Thống đốc William Bradford áp dụng Hiệp ước Mayflower để hình thành một nền dân chủ thô sơ
Họ qua đời dưới nhiều hình thức khác nhau. Một thủy thủ báng bổ trước mặt trẻ em đã ngã bệnh sau một cơn sốt và được thủy táng ngoài đại dương. Bà Dorothy, phu nhân của Người hành hương William Bradford, đã đến được Vùng Đất Mới, nhưng bà bị trượt ngã trên con tàu Mayflower đang thả neo, và qua đời vì đuối nước trong vùng biển băng giá ở cảng Cape Cod. Vào cuối mùa đông đầu tiên mà họ trải qua ở vùng đất hoang dã này, từ năm 1620 đến 1621, hầu như một nửa trong số 102 người định cư đầu tiên đã qua đời, chủ yếu là do bệnh tật.
Thống đốc đầu tiên của thuộc địa này là ngài John Carver tài năng. Rất có thể ông chính là tác giả của “Hiệp ước Mayflower,” là một giao ước về các quy tắc dân chủ căn bản mà dựa vào đó những người dân định cư có thể tự quản lý, được ký kết bởi 41 người cập bến. Ông chỉ thị việc xây dựng các tòa nhà, thu thập thức ăn, và với sự giúp đỡ của một người tên là Squanto, một người dân bản địa có thể nói lưu loát Anh ngữ, ông đã thiết lập một hiệp ước với vị thủ lĩnh Massasoit của Liên Minh Wampanoag. Tuy vậy, đến mùa xuân năm 1621, ngài Carver đã qua đời vì bị sốc nhiệt hoặc nhiễm nước bẩn.
Một vị thống đốc mới
Những người định cư nào đã vượt qua được mùa đông tang thương đó đều đã bầu chọn ngài William Bradford làm thống đốc, một chức vụ mà ông sẽ nắm giữ trong suốt 30 năm tiếp theo.
Theo nhiều cách khác nhau, quá khứ của ngài Bradford đã chuẩn bị kỹ càng để ông gánh vác trách nhiệm này. Mồ côi từ khi còn rất nhỏ, ông được một người chú nuôi dưỡng ở một nông trại, nơi ông làm việc trên những đồng cánh đồng. Ngài Bradford cũng đã trải qua một thời thơ ấu khi ông bệnh nặng và nằm liệt trên giường. Khi đó, ông đã đắm mình trong Kinh Thánh và nhiều kinh sách của các tôn giáo khác nhau. Và khi bước vào độ tuổi thiếu niên, ông đã quyết định trở thành một người theo chủ nghĩa Ly Khai, là một phân nhánh của Thanh Giáo tìm cách thoát khỏi các nghi lễ và nghi thức của Giáo Hội Anh Quốc. Sau này, khi những người Ly Khai nhập cư vào đất nước Hà Lan để trốn thoát khỏi sự bức hại của chính phủ, ngài Bradford cũng nằm trong số họ. Ông làm việc trong ngành buôn bán vải vóc, đồng thời củng cố đức tin và sự gần gũi đối với những người không quy phục giáo hội như ông. Khi ấy, ông chính là một tín đồ có học thức, người hiểu được ý nghĩa của việc lao động tay chân vất vả.
Bất chấp tất cả những lợi thế có được này, cũng như người tiền nhiệm của mình, ngài Bradford đã phải đối mặt với những thử thách sinh tử. Những người đi khai hoang này sau khi đặt chân lên vùng bờ biển Plymouth đã phân thành hai nhóm người Ly Khai và người Xa Lạ. Những người Xa Lạ đến Tân Thế Giới không phải vì quyền tự do tín ngưỡng mà là vì những động lực tìm kiếm sự giàu có và tham vọng. Những bộ tộc bản địa vẫn là mối đe dọa của nhóm người đi định cư này, ngoài ra bệnh tật và tử vong cũng khiến họ suy yếu đi. Những cánh đồng cần phải được gieo trồng, nhiều ngôi nhà và một pháo đài cần được xây dựng, đất đai được phân chia công bằng cho mỗi gia đình, chưa tính đến người hầu. Trong khoảng thời gian đó, họ chỉ có thể mong chờ vào sự trợ giúp hiếm hoi, không liên tục từ nước Anh. Theo tình hình đó, họ cũng tựa như đang sống trên Hỏa Tinh vậy.
Và ngài William Bradford đã gặp phải những thử thách này. Hơn nữa, ông và những người định cư khác ở Plymouth đã trao cho đất nước chúng ta cả một giỏ đầy ắp các món quà.
