Ngài John Adams đã từng đánh cược bằng sự nghiệp để bảo vệ quyền xét xử công bằng
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ John Adams đã bảo vệ những binh lính Anh từng bắn và sát hại những người dân thuộc địa, và hành động này của ông cũng đồng thời bảo vệ hệ thống tư pháp của Hoa Kỳ.
Vào sáng sớm ngày 05/03/1770, tuyết đã bắt đầu rơi khắp New England. Ở Boston chỉ có một lính canh duy nhất là binh sĩ Hugh White đứng gác tại Nhà Hải Quan, anh là lính ném lựu đạn thuộc Trung đoàn Bộ binh 29, một trong hai tiểu đoàn Quân đội của Bệ hạ vẫn còn hiện diện ở Boston để giữ trật tự và thu thuế hoàng gia. Khi màn đêm buông xuống, những người qua đường ném ánh nhìn tăm tối vào dáng người cô độc choàng áo khoác đỏ đang đứng co ro ngược gió ấy. Dư luận vốn bất bình, giờ lại càng bất bình hơn nữa khi chỉ 11 ngày trước đó, một quan chức hải quan đã nổ súng vào đám đông náo loạn, hạ sát cậu bé Christopher Seider chỉ mới 11 tuổi. Đám tang của cậu bé đã thu hút hơn một nghìn người Boston giận dữ.
Với những căng thẳng vốn có đã ở mức sục sôi, tất cả những gì cần chỉ là một mồi lửa. Vào khoảng 9 giờ, khi trời đã nhá nhem tối, một cậu bé bán hàng đã tới chế nhạo binh sĩ White, khiến anh đã rời khỏi vị trí của mình để khiển trách cậu. Sau khi lời qua tiếng lại, anh lính đã dùng súng hỏa mai đánh vào đứa trẻ. Chẳng bao lâu, một đám đông nam giới từ già đến trẻ — gồm thủy thủ, nhân viên cửa hàng và công nhân bến tàu — đến bao vây anh, và anh nhanh chóng rút lui lên cầu thang. Tiếng chuông nhà thờ vang lên kéo theo càng nhiều người hơn nữa ùa đến. Sáu lính ném lựu đã đến để tăng viện cho binh sĩ White cùng với sĩ quan chỉ huy của họ, Đại úy Thomas Preston. Đám đông ngày càng lớn, họ la hét, nhạo báng, ném đá vụn, bóng tuyết và dùi cui. Một trong những người lính ném lựu đã bị một vật nào đó ném trúng, anh ngã xuống và làm rơi vũ khí của mình trước khi nổi giận và nổ súng vào đám đông. Ngay sau đó, dù không nhận được chỉ lệnh, những người lính còn lại đã tự ý nổ súng hỏa mai. Khi làn khói tản đi, ba người đàn ông đã tử vong, và sau đó, hai người nữa đã qua đời vì bị thương.
Boston đã nổ tung. Không có luật sư nào của thành phố dám đứng ra bào chữa cho những binh lính đang bị giam giữ và bị buộc tội sát nhân. Các tờ báo tung tin đồn thất thiệt rằng: Đại úy Preston đã phát một cú vô-lê vào đám đông, hay những tên lính đã cố gắng dùng lưỡi lê đâm vào những ai đang hối hả cấp cứu những người ngã xuống. Sải bước tham gia vào vụ đụng độ này là ngài John Adams, một vị luật sư 35 tuổi đầy uy tín, người trước đây được trọng vọng vì phản đối Đạo Luật Tem (*). Ông đạt được sự nghiệp và cả danh tiếng trong nghề vì quan điểm rằng tất cả mọi người – kể cả những tên lính ném bom đáng phẫn nộ này – đều xứng đáng có được đại diện pháp lý, và với tư cách là người Anh, họ có quyền được xét xử trước một bồi thẩm đoàn công tâm như những người đồng đẳng.
Những phiên xét xử
Sự kiện diễn ra vào cuối tháng 10/1770 trước khi phiên tòa xét xử Đại úy Preston. Theo những người tham dự, ngài Adams đã quyết liệt bảo vệ thân chủ của mình bằng cách kiểm tra chéo các nhân chứng và thiết lập được dòng thời gian chính xác về các sự kiện diễn ra. Nghiêm trọng là, không ai có thể chứng minh rằng Đại úy Preston đã ra lệnh cho các binh sĩ nổ súng, và ông có thể được tha bổng về tội sát nhân.
