Bước vào Cung điện Thần thoại Hy Lạp – Bộ sưu tập tuyệt đẹp của Bảo tàng Kỳ Mỹ tại Đài Loan
Bảo tàng Kỳ Mỹ (Chimei) tại Đài Nam là bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật tư nhân có bộ sưu tập phong phú nhất ở Đài Loan.
Tọa lạc ở quận Nhân Đức thuộc thành phố Đài Nam, Bảo tàng Kỳ Mỹ có một bộ sưu tập lên đến hơn 4,000 mẫu vật, chủ yếu là các tác phẩm nghệ thuật phương Tây trong bốn lĩnh vực chính: nghệ thuật, nhạc cụ, binh khí và lịch sử tự nhiên. Nhà sưu tầm là ông Hứa Văn Long (Xu Wenlong), người sáng lập Tập đoàn Kỳ Mỹ. Ông đã hào phóng chia sẻ bộ sưu tập với công chúng, với hy vọng những người yêu thích nghệ thuật có thể đến để thưởng thức và đắm mình trong thẩm mỹ nghệ thuật, từ đó có thể thăng hoa cảnh giới tinh thần.
Khu vườn nghệ thuật với cảnh quan phi thường
Bảo tàng Kỳ Mỹ được khởi công xây dựng vào tháng 12/2008, có diện tích 9.5 ha và chi phí xây dựng khoảng 1.85 tỷ Đài tệ. Sau khi hoàn thành xây dựng, ông Hứa Văn Long đã tặng nó cho Chính quyền thành phố Đài Nam. Vào ngày đầu năm mới của năm 2015, nó đã chính thức được khai trương và mở cửa chào đón công chúng.
Bảo tàng Kỳ Mỹ tráng lệ chào đón du khách bằng rất nhiều những bức tượng thần thoại Hy Lạp màu trắng. Đầu tiên là Đài phun nước Apollo ở quảng trường, nơi Thần mặt trời Apollo nhảy ra khỏi biển trên một cỗ xe với bốn chiến mã đang mạnh mẽ phi nước đại, xung quanh là Thần biển và cá heo đang thổi kèn cổ vũ khí thế, tổng thể hình chạm khắc trông sống động và hùng vĩ như thật.
Khi bước đến cầu Olympus, du khách sẽ nhìn thấy tượng Thần Zeus, Vua của các vị Thần, dẫn đầu các vị Thần trong thần thoại Hy Lạp đứng hai bên thành cầu, bao gồm Hera – vợ của Thần Zeus, Venus – nữ Thần xinh đẹp nhất, Athena – nữ Thần trí tuệ, Poseidon – Thần biển… Các bức chạm khắc có nhiều tư thế và biểu cảm khác nhau, tất cả đều rất sống động và như thật.
Sảnh động vật
Trong Kỷ Cambri cách đây 540 triệu năm, mực nước biển dâng cao đã làm ngập lụt nhiều vùng đất nhưng lại dẫn đến sự xuất hiện của một số lượng lớn các sinh vật. Lịch sử gọi đó là “Sự bùng nổ Kỷ Cambri”, trên trái đất lần đầu tiên xuất hiện động vật có xương sống mà chủ yếu là động vật biển. Ở dưới biển, quần thể sinh vật do động vật không xương sống vẫn chiếm ưu thế, từ những ghi chép hóa thạch, chúng ta có thể thấy sự thịnh vượng chưa từng có của các loài trong kỷ Cambri. Ở sảnh động vật, du khách có thể thấy hóa thạch bọ ba thùy quý hiếm trong Kỷ Cambri.
Sảnh động vật của Bảo tàng Kỳ Mỹ lưu giữ các mẫu động vật trên cả năm châu lục, từ sư tử, ngựa vằn Phi Châu, voi, ngựa, bò, cừu, hươu cao cổ, khỉ, kangaroo, gấu túi, đà điểu Emu cho đến gấu bắc cực và chim cánh cụt… Đây quả thực là đại quan viên động vật, mọi mẫu vật đều rất chân thực và sống động. Rất nhiều bậc cha mẹ đã đưa con đến đây để tìm hiểu tri thức, nơi đây chính là tài liệu giảng dạy tốt nhất.
Sảnh binh khí
Binh khí đại diện cho sự phát triển của nghề thủ công và khoa học kỹ thuật, là một phần di sản văn hóa của nhân loại. Bộ sưu tập binh khí từ khắp nơi trên thế giới trong Bảo tàng Kỳ Mỹ vô cùng phong phú. Ở đây có sự chuyển đổi dần dần của binh khí từ săn bắn sinh tồn sang tấn công và phòng thủ, những bộ sưu tập từ thời Trung cổ đến thời hiện đại thực sự khiến chúng ta mở rộng tầm mắt.
Các loại binh khí còn được phân loại và giải thích chi tiết. Chẳng hạn như binh khí của Afghanistan – rìu búa, giáo, trường giáo, binh khí của Đế chế Ottoman, binh khí của người Kavkaz. Người Kavkaz thích sơn kiếm bằng vàng, tay cầm và bao kiếm cũng được chạm khắc rất công phu. Điều đáng ngạc nhiên là, ở những khu vực dân cư thưa thớt tại sa mạc Sahara ở Bắc Phi cũng có binh khí, bao gồm cung tên, trường giáo và rìu, những thứ được sử dụng để sinh tồn.
Nhân viên phục vụ trong sảnh đứng bên thấy tôi chăm chú như vậy bèn giới thiệu bộ áo giáp hoàn chỉnh nhất từ thời Edo của Nhật Bản. Đây là một di sản văn hóa mà Nhật Bản rất tự hào, nó mang đặc điểm và giá trị nghệ thuật của dân tộc. Anh ấy nói rằng bộ áo giáp này là vô giá. Theo tôi, mỗi bộ sưu tập trong bảo tàng đều là một kho báu!
Tuy nhiên, tôi chân thành hy vọng rằng sẽ không có chiến tranh trên thế giới, vũ khí chỉ nên được thưởng thức trong các viện bảo tàng như những tác phẩm nghệ thuật.
Sảnh nhạc cụ
Sau khi tham quan Bảo tàng Kỳ Mỹ, một người bạn đã gửi cho tôi một bức ảnh toàn cảnh bảo tàng nhìn từ trên cao qua đường bưu điện. Bảo tàng Kỳ Mỹ vào ban đêm hóa ra là một cây vĩ cầm tuyệt đẹp.
Sảnh nhạc cụ chủ yếu được chia thành ba loại lớn: “Nhạc cụ dân tộc thế giới”, “Đi vào dàn nhạc giao hưởng” và “Nhạc công cơ khí”. Do phong tục tập quán ở các nơi rất khác nhau, nên văn hóa âm nhạc cũng tự nhiên phát triển khác nhau. Ví dụ như ở Đông Á có sáo bè, huân, xích bát, sanh, tỏa nột, cồng, ba ô, nguyệt cầm, nhị hồ, đàn tranh… Ở Tây Á có đàn dombra, đàn domra, đàn oud… Ở Úc có didgeridoo. Ở Âu Châu có dàn nhạc giao hưởng và đàn phong cầm rất nổi tiếng.
Khi đến Bảo tàng Kỳ Mỹ, tôi đã có nhận thức sâu hơn về nhạc cụ tự động cơ học. Nhạc cụ tự động sớm nhất là chuông, được treo trên tòa thị chính hoặc tháp nhà thờ với chức năng là báo giờ, nó không có tác dụng chơi nhạc, đến sau này mới phát triển như một loại âm nhạc thưởng thức.
Điều đặc biệt cần nhắc đến là số lượng đàn vĩ cầm (violon) được trưng bày trong Sảnh nhạc cụ là nhiều nhất, bao gồm đàn vĩ cầm cỡ nhỏ, trung bình, cỡ lớn và cỡ đại. Mỗi cây vĩ cầm đều là trí tuệ và công sức của những người thợ làm đàn.
Sảnh Rodin và Sảnh nghệ thuật
Các tác phẩm nghệ thuật chính trong Sảnh Rodin chủ yếu là các tác phẩm điêu khắc. Auguste Rodin (người Pháp, 1840-1917) được vinh danh là “Cha đẻ của nghệ thuật điêu khắc hiện đại”. Vào năm 1875, ông đã sang Ý tiếp xúc với các tác phẩm của Michelangelo và đã có những cảm hứng sâu sắc. Các tác phẩm của ông từ đó có xu hướng thể hiện trạng thái tâm lý của nhân vật một cách chân thực, không sửa đổi quá nhiều. Tác phẩm điêu khắc bằng đồng “Người suy tư” (The Thinker), kiệt tác nổi tiếng thế giới của ông, được đặt ở ngay lối vào, đây cũng là tác phẩm nghệ thuật lớn nhất trong Sảnh Rodin. Tác phẩm mô tả biểu hiện của một nhân vật đang trầm tư suy nghĩ, lấy cảm hứng từ chương “Địa ngục” trong “Thần khúc” của Dante.
Một điều làm tôi ấn tượng là bức tượng đồng “Người nông dân xắn tay áo”, đó là tác phẩm của Aimé-Jules Dalou, bạn của Rodin. Tuy nét mặt của nhân vật bộc lộ sự vất vả của công việc, nhưng cái đầu hơi cúi xuống và dáng đứng thẳng lại toát lên vẻ nghiêm trang, giản dị mà cao quý của người nông dân.
Các bức tranh sơn dầu ở đây chủ yếu là tranh về cuộc sống hàng ngày của thường dân, tranh phong cảnh, tranh ca ngợi Chúa và Đức Mẹ Đồng Trinh. Tôi đang giống như bước vào đại quan viên trong Hồng Lâu Mộng vậy, bức tranh nào cũng đẹp mắt. Thưởng thức những bức tranh xinh đẹp này cũng khiến tâm tình tôi trở nên thư thái hơn.
Ở mọi nơi trong Bảo tàng Kỳ Mỹ đều có những bộ sưu tập tráng lệ, hai bên hành lang có rất nhiều những bức tượng bằng đá cẩm thạch trắng. Sau khi tham quan, bạn có thể ngồi trên chiếc ghế dài trong một góc nhỏ để nghỉ ngơi, ngẩng đầu lên là nhìn thấy những mẫu vật thủy cầm được chế tác tinh xảo. Tương tự, khi bước đến một góc nhỏ có vẻ như không bắt mắt, bạn sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy đủ loại đồng hồ treo tường, đồng hồ để bàn, đồng hồ cổ!
Chuyến tham quan nghệ thuật này thực sự tuyệt vời và đáng giá. Tất cả đang chờ quý vị đến tham quan và tự mình trải nghiệm.
Tăng Trân biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