Nuôi dưỡng tình yêu của trẻ em dành cho Quốc kỳ ‘Old Glory’ của chúng ta
Đây là lúc để tưởng nhớ về lá cờ của một quốc gia vĩ đại
Băn khoăn. Kinh ngạc. Tự hào. Tình yêu dành cho đất nước và tình yêu dành cho những người đồng hương của tôi. Những cảm xúc đó tràn ngập trong tôi khi nhìn thấy quốc kỳ của chúng ta tung bay, hay khi nghe bài Quốc Ca được viết nên từ nguồn cảm hứng với lá cờ đó. Lá quốc kỳ này có một lịch sử phong phú, và chính là một biểu tượng phổ quát nhằm kết nối những người Mỹ với nhau. Điều đó đã dẫn đến việc thành lập một ngày lễ công nhận tầm quan trọng của quốc kỳ như một biểu tượng của quốc gia. Quý vị có biết câu chuyện này không?
Ngày lễ Quốc Kỳ Mỹ được tổ chức vào ngày 14/06 hàng năm, là ngày mà lá cờ Mỹ chính thức được công nhận vào năm 1777. Mặc dù ngày lễ này không được mọi người chú ý, nhưng đây chính là cơ hội tuyệt vời để dạy cho con em chúng ta về lịch sử, và biểu tượng mà lá cờ này đại diện.
Khi Chiến Tranh Cách Mạng Mỹ nổ ra vào năm 1775, những nước thuộc địa chưa được hiệp nhất và vì thế họ không có một lá cờ đại diện nào cho mình. Thay vì đồng lòng sử dụng cùng một lá cờ dành cho quân đội thuộc địa, thì các binh sĩ đã chiến đấu dưới nhiều biểu tượng và khẩu hiệu khác nhau như “Don’t Tread on Me” (Đừng Giẫm lên Tôi), “Liberty or Death” (Hãy cho tôi Tự do hoặc Hãy Kết liễu tôi), “Conquer or Die” (Chinh Phục hay là Hy Sinh). Mưu cầu về một lá cờ Mỹ độc nhất giúp thống nhất quân đội đã trở nên rõ ràng, nhưng lá cờ đầu tiên được thiết kế quá giống với cờ Anh quốc vốn dĩ không thể khích lệ binh sĩ của thuộc địa. Vào ngày 14/06/1777, Đệ Nhị Quốc hội lục địa đã thông qua Nghị quyết Quốc kỳ, tuyên bố rằng “lá cờ của Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ có 13 sọc, xen kẽ màu đỏ và màu trắng; và rằng liên bang là 13 ngôi sao, màu trắng trên một nền màu xanh dương, đại diện cho một Chòm sao mới xuất sinh.”
Chúng ta biết rằng 13 sọc và 13 ngôi sao được chọn đại diện cho 13 thuộc địa, nhưng tại sao lại chọn những màu này? Trong Nghị quyết Quốc kỳ không nêu chi tiết, nhưng vào năm 1782, Quốc hội về Các điều khoản Liên bang đã chọn những màu sắc tương tự cho Quốc Ấn của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Biểu tượng của những màu sắc là: màu đỏ tượng trưng cho dũng khí và lòng gan dạ, màu trắng đại diện cho sự thuần khiết và thuần tịnh, màu xanh đại diện cho sự thận trọng, kiên trì, và công lý.
Có nhiều truyền thuyết và truyện kể dân gian liên quan đến lá cờ đầu tiên được tạo ra như thế nào, nhưng chúng ta biết chắc chắn một điều rằng thiết kế của lá cờ đầu tiên đó không tồn tại được lâu: Quốc kỳ Mỹ đã trải qua nhiều lần sửa đổi từ khi lá cờ nguyên bản tung bay vào năm 1777. Khi nước Mỹ non trẻ bắt đầu phát triển thì lá cờ cũng trưởng thành theo. Trong thời Chiến tranh năm 1812, hai tiểu bang mới gia nhập vào 13 tiểu bang ban đầu, vì thế thiết kế mới của lá cờ lúc bấy giờ có 15 vạch ngang và 15 ngôi sao. Chính lá cờ này đã giương cao trên Pháo đài McHenry ở Baltimore, thuộc tiểu bang Maryland, và cũng là nguồn cảm hứng để Ngài Francis Scott Key* viết bài “The Star-Spangled Banner” (Lá cờ Lấp lánh Ánh sao). Cuối cùng, bài hát này được chọn làm Quốc ca của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Khi Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ thu nhận thêm nhiều tiểu bang nữa thì rõ ràng là lá cờ không thể thêm các sọc cho mỗi tiểu bang mới nữa bởi vì điều này sẽ khiến lá cờ trông rối mắt. Vào năm 1818, Quốc hội quyết định rằng lá cờ nên giữ lại 13 sọc ban đầu đại diện cho 13 thuộc địa, trong khi những ngôi sao mới sẽ được thêm vào để tượng trưng cho những tiểu bang mới gia nhập vào liên bang này. Tiểu bang cuối cùng gia nhập vào Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ là Hawaii vào năm 1959, và từ đó lá cờ của chúng ta có 50 ngôi sao trên thiết kế như hầu hết chúng ta đều biết đến.
Điều này đưa chúng ta trở về ngày Quốc kỳ Mỹ được ấn định nhờ vào tầm nhìn của thầy giáo Bernard Cigrand của trường Wisconsin, người đã nghĩ ra một sự kiện quốc gia để tôn vinh lá cờ của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ngài Cigrand đã tổ chức một buổi lễ Ngày Quốc Kỳ tại trường của mình vào năm 1885 và bắt đầu vận động để ngày kỷ niệm quan trọng này được công nhận rộng rãi hơn. Vào năm 1916, Ngài Woodrow Wilson tuyên bố rằng ngày kỷ niệm theo Nghị quyết Quốc kỳ năm 1777 nên trở thành một sự kiện mừng lễ quốc gia, nhưng một ngày Lễ Quốc kỳ chỉ được công nhận chính thức vào năm 1949, khi Quốc hội quyết định ngày 14/06 là ngày của lễ kỷ niệm này.
Làm sao để chúng ta có thể chia sẻ câu chuyện lịch sử này cho trẻ em của chúng ta để các em khắc sâu tầm quan trọng của biểu tượng hiệp nhất của quốc kỳ Mỹ? Chúng ta có vô vàn cơ hội nhưng chúng ta thường lãng quên. Quý vị có thể treo một lá cờ ở trước nhà và kể cho các em nghe về lý do tại sao chúng ta làm điều đó. Quý vị có thể dạy cho các em về nghi lễ chào cờ, cách cầm cờ như thế nào cho đúng khi mang cờ, thượng cờ, hoặc hạ cờ. Học cách gấp cờ đúng cách có thể mang lại một trải nghiệm thực tế, trong đó chúng ta có thể thể hiện sự tôn kính phù hợp với việc này. Là một gia đình, quý vị có thể tìm hiểu về quá trình thay đổi của lá cờ từ khi ra đời.
Hãy bắt đầu để ý đến những lá cờ tung bay tại cộng đồng quý vị sinh sống — đặc biệt là các tòa nhà chính phủ — và chia sẻ về sự khác nhau khi một lá cờ được treo ở đỉnh cột (full-mast) và nửa cột (half-mast). Thường xuyên trò chuyện cùng các con và trở thành hình ảnh mẫu mực cho con em chúng ta thường là mối liên thông căn bản để chúng ta có thể truyền thụ những giá trị truyền thống văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác, và thảo luận về một biểu tượng của quốc gia, như quốc kỳ chẳng hạn, sẽ tạo ra nhiều cơ hội tuyệt vời để giáo dục về những giá trị như thế.
Bằng một kiểu cách rất thu hút, nhiều cuốn sách được viết để kết nối con em chúng ta với biểu tượng và lịch sử của quốc kỳ Mỹ. Một số truyện tranh như quyển sách có nhan đề “Lá Cờ Của Chúng Ta” (Our Flag) trong bộ sách kinh điển Sách Vàng Nhỏ (Little Golden Book) của tác giả Carl Memling và “Những Lá Cờ Trên Khắp Nước Mỹ” (Flags over America) của tác giả Cheryl Harness là hai ví dụ, đồng thời một phiên bản dài hơn như “Câu Chuyện Của Quốc Kỳ Mỹ” (The Story of the American Flag) của tác giả Wayne Whipple có thể đã được đưa vào làm một đề tài nghiên cứu về lịch sử dành cho trẻ em.
Trên đây chỉ là một số ý tưởng mà chúng ta có thể sử dụng để khơi dậy lòng tôn kính của con em chúng ta đối với quốc kỳ, và khôi phục vị trí của quốc kỳ trong nền văn hóa của chúng ta như một biểu tượng hợp nhất của niềm tự hào dân tộc. Trong năm nay, chúng ta hãy cùng nhau cải tổ lại Ngày Quốc Kỳ Mỹ vốn thường bị lãng quên, và hãy cam đoan rằng chúng ta sẽ tìm hiểu lịch sử của biểu tượng quốc gia này và giáo dục thế hệ trẻ về những điều vĩ đại mà lá quốc kỳ này đại diện.
Minh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times