Cách Phi đội Kosciuszko của Mỹ giúp người Ba Lan chống lại cuộc xâm lược của Liên Xô trong Đệ nhất Thế chiến
Khi Đệ nhất Thế chiến sắp kết thúc, Đế quốc Nga, với lực lượng quân đội đã tan rã sau thất bại nặng nề và nhuệ khí sa sút, đã sụp đổ. Các cuộc bạo loạn bánh mì, đình công, và quân đội nổi dậy đã ép Sa hoàng Nicholas II Romanov phải thoái vị vào ngày 15/03/1917. Sau ba thế kỷ dưới sự cai trị của triều đại Romanov, Đế quốc Nga đã giải thể thành một chính phủ lâm thời, [sau đó] chính phủ này đã bị một cuộc đảo chính vào tháng Mười lật đổ, đưa Vladimir Lenin và đảng Bolsheviks của ông ta lên nắm quyền điều hành những vùng đất rộng lớn của nước Nga.
Những người thuộc đảng Bolshevik không chỉ không hài lòng với nước Nga. Mặc dù bấy giờ họ đang đắm chìm trong một cuộc nội chiến ác liệt, nhưng họ vẫn tìm cách truyền bá cách mạng cộng sản đến tận Đại Tây Dương. Những vùng đất độc lập mới được tách khỏi Đế quốc Nga — cụ thể là, Ba Lan, Phần Lan, Ukraine, Estonia, Latvia và Lithuania — giờ đây phát hiện rằng nhóm người Bolshevik đang ở rất gần họ. Đám Hồng quân đã càn quét qua thảo nguyên, thâu tóm lãnh thổ và thiết lập nên những chính phủ bù nhìn, mặc cho nỗ lực của những người dân dũng cảm kháng cự lại dọc theo chặng đường hành quân. Viễn cảnh Âu Châu bị nhuốm thành màu đỏ [tiếp nhận ý thức hệ cộng sản] ngày càng trở nên rõ nét.
Đại úy Merian Cooper của quân đội Hoa Kỳ dõi theo sự bành trướng của chủ nghĩa Bolshevik và lo lắng cho tương lai của Âu Châu. Ông có một mối liên hệ cá nhân với lục địa này, đã bay qua Pháp trên một chiếc phi cơ ném bom De Havilland 4 của Anh trong Đệ nhất Thế chiến. Ông đã cho thấy kỹ năng lái phi cơ táo bạo và siêu thường khi, bị một loạt đạn từ nhóm các phi cơ Fokker của Đức bắn trúng, làm bốc cháy bình xăng của ông. Ông đã cho phi cơ lao xuống dốc, dập tắt ngọn lửa và xoay sở để hạ cánh gần bên một tiền đồn bộ binh của Đức. Thời gian còn lại của cuộc chiến, ông đã bị bắt vào trại tù binh chiến tranh. Trong quãng thời gian bị giam giữ, ông đã nghe nói những người Nga âm mưu truyền bá chủ nghĩa cộng sản ra toàn thế giới. Người viết tiểu sử về ông nhận định rằng đây chính là khoảnh khắc mà ông bắt đầu bước vào “cuộc thập tự chinh suốt đời chống lại Chủ nghĩa Cộng sản.”
Chiến đấu cho đất nước Ba Lan
Sau khi được phóng thích, ông Cooper đã tham gia vào một sứ mệnh nhân đạo cho đất nước Ba Lan, đất nước bấy giờ đang bị lôi kéo vào giữa điều mà lịch sử gọi là Chiến tranh Ba Lan – Xô Viết. Hình ảnh những người trẻ Ba Lan ngây thơ đứng lên giành tự do cho đất nước họ đã làm tan nát trái tim ông. Ông đã viết cho cha mình, “Thật đau lòng khi mỗi ngày con chỉ làm được những điều ít ỏi cho nền tự do của Ba Lan, trong khi ngài Pulaski đã làm rất nhiều điều cho chúng ta.” Câu chuyện về ngài Casimir Pulaski — một quý tộc người Ba Lan đã chiến đấu và hy sinh cho nền độc lập của Mỹ quốc với tư cách là “cha đẻ của kỵ binh Mỹ quốc” và chính cụ kỵ của đại úy Cooper là người đã tiễn đưa ông ấy vào những khoảnh khắc cuối đời — tạo nên ảnh hưởng sâu đậm đối với ông. Ông Cooper đã tuyên thệ sẽ tạm gác công việc yên bình của mình lại và “tham chiến” chống lại những người Bolshevik.
Đến đầu năm 1920, vị Đại úy với tính cách khác người này, với sự đồng hành của Thiếu tá Cedric Fauntleroy lập dị không kém làm chỉ huy và tổng cộng 21 phi công Mỹ, đã gia nhập cuộc chiến với tư cách là Lực lượng Không quân Escadrille số 7 của Ba Lan. Phi đội nhanh chóng lấy cái tên Tadeusz Kosciuszko, tên của một sĩ quan quân đội người Ba Lan nổi tiếng, người đã trợ giúp những người Mỹ trong Chiến tranh Cách mạng. Các phi công người Mỹ tự thấy mình đang trả món nợ đó cho Ba Lan, đất nước đã cho những nam thanh niên của mình đến giúp đỡ một quốc gia còn non trẻ khi mà quốc gia đó cần nhất.
Với nhiệm vụ ban đầu được giao là hậu cần và trinh sát, những quân nhân Mỹ quốc đã vui lòng giúp đỡ quân đội Ba Lan trong cuộc tấn công Kyiv vào tháng 05/1920, nhằm mang lại tự do cho người dân Ukraine thoát khỏi sự kiểm soát của những người cộng sản. Mặc dù nắm quyền kiểm soát phần lớn chiến trường trên không, nhưng phi đội Kosciuszko phát hiện thấy những người Bolshevik đang tiến đến tấn công các phi trường của họ nên buộc phải rút lui và tập hợp lại. Dẫu cho quân đội Ba Lan và Ukraine đã chiếm lại được tỉnh Kyiv vào ngày 05/07/1920, nhưng chẳng mấy chốc tình thế lại lật ngược sang làn sóng đỏ, và các phi công Mỹ đã chiến đấu trong một cuộc rút lui ác liệt trên khắp Ukraine và quay về lãnh thổ Ba Lan. Ở đây, những người Mỹ đã sống đúng với cái tên của họ một cách đầy tự hào.
Nắm giữ ưu thế không chiến so với lực lượng Bolshevik, những người lính Mỹ đã anh dũng bay xuất kích hết lần này đến lần khác, lao ra khỏi bầu trời để oanh tạc các lực lượng Bolshevik ở độ cao ngang đầu ngựa. Chiếc lược táo bạo này và âm thanh gầm rú của những động cơ hai tầng làm ngựa cũng như kẻ địch khiếp vía, và gieo rắc thêm nỗi hoang mang, những người lính Mỹ còn thả những trái bom với độ chính xác kinh hoàng, ngăn chặn bước tiến của kẻ địch. Trong khi đó, trong điều mà người ta gọi là “Phép màu” trên đầm phá Vistula, quân đội Ba Lan rệu rã, với sự giúp sức của các sinh viên, y tá, giáo sư, và linh mục, đập tan cuộc tiến công của lực lượng Bolshevik dọc theo con sông Vistula và cứu thành phố Warsaw thoát khỏi sự hiểm nguy. Kỵ binh Ba Lan đã tập hợp lại dọc theo đường hành quân và, được các phi công đã kiệt sức của Phi đội Kosciuszko giúp đỡ, đánh bại quân đội Đỏ trong trận chiến Komarow vào cuối tháng Tám đến đầu tháng Chín năm 1920. Cuộc giải cứu Ba Lan đã nằm trong tầm tay.
Một trong những chỉ huy của Ba Lan, Tướng Antoni Listowski, được cho là đã nói rằng “nếu không có sự trợ giúp của phi đội Kosciuszko, thì có lẽ chúng tôi đã thất bại từ lâu rồi.” Nhiều người trong phi đội, trong đó có cả Đại úy Merian Cooper và phi công Cedric Fauntleroy, đã nhận được huân chương quân sự danh giá nhất của Ba Lan, huân chương Virtuti Militari. Những phi công can trường của Phi đội Kosciuszko chưa bao giờ e ngại những thời khắc khốc liệt nhất của cuộc chiến: Có ba trong số 21 phi công đã hy sinh, và cả đội đã thực hiện hơn 400 cuộc xuất kích để bảo vệ các bạn đồng ngũ của họ. Giống như nhiều nhà quý tộc ngoại quốc đã đến và chiến đấu cho Hoa Kỳ trong suốt cuộc Chiến tranh Cách mạng của đất nước này — có thể kể đến một số cái tên như Nam tước von Steuben, Hầu tước de Lafayette, và, tất nhiên là, cả ngài sĩ quan Ba Lan, Tadeusz Kosciuszko — những sĩ quan của Phi đội Kosciuszko đã đứng lên chống lại sự áp bức và mạo hiểm tính mệnh của mình vì người khác. Cho dù là bị thôi thúc bởi cảm giác liều lĩnh, tình bằng hữu thân thiết, hay ý thức về bổn phận, thì họ đã sống đúng với những giá trị căn bản, những giá trị đã định hình nên một công dân Mỹ quốc.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times