Trí tưởng tượng siêu việt của nhà phát minh Edison: Máy thu âm và máy thu hình
Nhà phát minh Thomas Edison đã tạo ra những thay đổi vĩ đại thông qua các phát minh liên quan đến âm thanh và ánh sáng, bao gồm máy ghi âm, máy quay phim và máy chiếu phim. Thế giới đã thay đổi khác xưa kể từ khi ông để lại dấu ấn của mình qua các phát minh đáng kinh ngạc đó. Những máy móc, thiết bị mà ông sáng tạo ra thu hút sự chú ý của nhiều người và thắp sáng trí tưởng tượng của họ hòa điệu với trí tưởng tượng của ông.
“Tôi có quá nhiều việc để làm và cuộc sống quả là ngắn ngủi. Tôi phải làm việc tích cực và “tăng tốc,” cậu thanh niên 21 tuổi Thomas Edison chia sẻ. Với sự “tăng tốc” đó, đến cuối đời, nhà khoa học Edison sở hữu 1,093 bằng sáng chế. Là một nhà phát minh, Edison đã làm việc “đến kiệt sức” trong nhiều giờ. Ông chỉ tranh thủ ngủ vài tiếng ít ỏi mỗi ngày. Từ những ngày còn trẻ khi là nhà điều hành điện báo cho những người lớn tuổi thử nghiệm cây trồng và cao su, Edison đã có rất nhiều ý tưởng và tràn đầy năng lượng làm việc.
Phát minh nổi tiếng nhất của Edison là bóng đèn điện – bóng đèn đầu tiên sáng đủ lâu để có thể sử dụng trong thực tế và thương mại. Trong khi công chúng kinh ngạc trước những bóng đèn chiếu sáng nhiều giờ, nhà khoa học Edison còn làm mọi người sửng sốt bằng một số phát minh ít người biết đến. Đó là tạo ra các thiết bị thu nhận âm thanh và hình ảnh theo cách mà phần lớn mọi người chưa bao giờ “dám mơ đến.”
Máy ghi âm
“Trong tất cả “những đứa con” ông phát minh ra, máy ghi âm dường như là phát minh mà ông yêu thích nhất,” William Meadowcroft, trợ lý cá nhân của Edison cho hay.
Máy ghi âm là loại máy đầu tiên có thể ghi và phát lại âm thanh. Trong khi làm việc trên máy ghi lại tin nhắn điện báo vào năm 1877, Edison tự hỏi liệu có thể tạo ra một cái máy để thu giọng nói hay không. Sau một số thử nghiệm, Edison phác thảo một thiết bị với hai cây kim, một để thu âm thanh trên một hình trụ quay được phủ bằng giấy thiếc và một để phát lại âm thanh được thu. Người thợ cơ khí làm việc cho ông, John Kruesi, nhanh chóng lắp ráp tạo thành thiết bị đó. Khi Edison hát bài “Mary Had a Little Lamb” (Mary có một chú cừu nhỏ) vào thiết bị thu âm giọng nói, chiếc máy nhanh chóng phát lại cho ông nghe những giai điệu của bài hát mẫu giáo này.
“Tôi chưa bao giờ thoái lùi trong cuộc đời mình” sau này nhà phát minh Edison hồi tưởng lại. “Mọi người đều rất kinh ngạc. Tôi đã luôn e ngại những điều được làm lần đầu tiên….Nhưng ở đây có điều gì đó mà tôi không cần nghi ngờ.”
Các tạp chí khoa học của Mỹ và các tạp chí khác nhanh chóng tường thuật về thiết bị này với sự kinh ngạc. Edison đã nhận một bằng sáng chế cho máy ghi âm vào ngày 19/12/1878, không lâu sau khi phát minh ra chiếc máy này vào tháng 12/1878. Phát minh của ông thậm chí có vẻ không hiện thực vì Edison bị suy giảm thính lực. Máy ghi âm mà Edison phát minh mang tính nguyên bản cao. Chỉ có một chiếc máy tương tự thiết bị này từng được mô tả. Tuy nhiên, chiếc máy đó, được nhà khoa học Pháp Charles Cros thiết kế sớm hơn vào năm 1877, có một số điểm khác biệt với phát minh máy ghi âm của Edison. Hơn thế, nhà khoa học Cros chưa bao giờ xây dựng một mô hình làm việc cho chiếc máy này.
Máy ghi âm giúp tên tuổi của Edison nổi tiếng, đặc biệt sau khi ông trình bày về phát minh của mình trước Hội đồng Khoa học hàn lâm quốc gia tại Học viện Smithsonian vào mùa xuân năm đó. Máy ghi âm cũng gây kinh ngạc vì những tác động mà âm thanh được ghi lại mang đến. Những nghệ sĩ âm nhạc và ca sĩ tài năng không còn bị mất dấu trong lịch sử. Thay vào đó, những sản phẩm âm nhạc của họ có thể được ghi âm lại và được các thế hệ tương lai thưởng thức.
Nhà khoa học Edison dự đoán trước nhiều cải tiến đối với máy ghi âm có thể được phát triển vào những năm sau đó, như xi lanh và đĩa sáp. Nhưng ông không phải là người tiên phong tạo ra những cải tiến này vì ông đã dành thời gian quay lại nghiên cứu bóng đèn điện không lâu sau khi phát minh máy ghi âm. Tuy nhiên, ông đã hoàn thiện kết quả công việc của những người khác trong lĩnh vực này. Máy ghi âm vẫn tạo ra lợi nhuận cho đến khi máy thu thanh xuất hiện.
Máy quay phim và máy chiếu phim
Rất giống ý tưởng thu âm, ý tưởng thu hình ảnh động hầu như là một điều không tưởng. Tuy nhiên, một người sẽ không thể trở thành nhà phát minh nổi tiếng, có thành tựu mà không có niềm tin vào những việc “lạ thường” có thể xảy ra.
“Tôi tiến hành thử nghiệm trên dụng cụ phục vụ cho mắt giống như máy ghi âm phục vụ cho tai, ghi và phát lại hình ảnh động,” Edison viết vào năm 1888.
Mặc dù Edison không phải là người đầu tiên tạo ra phim điện ảnh, nhưng ông gần như đứng cùng với những người sáng tạo ra lãnh vực này. Phòng thí nghiệm của ông đã sáng chế máy quay phim. Đó là một máy quay phim và máy chiếu phim kinetoscope (1) cho phép khán giả xem những đoạn phim ngắn thông qua một lỗ ống kính nhỏ. William Kennedy Laurie Dickson, một trong những trợ lý của Edison, đã thực hiện rất nhiều việc trong những dự án này.
Máy quay phim thu nhận hình ảnh trên một dải phim chuyển động. Thay vì tạo ra một máy chiếu cho những dải phim này, Edison và Dickson đã sáng tạo máy chiếu phim kinetoscope. Khán giả có thể xem những bộ phim ngắn thông qua lỗ ống kính trong những thiết bị này bằng việc tự mua máy chiếu phim cho riêng mình hay trả tiền để sử dụng máy chiếu phim được lắp đặt ở các khu vực công cộng như những con đường có mái vòm và công viên giải trí.
Nhà phát minh Edison đã không nộp đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế cho máy ghi âm, máy quay phim hay máy chiếu phim, có nghĩa là những nhà phát minh ở nước ngoài có thể dễ dàng cải tiến các thiết bị này. Anh em nhà Lumière đã sáng tạo máy chiếu phim đầu tiên có thể sử dụng cho mục đích thương mại. Các công ty của Edison tiếp tục thu được lợi nhuận từ việc làm các dải phim cho máy chiếu phim kinetoscope cho đến khi máy chiếu phim kinetoscope không còn phổ biến. Edison cũng mua các quyền đối với máy chiếu do Thomas Armat thiết kế và sản xuất một số bộ phim điện ảnh để chiếu khi nó trở nên phổ biến.
Một di sản bất tử
Khi Edison qua đời vào năm 1931, nhà bác học Albert Einstein đã gửi một điện tín chia buồn từ Berlin.
“Tinh thần phát minh đã lấp đầy cuộc đời của ông và cuộc sống của chúng ta bằng một nguồn ánh sáng rực rỡ,” bức điện của nhà bác học Einstein viết về Edison.
Edison đã mở ra những thay đổi và phát minh vĩ đại thông qua các phát minh liên quan đến ánh sáng và âm thanh. Thế giới đã thay đổi khác xưa kể từ khi ông để lại dấu ấn của mình qua các phát minh đáng kinh ngạc này. Những máy móc, thiết bị mà ông sáng tạo ra thu hút sự chú ý của nhiều người và thắp sáng trí tưởng tượng của họ hòa điệu với trí tưởng tượng của ông.
“Tôi là một sinh viên Đại học khi các phát minh của nhà khoa học Edison lần đầu tiên nắm bắt được sự tưởng tượng về thế giới” Tổng thống Woodrow Wilson nhớ lại. “Kể từ đó về sau tôi vẫn luôn lưu giữ cảm nhận kỳ diệu trong tâm trí mình về những gì ông đã sáng tạo nên.”
Bài viết này được đăng lần đầu tiên trên tạp chí American Essence.
Ghi chú của dịch giả:
Bảo Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times