Một sự kiện đáng nhớ: Những diễn biến sau trận Trân Châu Cảng
Trận Trân Châu Cảng đã đánh thức gã khổng lồ đang say giấc, khiến nước Mỹ tham gia vào Đệ Nhị Thế Chiến, và trỗi dậy là cường quốc vĩ đại nhất và là quốc gia đề xướng tự do của thế giới.
Nhiều oanh tạc cơ đã sà xuống bến cảng vào sáng Chủ Nhật hôm đó, phóng ngư lôi lên các tàu đang neo đậu, và thả bom xuống các tàu khác, hoặc [thả bom] lên những phi cơ đang đậu hàng nối hàng trên các hàng không mẫu hạm. Như Đô đốc Hải quân William Furlong kể về chiếc oanh tạc cơ đầu tiên bay ngang qua tàu của mình, viên phi công đã ở gần đến mức, “Tôi có thể đánh anh ta một phát.”
Trong vòng chưa đầy 2 giờ, hàng trăm chiến đấu cơ mang nhãn hiệu Rising Sun của Nhật Bản đã giáng cho lực lượng quân đội Hoa Kỳ một thất bại thảm hại. Mọi thiết giáp hạm trong bến cảng đều bị hư hại. Hai trong số đó không thể sửa chữa được, bao gồm cả tàu USS Arizona. Cho đến ngày nay, chúng vẫn còn nằm dưới mặt nước. Tổng cộng có 19 tàu và hơn 300 phi cơ đã bị tê liệt hoặc bị phá hủy. Có hơn 2,400 thủy thủ, binh lính, và dân thường thiệt mạng.
Đã 81 năm kể từ cuộc tấn công bất ngờ của quân đội đế quốc Nhật Bản vào Trân Châu Cảng.
Và cuộc tấn công đó sẽ mãi mãi thay đổi bộ mặt của thế giới.
Cuộc chiến đánh thức gã khổng lồ say giấc
Không có bằng chứng nào cho thấy Đô đốc Nhật Bản Isoroku Yamamoto, chỉ huy quân sự đằng sau vụ tấn công Trân Châu Cảng, nói rằng ông lo sợ hành động gây chiến này sẽ đánh thức một gã khổng lồ đang say ngủ. Tuy nhiên, ông đã chìm đắm vào trạng thái trầm tư trong khoảng thời gian còn lại của ngày 07/12/1941 trong khi những quan quân cấp dưới của ông lại đang ăn mừng.
Vị Đô đốc hiểu rằng một cuộc chiến dài lâu với Hoa Kỳ sẽ kết thúc bằng sự thất bại của Nhật Bản.
Và gã khổng lồ đã thức dậy vào đúng ngày xảy ra vụ tấn công. Trong Lời tựa cuốn sách “07/12/1941: Ngày Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng,” của tác giả Gordon Prange, do Katherine Dillon và Donald Goldstein biên tập, chúng ta đã đọc [và biết] rằng có một số sĩ quan quân đội đã không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong ngày hôm đó. Về sau, trong phần giới thiệu của người biên tập, họ viết thêm:
“Nhờ có những người đã thất bại, mà hàng trăm người đã nỗ lực phi thường vượt qua nguy nan. Họ đối mặt với hiểm nguy để thực hiện những nhiệm vụ mà mình đã được huấn luyện. Một đô đốc và hai thủ lĩnh chiến hạm đã hy sinh tại chỗ. Các sĩ quan cấp dưới và những quân nhân nhập ngũ, chẳng hạn như sĩ quan Ens. Francis C. Flaherty và thuyền trưởng Peter Tomich, đã hy sinh mạng sống của mình để cứu những người quân nhân mà họ phụ trách. Hai trung úy của Lực lượng Không quân Hawaii đã lái máy bay của họ lên và bắn rơi 7 máy bay Nhật Bản. Người phục vụ Doris Miller đã chộp được một khẩu súng máy và anh dũng chiến đấu tới mức trở thành người da đen đầu tiên nhận được Thập tự giá Hải quân. Số lượng lớn những người chưa được kể tên ra [ở đây] đã thực thi nhiệm vụ của họ không chút hoảng loạn hay ngạo mạn, chỉ đơn giản là vì đó là nhiệm vụ hay công việc của họ.”
Vào ngày 08/12/1941, Tổng thống Franklin Roosevelt đã xuất hiện trước Quốc hội Hoa Kỳ. Ông mở đầu bài diễn thuyết của mình với những câu nói nổi tiếng sau đây: “Hôm qua, ngày 07/12/1941, một ngày của sự ô nhục, Hoa Kỳ đã bị tấn công bất ngờ và có chủ ý bởi các lực lượng hải quân và không quân của Đế quốc Nhật Bản.”
Ông kết thúc bài phát biểu ngắn của mình bằng cách yêu cầu Quốc hội tuyên bố tình trạng chiến tranh giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Ba ngày sau, Adolf Hitler tuyên chiến với Hoa Kỳ, một phần vì ông ta tin rằng đế quốc Nhật Bản là bất khả chiến bại.
Chưa đầy 4 năm sau, cả Đệ Tam Đế chế của Hitler (Đức Quốc Xã) và các hòn đảo lãnh thổ của Nhật Bản đều bị lật đổ, đánh bại và hủy hoại.
Nước Mỹ tham chiến
Các nhà sử học vẫn tiếp tục tranh luận xem tại sao quân đội của chúng ta lại [chỉ] được chuẩn bị sơ sài để đối phó với cuộc tấn công này. Tình huống đó là xuất phát từ sự sơ suất hay là sự cố ý? Tuy nhiên, câu hỏi đó nằm ngoài phạm vi của bài viết này. Điều diễn ra sau đó là gã khổng lồ say ngủ đã thức dậy và biến thành một con hổ.
Vào thời điểm cuộc chiến tranh kết thúc, có tới 16 triệu đàn ông và phụ nữ Hoa Kỳ đã phục vụ trong quân đoàn. Các quân lính, thủy thủ, và phi công đã chiến đấu và hy sinh ở những nơi xa xôi mà hầu hết người dân Hoa Kỳ chưa từng nghe đến. Trong đó có các trận chiến như trận Guadalcanal và trận Midway, trận Tarawa và trận Iwo Jima, trận đèo Kasserine và trận thung lũng sông Po.
Lúc đó, ở hậu phương quê nhà, các nhà sản xuất Hoa Kỳ đã nhanh chóng chế tạo ra những cỗ máy chiến tranh – tàu thủy, xe tăng, máy bay, trang thiết bị – với tốc độ mau lẹ khó tin. Ví dụ như, khi kết thúc chiến tranh, số lượng tàu chiến mà Hải quân Hoa Kỳ được trang bị đã phát triển từ 700 chiếc lên đến hơn 6,000 chiếc. Ngoài một vài trường hợp ngoại lệ, thì những người dân thường đã trở thành hậu phương [vững chắc] cho quân đội. Họ gieo trồng những Khu Vườn Chiến Thắng trên đất đai của mình để có thêm lương thực. Họ hạn chế mua xăng dầu và theo dõi sát sao các bài tường thuật về Thế Chiến trên báo chí và đài phát thanh.
Hậu chiến ở quê nhà
Sau chiến tranh, Hoa Kỳ nổi lên với vị thế là cường quốc về kinh tế của thế giới.
Chỉ trong vài năm, quốc gia chúng ta đã chi tiêu một cách mạnh tay. Chúng ta mua sắm mọi thứ, từ xe hơi mới cho đến tủ lạnh, từ tivi cho đến nhà cửa. Đạo luật G.I. (G.I. Bill) đã giúp hàng triệu cựu nam nữ quân nhân xây dựng nhà cửa, được đào tạo nghề, hoặc đi học đại học. Kết quả là các trường đại học và cao đẳng được mở rộng [quy mô], hoặc được xây dựng với tốc độ [nhanh] đáng kinh ngạc. “Sự bùng nổ trẻ sơ sinh” diễn ra tiếp sau trong những năm đó cũng đồng nghĩa với việc xây dựng một lượng lớn các trường tiểu học và trung học.
Chiến thắng năm 1945 (kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến) đã mang đến những thay đổi sâu rộng về văn hóa. Nhiều phụ nữ từng làm việc trong các công xưởng và văn phòng đã kết hôn và ở nhà chăm lo gia đình sau chiến tranh. Tuy nhiên, một số lượng lớn phụ nữ vẫn tiếp tục làm việc nơi công sở. Những người da đen từng chiến đấu chống lại người Đức và người Nhật đã trở về nhà và đấu tranh cho quyền công dân. Họ cuối cùng cũng đã khiến luật phân biệt chủng tộc Jim Crow ở miền Nam Hoa Kỳ bị bãi bỏ, và rồi đạt được sự bình đẳng [sắc tộc] trong cộng đồng.
Trong khi đó, công nghệ và khoa học mang lại những thay đổi vượt bậc cho văn hóa và xã hội Hoa Kỳ. Du hành vũ trụ, máy tính đời đầu, những bước tiến lớn trong chăm sóc y tế, và tất cả những tiến bộ phụ trợ của chúng đều phát triển từ sau Đệ Nhị Thế Chiến và thay đổi cuộc sống của người dân Mỹ.
Sự hào phóng mang tính toàn cầu
Trận Trân Châu Cảng đã mang đến cho quê nhà {nước Mỹ} sự giàu có thịnh vượng bùng nổ vào cuối thời Đệ Nhị Thế Chiến. Trận chiến dường như có vẻ thảm khốc này đã khiến Hoa Kỳ trở thành cường quốc quốc tế lớn nhất thế giới bên cạnh Liên Xô.
Tuy vậy, không giống như nước Nga cộng sản áp bức Đông Âu và một phần nước Đức trong hơn 40 năm [sau thời chiến], nước Mỹ tìm cách để chữa lành thế giới bị tàn phá bởi chiến tranh. Lần này, [Mỹ] không lặp lại chủ nghĩa biệt lập đã sử dụng sau Đệ Nhất Thế Chiến. [Thay vì vậy,] Hoa Kỳ đã gửi một lượng tiền khổng lồ để giúp tái thiết lại Âu Châu, đã viện trợ cho những kẻ thù không đội trời chung của mình, là Đức và Nhật Bản, nhiều đến mức chỉ trong vòng 25 năm, cả hai cựu thù đó đã trở thành những cường quốc kinh tế.
Hoa Kỳ cũng gửi đi những nguồn kinh phí tài trợ và mang những kiến thức chuyên môn đến các quốc gia mới ở Phi Châu và Á Châu. Thông qua vô số tổ chức khác nhau, nổi tiếng nhất là Tổ chức Hòa bình, những người dân Hoa Kỳ đã đích thân đi đến những vùng đất xa xôi này để giúp xây dựng trường học và bệnh viện, đào giếng, và hỗ trợ cải thiện các hoạt động nông nghiệp. Các gói tài chính thường đi kèm với những điều khoản ràng buộc, hoặc đi kèm với hy vọng ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Dẫu vậy, chúng cũng đã mang lại cho nước Mỹ danh tiếng xứng đáng là quốc gia hào phóng nhất trong lịch sử thế giới.
Thậm chí cả [cho đến] ngày nay, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục gửi tiền bạc và người dân của mình [đi khắp thế giới] để cải thiện cuộc sống của người dân trên toàn cầu.
Lễ kỷ niệm đi kèm với một câu hỏi day dứt
Ngay cả ở hiện tại, khi thời gian đã làm phai mờ những sự kiện của quá khứ; khi lại một lần nữa, có rất nhiều người Mỹ chưa bao giờ nghe nói về Trận chiến Vịnh Leyte hay trận Đèo Kasserine; và khi một số người trong nền văn hóa của chúng ta cố gắng loại bỏ đi càng nhiều lịch sử càng tốt, thì hầu hết chúng ta đều có ít nhất một số nhận thức tối thiểu về trận Trân Châu Cảng và những gì đã xảy ra vào ngày 07/12/1941.
Nhiều người ngày nay có thể không có chút khái niệm gì khi nghe đến những cái tên của các trận chiến diễn ra ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đại diện cho tất cả những trận chiến đó là trận Trân Châu Cảng. Khi nhớ về sự kiện Trân Châu Cảng, chúng ta nhớ về cuộc Thế Chiến xa xôi đó.
Chúng ta cũng có thể nhớ lại rằng cuộc Thế Chiến kinh hoàng diễn ra trên khắp thế giới này đã đưa đến sự trỗi dậy của đất nước chúng ta theo một cách tốt hơn hoặc tệ hơn. Hoa Kỳ nổi lên với tư cách là cường quốc vĩ đại nhất và là quốc gia đề xướng tự do của thế giới. Máu của cậu bé nông dân miền Trung Tây Hoa Kỳ hy sinh trên cát của Okinawa đó chỉ là một trong hàng trăm ngàn trường hợp hy sinh như vậy trên bệ thờ của tự do.
Và cuối cùng, chúng ta có thể tạm ngưng lại để xem xét tình huống hiện tại của mình. Cách đây 80 năm, người Nhật đã đánh thức một gã khổng lồ đang say ngủ. Người dân Hoa Kỳ [khi đó] đã nhân cơ hội này để bảo vệ lối sống và các quyền tự do của họ.
Nhưng chúng ta ngày nay thì sao?
Liệu chúng ta có còn khả năng thực hiện những việc làm của những người đàn ông và phụ nữ [trong quá khứ], những người đã khích lệ bản thân ra trận, những người đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp [giành lấy] tự do?
Chúng ta có còn tình yêu tổ quốc và quyết tâm đấu tranh cho tự do như những bậc tiền nhân không?
Chúng ta hãy hy vọng bản thân chính là trường hợp này.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, North Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: