Động lực khiến Leonardo da Vinci khám phá ngược từ giải phẫu đến linh hồn
Khám phá của danh họa Leonardo dường như đi lùi từ giải phẫu tử thi đến cảm xúc, hệ thần kinh, thiên nhiên, linh hồn “thần thánh”, và cuối cùng là “Đấng sáng tạo.”
Phỏng vấn Martin Clayton về hành trình tìm kiếm sự thật và hoàn hảo của danh họa Leonardo da Vinci
Gần đây tôi đã phỏng vấn Martin Clayton, người đứng đầu mảng in và bản vẽ của Lâu đài Windsor. Bộ sưu tập Hoàng gia này nắm giữ số lượng lớn các bức họa của Leonardo da Vinci ở khắp mọi miền thế giới. Clayton, một học giả nổi tiếng chuyên nghiên cứu về Leonardo, đã tổ chức trưng bày những tác phẩm này tại Phòng trưng bày của Nữ hoàng ở Cung điện Buckingham. Ông cũng đã xuất bản một số sách về Leonardo, bao gồm “Leonardo da Vinci: Nhà giải phẫu học”, “Leonardo da Vinci: Cơ học con người,” và “Leonardo da Vinci: Siêu phàm và dị thường.”
Trong cả bài viết này, tôi đã rút ra các trích dẫn từ cuộc trò chuyện của tôi với Clayton, cũng như các tham khảo tài liệu từ cuốn sách “Leonardo da Vinci: Cơ học con người.” Trừ các trường hợp đã nêu, tất cả các kết luận là ý kiến của riêng tôi.
Ngài Clayton và tôi nói về động lực vì sao anh ấy quan tâm nghiên cứu Leonardo da Vinci, và anh đã kể với tôi bằng nụ cười khúc khích đáng nhớ rằng đó là do kết quả của hoàn cảnh. Clayton vừa tốt nghiệp đại học thì được may mắn nhận vào làm ở bộ phận in và phác hoạ của Lâu đài Windsor. Vì luôn bị vây quanh bởi những bức vẽ của Leonardo, nên từ khi nào anh đã phát triển niềm đam mê và tình yêu sâu sắc với những tác phẩm này, đặc biệt là những nghiên cứu về giải phẫu người của Leonardo.
Từ giải phẫu người đến tâm hồn thiêng liêng
Niềm tâm huyết của Leonardo dành cho giải phẫu học chỉ là tình cờ. Ban đầu, ông đặc biệt quan tâm đến một bài viết học thuật về hội họa, và nghiên cứu về giải phẫu học chỉ là phương tiện cho mục đích này. Niềm đam mê với sự phức tạp của cơ thể người đã thôi thúc ông tiến hành nghiên cứu sâu về giải phẫu học cho một luận thuyết khoa học.
Đối với Leonardo, hiểu biết về giải phẫu không chỉ dừng ở việc tái tạo lại chính xác cấu tạo cơ và xương cho tác phẩm nghệ thuật, ông tin rằng sự am tường về mối tương tác qua lại của cảm xúc và sự phát triển của cơ thể con người sẽ giúp ông hiểu sâu hơn về sự tồn tại của con người. Clayton viết trong “Leonardo da Vinci: Cơ học của con người” rằng, “Các nghiên cứu giải phẫu ban đầu của Leonardo khá thiếu tập trung, vì ông muốn liễu giải mọi khía cạnh về cơ thể con người – không chỉ phẫu tích các cơ quan nội tạng, mà còn cả sự thụ thai và phát triển, biểu hiện cảm xúc, ngọn nguồn của các giác quan, v.v. “
Để tìm kiếm chân lý về sự tồn tại của sinh mệnh, Leonardo đã khám phá ngược từ dạng vật chất của cơ thể con người sang tâm hồn con người. Sau khi nghiên cứu các bộ cơ xương, ông đưa ra giả thuyết rằng việc nghiên cứu sâu về hệ thống dây thần kinh sẽ cho phép ông hiểu rõ hơn và giải thích tốt hơn về tác động của cảm xúc lên các
biểu hiện của cơ thể con người. Tuy nhiên, sau khi chứng minh rằng hệ thống thần kinh không đủ khả năng là nguyên nhân cốt yếu của những trải nghiệm, Leonardo nhận ra rằng điều gì đó sâu xa hơn đang đảm đương trực tiếp trách nhiệm này.
Những kết luận của Clayton
“Sự hoàn thiện về cấu trúc, cơ học của cơ thể là tiền đề dẫn dắt Leonardo trong nỗ lực nghiên cứu này. Mặc dù Thượng Đế không bao giờ được nhắc đến một cách trực tiếp… Leonardo vẫn ca ngợi “nhà soạn nhạc đầu tiên của một cỗ máy như vậy,”… và ông gán đặc trưng yếu tố đó là “bậc thầy”… Tuy nhiên, ‘tạo hóa’ … thường được coi là tác giả của một sự vật nào đó cụ thể — ví dụ, “Tại đây bạn chứng kiến trí huệ của tạo hóa trong việc đưa ra hai nguyên nhân cho chuyển động ở mỗi chi.” Ông nói “ Nếu cấu tạo này đối với bạn là một tác phẩm nghệ thuật diệu kỳ, bạn nên xem nó chẳng đáng kể gì so với linh hồn trú ngụ bên trong tòa nhà; và sự thật bất cứ điều gì có thể hiện diện, đó là một điều thiêng liêng.
Chúng ta có thể suy ra từ những khám phá của Leonardo rằng lý do cuối cùng của sự tồn tại con người là sự truyền thụ trí huệ của nhà soạn nhạc bậc thầy về cả bản chất và linh hồn thiêng liêng của con người. Khám phá này cũng gợi ý rằng bậc thầy, thiên nhiên và linh hồn thiêng liêng của con người đều có mối liên kết nội tại với nhau.
Nhà giải phẫu học tại nơi làm việc
Ban đầu, có rất ít nguồn nhân lực có sẵn để Leonardo có thể nghiên cứu trực tiếp giải phẫu học. Rất khó để mổ xẻ con người đối với một người nghệ sĩ trong nghề. Theo Clayton: “Nhiều khám phá giải phẫu ban đầu của Leonardo dựa trên sự kết hợp giữa trí tuệ thu thập được, việc mổ xẻ động vật hay chỉ là phỏng đoán đơn thuần.”
Leonardo được phép tiếp cận rộng rãi hơn với các nguồn tài nguyên giải phẫu vào năm 1503, khi ông được uỷ thác vẽ một bức bích họa tái hiện Trận chiến Anghiari (giữa Milan và Cộng hòa Florence năm 1440), và ông trở lại nghiên cứu giải phẫu của mình để chuẩn bị cho một [tác phẩm] có quy mô lớn, một bố cục có nhiều hình dạng nhân vật. Mặc dù Leonardo tập trung vào ứng dụng thực tế của giải phẫu học để biểu diễn nhân vật chính xác, nhưng không lâu sau đó, sự quan tâm của ông đối với con người lại trỗi dậy thành mục tiêu theo đuổi.
“Vào mùa đông năm 1507-1508… ông được phép khám nghiệm tử thi một người đàn ông lớn tuổi…và một năm sau ông nói rằng, ‘Tôi đã mổ xẻ hơn mười thi thể người.’… Số lượng thi thể mà ông tuyên bố đã phẫu tích tăng từ ‘hơn mười’ vào khoảng 1509 đến hơn 30 ‘vào cuối đời, và vô số các bức vẽ dựa trên việc giải phẫu cơ thể người cho thấy rằng Leonardo không còn khan hiếm tài liệu nghiên cứu nữa. Do vậy, mọi bản phác thảo và lời khẳng định trong sổ tay của Leonardo đều là kết quả của quá trình tìm hiểu trực tiếp … ”(“ Leonardo da Vinci: Cơ học của con người ”)
Clayton nói rằng, dẫu những nghiên cứu nghiêm ngặt của Leonardo về giải phẫu, tác phẩm nghệ thuật của ông trông như không có bất kỳ tài liệu tham khảo nào về giải phẫu. Tác phẩm “Thánh John the Baptist,” được Leonardo vẽ năm 1513-1516, là một minh họa tuyệt vời về cách ông sử dụng rất ít giải phẫu thực tế để thể hiện hình dạng con người. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, Leonardo càng đạt đến độ thành thạo chính xác về giải phẫu, thì tác phẩm nghệ thuật của ông càng ít thể hiện việc sử dụng các chi tiết đó, theo cách tiếp cận phổ quát hơn, siêu thường hơn.
Nghệ sĩ, nhà khoa học và nhà triết học
Nghệ thuật của Leonardo là một nỗ lực theo đuổi khoa học, và các bản vẽ giải phẫu là sự tâm huyết của ông để hệ thống hóa kiến thức mà ông thu được. Các nghiên cứu của Leonardo ngày càng quan tâm đến việc tổng hợp kiến thức mà ông bị cuốn hút về về sự tồn tại hơn là nghệ thuật phác thảo tuyệt đối. Đây có phải là lý do tại sao Leonardo mất quá nhiều thời gian để hoàn thành một vài dự án được ủy thác của mình? Có thể nào ông quan tâm đến việc tìm hiểu về cơ thể và tinh thần của con người hơn là tạo ra các tác phẩm nghệ thuật?
Điều này khiến tôi nhớ ngay đến những khám phá siêu hình của các triết gia khai sáng vào việc tổ chức tri thức, một cách tiếp cận lý thuyết hơn về cách con người chúng ta tổng hợp thông tin. Leonardo đã tham gia vào một nỗ lực mang tính hiện thực tồn tại – trái ngược với lý thuyết đơn thuần – nhằm giải đáp những ẩn đố về cách con người tồn tại thông qua việc phác thảo. Leonardo có thể đã áp dụng một cách tiếp cận triết học để hướng tới vẻ đẹp.
Ngài Marsilio Ficino, một triết gia lỗi lạc trong thời Leonardo, là người đầu tiên dịch các tác phẩm của Plato từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh, làm cho những lời dạy của Plato dễ tiếp cận nhiều hơn với công chúng. Ficino đã soạn một bài bình luận về “Hội nghị chuyên đề” của triết gia Socrates, một tác phẩm nói về bản chất của tình yêu. Socrates kể lại lời giải thích của Diotima về tình yêu trong “Symposium” như sau: Có sáu loại tình yêu, và mỗi loại được thể hiện bằng một bậc thang đại diện cho sự thăng hoa của tình yêu từ thể xác đến tinh thần. Ông đề xuất rằng ban đầu chúng ta tìm thấy tình yêu đối với một người khác giới mà chúng ta thấy hấp dẫn, nhưng sau khi niềm đam mê của chúng ta vơi bớt, chúng ta có thể bày tỏ tình yêu của mình đối với toàn bộ tạo vật. Cuối cùng, thông qua việc tiếp tục rèn dưỡng, chúng ta có thể học cách yêu vẻ đẹp của chính nó.
Tương tự, điều gì sẽ xảy ra nếu Leonardo nỗ lực chuyển từ những trải nghiệm cụ thể về cái đẹp sang một khái niệm lý tưởng, phổ quát hơn về vẻ đẹp? Leonardo dường như là đi lùi từ giải phẫu tử thi đến cảm xúc, hệ thần kinh, cho đến thiên nhiên, linh hồn “thần thánh”, và cuối cùng là “Đấng sáng tạo.” Có phải việc theo đuổi kiến thức phẫu tích của Leonardo cũng là một phát triển hướng tới điều mà ông tin là ý tưởng hướng thần?
Vào khoảng năm 1490, Leonardo đã chế tác “Vitruvian Man” dựa trên luận thuyết kiến trúc “De Architectura,” được viết bởi kiến trúc sư người La Mã Marcus Vitruvius Pollio, người đã tuyên bố:
“Các thành phần trong một đền thờ cần phải có sự hài hòa, tương quan với nhau so với toàn bộ tổng thể. Trong một cơ thể người, điểm rốn nằm ở vị trí trung tâm. Nếu một người đàn ông nằm ngửa, tay chân dang rộng ra, sau đó vẽ một vòng tròn lấy rốn làm tâm thì các đầu ngón tay và ngón chân của anh ta sẽ chạm vào vòng tròn đó. Cơ thể con người không chỉ được bao quanh bởi một hình tròn, còn có thể được nằm trong một hình vuông. Nếu chúng ta đo từ bàn chân đến đỉnh đầu, sau đó dang rộng đo hai sải tay, sao cho các đường thẳng vuông góc với nhau, thì bao quanh đó cũng sẽ tạo thành một hình vuông hoàn hảo.”
Leonardo đã mô tả một hình tròn và hình vuông tương ứng với hai vị trí bao quanh hình hình dáng con người: một vị trí với cánh tay và chân dang ra, và một vị trí còn lại là cánh tay vuông góc với phần còn lại của cơ thể. Nhiều họa sĩ đã cố gắng miêu tả hình dáng con người hoàn hảo bằng cách áp dụng hình tròn và hình vuông, kết quả là những hình người có tay chân dài ra và đầu thì nhỏ. Thay vì cố gắng chỉnh hình dáng con người thành hình tròn hoặc hình vuông, Leonardo đã bắt đầu với việc khắc họa chân thực và chính xác về hình dạng con người tồn tại trong tự nhiên và đi theo cách của mình để trở về lại ý tưởng.
Leonardo theo đuổi thân hình lý tưởng không chỉ thông qua các dạng hình học chung chung, mà ông còn liên hệ mô hình thu nhỏ của cơ thể với mô hình vĩ mô của trái đất trong ấn bản Oxford World Classics của cuốn “Notebooks”:
“Nhận thấy rằng nếu một người được tạo thành từ đất, nước, không khí và lửa, thì cấu tạo của trái đất này cũng có thể tương quan như vậy. Trong khi con người có xương để làm cấu trúc và làm bộ khung cho xác thịt của mình, thì Trái đất có đá để làm bệ đỡ cho trái đất. Bên trong con người có một hồ máu, lí do vì sao phổi nở ra và co lại khi anh ta thở, thì cơ thể trái đất có đại dương, thuỷ triều cũng lên xuống cứ sáu giờ một lần theo nhịp thở của trái đất; các tĩnh mạch truyền đi các nhánh của chúng qua cơ thể con người từ hồ máu nói trên, và do đó, đại dương lấp đầy cơ thể trái đất với vô số mạch nước.”
Leonardo đã phải vật lộn với việc cân bằng sự thống nhất của nghệ thuật và khoa học. Clayton nói rằng “mối quan tâm của ông về tỷ lệ là một đặc điểm cơ bản trong các nghiên cứu giải phẫu ban đầu…. Tuy nhiên, khi Leonardo cố gắng xác định tỷ lệ hoàn hảo của con người, những quan sát của ông ngày càng trở nên cụ thể, và vì vậy công thức cho vẻ đẹp lý tưởng ngày càng xa vời. Vào đầu những năm 1490, nghiên cứu của Leonardo về cơ thể con người, cấu trúc và các kinh nghiệm của cuộc sống đã đạt đến đỉnh điểm.”
Chính việc đuổi về lý tưởng hoàn hảo của Leonardo đã ngăn ông chạm đến sự hoàn hảo. Clayton và tôi đồng ý rằng những tìm tòi của Leonardo, dù mang tính chất khoa học hay nghệ thuật, đều phản ánh nhiều hơn về một người đàn ông quan tâm đến việc khám phá những bí mật của vũ trụ. Theo cách này, những nỗ lực theo đuổi nghệ thuật sáng tạo và khoa học của ông là những hoạt động tìm hiểu và nâng cao mang tính cá nhân.
Khi Clayton được hỏi về lời khuyên nào mà anh tin rằng Leonardo sẽ trao cho những người trong thời đại chúng ta đang theo đuổi các mục đích tương tự ngày nay. Anh trả lời, “Hãy vẽ, sau đó suy ngẫm, rồi vẽ thêm nữa,” anh nói.
Mai Hoa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times