trong lớp học.
Nhưng trong một cuộc họp hội đồng trường gần đây tại tiểu bang California, các bậc cha mẹ lại tỏ thái độ khó chịu về một vấn đề khác ngoài chủ đề giới tính và tình dục. Lần này, họ lo ngại về việc các khóa học danh dự (honors class) đã bị loại bỏ dưới danh nghĩa “công bằng.”
Các bậc cha mẹ phản ánh với hội đồng trường rằng việc học hiện nay đã quá dễ dàng đối với học sinh. Một người mẹ nhấn mạnh cô ấy mong muốn con mình được thử thách nhiều hơn.
“Con gái tôi hiện đang là học sinh lớp 10, cháu nói rằng việc học của cháu không còn hiệu quả,” một phụ huynh khác chia sẻ. “Cháu đã theo học các lớp danh dự từ đầu tới giờ và bây giờ, khi là học sinh lớp 10, cháu nói rằng việc học không còn thách thức nữa.”
Có lẽ, sự thiếu thử thách mới là mục đích thực sự. Cái cớ “công bằng” được đưa ra như một vỏ bọc tốt đẹp, đúng đắn chính trị — nhưng có lẽ điều mà những người cầm quyền ấy thực sự muốn chính là một xã hội ngu dốt, không có đủ trí tuệ để chống lại quyền lực ngày càng bành trướng của chính phủ do giới tinh hoa nắm giữ.
Kể từ khi được thành lập, chính phủ Mỹ đã phụ thuộc vào tầng lớp trí thức. Như nhà giáo dục Neil Postman giải thích trong cuốn sách “Xây Dựng Cây Cầu đến Thế Kỷ 18,” những cá nhân như Tổng thống Thomas Jefferson tin rằng “cách tốt nhất để công dân bảo vệ quyền tự do của mình là khuyến khích họ hoài nghi, nghi ngờ chính quyền, và sẵn sàng (không sợ hãi) để chống lại các lời tuyên truyền.” Điều này được thực hiện bằng cách đào tạo các công dân có “tư duy phản biện.”
Rõ ràng, các lớp học ngày nay — dù có phải lớp danh dự hay không — đều không đào tạo học sinh theo hướng này. Vậy làm thế nào để chúng ta, với tư cách là các bậc cha mẹ và những người lớn quan tâm [tới các con], có thể mang đến cho học sinh ngày nay một nền giáo dục vững chắc và đầy thử thách? Tác giả Postman đưa ra năm ý tưởng dưới đây; mà đáng buồn thay, chúng hoàn toàn xa lạ với hệ thống giáo dục thời nay.
1. Dạy học sinh cách đặt câu hỏi
Tác giả Postman viết rằng, kỹ năng đặt câu hỏi “không được dạy ở trường,” một sự thật đáng kinh ngạc vì đây là “kỹ năng trí tuệ quan trọng nhất mà con người có được.” Có một vài lý do khả dĩ cho tình trạng thiếu vắng việc giảng dạy kỹ năng này, bao gồm việc giáo viên không biết cách dạy một môn học như vậy, cũng như họ và các nhà lãnh đạo khác không muốn học sinh hiểu về nghệ thuật đặt câu hỏi, vì “họ muốn học sinh là người đưa ra câu trả lời, mà không phải là người đặt câu hỏi.”
Thất bại trong việc đặt câu hỏi sẽ cản trở sự tò mò. Học sinh chấp nhận thế giới như nó vốn có và biến các em thành một bình chứa thụ động đang chờ được lấp đầy, thay vì một bình chứa tích cực, sẵn sàng rót vào cho người khác, đưa ra những khả năng, và tạo kết nối. Đã đến lúc dạy học sinh đặt câu hỏi và biến các em thành những bình chứa chủ động, chứ không phải bị động
2. Vượt qua giai đoạn ngữ pháp
Nhiều người đã quen thuộc với “trường ngữ pháp,” một thuật ngữ đồng nghĩa với trường tiểu học. Nhưng điều mà nhiều người không nhận ra là trường ngữ pháp chỉ là một trong ba giai đoạn giáo dục, hai giai đoạn còn lại là logic và hùng biện.
Ngày nay, chúng ta phần lớn đã quên hai giai đoạn sau này, nhưng tác giả Postman khuyên rằng ta nên hồi sinh chúng.
Ông viết: “Những môn học này tập trung vào mối quan hệ giữa ngôn ngữ và hiện thực; dạy học sinh về sự khác biệt giữa các dạng biểu đạt, về bản chất của tuyên truyền, về cách chúng ta tìm kiếm sự thật.” Cùng với việc ngôn ngữ và ý nghĩa của từ ngữ liên tục thay đổi và được dùng [tùy tiện] để phục vụ cho bất kỳ nghị trình nào của con người thời nay, thì đây dường như là lúc thích hợp để hồi sinh tư duy logic và kỹ năng hùng biện.
“Nỗ lực nghiêm túc trong việc nghiên cứu ngôn ngữ” là điều mà tác giả Postman tin rằng là chìa khóa để giúp “giới trẻ tự bảo vệ mình trước những tuyên truyền dưới mọi biến thể đầy cám dỗ của nó.”
3. Cho học sinh tiếp xúc với nhiều giả thuyết khoa học khác nhau
Tác giả Postman giải thích, hướng dẫn khoa học ngày nay về bản chất rất giáo điều và độc đoán, chính vì vậy, “nó hoàn toàn trái ngược với niềm tin khoa học”. Do đó, tác giả Postman tin rằng các giả thuyết khoa học trái chiều nhau nên được giảng dạy cùng nhau — ví dụ như thuyết tiến hóa và thuyết sáng tạo, hoặc thuyết hệ địa tâm của nhà bác học Ptolemy và thuyết nhật tâm của nhà bác học Copernic — khiến học sinh phải cân nhắc về bằng chứng cho mỗi giả thuyết “và sau đó giải thích lý do tại sao các em nghĩ giả thuyết này nên được ưu tiên hơn giả thuyết còn lại.”
“Khoa học chân chính không có gì phải sợ hãi trước khoa học sai trái,” tác giả Postman viết, “và bằng cách đặt chúng cạnh nhau, việc giáo dục thế hệ trẻ của chúng ta sẽ thực hiện được tốt hơn.” Từng trải qua đại dịch COVID-19, trực tiếp trải nghiệm kết quả của nhiều giả thuyết khoa học và y học khác nhau về sự lây lan và hành vi của bệnh truyền nhiễm, có vẻ như nhiều người trong chúng ta đã được thọ ích hơn nếu thế hệ của chúng ta được học cách tiếp cận khoa học như vậy.
4. Giáo dục công nghệ theo kiểu khác
Trong khoảng 30 năm qua, nhu cầu về các thiết bị công nghệ mới nhất dường như luôn là ưu tiên hàng đầu của các thầy cô. Đầu tiên, máy điện toán là vô cùng cần thiết, tiếp đó là máy tính bảng cho mọi học sinh, trước đây là bảng tương tác thông minh (nhưng những thứ đó liệu có còn phổ biến không?). Như gần đây có người nhận xét với tôi rằng, các trường học có lẽ đẩy mạnh giảng dạy về công nghệ để họ trông như đang làm gì đó.
Cho dù điều đó có đúng hay không, tác giả Postman khuyến khích chúng ta nên theo đuổi việc giáo dục công nghệ khác đi, không coi trọng vào cách sử dụng máy điện toán, mà tập trung vào “các tác động đến tâm lý, xã hội, và chính trị của công nghệ mới.”
“Nếu chúng ta định biến giáo dục công nghệ thành một phần của chương trình giảng dạy,” tác giả Postman viết, “thì mục tiêu của nó phải là dạy học sinh sử dụng công nghệ thay vì bị công nghệ điều khiển. Và điều đó có nghĩa là học sinh phải biết việc sử dụng công nghệ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường xã hội nơi các em sinh sống, cũng như cuộc sống cá nhân của chính các em.”
5. Kết hợp giảng dạy về tín ngưỡng
Tác giả Postman thừa nhận đây là một vấn đề phức tạp bởi sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước. Tuy nhiên, có hai lý do khiến ông tin rằng một nền giáo dục tốt cần có nội dung giảng dạy về tín ngưỡng.
Đầu tiên là, nếu không có kiến thức về tín ngưỡng, học sinh sẽ thiếu hiểu biết về văn hóa, không hiểu ý nghĩa đằng sau nhiều vở kịch, tác phẩm nghệ thuật, và các tham chiếu xã hội khác. Thứ hai là, mọi người đều cần trăn trở với những câu hỏi lớn của cuộc sống, “Tôi là ai?” và “Tôi đến thế giới này vì điều gì?” Tác giả Postman đã đặt ra câu hỏi: “Liệu có thể trả lời những vấn đề này trong khi phớt lờ đi các câu trả lời mà tín ngưỡng đưa ra hay không?”
Thanh Vy biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times