Dạy trẻ em về phép lịch sự
Chuyên gia lễ nghi Bethany Friske chia sẻ 5 nguyên tắc để bồi dưỡng lòng tốt và hành vi lễ độ ở trẻ em từ khi còn nhỏ.
Theo giai thoại trong gia đình, khi còn nhỏ, bà bác tôi là một đứa trẻ lễ phép đến mức bà sẽ nhún gối chào và vui vẻ hỏi thăm người hàng xóm trước khi hỏi, “Ông Carlson, liệu ông có thể giúp con dập lửa cháy ở nhà không?”
Những hành vi nhã nhặn như vậy ở trẻ em không nên chỉ là một sản phẩm của quá khứ. Thật vậy, theo chuyên gia lễ nghi Bethany Friske, thậm chí các bé rất nhỏ cũng có thể học cách cư xử tử tế, và “nếu chúng ta hào hứng dạy các em về phép lịch sự, chúng cũng sẽ hào hứng học theo.” [Tại đây,] cô Friske gợi ý năm cách thức đơn giản để dạy trẻ em về phép lịch sự ngay trong gia đình.
Khuyến khích các “câu nói thần kỳ”
“Làm ơn” và “cảm ơn” là những “câu nói thần kỳ” phổ biến, nhưng cô Friske khuyến khích mở rộng danh sách đó, thêm vào những câu như “Không có chi,” “Tôi xin lỗi,” và “Tôi xin phép.” Bảng [theo dõi] phép lịch sự là một cách tuyệt vời để khích lệ [trẻ em] sử dụng những lời nói nhã nhặn này. Bạn hãy đánh dấu mỗi lần trẻ nói những lời hay và trao phần thưởng khi hoàn thành toàn bộ bảng, như vậy trẻ sẽ được củng cố thói quen. Đặc biệt, ông bà có thể tận dụng các bảng [theo dõi] phép lịch sự này tại nhà khi các cháu đến thăm.
Đặt ra các kỳ vọng
Cha mẹ không thể kỳ vọng các con tự biết cách cư xử nếu chúng ta không cho các con biết mình mong đợi gì. Ví dụ, nếu gia đình bạn được mời đến nhà ai đó chơi, cô Friske khuyên bạn giúp con thực hành cách cư xử ở nhà trước — chẳng hạn như không mở miệng khi nhai và ngồi yên tại chỗ cho đến khi kết thúc bữa ăn — và ôn lại những quy tắc này trước khi xe đến. Hướng dẫn cho trẻ một vài cách chào chủ nhà – “Xin chào cô Johnson, cảm ơn cô đã mời con tới chơi!” — nhắc con cởi giày, và dạy con tôn trọng đồ đạc trong nhà bằng cách tránh mở các cửa và ngăn kéo. Trước khi về, hãy nhắc con nói lời cảm ơn với chủ nhà.
Tránh kén chọn món ăn
Để tránh tình trạng kén chọn món ăn ở trẻ nhỏ, cô Friske gợi ý thành lập một “Câu lạc bộ nếm thử đồ ăn.” Trong câu lạc bộ này, trẻ em phải thử mọi thứ chúng được phục vụ. “Các con không cần phải ăn hết,” cô giải thích, nhưng các con nên “thử một miếng.” Những bình luận chê bai mạnh mẽ [về món ăn] là điều không được cho phép trong câu lạc bộ. Thay vào đó, các con có thể trả lời “Giờ con chưa muốn ăn món này lắm ạ,” câu nói này thể hiện sự tôn trọng, thừa nhận rằng vị giác của trẻ nhỏ thay đổi nhanh chóng và những gì chúng không thích hôm nay có thể trở thành một yêu thích sau này.
Biến việc sắp đặt bàn ăn thành niềm vui
Ngay cả người lớn cũng thấy lúng túng trước các quy tắc đặt muỗng, nĩa, và dao trên bàn, cô Friske nói, nhưng nhiệm vụ đơn giản này lại không nhất thiết phải trở thành nỗi sợ hãi với các con. “Hãy chuẩn bị tấm lót bàn ăn,” cô nói, gợi ý trẻ em thậm chí có thể tự làm tấm lót cho riêng mình bằng cách vẽ theo [vị trí] của các dụng cụ đã được sắp đặt đúng chỗ trên bàn. Đây là cách giúp các con học và ghi nhớ vị trí của từng đồ dùng. Một khi con đã quen với những điều căn bản, hãy mở rộng sang việc học cách bày biện bàn ăn trang trọng, nhằm bảo đảm rằng trẻ sẽ cảm thấy thoải mái nếu cần phải tham gia một bữa tiệc tối trang trọng sau này.
Dạy về sự kiên nhẫn và tôn trọng
Không cha mẹ nào thích bị gián đoạn cuộc trò chuyện bởi một đứa trẻ đập vào cánh tay của họ kèm những yêu cầu dồn dập để được chú ý. Trừ phi đó đúng là một trường hợp khẩn cấp, hãy hướng dẫn con nói, “Mẹ ơi, con xin hỏi một câu được không?,” trong khi lặng lẽ siết chặt tay bạn, giải thích với con rằng làm như vậy là thể hiện sự tôn trọng đối với việc người lớn đang trò chuyện. Hãy chắc chắn bạn cũng thể hiện sự ân cần với con và nhu cầu của con: Nắm lấy tay con để con biết bạn nhận ra sự hiện diện của con và sẽ đến với con ngay khi có thể.
Linh Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times