Rất nhiều quà tặng
“Hiệp ước Mayflower” là một tài liệu ngắn gọn — có thể được đọc xong chỉ trong vài phút — nhưng trong đó hàm chứa một mệnh đề có thể dẫn hướng cho ngài Bradford và cuối cùng là ảnh hưởng đến cả Cuộc Cách Mạng Mỹ và Hiến Pháp. Những người đã ký tên trong hiệp ước này tuyên thệ sẽ “gắn kết tất cả chúng ta với nhau trong một Chính Quyền Chính Trị dân sự” mà sẽ “ban hành, thiết lập, và đưa vào khuôn khổ các luật công bằng và bình đẳng, các Pháp lệnh, Đạo luật, Hiến Pháp cũng những Chức vụ, tùy theo từng thời điểm, được cho là đáp ứng và thuận tiện nhất vì lợi ích chung của Thuộc Địa; theo lẽ đó, chúng tôi cam kết với tất cả Lòng Tôn Kính và Sự Phục Tùng.”
Ở thời đại của họ, những khái niệm đó đã gây chấn động cũng giống như bản Tuyên Ngôn Độc Lập của ngài Jefferson vậy. Đó là một giao ước xã hội về một nền dân chủ thô sơ, và ngài Bradford đã bảo đảm rằng các khái niệm đó có giá trị hơn là những ngôn từ được viết ra rồi lãng quên đi. Ông đã triệu tập một cuộc họp thị trấn đầu tiên vào năm 1621, và truyền thống này thời nay vẫn còn được duy trì ở một số tiểu bang vùng New England. Ông đóng vai trò là một nhân tố chính trong việc giải quyết các vấn đề về pháp lý và tài chính giữa những người dân định cư. Ông góp nhiều công sức trong việc trả hết các khoản nợ đã phát sinh với một nhà đầu tư của chuyến hải trình, từ đó giúp những người láng giềng của mình giữ lại khoản thu nhập nhiều hơn từ chính sức lao động của họ.
Thêm nữa, ngài Bradford cũng chào đón cả những người không thuộc nhóm Ly Khai đến định cư ở Plymouth. Hành động khoan dung này là việc rất bất thường ở thời đại đó, đặc biệt là trong sự nổi lên của các cuộc chiến tranh tôn giáo và những biến động ở nước Anh diễn ra trong suốt cả thế kỷ trước đó. Ví dụ, Những Người Xa Lạ trong nhóm những người đầu tiên, cũng như những người không theo chủ nghĩa Ly Khai đã đi theo họ, không bị yêu cầu phải tham gia những buổi lễ thờ phượng vào ngày Chủ Nhật và nhìn chung thì họ đều được đối xử một cách công bằng. Trong cuốn hồi ký “Về Đồn Điền Plymouth” của ngài Bradford có ghi nhớ về ông Myles Standish với tình cảm và lòng biết ơn đối việc chăm sóc những người bệnh trong mùa đông đầu tiên cũng như vai trò lãnh đạo quân đội tiếp theo của ông.
Vươn lên từ những khởi đầu nhỏ bé
Trong cuốn sách “Về Đồn Điền Plymouth”, chúng tôi đã tìm thấy phần mở đầu như sau: “Do đó từ khởi đầu nhỏ bé ấy, bàn tay của Ngài sẽ tạo ra những điều vĩ đại hơn, tạo nên vạn vật từ hư vô, và ban sự sống cho tất cả những điều hiện hữu; và, như một ngọn nến nhỏ sẽ thắp sáng cho hàng ngàn ngọn nến khác, ánh sáng được thắp lên ở nơi đây sẽ chiếu sáng cho nhiều người hơn nữa.”
Tháng 11/1621, Thống đốc Bradford đã tổ chức một buổi Lễ Tạ Ơn vì mùa vụ bội thu, một buổi lễ hội kéo dài ba ngày gồm những lời cầu nguyện, nhiều lễ hội, và thức ăn. Người tham dự gồm cả những người Ly Khai, Người Xa Lạ, và 90 thành viên của bộ tộc Wampanoag.
Bất kể nền kinh tế của chúng ta có thể ra sao vào mùa Thu này, thì hầu hết chúng ta đều cũng có thể đón mừng Lễ Tạ Ơn cùng người thân và bằng hữu. Khi mà chúng ta tận hưởng các bữa ăn và bày tỏ lòng biết ơn về những phước lành mà mình nhận được, thì dịp lễ hội này cũng mang đến cho chúng ta một cơ hội hoàn hảo để nhớ về “một ngọn nến nhỏ” của Thuộc Địa Plymouth và ánh sáng mà nơi đây đã mang đến cho toàn bộ thế giới.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times