Những chuyến phiêu lưu của một cậu bé 13 tuổi người Mỹ trong Đệ nhị Thế Chiến ở Ý
Ông Joe Moraglia, 91 tuổi, kể lại cuộc phiêu lưu thời thơ ấu của mình khi giúp đỡ các đồng minh Anh.
Joseph Moraglia sinh ra ở Brooklyn vào ngày 04/07/1931. Ông là con trai út trong gia đình có 9 người con, thân sinh là ông Domenico và bà Rosa Moraglia. Ông cũng là thành viên duy nhất của một gia đình người Ý được sinh ra tại Hoa Kỳ và có ngày sinh vừa trùng khớp ngày 04/07.
Năm nay cụ ông Joseph đã bước sang tuổi 91. Ông là đứa con của giấc mơ Mỹ. Ông kết hôn với người yêu Loretta vào năm 1957. Họ có bốn người con và chín đứa cháu. Ông là một doanh nhân rất thành công. Ông từng ở trong Lực lượng Hải quân Trừ bị Hoa Kỳ từ tháng 08/1949 đến tháng 11/1950, cho đến khi nhập ngũ vào Thủy quân lục chiến trong ba năm để chiến đấu tại Hàn Quốc từ ngày 6/5/1952 đến ngày 2/7/1953. Chỉ sau một tháng hành quân, ông được thăng cấp trung sĩ.
Những câu chuyện về cuộc chiến chống lại người Triều Tiên và người Trung Quốc dọc theo Vĩ tuyến 38 của ông thật sống động. Chàng trai trẻ lúc bấy giờ chỉ huy một đơn vị súng cối, suýt chết vì một vụ nổ súng cối khi đang khiêng một trong những người bạn bị thương của mình đến nơi an toàn dưới làn lửa đạn. Ông cũng từng đóng vai phụ trong bộ phim “Retreat Hell” (tạm dịch: Thoát khỏi Địa ngục), một bộ phim về Chiến tranh Triều Tiên, kể về một tiểu đoàn thủy quân lục chiến phải đối mặt với những khó khăn rất lớn. Sau đó, ông chuyển đến tiểu bang Florida, mua cho bố mẹ một ngôi nhà sau khi họ từ Ý trở về. Hàng năm, ông đều trở về thăm ngôi nhà của gia đình ở Palo del Colle, một thị trấn nhỏ cách thành phố cảng Bari, Ý 10 dặm về phía tây.
“Tôi đã làm rất nhiều việc mà thậm chí tôi không thể nhớ nổi,” ông nói rồi cười vang.
Có thể Joe – cái tên thân mật mọi người hay dùng gọi ông, đã quên nhiều hơn những gì có thể nhớ. Ở độ tuổi 91 của ông, đây là điều dễ hiểu. Nhưng có một câu chuyện mà ông không bao giờ có thể quên. Đó là một câu chuyện giống như tiểu thuyết hay nhất của thời chiến.
Đây không phải là câu chuyện về quá trình phục vụ của ông với tư cách là Thủy quân lục chiến ở Hàn Quốc. Câu chuyện này kể về thời gian làm việc với người Anh khi ông hãy còn là một đứa trẻ mang quốc tịch Mỹ bị kẹt ở Ý trong Đệ nhị Thế Chiến.
Gia đình Moraglia trở về nước Ý
Domenico Moraglia – một doanh nhân sinh năm 1888 – là một trong 4 triệu người Ý định cư trên đất Mỹ từ năm 1880 đến năm 1920. Với đầu óc kinh doanh, ông khởi nghiệp ở Brooklyn với nhiều doanh nghiệp rồi sau đó bán chúng đi. Từ những thương vụ này, ông trở về nước Ý để mua đất nông nghiệp ở Palo del Colle. Vì ông đi khắp nơi buôn bán phát đạt nên gia đình ngày càng sung túc. Domenico là người được hưởng lợi từ nền kinh tế bùng nổ trong những năm 20 sau thế chiến.
Lúc người Mỹ đang tận hưởng thành quả lao động của mình, thì nền kinh tế đột ngột chững lại và rồi sụp đổ. Khi Joseph được sinh ra, Đại suy thoái đã diễn ra trong hơn một năm.
Trong những năm 1930 đến những năm 1940, Leonardo, anh trai 22 tuổi của Joseph, chuyển về Ý. Hòa vào cảm xúc và sự phấn khích của một phong trào chính trị mới, Leonardo gia nhập Quân đội Hoàng gia Ý để chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Ý- Ethiopia thứ nhì.
Ông Joe nói: “Cha tôi rất tức giận vì ông là một người chống phát xít.”
Ngay sau khi chiến tranh ở Ethiopia kết thúc vào năm 1937, Leonardo trở về Hoa Kỳ. Trớ trêu thay, sau đó ông được điều động vào Quân đội Hoa Kỳ để chống lại phe Trục*, trong đó có nước Ý. Cùng lúc đó, Domenico quyết định quay trở lại Ý để kiếm sống trên mảnh đất nông nghiệp mà ông đã mua. Đó sẽ là cách nhanh nhất và chắc chắn nhất để bản thân và gia đình ở Hoa Kỳ có chỗ dựa tài chính vững chắc.
“Đáng lẽ cha tôi đi một mình, nhưng mẹ tôi nói: ‘Không, em muốn về thăm mẹ và nhiều thứ khác. Vì vậy, tất cả chúng ta sẽ đi,’”Joe kể. “Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện chuyến đi.”
Gia đình Moraglia đến Palo del Colle vào khoảng năm 1938. Domenico đã cố gắng bán đất nông nghiệp của mình, nhưng vấn đề nằm ở chỗ là không ai muốn mua, bởi cuộc khủng hoảng kinh tế là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Là một chủ đất khá giàu có, chính quyền địa phương đã cố gắng thuyết phục ông tham gia phong trào chính trị mới của quốc gia là chủ nghĩa phát xít, một thuật ngữ do nhà độc tài người Ý Benito Mussolini đặt ra.
Joe nói: “Các nhà chức trách ở Palo del Colle đã làm mọi cách để bắt ông tham gia các đảng phái, nhưng cha tôi từ chối.”
Đó không chỉ là bầu không khí chính trị quá khác biệt so với Hoa Kỳ mà còn là sự thay đổi hoàn cảnh sống, từ những tòa nhà bê tông cao chọc trời của New York, nay phải chuyển đến vùng quê với lối kiến trúc baroque của Palo del Colle. Joe – hay Joey, tên gọi thân thuộc khi còn nhỏ – buộc phải thích nghi với môi trường mới.
“Tôi không thích nơi này,” ông nói. “Tôi đã quá quen với đất nước Hoa Kỳ xinh đẹp vì tất cả những gì tôi phải làm chỉ đơn giản là đến trường và vui chơi. Ở đây, tôi phải đến trang trại và hái ô liu trong bùn lầy và nhiều thứ khác. Tôi không thích công việc đồng áng.”
Thị trấn nhỏ của Ý kém Brooklyn về nhiều mặt công nghệ, từ nguồn nước sinh hoạt đến giao thông.
“Cứ cách khoảng hai hoặc ba căn nhà thì chúng tôi có những đài phun nước. Tôi và các chị tôi phải đưa nước về nhà bằng hai cái xô. Khi cần giặt giũ, chúng tôi phải thực hiện 10 chuyến nước. Đó là công việc thường ngày,” ông nói. “Ngoài ra, không ai trong thị trấn có xe hơi. Mọi người đều đi ngựa và xe lôi. “
Palo del Colle có thể không theo kịp Brooklyn, nhưng người dân Ý luôn cập nhật tin tức đến từ New York, đặc biệt là khi có những sự kiện liên quan đến người Ý. Năm 1935, trong khi người Ý chuẩn bị chiến đấu với người Ethiopia, có một công dân Ý đến Hoa Kỳ thi đấu. Ông là Primo Carnera. Ông đã đạt được ngôi vô địch quyền anh hạng nặng từ thiên tài quyền anh Jack Sharkey vào tháng 6 năm 1933. Hai năm sau, cho đến ngày ông giao đấu với Joe Louis tại sân vận động Yankee. Võ sĩ Carnera – người mà Mussolini tôn vinh là biểu tượng sức mạnh của Ý, đã không trụ được qua vòng đấu thứ sáu sau khi bị hạ gục ba lần. Trận đấu vòng loại trực tiếp để lại ấn tượng sâu sắc cho những đứa trẻ ở Palo del Colle.
