Bốn bài diễn văn từ nhiệm của các vị tổng thống: Cảnh báo hiểm nguy và hy vọng tươi sáng
Trong bài viết “Những bài diễn văn từ nhiệm của tổng thống” của mình, ký giả Gleaves Whitney nêu lên rằng trước tổng thống Harry Truman, chỉ có ba tổng thống viết các diễn văn từ nhiệm chính thức với quốc gia.
Như ông Whitney chia sẻ với chúng ta, có ba yếu tố có thể giải thích tình huống này. Thứ nhất, một số nguyên thủ quốc gia thời kỳ đầu rất kính trọng tổng thống George Washington và bài diễn văn từ nhiệm của ông đến mức họ cho rằng việc có một bài diễn văn của riêng mình là không phù hợp. Bên cạnh đó, trong số 45 tổng thống Hoa Kỳ, có tám vị đã qua đời trong khi đương nhiệm. Bài diễn văn Thông điệp Thường niên cuối cùng của một tổng thống gửi đến Quốc hội, hiện nay được gọi là Thông Điệp Liên bang, diễn ra vào những ngày gần cuối nhiệm kỳ, khiến một số nguyên thủ quốc gia kết hợp bài diễn văn từ nhiệm với bản báo cáo đó.
Trong số những tổng thống đã nhân dịp này để suy ngẫm về thời gian tại vị của họ và những gì có thể diễn ra trong tương lai, đặc biệt là bốn vị gồm có ngài George Washington, Harry Truman, Dwight Eisenhower, và Ronald Reagan, đã đưa ra một số lời cảnh tỉnh mà thậm chí đến thời nay chúng ta vẫn phớt lờ khi đang ở trong nguy hiểm.
Một số lời khuyên từ các vị Tổ phụ
Trong số bốn bài diễn văn, lời từ nhiệm chính thức của ngài Washington với quốc gia là dài nhất cho đến nay và được đưa ra bằng bản in chứ không phải [được đọc] từ lễ đài. Hơn nữa, hai quý ông đã giúp ngài Washington soạn thảo bài diễn văn của mình — chính trị gia James Madison và Bộ trưởng Ngân khố Alexander Hamilton — những người chắc chắn là viết diễn văn giỏi hơn bất kỳ quý ông và quý bà nào làm việc cho các tổng thống khác.
Trong bài diễn văn của mình, tổng thống Washington đã tán dương những thành tựu của Mỹ quốc và ca ngợi công cuộc tự do. Trong phần kết luận của mình, ông cũng nhận trách nhiệm về bất kỳ sai sót hoặc lỗi lầm nào mà ông đã mắc phải trong suốt tám năm tại vị.
Nhưng ông cũng cảnh báo quốc gia non trẻ này về những nguy cơ trong hiện tại và tương lai. Nổi tiếng nhất trong số này là những lời cảnh báo về “các liên minh cạm bẫy” với các cường quốc ngoại quốc, lo sợ rằng đất nước chúng ta có thể bị cuốn vào các cuộc chiến tranh ở hải ngoại hoặc bị lạm dụng bởi các hiệp ước thiên vị quốc gia này hơn quốc gia khác. Thậm chí ngày nay, một số chính trị gia và những nhà bình luận phất lá cờ cảnh báo này bất cứ khi nào các cam kết của chúng ta với các quốc gia khác có thể gây tổn hại cho Hoa Kỳ.
Chúng ta thường ít nghe thấy một số cảnh báo khác của tổng thống Washington. Ông viết, sự xuống dốc của tôn giáo và đạo đức sẽ phá hủy nền cộng hòa này. Ông lo sợ rằng, một số người có thể tìm cách tấn công Hiến Pháp thông qua những thay đổi, “những sửa đổi sẽ làm suy yếu sức mạnh của hệ thống này và do đó ngầm hủy hoại những gì không thể bị lật đổ ngay lập tức.” Ông cũng minh bạch lên án các đảng phái chính trị và sự bè phái, kêu gọi tất cả cùng làm việc vì lợi ích chung của quốc gia này.
Ngôn từ hùng hồn của vị “Quốc Phụ,” tình yêu rõ ràng của ông dành cho nền cộng hòa này, và những lo ngại của ông cho việc bảo tồn nền cộng hòa chính là lý do tại sao thời nay chúng ta vẫn coi trọng những lời khuyên của ông.
Những lý tưởng của chúng ta sẽ chiến thắng
Tổng thống Harry Truman chào tạm biệt người dân Mỹ từ Oval Office qua một buổi phát thanh. Những tuyên bố của ông là điển hình của một người đàn ông — ngay thẳng và sắc sảo — và truyền tải tình cảm to lớn dành cho đất nước của mình.
Ông Truman bắt đầu bằng cách liên hệ một số chi tiết về việc đắc cử tổng thống của mình. Sau đó trong bài diễn văn, ông noi theo sự khiêm tốn của ngài George Washington khi viết rằng: “Khi tổng thống Franklin Roosevelt qua đời, tôi cho rằng phải có hàng triệu người tài năng hơn tôi, để đảm nhận chức vụ Tổng thống. Nhưng công việc này đã là của tôi, và tôi phải thực hiện. Và tôi đã cố gắng cống hiến cho công việc đó hết thảy những gì tôi có.”
Về những rắc rối trên toàn cầu — căng thẳng với Liên Xô, chiến tranh ở Triều Tiên — ông Truman sau đó dành thời gian đáng kể cho những vấn đề ngoại giao. Về Liên Xô, ông bày tỏ sự tin tưởng rằng Mỹ quốc cuối cùng sẽ chiến thắng trong các cuộc đối đầu với chủ nghĩa cộng sản, kết luận rằng “cuối cùng, sức mạnh xã hội tự do, và những lý tưởng của chúng ta, sẽ chiến thắng trước một hệ thống không kính trọng cả Thiên Chúa lẫn con người.”
Ngay trước phần trình bày đó, ông bình luận về câu hỏi mà một số công dân hỏi ông: “Tại sao chúng ta không ban hành tối hậu thư, tiến hành chiến tranh tổng lực, thả bom nguyên tử?” Ông Truman trả lời rằng loạt hành động này không phải là cách làm của người Mỹ, ông nói thêm những lời mà một số nhà lãnh đạo hiện nay của chúng ta có lẽ cần phải ghi nhớ: “Bắt đầu chiến tranh nguyên tử là điều hoàn toàn không thể tưởng tượng được đối với những người có lý trí.”
Gần cuối bài diễn văn, tổng thống Truman nói “Tôi không thể không mơ ước chỉ một chút ở đây,” và chia sẻ với thính giả tầm nhìn về một thế giới hòa bình với đầy đủ thực phẩm cho tất cả mọi người. Ông nói về giấc mơ này bằng ngôn ngữ đơn giản, không ủy mị, như tính cách của chính con người ông.
Lời chào cuối cùng của vị Thống tướng
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ký giả Jan Jekielek của The Epoch Times, ứng cử viên tổng thống năm 2024 Robert F. Kennedy Jr. nói: “Tổng thống Eisenhower đã thực hiện điều mà hôm nay tôi nhìn nhận là bài diễn văn quan trọng nhất trong lịch sử Mỹ quốc. Đó là bài diễn văn từ nhiệm của ông với quốc gia.” Tuy rằng một số người có thể bất đồng với tuyên bố này của ông Kennedy, nhưng chắc chắn những lời nói từ biệt của tổng thống Eisenhower trong bài diễn văn kéo dài chưa đầy 10 phút chứa đựng một số lời khuyên tuyệt vời, những lời cảnh báo thậm chí phù hợp với thời đại của chúng ta hơn so với 60 năm trước.
Giống như người tiền nhiệm Harry Truman, ông Eisenhower dành một phần đáng kể trong bài diễn văn của mình để bình luận về các vấn đề bang giao. Về chủ nghĩa cộng sản, ông nói: “Chúng ta phải đối mặt với một hệ tư tưởng thù địch — có quy mô toàn cầu với bản chất vô thần. Sau đó, ông nhắc nhở công dân Mỹ quốc “tiến bước vững vàng, chắc chắn, và không than vãn về những gánh nặng của cuộc đấu tranh kéo dài và phức tạp — khi sự tự do đang bị đe dọa.”
Cụm từ “khu liên hợp công nghiệp-quân sự” (the military-industrial complex), có lẽ là phần được ghi nhớ nhiều nhất trong bài diễn văn này và vẫn còn được sử dụng phổ biến cho đến ngày nay. Đây là lời cảnh báo nổi tiếng của tổng thống Eisenhower: “Trong các hội đồng chính phủ, chúng ta phải trông chừng việc khu liên hợp công nghiệp-quân sự giành được ảnh hưởng không chính đáng, dù có chủ ý hay không chủ ý. Khả năng gia tăng [các hậu quả] thảm khốc của việc quyền lực được đặt nhầm chỗ đang tồn tại và sẽ luôn tồn tại.”
Một lời cảnh báo khác ít được nhớ đến, nhưng lại vô cùng quan trọng. Khi nói về những thay đổi to lớn đang diễn ra trong công nghệ, những lời của vị tổng thống sắp mãn nhiệm này mang tính tiên tri:
“Viễn cảnh về việc kiểm soát các học giả quốc gia thông qua làm việc cho Liên bang, sự phân chia dự án, và sức mạnh của đồng tiền luôn hiện hữu và cần được lưu ý một cách nghiêm túc.
“Tuy nhiên, cùng với việc tiến hành các nghiên cứu và khám phá khoa học, như chúng ta nên làm, chúng ta cũng phải cảnh giác với mối nguy hiểm tương đương và đối lập rằng những chính sách công mà bản thân nó có thể là thứ giam giữ giới tinh hoa khoa học-công nghệ.”
Bằng một vài từ này, tổng thống Eisenhower đã tóm tắt ứng phó gần đây của chính phủ chúng ta đối với đại dịch COVID, khi người Mỹ thấy mình “trở thành tù nhân của giới tinh hoa khoa học-công nghệ”.
Người diễn thuyết vĩ đại
Giống như ba tổng thống khác được đề cập ở đây, tổng thống Ronald Reagan nói về những thành tựu của chính phủ của ông cả bên trong và bên ngoài quốc gia, những nội dung như những thay đổi ở Liên bang Xô Viết, dẫn đến sự sụp đổ của chế độ này ngay sau khi ông Reagan rời Tòa Bạch Ốc, và sự hồi sinh của nền kinh tế Mỹ. Và tương tự như ngài George Washington, ông Reagan cũng thừa nhận thất bại của mình, đặc biệt là vấn đề liên quan đến thâm hụt [ngân sách].
Trong bài diễn văn của mình, tính tình vui vẻ và sở trường kể chuyện của tổng thống Reagan được thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ, nhưng cũng giống như những người tiền nhiệm, ông nói lên những lo ngại về tương lai. “Cuối cùng,” ông nói, “có một truyền thống tuyệt vời về những cảnh báo trong các diễn văn từ biệt của Tổng thống, và tôi cũng có một lời cảnh báo trong tâm trí mình từ lâu.”
Sau đó, ông chia sẻ mối lo ngại sâu sắc của mình về việc mất đi “lòng ái quốc vững chắc,” nêu ra rằng người Mỹ thiếu tình yêu đất nước được bén rễ sâu trong văn hóa như thời trẻ của ông. Ông tự hào về “sự trỗi dậy của niềm kiêu hãnh dân tộc” đã xuất hiện trong thời chính phủ của ông, nhưng lo sợ rằng “Lòng kiêu hãnh này sẽ không kéo dài trừ khi nó dựa trên những suy nghĩ thấu đáo và sự hiểu biết. … Tôi đang cảnh báo về việc ký ức của người Mỹ đang dần bị xóa mất mà cuối cùng, có thể dẫn đến sự tàn lụi của tinh thần Mỹ quốc.”
Để ngăn chặn sự tàn lụi đó, vị tổng thống này kêu gọi các trường học và giáo viên “dạy lịch sử không dựa trên những gì thịnh hành mà dựa trên những gì quan trọng” và “chú trọng hơn vào các nghi lễ của cộng đồng.” Đây là đoạn mà chúng ta tìm thấy lời tuyên bố thường được trích dẫn của ông rằng “mọi thay đổi lớn ở Hoa Kỳ đều bắt đầu từ bàn ăn” khi ông khuyến khích các bậc cha mẹ và con cái thảo luận về chính trị, lịch sử, và văn hóa tại nhà của họ.
Lắng nghe và học hỏi
Bốn vị tổng thống này khác nhau về xuất thân, nhưng họ đều có một điểm chung: tình cảm sâu sắc và không lay chuyển đối với tự do và đất nước của mình. Với trí tuệ có được từ kinh nghiệm, họ đã cảnh báo các thế hệ hiện tại và tương lai về những cạm bẫy có thể diễn ra: các liên minh với ngoại bang, chính trị đảng phái, mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản, mối nguy hiểm do liên minh công nghiệp và công nghệ với chính phủ gây ra, và những hậu quả thảm khốc bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về quá khứ cũng như nghĩa vụ công dân của chúng ta.
Những mối nguy hiểm mà họ mô tả đã không biến mất. Ngược lại, chúng đã trở nên trầm trọng hơn và thậm chí giờ đây còn gây tổn hại cho đất nước chúng ta.
Dù vậy, cũng còn một số tin tốt. Khi xem lại lời khuyên mà các vị tổng thống này để lại cho chúng ta, chúng ta nhận thấy rằng mỗi người trong số họ đều đưa ra sự khích lệ và hy vọng. “Tôi có niềm tin sâu sắc và bền vững vào số mệnh của những người tự do,” Tổng thống Truman nói, và những người khác cũng bày tỏ cùng cảm nghĩ theo cách riêng của họ.
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times