Bắt đầu từ cuối tháng 11, tòa án đã tách bảy người lính bắn lựu đạn với người chỉ huy của họ để xét xử riêng. Chiến lược của ngài Adams là tập trung vào vụ bạo lực và cơn phẫn nộ của đám đông, đưa các lời khai về vị trí và tư thế hung hãn của người bị hại, số lượng và tình trạng của đám đông cũng như những loại vũ khí mà họ dùng đến. Những lập luận kết luận của ông được lưu lại cho hậu thế bằng việc tốc ký, là một trong những lời biện hộ vĩ đại nhất trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ. Ông đã nhấn mạnh, “[sự thật] là những thứ cứng đầu; và bất kể mong muốn, thiên hướng hay sự sai khiến từ nguồn cảm xúc mãnh liệt của chúng ta thế nào đều không thể thay đổi trạng thái của sự thật và chứng cứ.” Nếu chứng cứ cho thấy những người lính gặp nguy hiểm đến tính mạng, thì việc nổ súng để tự vệ sẽ là tội sát nhân chính đáng; còn nếu tính mạng của những người lính không gặp nguy hiểm nhưng cùng với sự khiêu khích của đám đông, luật pháp “giảm tội sát nhân xuống tội ngộ sát, vì những cảm xúc mạnh tồn tại trong bản chất của con người chúng ta mà không thể tận diệt.”
Bồi thẩm đoàn đã đưa ra một phán quyết đáng ngạc nhiên sau hai tiếng rưỡi cân nhắc: tha bổng cho năm binh sĩ trong bảy người, và chỉ hai người bị buộc tội nhẹ hơn là tội ngộ sát, đó là hai binh sĩ có chứng cứ chứng minh được rằng đã bắn thẳng vào đám đông.
Di sản cho hậu thế
Vào ngày 03/05/1773, trong cuốn hồi ký của mình, ngài Adams đã viết về vai trò của mình trong việc biện hộ cho những người lính ném bom là “một trong những Hành Động hào hiệp, cao thượng, can đảm và vô tư nhất trong cả Cuộc Đời tôi, và là một trong những Công Vụ vĩ đại nhất mà tôi từng thực hiện cho Đất Nước của mình.” Chắc chắn, từ góc nhìn của lịch sử, điều tốt nhất vẫn chưa đến với ngài Adams: thành viên của Quốc hội Lục địa; đồng tác giả của Tuyên ngôn Độc lập; tác giả của Hiến pháp Khối Thịnh Vượng Chung Massachusetts; đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, Cộng hòa Hà Lan và Vương quốc Anh; và Phó Tổng thống đầu tiên và Tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sự bảo vệ của ông đối với những cá nhân này, bất chấp sự phản đối của dân chúng, đã chứng tỏ bản lĩnh của cả Adams và nền cộng hòa mà ông phụng sự sau đó.
Ngay từ những ngày đầu lịch sử Hoa Kỳ, nền cộng hòa này đã nỗ lực duy trì những lý tưởng tương tự như những lý tưởng mà ngài Adams đã bảo vệ: suy đoán vô tội và các quyền của bị cáo để được bào chữa, đối chất với nhân chứng và bồi thẩm đoàn không thiên vị, cùng những quyền khác. Những quyền được thiết lập lâu đời này là một trong những món quà vĩ đại nhất trong di sản luật pháp Anh của chúng ta và đã được lưu trữ như kỷ niệm trong Tu chính án thứ năm và thứ sáu của Hiến pháp Hoa Kỳ. Với việc biện hộ cho những điều không thể bênh vực đã trở nên phổ biến, ngài Adams là nhân chứng sống cho những lý tưởng đó và đã chứng minh sự cần thiết của chúng trong thực tế.
Nhưng sâu xa hơn nữa, sự biện hộ của ngài cho những binh sĩ Anh đã nói rõ bản chất cơ bản của một chính phủ công chính. Trong những lập luận cuối cùng thay mặt cho thân chủ của mình, ngài Adams đã đề cập đến bản chất của luật pháp một cách đầy chất thơ: “Luật pháp sẽ duy trì một con đường ổn định bất biến giữa mọi thăng trầm của chính phủ, giữa những cơn biến động của cảm xúc mạnh mẽ hay giữa những chuyến phiêu đãng của nỗi nhiệt thành; nó sẽ không thể bị bẻ cong trước những mong muốn bất định, những huyễn tưởng và tính khí phóng túng của con người.” Thay vì là một nhà nước dựa trên ý chí của một người hoặc thậm chí là nhiều người đi nữa, những vị tổ phụ có ý định rằng nền cộng hòa sẽ là một “chính phủ của luật pháp, chứ không phải của con người,” như ngài Adams đã đề cập trong Tuyển tập Tiểu luận của ông. Trong thời đoạn không ổn định này, khi một số người cho rằng những kẻ mưu đồ và nổi dậy đã chà đạp những nguyên lý lâu đời của nền cộng hòa, thì ý chí quyết tâm của ngài John Adams khi đứng về nhà nước pháp quyền sẽ dẫn lối cho tất cả chúng ta.
Bài báo này ban đầu được đăng trên tạp chí American Essence.
Chú thích của dịch giả:
Đạo luật tem năm 1765 là một đạo luật được chính quyền thuộc địa Anh ban hành áp dụng ở xứ thuộc địa Bắc Mỹ thuộc Anh vào ngày 22 tháng 03 năm 1765. Đạo luật tem quy định rằng phải đánh thuế lên các văn bản pháp luật, giấy phép và những thứ khác. Đây là thuế trực tiếp đầu tiên của người Anh đánh lên các thuộc địa Bắc Mỹ, được bãi bỏ vào một năm sau.
Mai Hoa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times