5 điều về Ngày Độc Lập có thể quý vị chưa biết
Sau đây là năm điều có thể quý vị chưa biết về ngày 04/07 và nguồn gốc của ngày này, nhân dịp người Mỹ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 248 của đất nước mình.
Vào ngày 04/07, người Mỹ sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 248 của Hoa Kỳ.
Năm 1776, các nghị sỹ của Đệ nhị Quốc hội Lục địa tề tựu tại Philadelphia đã đưa ra một quyết định mà tác động của nó có thể được cảm nhận trên khắp thế giới trong những thế kỷ tiếp theo: các thuộc địa nhất loạt đồng ý tuyên bố độc lập khỏi Vương quốc Anh, cường quốc quyền lực nhất thế giới lúc bấy giờ.
Nhiều người trong số quý độc giả biết chuyện gì đã xảy ra sau đó.
Văn kiện này được một thanh niên mới nổi tên Thomas Jefferson soạn thảo và được Đệ nhị Quốc hội Lục địa chính thức thông qua.
Tin tức về việc ban hành văn kiện này đã lan truyền ra khắp bờ đông, và một cách chậm rãi tỉ mỉ, tin này đã lan truyền ra biên giới.
Lúc bấy giờ, văn kiện đã thổi bùng căng thẳng chính trị vốn vẫn tồn tại giữa những người trung thành với hoàng gia Anh và những người yêu nước kêu gọi độc lập.
Không mấy ai biết được những mưu lược, động cơ, và khát vọng chính trị cá nhân của 56 người đàn ông cuối cùng đã ký tên vào văn kiện, trong đó cam kết cống hiến “Sinh mạng của chúng ta, Vận mệnh của chúng ta, và Danh dự thiêng liêng của chúng ta” cho một mục tiêu vốn dường như không có hy vọng vào thời bấy giờ.
Ngày 04/07/1776 đã trở thành một bước ngoặt của lịch sử thế giới.
Vào ngày hôm đó, Quốc hội Lục địa đã bỏ phiếu thông qua dự thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập của ông Jefferson.
Tuy nhiên vào thời điểm đó, chuyện lấy ngày 04/07 làm Ngày Độc Lập vẫn chưa có gì chắc chắn.
Dường như đối với ông John Adams, ngày 02/07 là một ngày hiển nhiên [hơn] để ăn mừng.
Vào ngày hôm đó, Quốc hội Lục địa đã chấp thuận bản kiến nghị của ông Richard Henry Lee đến từ Virginia, trong đó chính thức tuyên bố rằng các thuộc địa “là những tiểu bang tự do và độc lập, và phải có quyền trở thành những tiểu bang tự do và độc lập.”
Trong lời gửi gắm đến bà Abigail Adams vợ ông, ông Adams đã đã đưa ra một tuyên bố nổi tiếng rằng ngày 02/07: “Sẽ trở thành một dịp kỷ niệm lớn được các thế hệ tiếp theo tôn vinh.”
“Dịp kỷ niệm này sẽ phải được tổ chức một cách long trọng với vẻ hào nhoáng và lễ diễn hành, với các buổi biểu diễn, trò chơi, thể thao, súng, chuông, lửa trại, và ánh sáng lung linh, trải khắp từ đầu này đến đầu kia của hai bên thềm lục địa.”
Tất nhiên, rốt cuộc thì việc ban hành Bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 04/07 đã trải đường cho ngày này trở thành Ngày Độc Lập chính thức của Hoa Kỳ, chứ không phải là việc thông qua nghị quyết vào ngày 02/07.
Nhắc đến Bản Tuyên ngôn Độc lập, nhiều người có thể sẽ liên tưởng đến căn phòng của những vị chính khách lớn tuổi, như những gì được khắc họa trong tác phẩm nổi tiếng của họa sỹ John Trumbull.
Trên thực tế, 56 vị đại biểu tề tựu tại Philadelphia vào năm 1776 trẻ hơn so các nhân vật được khắc họa trong bức vẽ này, vốn có hình tượng trung bình khoảng 44 tuổi.
Những vị này thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, từ 20 đến ngoài 70 tuổi.
Người trẻ tuổi nhất ký tên trong văn kiện này là ông Edward Rutledge đến từ South Carolina, lúc bấy giờ mới chỉ 26 tuổi 8 tháng.
Một người khác đến từ South Carolina là ông Thomas Lynch Jr., người chỉ còn ba ngày nữa là đến sinh nhật lần thứ 27.
Dẫu vậy, phần lớn những người ký tên đều trong độ tuổi ngoài 30, với nhiều người khác ở độ tuổi đầu 40.
Chỉ có bảy người trong số họ trong độ tuổi từ 60 trở lên, họ là những người lớn tuổi nhất ký tên vào bản tuyên ngôn, trong đó có ông Benjamin Franklin khi đó 70 tuổi.
Mặc dù khi nhìn lại thì thấy độc lập có vẻ như là một kết quả đã được định sẵn, nhưng điều đó không nhất định là đúng.
Một số nghị sỹ của Quốc hội Lục địa đã giữ thái độ hoài nghi về nền độc lập.
Nhiều vị tổ phụ lập quốc ban đầu có lập trường trung lập hơn trước những bất bình với mẫu quốc.
Nhưng điều đó không có nghĩa là không có ai nghĩ về việc tách ra độc lập. Tư tưởng này đã lan truyền trong các quán cà phê và quán rượu trên khắp các thuộc địa, và các nhà lãnh đạo cách mạng như ông Adams đã thẳng thắn nói về việc độc lập ngay từ năm 1774.
Cho đến năm 1775, đặc biệt là sau Trận chiến Lexington và Concord, tư tưởng này đã được hầu hết các nhà lãnh đạo Quốc hội chấp nhận.
Tuy nhiên một số người có quan điểm trung lập do ông John Dickinson lãnh đạo vẫn tỏ thái độ hoài nghi về nền độc lập cho đến tận giây phút cuối cùng. Ông John Dickinson nổi tiếng với tác phẩm “Những Bức Thư Của Một Nông Dân Pennsylvania” (Letters From a Pennsylvania Farmer).
Trong số những người này có ông Robert Livingston, một trong những tên tuổi quyền lực và nổi tiếng nhất ở New York mà sau này đã đảm nhiệm nhiều vai trò ngoại giao khác nhau cho chính phủ Hoa Kỳ non trẻ, và ông John Jay, người sau này trở thành vị chánh án đầu tiên của Tối cao Pháp viện.
Sự chia rẽ thậm chí còn thể hiện rõ ràng hơn trong người dân: Sau chiến tranh, ông Adams đã nói một câu nói nổi tiếng: “Một phần ba người dân [Mỹ] ủng hộ cuộc Cách mạng, một phần ba phản đối, và một phần ba thì giữ thái độ trung lập.”
Trong số tất cả các chữ ký trong Bản Tuyên ngôn Độc lập, chữ ký của ông John Hancock có lẽ là nổi tiếng nhất.
Nổi tiếng là không hề nao núng trước nguy cơ bị treo cổ vì tội phản quốc, ông Hancock đã ký tên của mình bằng những ký tự lớn ở ngay dưới Bản Tuyên Ngôn. Chữ ký của ông hiện là chữ ký dễ nhận biết nhất trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ.
Điều không nhiều người biết đến là động cơ cá nhân có thể đã gây ảnh hưởng đến quyết định này.
Trước Chiến tranh Cách mạng, ông Hancock là một trong những thương gia buôn lậu thành công nhất ở Bắc Mỹ.
Công việc kinh doanh của ông trở nên phát đạt phần lớn dựa vào hiện tượng “thực thi chính sách lơi lỏng vì lợi ích” (salutary neglect), trong đó các nhân viên Anh không thực thi nghiêm ngặt luật quan thuế.
Tuy nhiên sau khi Chiến tranh Pháp-Ấn Độ kết thúc vào năm 1763, ngân khố Anh quốc trở nên cạn kiệt.
Để tăng cường dự trữ ngân khố, Anh đã chấm dứt chính sách ngầm về thực thi lơi lỏng vì lợi ích, mạnh mẽ trừng phạt những kẻ buôn lậu và những người nỗ lực né tránh luật quan thuế của Anh.
Là thương gia buôn lậu thành công nhất Bắc Mỹ, ông Hancock đã chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi cuộc trấn áp này, thậm chí con tàu The Liberty của ông đã bị các quan chức Anh tịch thu vì vi phạm pháp luật.
Vì vậy, đối với ông Hancock, Cách mạng không chỉ là một sự kiện tất yếu về mặt tư tưởng mà còn không thể tránh khỏi do phương diện tài chính.
Ngày nay Bản Tuyên ngôn Độc lập được người Mỹ xem như một văn kiện gần như là bất khả xâm phạm, một lời giải thích căn bản cho những lý tưởng cốt lõi của quốc gia mới được thành lập vào năm 1776.
Ngày nay, nội dung Bản Tuyên ngôn Độc lập cùng với thông điệp về “các quyền bất khả xâm phạm” và những sự thật “hiển nhiên” đã ăn sâu vào ý thức chính trị của người Mỹ về bản thân và thường xuyên được nhắc lại trong các bài diễn văn, từ những bài diễn văn của tổng thống cho đến các bài diễn văn trong các nghị trường của Tòa nhà Quốc hội.
Tuy nhiên để có được tất cả những điều đó, phải mất thời gian để Bản Tuyên ngôn Độc lập trở thành một phần quan trọng trong đời sống và lịch sử nước Mỹ.
Lúc bấy giờ, Bản Tuyên ngôn Độc lập chỉ đơn giản là thông báo chính thức về một cuộc nổi dậy chống lại Vương quyền vốn trên thực tế đã đang diễn ra.
Vào tháng 08/1776 khi vị tổ phụ lập quốc cuối cùng ký vào Bản Tuyên ngôn Độc lập, bản thân văn kiện này vẫn được Quốc hội lưu giữ ở Philadelphia, và chỉ được xem là một trong những tài liệu quan trọng vào thời điểm đó.
Mãi cho đến năm 1800 khi ông Jefferson trở thành Tổng thống Jefferson — “sự kiện mang tính cách mạng của năm 1800” — thì Bản Tuyên ngôn Độc lập do ông viết ra mới bắt đầu chiếm một vị trí đáng tự hào trong trái tim và tâm trí người Mỹ.
Cũng vào năm đó, văn kiện này được chuyển đến trụ sở của chính phủ mới ở Hoa Thịnh Đốn.
Cho đến năm 1952, văn kiện này thường xuyên được chuyển đi trong phạm vi thủ đô, đôi khi được lưu giữ tại Thư viện Quốc hội, đôi khi ở Bộ Ngoại giao; văn kiện đã được chuyển đi hai lần để bảo quản an toàn, một lần trong Chiến tranh [Hoa Kỳ-Anh quốc] năm 1812 và một lần nữa trong Đệ nhị Thế chiến.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times