Hầu tước Lafayette: Tưởng nhớ ‘Người hùng của hai thế giới’, chiến binh vĩ đại nhất về tự do của Pháp quốc
Chuyến công du vĩ đại của ngài Lafayette vẫn tiếp diễn đến tận hôm nay
Vào ngày 15/08/1824, một vĩ nhân đã đến New York để bắt đầu “Chuyến Công Du Vĩ Đại” ở Hoa Kỳ. Dù kế hoạch định sẵn của ông là đến thăm 13 tiểu bang trong vòng 4 tháng, tính luôn cả những thuộc địa ban đầu, thế nhưng cuối cùng, [thời gian] lưu trú của ông đã kéo dài gấp bốn lần và ông đã gặp nhiều đám đông mừng vui reo hò ở 24 tiểu bang, gồm cả Liên bang miền Bắc tại thời điểm đó.
Tổng thống James Monroe đã gia hạn lời mời cho quý ngài được yêu mến này như một nội dung trong lễ lập quốc lần thứ 50 sắp tới của Hoa Kỳ vào năm 1826. Đó là một sự lựa chọn hoàn hảo. Quý ông ấy là Hầu tước Lafayette đáng kính, người đã rời quê hương Pháp quốc để đặt chân đến Hoa Kỳ khi còn là một cậu thiếu niên với mục đích giúp Hoa Kỳ bảo vệ được nền tự do và độc lập.
Ngài Lafayette đặt cuộc đời mình ở ranh giới hiểm nguy “vì chính nghĩa” và không bao giờ nhận lại một xu nào. Ông gia nhập đội ngũ tham mưu cho Đại Tướng George Washington (người yêu quý ông như con trai mình), chịu một vết thương nặng ở chân trong trận Brandywine, trải qua mùa đông khủng khiếp tại Valley Forge cùng với đội quân, giúp ngài Benjamin Franklin đảm bảo viện trợ nguồn lực cho cuộc chiến từ nước Pháp, và với cương vị một vị tư lệnh, ông cũng đảm đương nhiều vai trò quan trọng hết trận chiến này đến trận chiến khác, bao gồm cả trận đánh quyết định tại Yorktown vào năm 1781. Ở độ tuổi 20, ông được phong quân hàm thiếu tướng trong Lục quân Lục Địa.
Đó sẽ là một kỷ lục ấn tượng nếu ngài Lafayette không làm gì hơn thế, nhưng như vậy cũng chỉ động chạm sơ vào phần bề mặt của sự vĩ đại ở quý ông này. Tuy thế, như vậy cũng đủ để giải thích tại sao chuyến công du kéo dài 16 tháng của ông vẫn là lễ kỷ niệm long trọng nhất và dài nhất mà người Mỹ từng ưu ái dành cho một người ngoại quốc.
Gần 90% người dân ở Thành phố New York đã ra ngoài chào đón khi ông xuống tàu. Những đám đông nghìn nghịt, cuồng nhiệt vây quanh ông ở Boston, Philadelphia, Charleston, St. Louis và thực ra là bất cứ nơi nào ông đặt chân đến. Lúc đó ông đã 67 tuổi. Rất ít người Mỹ đã gặp hoặc nói chuyện với huyền thoại sống này trong nửa thế kỷ trước. Dẫu vậy, mọi người không chỉ biết ông là ai mà họ còn yêu mến ông vô hạn. Nhà sử học Shannon Selin viết rằng:
“Quý ngài Lafayette đã đi gần 6,000 dặm, đến thăm tất cả 24 tiểu bang, một số tiểu bang ông đến thăm không dưới một lần. Ông được chào đón với nỗi vui mừng nhiệt thành, những buổi chiêu đãi, lễ diễn hành, diễn binh, tiệc tùng, yến tiệc, những buổi hòa nhạc và vũ hội. Người dân địa phương đã trang hoàng khắp tuyến đường và dựng những mái vòm nghi lễ để ông và đoàn tuỳ tùng đi qua. Chuông nhà thờ reo vang để vinh danh ông. Những cỗ đại bác đã được khai pháo để chào mừng. Người dân ca ngợi ông trong những lời chúc rượu, bài phát biểu, thơ ca và âm nhạc. Ông đã đến kiểm tra lực lượng dân vệ. Ông trò chuyện với các cựu chiến binh và tham quan chiến trường, bao gồm cả địa điểm diễn ra Trận Brandywine, nơi ông bị thương ở chân vào năm 1777. Ông đã tặng các tượng đài và đặt các viên đá đầu tiên. Ông đã đi tham quan các phân xưởng, kênh đào, trang trại và nhà máy sản xuất. Ông đã cầu phước lành cho trẻ em và gặp gỡ những người Mỹ bản địa. Một ngành kinh doanh đồ lưu niệm đã mọc lên để chế tạo đĩa, ruy băng, ghim, huy hiệu, huy chương, quạt, chăn và quần áo có khắc tên và/hoặc hình ảnh của ngài Lafayette. Các khung cảnh từ cuộc Cách mạng [Hoa Kỳ] và chuyến thăm của ông đã được thể hiện trong các thạch bản và tranh vẽ. Tiểu sử mới của ông cũng được xuất bản. Nhiều trẻ em, cũng như các tòa nhà, đường phố và thị trấn, đều được đặt theo tên của ông. Báo chí cũng theo dõi sát sao chuyến viếng thăm của ông.”
Theo một ý nghĩa nào đó, ngày nay, người Mỹ vẫn tưởng nhớ ông. Tên của ông được đặt cho ít nhất 36 thành phố và thị trấn của Mỹ, như Fayetteville, North Carolina và Lafayette, Louisiana.
Hầu tước de Lafayette sinh năm 1757, tên khai sinh là Marie-Joseph Paul Yves Roch Gilbert du Motier, ông xứng đáng giữ một vị trí cao trong điện đường của các chiến binh vì tự do. Hãy xem xét những sự thật sau đây về cuộc đời phi thường của ông:
Nhờ có ngài Lafayette, chúng ta may mắn bảo tồn được Hội trường Độc lập ở Philadelphia. Tòa nhà đã rơi vào tình trạng hư hỏng cho đến khi các quan chức địa phương quyết định cải tạo cho chuyến viếng thăm của Hầu tước. Năm 1777, khi ở độ tuổi 19, ngài Lafayette đã ở rất gần với thành tựu của mình khi lịch thiệp thỉnh cầu Quốc hội cho phép ông tham gia cuộc chiến chống lại vua George III, nước Anh. Khi chiến tranh kết thúc, ông đã tuyên bố một câu nổi tiếng, “Nhân loại đã chiến thắng trong cuộc chiến của chính mình. Nền tự do giờ đã có quốc gia riêng.”
Ông là một người cả đời theo chủ nghĩa bãi nô, người đi trước thời đại khi nói về chế độ nô lệ. Ông có nhiều mối quan hệ bạn bè thân thiết với người Mỹ da đen và không ngừng kêu gọi cho “tự do cho toàn nhân loại.”
Khi Cách mạng Pháp nổ ra vào năm 1789, ngài Lafayette (với tư cách là thành viên do Hội nghị Quốc dân (Estates General) bầu) đã chắp bút cho bản thảo đầu tiên của Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền. Là một nhân vật quan trọng trong sự khai sinh của cả hai nước cộng hòa Hoa Kỳ và Pháp, ông đã nhận được biệt danh bất tử là “Người hùng của hai thế giới.” Tuyên ngôn của ông bao hàm sự giải nghĩa ngắn gọn và cao cả về mục đích mà ông tôn vinh: “Tự do bao gồm khả năng làm bất cứ điều gì không gây hại cho người khác; do đó, việc thực hiện các quyền tự nhiên của mỗi người là không giới hạn, sao cho các cá nhân khác trong xã hội cũng được hưởng các quyền tương tự.”.
Khi Cách mạng Pháp chuyển sang chế độ chuyên chế và chống lại tự do, ông không còn ủng hộ những người cấp tiến đương nắm quyền (chẳng hạn như tên đồ tể Maximilien Robespierre). Ông đã bị tước đi quốc tịch Pháp.
Khi nước Pháp đang trong cách mạng chính trị gây chiến với phần còn lại của Âu châu, người Áo đã bắt cóc và bỏ tù ngài Lafayette trong hai năm. Chắc hẳn hành động này đã giải cứu ông khỏi chiếc máy chém đẫm máu của những kẻ cấp tiến ấy.
Khi Napoléon Bonaparte lên nắm quyền vào năm 1799, ông đã khôi phục quyền công dân của Lafayette và phong cho ông chức đại sứ của Pháp tại Mỹ. Lafayette đã từ chối vì tình yêu của ông dành cho nước Mỹ quá sâu đậm, và như ông đã nói, ông không thể hình dung được rằng mình sẽ đứng ở phía đối lập với những người bạn của mình. Mặc dù biết ơn sự tín nhiệm của Napoléon đối với ông, ông đã kịch liệt phản đối việc nhà lãnh đạo Pháp quốc tự tuyên bố mình là Hoàng đế trọn đời. Lafayette thậm chí còn công khai từ chối nhiều lời đề nghị bổ nhiệm chính trị của Napoléon, và nói rằng ông sẽ chỉ chấp nhận những vị trí như vậy nếu chúng đến từ một chính phủ vì tự do của dân chúng.
Sau khi Napoléon thoái vị và phục hồi chế độ quân chủ Bourbon của Pháp vào năm 1815, ngài Lafayette đã từ chối cho vua Louis XVIII mượn bất kỳ quyền lực đạo đức nào từ mình. Do đó, ông bị cấm làm việc trong chính phủ. Chỉ có sự nổi tiếng toàn thế giới của ông đã cứu ông khỏi sự tồi tệ của số mệnh. Khi Tổng thống Monroe mời ngài Lafayette đến thăm Hoa Kỳ vào năm 1824, ông đã sẵn sàng đón nhận sự đón tiếp nồng nhiệt từ một quốc gia nơi ông đã đấu tranh giành lại nền độc lập.
Vào cuối đời (ông mất vào tháng 05/1834 ở tuổi 76), ngài Lafayette đã có thể suy ngẫm về cuộc đời đầy những chuyến phiêu lưu, hiểm nguy và thành tựu. Không thể chối bỏ rằng hàng triệu người ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương đã ngưỡng mộ ông vì những điều ông đã làm vì tự do của người khác. Trong những lời cuối cùng ông viết, những lời sau đây là minh chứng cho tình cảm mãnh liệt của ông đối với quốc gia “thừa nhận” của mình:
“Tôi luôn yêu thích nền tự do cùng với lòng nhiệt thành, điều đã khiến những nhà sùng đạo hoạt động với niềm tin của một nhà kỷ hà học và niềm say mê như một người đang yêu. Sau khi tốt nghiệp đại học, không có gì khiến tôi khó chịu hơn là tình trạng lệ thuộc, tôi nhìn sự đường bệ và nhỏ bé của triều đình với thái độ coi thường, nhìn sự phù phiếm của xã hội với lòng thương hại, nhìn vẻ mô phạm vụn vặt của quân đội với lòng ghê tởm, và nhìn mọi hình thức áp bức với sự phẫn nộ. Sức hấp dẫn của cuộc Cách mạng Hoa Kỳ đã lập tức đưa tôi đến với vị trí của mình. Tôi chỉ có thể cảm thấy bình yên khi đi thuyền giữa các lục địa với nguồn năng lực khiến tôi trở nên can đảm, và cũng là nơi tôi có thể bất chấp nỗi mơ hồ từ việc đặt chân cho đến thành tựu cuối cùng để tôi tìm thấy nơi nương náu trong sự đổi chác giữa chiến công hay cái chết vì chính nghĩa, thứ mà tôi đã trao gửi cả cuộc đời mình ở cái tuổi 19 ấy.”
Nghĩa trang Picpus, nghĩa trang tư nhân lớn nhất Paris, là nơi bạn nhất định phải đến thăm nếu bạn có dịp ghé thành phố này. Trên thi hài của Lafayette tung bay một lá cờ Mỹ. Ông đã được chôn cất dưới lớp đất Mỹ mà ông đã đích thân mua và đựng trong một chiếc hòm trong chuyến đi đến Đồi Bunker ở Boston nhiều năm trước. Trong Thế chiến thứ nhất, quân đội Hoa Kỳ thường xuyên dừng lại ở ngôi mộ của một vĩ nhân, nơi họ đã thốt lên, “Lafayette, chúng tôi đây rồi!”
Đừng bao giờ lãng quên ngài Hầu tước Lafayette. Cho đến ngày nay, ông vẫn là một trong những người bạn tốt nhất của nền tự do. Cầu mong Chuyến Công Du Vĩ Đại vì Tự Do của ông sẽ không bao giờ kết thúc.
Thông tin bổ sung:
“Marquis de Lafayette: Anh hùng của hai thế giới” (Simon Whistler Biographics video on YouTube)
“Anh hùng của hai thế giới: Hầu tước de Lafayette và Thời đại Cách mạng” bởi Mike Duncan
“Lafayette trong phần nào đó của Hoa Kỳ” bởi Sarah Vowell
“Lafayette” bởi Harlow Giles Unger
“Lafayette: Người hùng đã mất”(video)
“Sử gia Mike Duncan trả lời phỏng vấn trên CBS buổi Sáng” (video)
“Chuyến thăm của Lafayette đến Mỹ năm 1824–25” bởi Shannon Selin
Bài viết này ban đầu được xuất bản bởi Quỹ Giáo dục Kinh tế trên FEE.org.
Chú thích của dịch giả:
George III sinh ngày 4 tháng 6 năm 1738 tại London, là con trai của Frederick – Hoàng tử xứ Wales và Augusta của xứ Saxe-Gotha. Khi cha ông mất năm 1751, ông trở thành người kế vị ngôi vương của ông nội là Vua George II và lên ngôi năm 1760. Ông là người đầu tiên của vương triều Hanover sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Năm 1761, George kết hôn với Charlotte xứ Mecklenburg-Strelitz và có một cuộc hôn nhân hạnh phúc với 15 người con.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch times