Kênh đào Erie: Nhóm kỹ sư tự học xây dựng thủy lộ nhân tạo dài nhất thế kỷ 19
Cách một đội ngũ kỹ sư tự học vượt qua những trở ngại để xây dựng một thủy lộ nối liền giữa Ngũ Đại Hồ và Đại Tây Dương
Bùm! Tiếng đại bác vang rền khắp tiểu bang New York vào ngày 26/10/1825. Những người đàn ông chăm chú lắng nghe tại nơi cứ địa của họ, sẵn sàng khai hỏa các khẩu đại bác của mình một khi nghe được âm thanh của những khẩu đại bác khác vang vọng từ phương xa. Cuộc tiếp sức này kéo dài từ Buffalo đến tận Manhattan, nơi mà những phát đại bác cuối cùng loan báo rằng tàu Seneca Chief đã rời khỏi Buffalo và đang trên đường đến bờ biển. Một thập niên trước đó, thủy lộ mà con tàu này di chuyển thậm chí không hề tồn tại, nhưng giờ đây con tàu này sẽ di chuyển từ phía bờ đông của Hồ Erie đến Đại Tây Dương. Đây cũng chính là con tàu đầu tiên đi hết chiều dài của kênh đào Erie.
Kỳ tích tưởng chừng bất khả thi
Thế kỷ 19 bắt đầu và những người tiên phong đi về phía tây đến vùng Ngũ Đại Hồ, vài người trong số họ đã đề xướng một hình thức vận chuyển an toàn hơn, nhanh chóng hơn, đáng tin cậy hơn từ vùng đất giàu tài nguyên Buffalo đến bờ biển phía tây. Ngay từ những ngày đầu năm 1800, vị Tổ phụ Lập quốc của Hoa Kỳ, ngài Gouverneur Morris, đã ủng hộ việc xây dựng một kênh đào lớn. Ông đã viết:
Chẳng phải đó là một phép màu sao? 1/10 chi phí do Anh Quốc bỏ ra trong chiến dịch vừa qua sẽ cho phép các con tàu di chuyển từ London qua sông Hudson đến Hồ Erie. Trong thời gian không xa, hàng trăm con tàu sẽ nối liền những ngọn sóng của những vùng biển nội địa kia. … Chúng ta chỉ đang lê bước chậm chạp trên lớp vỏ ngoài của đất nước chúng ta. Vùng đất sâu trong lục địa có thổ nhưỡng, khí hậu, mọi điều khác vượt trội hơn nơi chúng ta đang sống. Đế chế kiêu hãnh nhất ở Âu Châu chỉ là một món đồ trang sức rẻ tiền so với những gì Mỹ quốc sẽ và phải trở thành, trong hai thế kỷ tới, hoặc có lẽ chỉ là một thế kỷ mà thôi.
Tuy nhiên, một số người lại nghĩ rằng một kênh đào lớn như vậy là không thể hoàn thành. Năm 1809, Ngài Thomas Jefferson tuyên bố: “Nói về việc xây dựng một kênh đào dài 350 dặm băng qua các vùng hoang dã là một việc gần như khá điên rồ.”
Dù ngài Jefferson đã lên tiếng thay cho nhiều người, nhưng một người đàn ông quyền lực ở New York đã trở thành một trong những người ủng hộ việc xây kênh đào mạnh mẽ nhất. Ông DeWitt Clinton đã phụng sự trong cơ quan lập pháp tiểu bang, với tư cách là một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, thị trưởng New York, và thống đốc tiểu bang New York. Ông đã ủng hộ việc xây dựng một con kênh trong khi làm việc ở cơ quan lập pháp tiểu bang và với tư cách là thị trưởng New York. Ông Clinton tin rằng kênh đào này có thể thúc đẩy sự thịnh vượng cho thành phố của ông.
Ông Clinton nói: “Thuận theo thời gian, thành phố sẽ trở thành kho lương của thế giới, trung tâm thương mại, trụ sở của các nhà sản xuất, tâm điểm của các hoạt động tài chính lớn.”
Kênh đào được đề xướng này sẽ kéo dài từ bờ phía đông của Hồ Erie đến Sông Hudson, dài gấp đôi con kênh dài nhất thế giới vào thời bấy giờ. Chính phủ liên bang đã từ chối tài trợ để xây dựng kênh đào này, vì vậy tiểu bang New York đã đứng ra chịu chi phí. Dự án quy mô lớn này thậm chí còn trở nên khó khăn hơn bởi thực tế là Hoa Kỳ không có trường đào tạo kỹ thuật chính thức nào vào thời điểm đó. Khi việc xây dựng con kênh bắt đầu vào năm 1817, những người giữ vai trò kỹ sư hoàn toàn là những người tự học.
Nỗi khó nhọc và sự tài tình
Ngài Benjamin Wright yêu thích môn toán từ khi còn nhỏ, điều này đã khiến ông theo đuổi sự nghiệp với công việc là một nhà khảo sát. Ông giúp xác định tuyến đường cho kênh Erie và được tuyển vào làm kỹ sư trưởng cho dự án. Một trong những phụ tá kỹ sư tài năng mà ngài Wright đã thuê là ông Canvass White.
Ông White đã tạo lập những phát minh trong quá trình trưởng thành ở trang trại của cha mẹ mình. Ông bắt đầu làm việc với vai trò là một lục sự vào năm 17 tuổi, nhưng vào đầu những năm 20 tuổi, ông đã rời đi trên một chuyến hải trình. Ông White đã đi đến nước Nga và sau đó là Anh Quốc, tận mắt nhìn thấy những vùng đất xa xôi mà trước đây ông chỉ từng được nghe nói đến.
Khi trở về từ Anh Quốc, một cơn bão dữ đã đẩy con tàu của ông mắc cạn. Một cuộc kiểm tra cho thấy phần lớn đáy tàu đã bị mục nát. Ông White đề nghị thay thế những tấm ván mục nát và đào một con kênh dẫn đến con tàu để dòng nước có thể tràn qua con tàu. Chẳng mấy chốc, thủy thủ đoàn nhận ra mình đang được con tàu đưa về nhà, sự tài tình của ông Canvass White khiến mọi người vô cùng phấn chấn.
Vài tháng sau khi trở về, ông White ghi danh theo học tại Học viện Fairfield. Ông đã hoàn thành các nghiên cứu về toán học, thiên văn học, hóa học, khoáng sản học, và khảo sát. Một thời gian ngắn phục vụ Quân đội đã làm gián đoạn việc học nâng cao của ông. Ông đã phục vụ với vai trò là một trung úy trong cuộc bao vây Pháo đài Erie, đây là một trong những trận giao tranh cuối cùng của Chiến tranh năm 1812, nhưng ông đã trở về nhà sau khi bị thương.
Năm 1816, ông Wright đã tuyển ông White vào dự án kênh đào. Ông White nhanh chóng có được sự tín nhiệm của ông Wright và cũng gây ấn tượng với ông DeWitt Clinton. Từ năm 1817 cho đến mùa xuân năm 1818, ông White đã đi khắp Âu Châu để thu thập các ghi chú và vẽ các bản phác thảo chi tiết về các con kênh, những thứ đã được chứng minh là vô giá.
Tuy rằng các kỹ sư có thừa khả năng đào mương cho kênh đào này, nhưng một số bộ phận gặp nhiều vấn đề. Những người xây dựng kênh đào nghiệp dư này đã gặp khó khăn trong việc làm các âu thuyền, thiết bị dùng để nâng hoặc hạ mực nước nhằm đưa thuyền lên hoặc xuống dốc, và những cầu dẫn nước (cầu máng), đưa kênh vượt qua các chướng ngại vật như một con đường hoặc một dòng sông. Nghiên cứu của ông White đã trang bị cho họ kiến thức để hoàn tất các công trình này.
Khi trở về, ông White đã nhanh chóng lao vào làm việc cần mẫn để ứng biến và giải quyết vấn đề cùng với các kỹ sư kênh đào tài năng khác. Ngài Benjamin Wright ngày càng trông cậy vào ông. Có lẽ đóng góp lớn nhất của ông White là phát minh ra xi măng thủy lực. Loại xi măng này đông cứng lại dưới nước và có độ bền chặt ngang với loại xi măng Âu Châu đắt tiền hơn nhiều.
Ông Wright tuyên bố: “Tôi không ngần ngại nói rằng việc ông White phát minh ra xi măng thủy lực đã mang lại lợi ích vô giá cho tiểu bang này.”
Ông White đã tiếp tục việc xây dựng con kênh cho đến khi hoàn thành, và nhiều năm sau, ông Wright đã suy ngẫm về sự đóng góp vô giá của ông White, một kỹ sư tài ba và có óc sáng tạo, đối với dự án kênh đào này.
“Đối với quý ông này, tôi luôn có thể tham vấn ý kiến và lời khuyên ở bất kỳ vụ việc quan trọng hay khó khăn nào, và với khả năng phán đoán đúng đắn của ngài ấy khi định vị tuyến kênh đào, trong phần lớn đoạn đường khó khăn, người dân của tiểu bang này nợ ông ấy lời cảm ơn nhiều hơn những gì thường được biết đến hoặc tôn vinh,” ông Wright viết.
Lòng nhiệt thành và tài năng
Các kỹ sư và thủy thủ đoàn đã xây dựng kênh đào này với tiến độ chậm nhưng chắc chắn, và gần đến năm 1825, thì kênh đào cũng sắp sửa hoàn thành. Việc thực hiện công trình ở khu vực phía đông được cho là đặc biệt khó khăn.
Năm 1824, Ủy ban Kênh đào đưa tin: “Không ai ngoài những người đã kiểm tra tuyến đường trước khi công trình được khởi công; những người đã nhìn thấy bề mặt thô sơ và nhấp nhô cắt ngang qua địa điểm công trình, những tảng đá được cho nổ tung, những gờ đất nhấp nhô, với đầy những vực thẳm và khe nứt … có thể dễ dàng trân trọng những cố gắng cần có để khắc phục được những trở ngại nghiêm trọng này.”
Mặc cho những trở ngại về địa hình, tài chính, và chuyên môn, Kênh đào Erie vẫn được hoàn thành vào năm 1825. Con kênh thành phẩm có chiều rộng 40 feet (gần 12.2m) và chiều sâu sâu 4 feet (gần 1.22m). Kênh đào này có 83 âu tàu và 19 cầu dẫn nước, trải dài 363 dặm từ Buffalo đến Hudson.
Ngài DeWitt Clinton đã đi thuyền qua thủy lộ nhân tạo rộng lớn này vào mùa thu năm 1825. Khi cập bến New York, ông Clinton đã đổ một keg nước (gần 60 lít nước) từ Hồ Erie ra biển Đại Tây Dương. “Sự hợp lưu của hai vùng nước” này đánh dấu một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên sẽ mang lại sự thịnh vượng cho tiểu bang đã mạo hiểm rất nhiều để hoàn thành kênh đào Erie. Chỉ trong tám năm, phí cầu đường thu được đã hoàn trả đủ chi phí thực hiện kênh đào này.
Một nhóm nhỏ những người đàn ông đã biến một dự án bất khả thi trở thành một công trình thành công. “Các kỹ sư đã cống hiến hết mình cho công việc quản lý và giám sát công trình bằng sự nhiệt thành và tài năng của mình. … Khi người ta cho rằng họ có thể không có kinh nghiệm, rằng kiến thức khoa học mà họ có được đa phần là kết quả của tinh thần chuyên tâm thường hằng, … thì họ xứng đáng được khen ngợi, mà bất cứ lời gì chúng ta có thể dành tặng đều không đủ để bày tỏ lời cảm ân này,” các Ủy viên Kênh đào đã viết.
“Không có bài tán dương nào có thể xứng đáng với công lao này bằng sự ủng hộ của chúng ta đối với công trình của họ. Mọi người đã nói, và mọi người đã thực sự tin rằng, họ đã hoàn thành, trong thời gian ngắn nhất, với kinh phí thấp nhất, con kênh được vận hành liên tục ổn định nhất trên thế giới.”
Hoàng Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times