Hai kẻ bạo tàn của Cách mạng Pháp mê mờ trong quyền lực và bị hành quyết cùng một ngày
Trước Cách mạng Pháp, ông Louis Antoine de Saint-Just và ông Maximilien Robespierre không được xem là những con quái vật. Rốt cuộc thì điều gì đã khiến họ thay đổi?
“Hầu hết các loại hình nghệ thuật đều tạo ra những điều kỳ diệu, còn nghệ thuật cai trị không tạo ra điều gì ngoài những con quái vật.”
Người đàn ông nói ra những lời đó chính là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lịch sử về chủ đề này. Bản thân ông chính là một con quái vật, được tạo ra bởi thứ chất độc mà chúng ta gọi là “quyền lực.” Vào ngày 28/07/1794, ông ta và một nhóm cận thần nổi tiếng đã phải bước lên đoạn đầu đài, vĩnh biệt cõi đời để lãnh bất cứ nghiệp quả nào đang chờ đợi họ.
Tên ông là Louis Antoine de Saint-Just (1767–1794). Bằng hữu thân cận và đồng minh chính trị của ông là ông Maximilien Robespierre. Cùng nhau, họ đã kiến tạo ra một Triều đại Khủng bố trong thời kỳ Cách mạng Pháp, một giai đoạn bùng phát bạo lực của đàn áp và tàn sát. Cả hai người đàn ông này đều đã leo đến đỉnh cao của quyền lực, để rồi bị nuốt chửng bởi chính cỗ máy mà họ đã dùng để kết liễu cuộc đời của rất nhiều người khác. Điểm khác biệt chính yếu giữa một bên là ông Saint-Just và ông Robespierre và bên kia là vô số nạn nhân của họ, đó là hai kẻ bạo tàn này đã phải nhận lấy những kết cục thảm khốc cho [hành động ác nhân] của mình.
Trong một bài diễn văn hồi tháng 02/1794, ông Robespierre (1758–1794) đã ví khủng bố với đức hạnh. Mục đích đó (một nền cộng hòa bình đẳng chính nghĩa và có đạo đức cao thượng) đã trở thành lý do biện minh cho bất kỳ chiêu thức nào để biến điều này thành hiện thực.
“Nếu nền tảng của chính phủ vì dân trong thời bình là đức hạnh, thì nền tảng của chính phủ vì dân trong một thời kỳ cách mạng là cả đức hạnh lẫn khủng bố; thiếu đi đức hạnh thì khủng bố đích thị là tà ác; thiếu đi khủng bố thì đức hạnh cũng chẳng còn quyền uy. Khủng bố không gì khác hơn là thực thi công lý một cách nhanh chóng, nghiêm khắc, và không mềm mỏng; do đó nó là khởi nguồn của đức hạnh; bản thân nó không phải là một nguyên tắc mà là một hệ quả từ nguyên tắc chung của một nền dân chủ, được áp dụng cho những nhu cầu cấp bách nhất của quê hương.”
Đối với bất kỳ người lý trí, cư xử đúng mực và chính thường nào mà nói, thì “đức hạnh” không hề được áp dụng trong những gì hai nhà cách mạng kia đã thực thi, dù chỉ là một phần rất nhỏ. Nhưng hãy lưu ý rằng ngay cả những kẻ khát máu nhất, cấp tiến nhất trong cả đoàn thể đó cũng đã sử dụng thuật ngữ tích cực để bênh vực cho hành động tà ác của họ, như là “công lý,” “dân chủ,” “tổ quốc,” “chính phủ vì dân”, cùng nhiều thuật ngữ khác. Họ đã tàn sát hàng ngàn người nhân danh “tự do, bình đẳng, bác ái!”
Vào ngày 05/09/1793, Quốc Ước (Quốc hội của chính phủ Cách mạng Pháp) đã bỏ phiếu tuyên bố rằng “khủng bố là nghị trình hiện tại” để bảo vệ cuộc cách mạng này khỏi những kẻ thù trong và ngoài nước. Ba tháng sau, Quốc Ước trao quyền hành pháp to lớn cho Ủy ban An toàn Công cộng khét tiếng [do ông Robespierre dẫn dắt].
Từ vị trí của mình trong ủy ban, ông Robespierre đã chuyển các quyền phán quyết của nhóm cho ông Saint-Just, nổi tiếng với biệt danh “Tổng lãnh Thiên Thần của Triều đại Khủng bố,” người giám sát các vụ tịch thu tài sản, các vụ bắt giữ hàng loạt, và các vụ hành quyết sau đó. Luận điệu ghê rợn của ông Saint-Just cũng thể hiện tính khủng bố trong từng câu chữ:
“Ta phải trừng phạt không chỉ những kẻ phản bội, mà ngay cả những kẻ hờ hững thờ ơ; ta còn phải trừng phạt bất cứ người nào thụ động trong nền cộng hòa, và cả những người không cống hiến gì cho chính thể. … Con tàu Cách mạng này chỉ có thể cập bến trên một vùng biển nhuốm đỏ với dòng máu cuồn cuộn dâng. … Một quốc gia sẽ chỉ tái sinh trên những đống thi hài.”
Vào ngày 10/06/1794, Quốc Ước đã ban hành Luật 22 Prairial (được ban hành vào tháng đồng cỏ theo lịch Cách mạng Pháp) khét tiếng. Đạo luật này đưa ra một danh sách mở rộng về “kẻ thù của nhân dân”, những người sẽ bị trừng phạt bằng án tử mà gần như không có quyền kháng cáo. Sáu tuần sau đó, đường phố khắp Paris chìm trong biển máu. Sau đó, khi sự hỗn loạn lên đến đỉnh điểm, cuộc cách mạng này đột nhiên tiêu diệt hai thành viên quyết liệt nhất. Ông Robespierre và ông Saint-Just bị bắt vào ngày 27/07 và bị hành quyết vào ngày hôm sau. Lúc đó, ông Robespierre 36 tuổi và chàng thanh niên Saint-Just mới chỉ 26 tuổi.
Nghiên cứu sâu hơn trường hợp của hai nhân vật này, chúng ta thấy được hậu quả mang tính hủy diệt, đáng kinh ngạc của quyền lực chính trị. Không có gì trên đời này có thể giải thích cho sự thay đổi ngoạn mục trong tính cách của họ. Trước cuộc cách mạng, ông Robespierre là một người ôn hòa phản đối bản án tử hình. Với quyền lực tối cao trong tay, ông trở thành một trong những con quái vật như ông Saint-Just đã viết.
Theo ghi nhận của một số sử gia, sự thay đổi của ông Saint-Just thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Được mô tả là “một người tự do vô ưu và nồng nhiệt” vài năm trước, gần như chỉ sau một đêm, ông ta đã trở thành một người “quyết liệt, chuyên quyền, và bắt bẻ một cách sỗ sàng,” “nhà tư tưởng lạnh lùng của nền cộng hòa thuần túy”, và “như một hòn đá không thể mở lòng được với mọi tình cảm ấm áp.” Ông bỏ rơi người phụ nữ mình yêu, ruồng bỏ bạn bè, từ bỏ sự say mê của mình với văn chương, và đã lột xác thành một kẻ sát nhân với một mục đích duy nhất — kiểm soát, tra tấn, hoặc sát hại người dân để “tái tạo” xã hội.
Nếu quý vị tình cờ gặp ông Robespierre hoặc ông Saint-Just trên đường phố Paris trước cuộc cách mạng bắt đầu vào năm 1789 này, rất có thể quý vị sẽ có một cuộc trò chuyện thú vị với họ. Quý vị sẽ đánh giá họ là những người mới gặp thân thiện, thông minh, và ăn nói lưu loát. Tương tự thế, nếu quý vị ngồi chung lớp và cùng bàn với ông Adolf Hitler tại Học viện Mỹ thuật Vienna vào năm 1910, quý vị có thể không bao giờ đoán được ông ta sẽ làm gì một khi đã thâu tóm được quyền lực vài thập niên sau đó.
Một triết gia ở thế kỷ 20, ông Eric Hoffer, đã nghiên cứu về những kẻ cuồng tín và thứ quyền lực mà những kẻ cuồng tín này khao khát. Ông nghĩ rằng quyền lực làm con người ta lộ ra bản chất xấu xa độc ác nhất, mà rất ít người có thể từ bỏ quyền lực hoặc kiềm chế bản thân khi họ có được nó trong tay:
“Sự tha hóa cố hữu trong quyền lực tuyệt đối bắt nguồn từ một thực tế rằng thứ quyền lực đó không bao giờ tách khỏi xu hướng biến con người thành một thứ đồ vật. … Vì động cơ của quyền lực là biến mọi biến số thành một hằng số và ra lệnh cho sự biến hóa không ngừng và không thể lay chuyển của định luật tự nhiên. Do đó, quyền lực tuyệt đối sẽ làm con người tha hóa ngay cả khi được sử dụng vì mục đích nhân đạo. Kẻ bạo chúa nhân từ tự xem mình là một người chăn cừu chăm lo cho người dân nhưng vẫn đòi hỏi ở họ sự phục tùng của một bầy cừu. Sự bại hoại cố hữu trong quyền lực tuyệt đối không phải nằm ở tính vô nhân đạo của nó mà nằm ở tính phản nhân loại của nó.”