“Những đứa trẻ bằng tuổi tôi yêu cầu ‘Hãy cho tôi xem cú đấm của người Mỹ.’ Họ gọi nó là ‘Cú đấm,’” Joe nói. “Vì vậy, tôi đã thực hiện một cú đấm và tôi đánh một trong những đứa trẻ. Một đứa trẻ lớn hơn thách thức, ‘Hãy đấm tôi đi. Đấm tôi đi.’ Và tôi đã hạ gục anh ấy. Vâng, chuyện là như vậy. Bọn trẻ nói, ‘Cú đấm ghê thật!’ Tôi đã nổi tiếng với biệt hiệu ‘Đừng gây rối với Joey.'”
“Cú đấm kiểu Mỹ” của Joe thực sự đã giúp ích những trẻ em địa phương khác. Ông nói rằng những đứa trẻ mà ông thậm chí không quen biết sẽ gọi tên ông như một lời răn đe đối với những kẻ bắt nạt.
“Bọn trẻ sẽ nói, ‘Chúng tôi sẽ mách với Joey,’ và nhờ đó họ sẽ được những kẻ bắt nạt để yên. Điều này đã diễn ra trong nhiều năm.”
Khi “Joey” tạo dựng được danh tiếng với bọn trẻ trong vùng, thì ông Domenico đã được Lãnh sự quán Hoa Kỳ cảnh báo rằng gia đình ông cần phải rời khỏi Ý. Theo lời của Joe: “Hồi trống chiến trận đã đánh.”
Vào ngày 22/05/1939, Mussolini ký Hiệp ước Thép với Adolf Hitler của Đức, tạo ra một liên minh chính trị và quân sự giữa các quốc gia. Ba tháng sau, quân Đức xâm lược Ba Lan. Đệ nhị Thế Chiến đã bắt đầu. Gia đình Moraglia đã bị mắc kẹt ở Ý.
Tách biệt khỏi chiến tranh
Từ năm 1938 đến năm 1945, gia đình Moraglia vẫn ở lại Ý. Khi chiến tranh diễn ra, Palo del Colle thực sự nằm ngoài cuộc chiến. Cuộc giao tranh đã không đến bờ biển phía đông nam của Ý. Những ngày tháng đó Joe tiếp tục việc đi học, tham quan các bãi biển ở Bari và làm việc trong trang trại của gia đình.
Cho đến năm 1943, Joe nhìn thấy những người lính Ý. Tháng 7 cùng năm, Mussolini (người sáng lập ra chủ nghĩa phát xít Ý) bị lật đổ, Ý đầu hàng Đồng Minh. Nhưng Đức Quốc Xã vẫn ở lại, tước vũ khí của binh lính Ý và đóng quân ở nhiều vùng khác nhau trên đất Ý.
“Người Đức thường đến rồi rời đi,” Joe nói. “Chúng tôi không thích những người lính Đức. Họ không thân thiện và cứng nhắc. Bạn không thể nói chuyện hoặc đến gần trại của họ. Chúng tôi có một sân vận động bóng đá, một đại đội hoặc tiểu đoàn sẽ ở lại đó trong một tháng hoặc một vài tuần và sau đó một đội khác đến. Nơi đây gần giống như một khu vực đóng quân .”
Joe biết chuyện gì đã xảy đến với Mussolini và tại sao quân Đức đến. Khi thấy quân Đức rời đi luôn, cậu bé biết rằng quân Đồng Minh đang trên đường tới.
Quân Đồng Minh xâm lược
Vào ngày 10/07/1943, chỉ 6 ngày sau sinh nhật lần thứ 12 của ông và 15 ngày trước khi Mussolini bị lật đổ, Chiến dịch Husky bắt đầu, với hơn 150,000 quân Đồng Minh xâm lược Sicily. Đến ngày 17/08/1943, quân Đồng Minh đã giải phóng Sicily. Tuy nhiên, cuộc chiến ở nước Ý khó khăn hơn nhiều so với dự đoán. Điều mà Thủ tướng Anh Winston Churchill gọi là “phần bụng mềm của châu Âu” đã được Tướng Hoa Kỳ Mark Clark gọi lại “phần ruột già cứng rắn.”
Những người lính Đồng Minh đầu tiên mà Joe nhìn thấy là từ Sư đoàn bộ binh Ấn Độ số 8. Quân Đồng Minh đến vào tháng 9 sau khi vượt qua eo biển Messina.
“Những người này xa lạ đối với chúng tôi,” ông nói. “Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ ai trong số họ trước đây. Chúng tôi thậm chí không biết những người lính này đến từ đâu.”
Ngay sau đó lính Anh đã đến Bari, tiếp sau đó là lính Mỹ. Thành phố cảng lớn sẽ là một trung tâm tiếp tế cho quân đội Đồng Minh chiến đấu ở Âu Châu, chủ yếu là Quân đội số 8 của Anh. Với sự xuất hiện của quân đội Đồng Minh và một chính phủ Ý mới, Ý tuyên chiến với Đức vào ngày 13/10/1943.
Joe nói: “Rất nhiều máy bay ném bom cỡ lớn của chúng tôi thường xuất hiện ít nhất mỗi tuần hoặc hơn. Những chiếc máy bay này được đưa từ Phi Châu đến Đức. Sau khoảng nửa giờ, bạn sẽ nghe thấy tiếng bom nổ ― bùm, bùm – từ rất xa. Và sau đó bạn sẽ thấy những chiếc máy bay quay trở lại. Chúng tôi đứng ngay ngắn, và họ sẽ bay qua chúng tôi ngay tức thì.”
Trong khi các máy bay được điều động đến ném bom ở Đức, một vài cuộc giao tranh khốc liệt nhất của cuộc chiến đang diễn ra ở phía tây của Ý.
Ngay sau khi quân đoàn số 8 của Anh vượt qua eo biển Messina, quân đoàn số 5 của Hoa Kỳ đã đổ bộ vào Salerno, và Sư đoàn nhảy dù số một của Anh đổ bộ xuống Taranto, chỉ cách Bari 54 miles (87km) về phía nam. Quân Đồng Minh đã đặt tầm ngắm của họ ở Naples, nơi họ đã chiếm đóng vào ngày 1/10/1943. Rome là nơi tiếp theo thất thủ, nhưng việc chiếm được thành phố Eternal (còn được gọi là thành phố Vĩnh cửu) diễn ra tốn kém và mất thời gian hơn. Sẽ còn 8 tháng nữa trước khi quân Đồng Minh đẩy các sư đoàn Đức ra khỏi Rome. Hai ngày sau, trên bờ biển phía bắc nước Pháp, Chiến dịch Overlord, được gọi là Cuộc đổ bộ Normandy, đã diễn ra.
Trong khi quân Đồng Minh đang chiến đấu dọc theo bờ biển phía tây của Ý, Joe và những người Ý mới được giải phóng ở bờ biển phía đông làm việc cho họ.
“Người Anh đã đến và xây dựng các cửa hàng. Nơi đây giống như một thị trấn. Người Anh đem mọi thứ đến đây,” ông nói. “Cha tôi đã trở thành thông dịch viên cho vị tướng đứng đầu Anh hoặc cho bất cứ ai. Họ đã thuê tất cả những người nông dân ở Palo. Mọi người đều có việc và người dân đến từ các thị trấn khác để làm công. Ngay cả những người bạn là chủ trang trại tức giận với cha tôi, họ nói “Này chúng tôi không có người làm công nào đến làm.” Cha tôi nói, “Tôi không thể làm gì được. Mọi người đến đó làm việc và họ đã có tiền.”
Bari: ‘Trân Châu Cảng thứ 2’
Bari của Ý đã trở thành quê hương của lính Anh và cũng là trụ sở của Không lực Lục quân Hoa Kỳ 15 mới được thành lập dưới thời Thiếu tướng Hoa Kỳ James “Jimmy” Doolittle. Ông đã đến Bari vào ngày 01/12/1943.
Mặc cho lượng lực đông đảo của quân đội Đồng Minh, Bari dường như không bị tấn công. Phó Nguyên soái Không quân Anh, Ngài Arthur Coningham, tuyên bố vào chiều ngày 02/12/1943, rằng ông “sẽ coi đó là một sự sỉ nhục và xúc phạm cá nhân nếu Lực lượng Không quân Đức cố gắng thực hiện bất kỳ hành động quan trọng nào trong khu vực này.”
Không quân Đức đang hăm hở với nghĩa vụ của mình và một chiếc máy bay trinh sát của Đức đã bay qua thành phố cảng. Phi công báo cáo về số lượng lớn các tàu chen chúc vào bến cảng. Trong vòng vài giờ, lực lượng không quân đã tấn công Bari.
Cuộc tấn công vào Bari được mệnh danh là “trận Trân Châu Cảng thứ hai.” Vào tối ngày 2/12/1943, gần hai năm cho đến ngày sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng đầu tiên, khoảng 100 chiếc máy bay Ju-88 đã bay qua Adriatic về phía cảng.
“Tôi đã đi khoảng hai dặm (3,2km) để làm việc cho người Mỹ. Chúng tôi đang ngồi ăn và đột nhiên, ‘Bùm! Bùm! Bùm!’ Quân Đức đột kích và đánh bom tất cả các con tàu ở đó,” Joe nói.
Cuộc tấn công kéo dài 20 phút, nhưng thiệt hại là vô cùng lớn, 17 tàu của quân Đồng Minh (5 tàu Mỹ, 4 tàu Anh, 3 tàu Ý, 3 tàu Na Uy và 2 tàu Ba Lan) bị đánh chìm và 8 tàu bị hư hại, với hơn 31,000 tấn hàng hóa bị phá hủy. Có hơn 1,000 binh sĩ Đồng Minh thiệt mạng và nhiều người bị thương. Khi mặt trời lặn, cảng Bari chìm trong biển lửa và mùi khói súng.
“Một trong những con tàu đã được chứa đầy khí độc. Không ai biết có khí gas trong đó,”Joe nói. “Tôi đang ở trong cửa hàng sửa ống nước. Cửa hàng của chúng tôi phụ trách việc nạp điện động cơ chữa cháy. Chúng tôi thấy có hai trong số các lính Mỹ tiến về cảng. Tôi muốn đi, nhưng những người lính không cho tôi đi. May mắn là tôi đã không đi vì mọi chuyện không tốt như tôi nghĩ.”
Chiếc tàu John Harvey thuộc dòng tàu Liberty của Hoa Kỳ đã bí mật chở 100 tấn bom khí mù tạt. Tình báo Đồng Minh cho rằng quân Đức đã dự trữ vũ khí hóa học. Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt đã đưa ra tuyên bố rằng nếu người Đức sử dụng vũ khí hóa học, Đồng Minh sẽ đáp trả giống như vậy. Chiếc tàu John Harvey được giao cho nhiệm vụ đó.
Con số thương vong dân sự vẫn là ẩn số và có thể không bao giờ được thống kê đầy đủ. Ước tính cho thấy 1,000 người thương vong. Sự thật là khí mù tạt đã được giữ bí mật trong và sau chiến tranh, nhằm loại bỏ khả năng tuyên truyền chiến thắng của quân Đức. Trớ trêu thay, cuộc đột kích vào Bari là sự cố chiến tranh hóa học duy nhất trong Đệ nhị Thế Chiến.
Joe nói: “Rất nhiều người đã thiệt mạng. Trên thực tế, một số người thân của tôi đã qua đời. Những người này sống ở Bari Vecchia gần cảng. Nhiều người nói rằng gió thổi đưa khí độc ra biển, nhưng họ sống quá gần cảng.”
Cuộc phiêu lưu sau chiến tranh
Cuộc chiến ở Âu Châu kéo dài thêm 17 tháng. Cuộc chiến lên đến đỉnh điểm gần như đồng thời với cái chết của hai nhà độc tài phe Trục*. Vào ngày 30/4/1945, khi quân Đồng Minh tràn vào Berlin, Hitler đã tự sát trong boongke* của mình. Hai ngày trước, Mussolini phải chịu số phận bi thảm hơn nhiều. Trong khi cố gắng trốn sang Thụy Sĩ, ông ta và 17 người khác, bao gồm cả tình nhân của anh ta, Clara Petacci, đã bị chặn lại bởi những người kháng chiến gần Hồ Como và bị hành quyết. Xác của họ sau đó được đưa đến quảng trường thành phố Milan, Piazzale Loreto, và bị treo ngược bằng mắt cá chân của họ.
Vào ngày Mussolini bị hành quyết, Venice rơi vào tay quân Đồng Minh. Chiến tranh ở Ý đã kết thúc. Chiến tranh ở Âu Châu cũng kết thúc. Người Anh đang rời khỏi Ý, nhưng vẫn còn một công việc cần phải hoàn thành.
Những chiếc xe tải từng được sử dụng để vận chuyển bom từ đường sắt đến cảng được đưa đến Milan. Có tất cả 50 xe tải, chỉ có 13 binh sĩ Anh đảm nhận nhiệm vụ, những người tài xế còn lại từ quê Palo del Colle và một cậu bé 13 tuổi người Mỹ gốc Ý.
