Raphael của những đóa hoa: Họa sĩ Pierre-Joseph Redouté
Hầu hết chúng ta đều từng nhìn thấy tiểu thiên sứ trong bức tranh “Sistine Madonna” (Đức Mẹ Sistine) của danh họa Raphael, cũng như những đóa hồng trong các tác phẩm của họa sĩ Pierre-Joseph Redouté, nhưng có lẽ không phải là các tác phẩm gốc. Các bức tranh đó đã được thương mại hóa, in lên túi xách, bưu thiếp, hàng dệt may và những thứ tương tự, đến mức vài người trong chúng ta có thể không biết được mục đích ban đầu của các tác phẩm này hoặc thậm chí là ai đã sáng tác ra chúng.
Các tác phẩm của danh họa Raphael thì không cần phải giới thiệu nữa, nhưng các tác phẩm của họa sĩ Redouté’s thì có thể. Ông phác thảo, vẽ, chạm khắc, và in hoa hồng cũng như tất cả các loài thực vật khác, vì mục đích khoa học và vì vẻ đẹp thuần khiết của chúng.
Họa sĩ Pierre-Joseph Redouté (1759–1840) xuất sắc trong ba loại hình nghệ thuật miêu tả thực vật: minh họa thực vật, nghệ thuật thực vật, và các bức tranh về hoa. Mỗi thể loại có một mục đích riêng. Dòng tranh nghệ thuật thực vật được thực hiện với độ chính xác tương tự như dòng tranh minh họa thực vật nhưng chỉ mang tính thẩm mỹ. Các bức tranh về hoa có xu hướng ít chính xác về mặt thực vật học và [trông] huyền ảo hơn.
Các họa sĩ tạo ra những hình ảnh minh họa thực vật cho mục đích khoa học và nhận dạng. Các bản vẽ chính xác và chi tiết này được tạo ra dựa trên thực vật sống hoặc tiêu bản, thường bao gồm vòng đời và tất cả các bộ phận của cây. Một ví dụ điển hình là bức tranh màu nước về cây thạch nam Erica Fulgida được họa sĩ Redouté thể hiện một cách tinh tế, cùng các bộ phận của hoa được đánh số từ một đến năm ở bên dưới.
Các nhà thực vật học thời nay dựa vào những bức tranh minh họa thực vật nhiều hơn là ảnh chụp. Cô Alice Tangerini, họa sĩ minh họa của khoa thực vật học ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia thuộc Viện Smithsonian, giải thích rằng các bức tranh minh họa thực vật “thể hiện những gì mà nhà thực vật học miêu tả, đóng vai trò như người hiệu đính cho các mô tả khoa học. Mặc dù, nhiếp ảnh kỹ thuật số ngày càng được sử dụng nhiều hơn, nhưng không thể đưa ra đánh giá rõ ràng về các chi tiết phức tạp trong các bộ phận của cây mà nhà khoa học có thể muốn làm nổi bật, và máy ảnh cũng không thể tái tạo lại một mẫu thực vật sống động như thật từ chất liệu được sấy khô và ép.”
Một họa sĩ trong thời đại của ông
Vào thế kỷ 16, việc trồng, nghiên cứu, và thu thập các loài thực vật và hoa cỏ ngoại lai đã trở nên phổ biến. Ban đầu, các nhà thực vật học thực hiện các bức vẽ minh họa ngoài thực địa hoặc thuê các họa sĩ đi cùng họ để tránh gây ra bất cứ rủi ro nào có thể làm hỏng mẫu vật trong quá trình vận chuyển. “Mục đích của nghệ thuật lịch sử tự nhiên là trợ giúp nhà khoa học trong công việc nhận dạng, mô tả, phân loại, và đặt tên cho các loài,” bà Judith Magee, người phụ trách sách, bản thảo, và tác phẩm nghệ thuật quý hiếm tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London cho biết trong một video. Một nhà sưu tầm sẽ tạo ra các bức vẽ minh họa chi tiết về thực vật và xuất bản chúng dưới dạng các bản khắc acid hoặc bản khắc vật lý trong một cuốn album có tên “florilegium,” dịch từ tiếng Latinh là “Bộ Sưu Tập Các Loài Hoa.” Và vào thế kỷ 18, các nhà thực vật học bắt đầu sử dụng cách phân loài mới của nhà phân loại học người Thụy Điển Carl Linnaeus cho thế giới tự nhiên (thành các giới và các lớp) như đã nêu trong tác phẩm “Systema Naturae” năm 1735 của ông, một hệ thống phân loại mà chúng ta vẫn sử dụng cho đến ngày nay.
Trong suốt cuộc đời mình (và hơn thế nữa), họa sĩ vẽ thực vật Redouté được công nhận là họa sĩ lỗi lạc trong lĩnh vực của mình và là nhân vật được hoàng gia cũng như nhiều quý tộc quý mến. [Trong đó] đáng chú ý nhất là Vương hậu Marie Antoinette và Hoàng hậu Joséphine Bonaparte, cả hai đều là những nhà bảo trợ và học trò của ông.
Ông đã tạo nên hơn 2,100 bức tranh thực vật học — bao gồm hơn 1,800 loài, một số loài chưa từng được ghi nhận trước đây, và một số loài khác đã tuyệt chủng.
Theo [trích dẫn] trong cuốn sách “Redouté: The Book of Flowers” (Họa Sĩ Redouté: Sách về Các Loài Hoa) của tác giả H. Walter Lack, năm 1817, họa sĩ Redouté nói về các tác phẩm nghệ thuật của mình như sau: “Tôi tin rằng mình đã đạt được thành công trong ba yếu tố kết hợp là tính chính xác, bố cục và màu sắc, sự hợp nhất của ba yếu tố này là phương tiện duy nhất để đưa việc mô tả hình tượng thực vật trở nên hoàn hảo.”
Bên cạnh các tác phẩm nổi tiếng nhất là “Les Roses” (Hoa Hồng) và “Les Liliacées” (Hoa Huệ Tây), họa sĩ Redouté còn mô tả nhiều loài thực vật khác. Ví dụ, ông vẽ các loài xương rồng và cây mọng nước tuyệt đẹp như loài Heliocereus speciosus, như được nhìn thấy ở bông hoa nở rộ trong một bản phác họa sơ bộ màu nước trên giấy da, được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Quận Los Angeles. Và họa sĩ Redouté đã tạo nên những nghiên cứu đơn sắc về các loài cây Bắc Mỹ trong cuốn sách “Histoire des Chênes de l’Amérique” (1801) (Lịch Sử Của Những Cây Sồi Mỹ) của tác giả André Michaux, để làm nổi bật những loài cây có thể làm hồi sinh vùng nông thôn nước Pháp.
Họa sĩ Pierre-Joseph Redouté
Sinh ra ở thành phố St. Hubert, Ardennes, nước Bỉ ngày nay, họa sĩ Redouté học vẽ từ cha mình, vốn là truyền thống gia đình bắt nguồn từ ông nội của Redouté. Năm 6 tuổi, ông Redouté đã sáng tác những họa phẩm nhỏ, và năm 13 tuổi, ông rời nhà để kiếm sống như một họa sĩ lưu động. Trong thời gian đó, ông học hỏi với các bậc thầy người Flemish ở vùng Flanders và Vùng Đất thấp (Low Countries), đồng thời khám phá các tác phẩm của nhiều họa sĩ vẽ hoa người Hà Lan như ông Rachel Ruysch và ông Jan van Huysum.
Ở Paris, ông cùng anh trai thiết kế sân khấu. Trong thời gian rảnh rỗi, ông học in màu và đến nghe ông Gerard van Spaendonck, một họa sĩ người Hà Lan kiêm giáo sư hội họa hoàng gia chính thức của hoàng tộc Pháp, giảng dạy.
Ông cũng phác thảo và vẽ các loại cây quý hiếm trong nhà kính (nhà kính thương mại) của Le Jardin Royal des Plantes Médicinales (Vườn thảo dược Hoàng gia). Trong một chuyến đi đến nhà kính, ông gặp nhà quý tộc, nhà sinh vật học, và cũng là nhà sưu tập thực vật đầy đam mê Charles L’Héritier. Ông L’Héritier đã dạy ông giải phẫu, phẫu tích, và cách tạo nên những hình vẽ minh họa cho các nhà thực vật học. Ông L’Héritier lần đầu tiên ủy quyền cho ông Redouté tạo ra 50 bức vẽ cho các bản khắc trong cuốn “Stirpes Novae” (“Những Loài Cây Mới,” 1784–1785) của ông.
Họa sĩ Redouté thực hiện tổng cộng 500 bức vẽ cho ông L’Héritier, bao gồm nhiều loài thực vật quý hiếm sinh trưởng ở Vườn Kew. Các bức vẽ này được xuất bản vào năm 1788 trong cuốn sách “Sertum Anglican” (Tuyển Tập Hoa Anh Quốc).
Họa sĩ Redouté học vẽ màu nước trên giấy da từ họa sĩ vẽ hoa cho đức vua là ông van Spaendonck. Ông van Spaendonck đã giám sát các tác phẩm của ông Redouté trong “Les Vélins du Roi” (Những Bức Tranh Trên Giấy Da Của Nhà Vua), một tài liệu có gần 7,000 bức họa ghi chép lại bộ sưu tập động thực vật của hoàng gia. Nghệ nhân chạm khắc hoàng gia Gilles Demarteau đã dạy ông Redouté kỹ thuật khắc chấm (stipple engraving). Năm 1790, ông Redouté học cách khắc chấm màu từ nghệ nhân chạm khắc người Ý Francesco Bartolozzi tại Vườn Kew ở Anh quốc. Các họa sĩ tạo ra các bản khắc chấm bằng cách khắc chấm nhỏ thay cho đường nét, với mật độ khác nhau lên tấm bản đồng để truyền tải sắc thái và tông màu.
Khi Nữ hoàng Marie Antoinette ủy thác cho họa sĩ Redouté, ông được quyền sử dụng toàn bộ tòa lâu đài mới Petit Trianon và các khu vườn ở đó. Vua Louis XVI đã tặng lâu đài này cho hoàng hậu của mình cùng câu nói nổi tiếng rằng, “Gửi hoàng hậu yêu thích những bông hoa, ta xin tặng nàng bó hoa này.”
Người tiên phong về các bản in thực vật
Họa sĩ Redouté vẽ màu nước trên giấy da mỏng, sau đó là trên giấy da dày thượng hạng trong các bản in của ông. Trong các tác phẩm thuở đầu, ông sử dụng kỹ thuật chạm khắc đường nét, về sau hoàn thiện bằng kỹ thuật khắc chấm màu, giúp tông màu và sắc thái trở nên tinh tế hơn. Ông đã giới thiệu kỹ nghệ khắc chấm đến Pháp quốc và đưa nó vào nghệ thuật vẽ tranh thực vật.
Họa sĩ Redouté đã in các bản khắc chấm bằng cách trước tiên in một số vết mực đen lên các tấm khắc mới. Điều này làm mất độ sắc nét của các bản in được tạo ra từ tấm khắc nguyên bản. Ông lựa chọn giấy có màu vàng son cho các bản in màu đen để làm nổi bật tông màu tinh tế này của các bản khắc chấm, điều mà giấy trắng trơn không làm được. Ông đã công bố những bản in đơn sắc này trong các ấn bản đặc biệt của nhiều cuốn sách.
Kỹ pháp tốn nhiều thời gian mà họa sĩ Redouté dùng để mô tả các loài thực vật có màu sắc này đòi hỏi phải thêm tất cả các màu mực cùng một lúc. Điều này bao gồm việc sử dụng một miếng da sơn dương nhỏ xíu hoặc miếng vải lau bằng bông, và một tấm khắc chấm, nhằm giúp các tông màu nhẹ nhàng tinh tế, và các đường nét uyển chuyển của thực vật nổi lên trên các bản khắc này. Sau khi in xong, ông Redouté sẽ tô màu thủ công lên các bản in rồi tiêu hủy các tấm đồng để ngăn việc chế tạo ra các bản in khác.
Những đóa hồng và huệ tây
Năm 1798, phu nhân của Hoàng đế Napoleon, Hoàng hậu Joséphine, lần đầu tiên ủy thác cho họa sĩ Redouté vẽ các bức tranh màu nước thực vật cho phòng ngủ của bà tại lâu đài Château de Malmaison, nằm cách trung tâm thủ đô Paris khoảng 9 dặm. Những tác phẩm ủy thác tiếp theo được xuất bản trong cuốn sách “Jardin de la Malmaison” của nhà thực vật học Étienne Pierre Ventenat, và cuốn sách “Description des Plantes Rares Cultivées à Malmaison et à Navarre” (Mô Tả về Các Loài Thực Vật Quý Hiếm Được Ươm Trồng tại Malmaison và Navarre) của nhà thực vật học Aimé Jacques Alexandre Bonpland.
Là người đam mê sưu tầm hoa, Hoàng hậu Joséphine đã trồng tất cả các loài hoa hồng từng được biết đến trong các khu vườn của bà ở lâu đài Malmaison. Chiến tranh cũng không thể ngăn cản các khu vườn này mở rộng khi Hoàng đế Napoleon ra lệnh cho các sĩ quan chỉ huy hải quân lùng sục mọi chuyến tàu để [tìm kiếm] các loài thực vật cho khu vườn của bà. Ngay cả khi Pháp quốc và Anh quốc đang xảy ra chiến tranh, Hoàng hậu Joséphine vẫn nhập cảng hoa hồng từ nhà ươm vườn người Anh của bà. Và ngài Joseph Banks, quan đốc chính của Vườn bách thảo Hoàng gia Kew, đã gửi hoa hồng cho bà.
Trong lời tựa cho cuốn sách “Jardin de la Malmaison (năm 1803),” nhà thực vật học Ventenat đề cập đến Hoàng hậu Joséphine và niềm đam mê sưu tầm hoa của bà. Đó là “những loài thực vật quý hiếm nhất trên đất Pháp [và] là những món quà lưu niệm ngọt ngào nhất từ các cuộc chinh phục của vị phu quân lừng lẫy của bà.”
Họa sĩ Redouté đã hoàn thành các tác phẩm nổi tiếng nhất của mình dưới sự bảo trợ của Hoàng hậu Joséphine như: “Les Roses” và “Les Liliacées.” Ông tạo nên ba phần của tập tranh “Les Roses” từ năm 1817 đến năm 1824, và xuất bản 168 bản khắc trong 30 kỳ. Nhà thực vật học Claude Antoine Thory viết các mô tả khoa học đi kèm mỗi mẫu vật.
Các chuyên gia tin rằng những bản khắc trong tập tranh “Les Roses” có giá trị về nghệ thuật, thực vật học, và tư liệu học, cho cả những chủng loài và giống cây vẫn tồn tại lẫn các loài đã tuyệt chủng. Hoàng hậu Joséphine chưa bao giờ thấy tập tranh “Les Roses” của họa sĩ Redouté đạt đến thành công rực rỡ, vì bà đã qua đời trước khi ông hoàn thành tác phẩm này.
Tập tranh “Les Liliacées” là tác phẩm đồ sộ nhất của họa sĩ Redouté, gồm tám quyển và 503 bản khắc, được xuất bản thành 80 kỳ từ năm 1802 đến năm 1816. Tác phẩm này không chỉ bao gồm những loài huệ tây, mà còn có các loài hoa không thuộc họ huệ tây, như hoa diên vĩ (iris), hoa phong lan (orchid), hoa chuối pháo (heliconia), hoa dứa sợi (agave), hoa loa kèn đỏ (amaryllis), và dứa cảnh (bromeliad), có cả thơm và chuối. Họa sĩ Redouté tô màu thủ công cho 18 bản sao giấy khổ lớn trong tập tranh “Les Lilacées.”
Ông đã đổi tên một loài hoa huệ tây để tôn vinh Hoàng hậu Joséphine. Brunsvigia josephinae thường được gọi là hoa huệ Joséphine hoặc hoa huệ candelabra, phải mất hơn một thập niên để cây trưởng thành trước khi đơm hoa. Hoàng hậu Joséphine đã mua củ của loài hoa này ở Hà Lan sau khi cây nở hoa lần đầu tiên sau 20 năm. Ông Redouté ghi chú rằng dưới sự chăm sóc của Hoàng hậu Joséphine, cây hoa này nở hoa hai lần, vì vậy ông đã đổi tên của nó.
Sau khi họa sĩ Redouté qua đời, người bạn ký giả của ông đã viết về tập tranh “Les Liliacées” như sau:
“Họ Huệ tây (Liliaceae) lung linh và yêu kiều này, có một phả hệ khó với nhiều chủng loài khác nhau đan xen và pha trộn tuyệt vời — phải là một thiên tài mới có thể miêu tả được các loài hoa này.”
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times