Tôi không thể nghĩ ra động cơ nào độc hại hơn quyền lực — dục vọng muốn chèn ép, điều khiển người khác, chiếm đoạt tài sản của họ, biến họ thành món đồ chơi của mình, và nhét người ta vào một cái hộp hoặc tệ hơn thế. Chúng ta đừng bao giờ đánh giá thấp những gì quyền lực có thể gây ra cho cả những người tốt nhất. Chúng ta nên bỏ chạy để cứu lấy tính mạng của mình ngay khi người bạn thân nhất tuyên bố rằng anh ta sẽ làm những điều tốt đẹp nếu như anh ấy có quyền lực để làm thế. Nếu lịch sử dạy chúng ta bất cứ điều gì, thì đó chính là: Đừng để quyền lực tập trung vào tay bất kỳ ai hoặc bất kỳ nhóm nào.
Quý vị có cho rằng mối nguy hiểm này chỉ xuất hiện trên bình diện quốc gia, chứ không bao giờ xuất hiện ngay tại địa phương của mình? Thế thì, điều đó có nghĩa là là quý vị chưa từng phải đối phó với những kẻ độc đoán ưa kiểm soát thường tiếp quản ủy ban quy hoạch địa phương hoặc một hội đồng trường rồi.
Nếu quyền lực là một ác ma, thì ông Robespierre và ông Saint-Just đã hoàn toàn bị nó chiếm hữu và làm cho biến dạng. Khi thầy trừ tà đến tìm họ, phương thuốc cứu chữa duy nhất mà ông ta có thể làm là tiêu hủy họ.
Làm sao chúng ta biết liệu cái ác mà quyền lực cổ xúy có đang ẩn náu giữa những người xung quanh chúng ta hay không? Nó sẽ nói gì bên dưới lớp mặt nạ của mình? Tôi sẽ thử khám phá điều này: Nó sẽ rỉ tai những điều như “Hãy tăng số lượng thẩm phán đi!” Nó sẽ tìm cách bịt miệng những ý kiến bất đồng. Để gieo rắc sự hỗn loạn và bất ổn, nó sẽ định nghĩa lại bản chất hoặc tấn công bất kỳ nguyên tắc hoặc phong tục lâu đời nào ngáng đường nó. Nó sẽ dụ dỗ chúng ta bằng những lời hứa hão huyền. Nó sẽ đơm đặt ra những kẻ hung ác và nạn nhân rồi đóng vai là vị cứu tinh của chúng ta. Nó hứa với chúng ta rằng tất cả những điều tuyệt vời sẽ đến với chúng ta nếu chúng ta trao cho nhà nước quyền thực hiện những điều ấy.
Lời khuyên của tôi là: Đừng rơi vào cái bẫy đó. Thay vào đó, hãy chiêm nghiệm những lời nói này của một người Pháp tên là Frédéric Bastiat, người minh tỏ được quyền lực có thể xấu ác đến mức độ nào:
“Hãy có trách nhiệm với chính mình. Hãy trông cậy ở Nhà nước không điều gì khác ngoài luật pháp và trật tự. Đừng trông mong rằng họ sẽ cho ta của cải, hay khai sáng trí huệ cho ta. Đừng bắt họ phải chịu trách nhiệm về những sai lầm, sự bất cẩn, hay sự thiển cận của chúng ta. Chỉ trông cậy vào chính bản thân chúng ta để sinh tồn, để chúng ta có được sự thăng hoa về thể chất, trí tuệ, và đạo đức!”
Có lẽ yêu cầu đó là quá nhiều. Nhưng khi không còn lựa chọn nào khác ngoài chế độ chuyên chế, thì ít nhất chúng ta cũng nên lưu tâm tới lời cảnh báo của ông Bastiat.
Thông tin tham khảo
“Francois-Noel Babeuf: The Marxist Before Marx” của Lawrence W. Reed
“Olympe de Gouges: Heroine of the French Revolution” của Lawrence W. Reed
“How Nationalism and Socialism Arose from the French Revolution” của Dan Sanchez
“Louis Antoine de Saint-Just” (Wikipedia)
“The Terror: The Merciless War for Freedom in Revolutionary France” của David Andress
“The French Revolution and What Went Wrong” của Stephen Clarke
“A Tale of Two Revolutions” của Robert A. Peterson
“The Wisdom of Eric Hoffer—Part 1” của Lawrence W. Reed
“The Wisdom of Eric Hoffer—Part 2” của Lawrence W. Reed
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch times