Người đàn ông vĩ đại nhỏ bé: Bài học từ ‘Cha đẻ của Hiến pháp Hoa Kỳ’
Ngày nay chúng ta biết đến ngài James Madison – người đàn ông nhút nhát, nhỏ bé này với những danh hiệu khác là Cha đẻ của Hiến pháp, Nhà sáng lập Tuyên ngôn Nhân quyền, và là Hiền nhân của thành phố Montpelier.
Thoáng nhìn, ngài James Madison (1751-1836) có ấn tượng ban đầu không mấy nổi bật. Cái nhìn thứ hai rất có thể cũng cùng một nhận xét như vậy.
Ông thường xuyên bị bệnh tật hành hạ, bao gồm cả những cơn sốt kép và một loại động kinh dạng nhẹ. Thể trạng yếu ớt của ông đã ngăn cản ông tham gia vào Lục quân Lục địa, và nhiều năm sau, khi đang là tổng thống, ông đã đánh đổi cái nóng mùa hè oi ả của Washington để nhận lấy bầu không khí của tư dinh Montpelier, tổ ấm của ông tại trung tâm bang Virginia, để cảm thấy khỏe hơn. Mặc dù đã sống đến 85 tuổi, cái tuổi thường được coi là già cỗi, nhưng người chịu trách nhiệm chính trong việc định khung cho Hiến pháp của chúng ta vẫn phải chịu lời nhận xét “một bản hiến pháp nghèo nàn,” theo những người cùng thời với ông.
Phong thái của ông cũng không hấp dẫn [người khác]. Ông thường bộc lộ vẻ nhút nhát trong các buổi hội họp lớn và là một diễn giả kém cỏi, chất giọng yếu ớt đã cản trở ông trong thời đại mà khả năng hùng biện được đánh giá cao. Trong khi Patrick Henry(*) có thể khiến đám đông tán thưởng reo hò, thì tại Hội nghị Lập hiến năm 1787, Madison đã nói nhẹ đến mức các đại biểu phải kéo ghế lại gần mới nghe rõ.
Ngay cả chiều cao của ông cũng không phục tùng ông. So với ngài George Washington hoặc Thomas Jefferson, cả hai đều cao hơn 1m82, thì ngài Madison chỉ cao khoảng 1m65. Ông là tổng thống thấp nhất nước Mỹ, và vóc dáng nhỏ bé đã khiến ông thành đối tượng bị giễu cợt, họ gọi ông với những biệt danh như “Jemmy nhỏ bé” và “Bệ hạ tí hon.” Có người còn nói, Madison “không lớn hơn nửa bánh xà phòng.”
Dẫu thế, ngày nay chúng ta biết đến người đàn ông nhút nhát, nhỏ bé này với những danh hiệu khác còn đáng giá hơn nhiều: Cha đẻ của Hiến pháp, Nhà sáng lập Tuyên ngôn Nhân quyền, và Hiền nhân của Montpelier.
Những hiền tài của quốc gia
Mặc dù một số người Mỹ nhầm ngài tổng thống Jefferson, tác giả của Tuyên ngôn Độc lập, là Cha đẻ của Hiến pháp, nhưng dĩ nhiên, Madison mới là người đeo trên mình tấm huy chương danh dự này.
Và đúng là như vậy. Trước Hội Nghị Lập hiến, chính ngài Madison đã bỏ ra nhiều năm ròng để đọc lịch sử và khoa học chính trị. Chính ngài là người đã ghi chép tỉ mỉ mỗi ngày [diễn ra] các phiên họp của Hội nghị Lập hiến và sau đó tỉ mẩn nghiên cứu lại vào buổi tối. Ông là người đã hình dung ra một hình thức chính phủ cộng hòa với hệ thống kiểm tra và cân đối được phân phối giữa các nhánh của chính phủ. Chính Madison đã viết 29 trong số 85 bài viết trong “Tập tiểu luận Liên Bang” để ủng hộ và công bố Hiến pháp mới khi nó được gửi đến các bang để phê chuẩn.
Madison cũng là tác giả chính của Tuyên ngôn Nhân quyền, những phụ đính điều chỉnh Hiến pháp bao gồm các quyền tự do tự nhiên như tự do ngôn luận và tôn giáo. Đây là bản chất của cuộc thử nghiệm Mỹ và là đặc điểm mang thương hiệu của Chủ nghĩa ngoại lệ kiểu Mỹ.
Theo [tiểu luận] Liên Bang Số 14, Madison đã nhận xét về người Mỹ và các nhà lãnh đạo của họ rằng “họ đã thành công trong cuộc cách mạng chưa có tiền lệ trong lịch sử văn minh nhân loại.” Điều tương tự cũng có thể được nói về bản Hiến Pháp của Madison.
Đối với những hiền tài này, chúng ta cần bày tỏ lòng biết ơn. Cho dù chúng ta có công nhận hay không, thì Hiến pháp của chúng ta đã hun đúc nên cuộc đời của từng người trong chúng ta. Nhưng những bài học của Madison không dừng lại ở đó. Nếu nhìn vào những phương diện khác trong cuộc sống của ông, chúng ta có thể tìm thấy những cách để hoàn thiện cuộc sống chính mình.
Tự do và học hỏi
“Tất cả những gì tôi đã có trong đời, tôi đều nợ người đàn ông đó phần nhiều,” Madison sau này đã viết về Donald Robertson như thế.
Ngài Robertson là hiệu trưởng của trường Innes, cách Montpelier khoảng 70 dặm, nơi Madison theo học khi ông 11 tuổi. Ở đó, người đàn ông tốt nghiệp Đại học Edinburgh của Scotland này đã dạy cho cậu bé Madison môn toán, khoa học, tiếng Latin, tiếng Hy Lạp và tiếng Pháp. Sau đó, Madison được chàng trai trẻ Thomas Martin, một sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Princeton, dạy kèm tại nhà. Madison cũng theo học tại trường đại học này, khi nhập học đã là sinh viên năm hai do đã có sự chuẩn bị xuất sắc.
Nhờ quá trình học tập này, Madison vẫn giữ bản thân là một học giả và độc giả suốt đời. Tuy thế, ông cũng trở thành người ủng hộ cho việc tạo thêm nhiều cơ hội học tập. Khi viết thư cho Thống đốc bang Kentucky W.T. Barry vào tháng 8/1822, “Hình ảnh nào có thể gây ấn tượng hơn hoặc mang tính thời sự hơn việc Tự do và Học tập dựa vào nhau để hỗ trợ nhau chắc chắn nhất?” Cùng khoảng thời gian đó, ông đã làm việc cùng ngài Jefferson để hình thành Đại học Virginia ở Charlottesville, và đã tiếp tục tham gia với tư cách là hiệu trưởng nhà trường sau khi Jefferson qua đời năm 1826.
Madison đã nhận ra mối liên hệ mật thiết giữa giáo dục và tự do, và điều này cũng nên trở thành nguồn cảm hứng cho các bậc phụ huynh và giáo viên trong việc tạo nên mối liên hệ tương tự như vậy.
Chọn bạn bè của bạn một cách khôn ngoan
Tình bạn kéo dài 50 năm của Madison và Jefferson có tác động rất lớn đến sự khai sinh và vận mệnh tương lai của Hoa Kỳ.
Mối quan hệ thâm giao của Madison và Jefferson không giống như mối quan hệ của hai vị tổng thống nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ. Họ đã tạo thành một “đôi đũa lệch” về thể chất, Jefferson cao 1m87 – nhưng sự chênh lệch đó không thành vấn đề. Trong suốt nửa thế kỷ, đôi bạn này đã chia sẻ với nhau những cuốn sách và những ý tưởng, không phải tất cả đều mang tính chính trị, và trò chuyện vui vẻ bất cứ khi nào họ đi cùng nhau.
Tình bạn thân thiết của hai vị Tổ phụ Lập quốc này đã dạy cho lớp thanh niên, và cả chúng ta, về vấn đề này, hãy biết chọn bạn một cách khôn ngoan và giữ mối quan hệ gần gũi với họ.
Mối quan hệ hôn nhân bền chặt
Khi thất bại trong cuộc đua tổng thống năm 1808 trước Madison, chính trị gia Charles Pinckney của South Carolina đã nhận xét rằng ông đã thua cả Ông bà Madison, và rằng ông có thể có được cơ hội tốt hơn nếu chỉ đối mặt riêng với ông Madison.
Ngài Madison đã 43 tuổi khi gặp gỡ Dolley Payne, một góa phụ tuổi 26. Ông nhanh chóng phải lòng bà, nhưng sau lời ngỏ ý cầu hôn [từ phía ông], bà Dolley đã mất ba tháng mới gật đầu đồng ý. Họ là hình ảnh của một cuộc hôn nhân hạnh phúc, hòa thuận trong suốt 42 năm sau đó, cho đến khi Madison qua đời.
Theo nhiều cách, họ là bằng chứng cho thấy những điều đối lập nhau lại thu hút nhau. Dolley là người hòa đồng, thích giải trí và thích lên kế hoạch cho những bữa tiệc lớn, và mặc dù là một người theo phái giáo hữu từ rất sớm, nhưng bà vẫn thích đeo đồ trang sức, cột những chiếc turban đặc trưng riêng của bà, diện những bộ trang phục lộng lẫy, một số trong số đó được bà mua từ Âu châu. Còn Madison lại khá kín tiếng, chỉ tâm sự với những người mà ông biết rõ, và thường mặc đồ đen.
Mỗi người đều hiểu những lợi thế mà sự khác biệt của họ mang lại cho cuộc sống hôn nhân và trước công chúng của họ. Pinckney cũng đã đúng khi dành những lời khen ngợi có cánh về ảnh hưởng của bà Dolley, người mà sự thoải mái và duyên dáng trong xã hội đã tạo nên một giai điệu thanh lịch trong hoạt động giải trí của Nhà Trắng kéo dài cho đến ngày nay.
Khiêm tốn
Như người ta chúng ta có thể mong chờ từ nhân vật khiêm tốn như vậy, Madison đúng là đã khiến mọi người xung quanh nhìn ông như một quý ông luôn kiểm soát được cái tôi của mình. Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành Hiến pháp, nhưng ông từng tuyên bố, “Quý vị trao cho tôi một danh vị lớn, tuy vậy, mà tôi sẽ không có quyền phong cho mình danh hiệu là ‘người viết Hiến pháp Hoa Kỳ.’ Cũng như Nữ thần Trí tuệ trong thần thoại, đây không phải là kết quả của một bộ não duy nhất. Hiến pháp này cần được xem là công sức của nhiều khối óc và bàn tay. “
Lưu ý cuối cùng
Ngài Madison sở hữu nô lệ, giống như một số vị Tổ phụ Lập quốc khác, chẳng hạn như Washington và Jefferson, một việc mà người hiện đại chúng ta chỉ trích một cách chính đáng.
Tuy nhiên, những người khác sẽ lợi dụng hành động không tốt này, điều khiến Madison cảm thấy xấu hổ, để làm lu mờ tất cả những thành quả khác của ông. Ví dụ, tờ New York Post đưa tin vào tháng 7 rằng các giám đốc và nhân viên của Madison’s Montpelier đã bỏ qua phần lớn thành tựu của ông đối với đất nước chúng ta khỏi các cuộc triển lãm, thay vào đó tập trung vào chế độ nô lệ thời ông và sự phân biệt chủng tộc trong nhận thức của chúng ta. Các chuyến tham quan dinh thự và khu đất của ông đã khiến nhiều du khách cảm thấy rối rắm và tức giận bởi những hướng dẫn viên đúng đắn chính trị và bởi việc trục xuất Madison ra khỏi ngôi gia của ông.
Sau các cuộc phản đối này, Montpelier tuyên bố rằng họ sẽ tổ chức một lễ kỷ niệm “Ngày Hiến pháp” kéo dài một tháng để tôn vinh lễ kỷ niệm vào ngày 17/9, ngày mà bản Hiến pháp được thông qua.
Không rõ liệu sự kiện này có được lên kế hoạch hay không, như tuyên bố của một phát ngôn viên của Montpelier, hay chỉ để đáp lại sự phẫn nộ của công chúng. Dù thế nào đi nữa, những nhân vật huỷ hoại này quên rằng khi họ tìm cách bôi nhọ hay thậm chí là xóa bỏ quá khứ của chúng ta, Madison không chỉ sống ở Montpelier, hay trong những thành phố mang tên ông, hay tại những bức tượng được xây dựng để vinh danh ông. Hiến pháp thành văn lâu đời nhất trên thế giới là đài tưởng niệm vĩ đại nhất của ông. Nếu phong trào hủy bỏ văn hóa đã phá huỷ đền tưởng niệm cho nền tự do của chúng ta, nền cộng hòa được xây dựng từ đó cũng sẽ diệt vong.
Như Madison đã viết trong những ngày cuối đời, “Lời khuyến nghị gần gũi nhất với tấm lòng tôi và sâu sắc nhất với niềm tin của tôi là Liên minh các tiểu bang sẽ luôn được trân trọng và trường tồn vĩnh viễn. Hãy để kẻ thù công khai đối với liên minh được xem là Pandora* cùng với chiếc hộp mở nắp, và con rắn Serpent ghê rợn với mưu kế chết người lẻn vào cõi Địa đàng.”
Bảo tồn tượng đài vĩ đại nhất của Madison, Hiến pháp, và chúng ta bảo tồn những gì trong Tuyên ngôn Độc lập ngài Jefferson đã gọi là quyền bất khả xâm phạm của con người – “quyền được sống, Tự do và Mưu cầu Hạnh phúc”.
Chú thích của dịch giả:
Patrick Henry ( 1736- 1799) là một luật sư, chủ đồn điền, chính trị gia và nhà hùng biện người Mỹ nổi tiếng với việc tuyên bố với Công ước Virginia lần thứ hai (1775): “Hãy cho tôi tự do, hoặc cho tôi cái chết!” Là Cha Sáng lập, ông từng là Thống đốc đầu tiên và thứ sáu thời hậu thuộc địa của Virginia, từ năm 1776 đến năm 1779 và từ năm 1784 đến năm 1786.
Sốt kép là một chẩn đoán y tế thường được sử dụng cho bất kỳ cơn sốt nào có triệu chứng buồn nôn hoặc nôn mửa cùng với sự gia tăng nhiệt độ cơ thể bên trong và tiêu chảy mạnh.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times