“Đội trưởng hỏi tôi có muốn đi không. Cha tôi nói, ‘Hãy đi đi,’” Joe nói. “Tôi đã đi theo đội trưởng. Tôi biết hầu hết các con đường, nhưng tôi chưa bao giờ đi xa đến thế. Chúng tôi lái xe đúng hướng cho đến khi đi được khoảng nửa chặng đường, và tôi đã mắc sai lầm.”
Theo chỉ dẫn của cậu, toàn bộ đoàn xe bắt đầu đi xuống một con đường nông trại hẹp không gần Milan. Tất cả 50 chiếc xe tải đã phải quay đầu xe rất khó khăn và tốn nhiều thời gian. Đội trưởng giận dữ và chộp lấy súng của anh ta. Joe biết phải làm gì: chạy trốn.
“Tôi không nghĩ anh ta sẽ bắn tôi,” ông nói. “Một vài trung sĩ hoặc người làm công đã nhìn thấy những gì đang diễn ra và họ kéo tôi vào sau xe tải của họ, phủ những tấm bạt lên người tôi. Vì vậy, tôi đã tiếp tục chuyến đi và ẩn nấp dưới những tấm bạt đó. Một khi chúng tôi đi xa, anh ta sẽ không tìm kiếm tôi nữa.”
Khi Joe và đoàn xe tải hộ tống gồm 50 chiếc đến Milan, thành phố đang trong cuộc cách mạng. Cựu lãnh đạo chính trị của thành phố đã bị hành quyết và treo trên đường phố. Các đảng phái tranh giành quyền lực, trong số đó có Đảng Cộng sản Ý vốn đã nổi tiếng. Kế hoạch là để lại đoàn xe tải ở đây và sau đó bắt tàu trở lại Palo del Colle, nhưng nhân viên đường sắt hiện đã tử vong và tàu sẽ không đến. Một chuyến đi tưởng chừng tốt đẹp giờ đây lại là mối nguy hiểm đang rình rập đối với những người dân miền nam nước Ý.
“Thật là điên rồ,” ông kể. “Những kẻ kháng chiến vừa treo cổ Mussolini xong thì giờ đây người miền Bắc không thích người miền Nam. Họ đã khiến chúng tôi gặp khó khăn. Bạn không thể nói rằng bạn đến từ miền nam nếu không họ sẽ giết bạn. Bạn không biết phải tin ai.”
Nhiều ngày trôi qua, Joe vẫn ở Milan và không có cách nào để thực hiện chuyến đi 550 dặm (885km) trở về nhà. Joe đi khảo sát khắp thành phố, thậm chí đến thăm quảng trường Piazzale Loreto, mặc dù các thi thể đã được đưa đến vào thời điểm đó.
“Tôi không thể nói rằng tôi đã nhìn thấy Mussolini, bởi vì đó là lời nói dối, nhưng tôi đã nói với mọi người rằng tôi đã nhìn thấy ông ta,” Joe nói với một tràng cười lớn. “Điều đó khiến mọi thứ trở nên thú vị, bạn biết không? Nhưng người dân đã chỉ cho tôi nơi hành quyết với giàn giáo và những sợi dây thừng vẫn ở đó.”
Trong khi tham quan các khu vực của thành phố, Joe tình cờ gặp một số binh sĩ Anh trong đoàn xe. Các binh sĩ hỏi tại sao cậu vẫn ở Milan. Khi Joe nói rằng không có chuyến tàu nào đến đây, những người lính bảo cậu đi cùng đến Udine, gần biên giới của nước Slovenia hiện tại. Họ sẽ để 12 chiếc xe tải ở Udine và giữ lại một chiếc để đưa cậu bé trở về nhà.
“Vì vậy, tôi đã rời đi mà không nói với ai trong đoàn,” ông nói.
Cuộc phiêu lưu vẫn còn tiếp diễn
Cuối cùng thì một chuyến tàu cũng đến Milan, nhưng Joe đã đi rồi. Những người từ Palo del Colle lên tàu và về nhà. Những tài xế vừa đến nơi, cha Joe đã đợi ở đó.
“Ông hỏi ‘Joey đang ở đâu?’ Các tài xế nói, ‘Ồ, chúng tôi không biết. Cậu ấy đã biến mất. Có một cuộc cách mạng ở Milan. Họ có thể đã giết cậu bé,’” Joe nói. “Vì vậy, đó là nguyên nhân mọi người nghĩ rằng tôi đã qua đời.”
Gia đình cảm thấy đau thương.
Joe nói: “Không có điện thoại hay phương tiện liên lạc để tôi gọi về nhà. Tôi không thể làm gì hơn. Tôi đã rất vui vẻ với những người lính.”
Đó là một chuyến đi dài 300 dặm (482km) đến “thủ đô chiến tranh” trước đây của Đệ nhất Thế Chiến. Đoàn xe nhỏ đã thực hiện hành trình qua một đất nước đang trải qua cuộc cách mạng thời hậu chiến. Chúng tôi đi qua các thành phố và thị trấn, đi qua những vùng nông thôn Ý xinh đẹp trải dài gần bờ biển Adriatic. Cuối cùng, đoàn đến thành phố Udine bị đánh bom nặng nề. Mặc dù có thể nhìn thấy những địa điểm tuyệt đẹp của thành phố, chẳng hạn như Piazza della Libertà, Loggia di San Giovanni và Piazza San Giacomo, nhưng Joe không đến đó để tham quan. Cậu không quan tâm, cậu đến đó để thực hiện giao dịch buôn bán.
Joe nói: “Tôi cho rằng những binh sĩ đã bán những chiếc xe tải đó trên thị trường chợ đen. Tôi đoán như vậy bởi vì các binh sĩ đã đưa tôi vào một tầng hầm và tất cả những người ở đó đều có vẻ mờ ám. Trung sĩ bảo tôi thông dịch. Những người này đã nói về những chiếc xe tải và tiền bạc, thứ này và thứ kia. Sau đó, họ đi ra với những túi đầy tiền.”
Không chắc ai đã mua những chiếc xe tải, có lẽ những người theo đảng phái Ý, thành viên của Cosa Nostra, hoặc đơn giản là một nhóm người Ý hy vọng thoát khỏi đất nước. Những người lính Anh và một đứa trẻ người Ý chen chúc trên một chiếc xe tải và rời khỏi Udine với số tiền có được từ cuộc giao dịch. Đích đến là Palo del Colle nhưng những người lính không phải tham chiến nên không vội vàng.
“Đột nhiên, chúng tôi dừng lại ở một vị trí nào đó và đậu xe tải,” Joe nói. “Chúng tôi đang ở ngoại ô Venice.”
Cả nhóm đã dành khoảng một tuần ở The Floating City (Venice). Cậu bé người Ý đã sống sót trong suốt cuộc chiến của Mussolini ở Ý, từng bị bao vây bởi những người lính Đức, Ấn Độ, Mỹ và Anh, cuối cùng đã được cầm súng. Trong khi những người lính đi vào thành phố, công việc của cậu là đứng gác và bảo vệ chiếc xe tải.
“Cả nhóm quyết định đưa cho tôi khẩu súng trường và nói, ‘Cậu hãy bắn bất cứ ai đến gần chiếc xe,’”Joe nói với vẻ mặt như thể vẫn không thể tin được. “Khoảng ba đêm tôi đã ở đó với khẩu súng trường trên tay. Tôi không gặp bất kỳ vấn đề gì.”
Một đêm nọ, một người lính do uống quá nhiều hoặc đồ ăn không ngon hay đơn giản là kiệt sức sau những đêm ở Venice đã quyết định ở lại và canh gác chiếc xe tải. Joe đã có người trông xe giúp mình.
“Vì vậy, những người lính còn lại đưa tôi đi dạo. Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Venice, một nơi tuyệt đẹp. Có vẻ như chưa bao giờ có chiến tranh ở nơi đó,” cậu nói. “Mọi người đang tiệc tùng. Có những quán bar trên vỉa hè. Những người lính với phụ nữ ngồi trên đùi của họ.”
Venice là một thành phố dường như tách biệt với Ý, hoặc ít nhất là tách biệt với cuộc chiến đã gây nhiều khó khăn. Nền cộng hòa 1,000 năm trước đây với 118 hòn đảo được kết nối bởi các kênh đào và những chiếc cầu đã khơi gợi sự tò mò của Joe. Cuộc sống về đêm thật yên tĩnh và phấn chấn. Những người lính Anh thật thú vị. Khi gặp một số binh sĩ Mỹ, những binh sĩ Anh đã rất hào hứng tự giới thiệu mình và từng người trong nhóm. Có thể là người Anh không để ý hoặc đơn giản là không quan tâm, nên Joe đã bắt chước nói giọng Anh.
“Một trong những người lính Anh lên tiếng, ‘Này Yankee, một người đồng hương của bạn đang ở đây,’ Người lính Mỹ hỏi: ‘Ồ, vâng. Cậu đến từ đâu?’ Vậy là tôi bắt đầu nói nhái giọng Anh và người lính Mỹ nghĩ rằng anh chàng người Anh nói dối mình. Đột nhiên, họ lao vào đánh nhau. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra.”
Joe tránh sang một bên trong khi những người lính đồng minh cũ lao vào đánh nhau. Nhưng cuộc ẩu đả đã kết thúc nhanh như khi bắt đầu. Có lẽ tiếng cười đã chiến thắng cuộc chiến, hoặc có thể những người lính cho rằng tốt hơn là trở lại với các quý cô, rượu và thưởng thức buổi tiệc mừng chiến thắng của họ. Dù thế nào đi nữa, cuộc tranh cãi cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Một đêm của Joe ở Venice đã kết thúc, vài ngày trôi qua cho đến khi người lính Anh nghĩ rằng đã đến lúc đưa thông dịch viên của họ trở về quê nhà. Chuyến đi gần 500 dặm (804km) có lẽ khiến mọi người mệt mỏi và không thoải mái, nhưng điều đó không quan trọng. Joe cuối cùng đã về đến nhà. Vấn đề duy nhất là mọi người nghĩ anh đã mất, ít nhất là với những người trở lại Palo del Colle.
Trở về từ cõi chết
Trước khi người lính Anh từ biệt Joe, họ đã đưa cho cậu một túi tiền nhỏ để đền bù công sức của cậu. Cậu rất vui khi nhận túi tiền, nhưng cậu biết cha sẽ giết mình nếu mang tiền về nhà. Mặt khác, dường như với việc cậu con trai trở về từ cõi chết, cha cậu có thể vui mừng hơn là buồn bã. Vì vậy, Joe giấu tiền một cách an toàn, sau đó sải bước về nhà.
“Trong khi đang đi bộ về nhà, đột nhiên tôi thấy cha tôi cũng đang đi bộ, ông ấy từ trang trại đi ra,” Joe nói. “Ông chỉ đi trước tôi một chút. Tôi gọi ‘Cha. Cha ơi.’ Ông ấy vẫn tiếp tục bước đi và không quay đầu lại. Ông về nhà và đóng cửa lại.”
Đó là một phần của câu chuyện vẫn khiến Joe xúc động. Cha cậu, sau khi được thông báo rằng con trai của ông đã qua đời và nghĩ rằng ông vừa nhìn thấy ma. Chắc chắn rằng cậu đã bị giết ở Milan, gia đình đã chuẩn bị để tổ chức một buổi lễ tưởng niệm cho cậu. Việc chuẩn bị dường như là quá sớm, bây giờ cậu đã trở về nhà vẫn còn sống và khỏe mạnh.
“Chuyến đi đã kết thúc ở đó. Về sau, mọi thứ đều ổn,” ông nói.
Quả thực, Joe đã ăn mừng sự trở về vinh quang sau hành trình thi vị của mình. Cậu lấy túi tiền thuê một căn nhà ven biển và đưa tất cả bạn bè đến vui chơi trong một tuần. Cậu bé từng là người hùng của những đứa trẻ với cú đấm kiểu Mỹ giờ một lần nữa thu hút sự chú ý của nhóm bạn về những câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm qua Mỹ, Ý và Anh của mình.
Anh Dustin Bass là người dẫn chương trình của EpochTV, trò chuyện với những tác giả về quyển sách mới viết của họ có tựa là “About the Book.” Anh cũng là một nhà văn và là người đồng tổ chức podcast của chương trình The Sons of History.
Ghi chú của dịch giả:
*Phe Trục, còn được gọi là “Trục Rome–Berlin–Tokyo” hay Khối Trục là từ để chỉ các quốc gia chiến đấu chống lại lực lượng Đồng Minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Các nước phe Trục đồng thuận về khoản đối địch với phe Đồng Minh, nhưng không có sự phối hợp hoàn toàn trong hành động.
Bình An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times