Bình phẩm sách: ‘Tại Bước Ngoặt Quan Trọng, Nền Văn Minh Phương Tây Tiếp Theo Sẽ Đi Về Đâu?’
Có nhiều quan điểm và cảnh báo về hướng đi của phương Tây
Ông Roger Kimball, biên tập viên kiêm chủ báo của trang bình phẩm The New Criterion, đã tập hợp một bộ sưu tập các bài viết luận về những rắc rối mà nền văn minh phương Tây đang phải đối mặt. Có lẽ “những rắc rối” là một từ chưa biểu đạt đúng mức độ, nhưng có vẻ phù hợp với nhan đề của cuốn sách: “Tại Bước Ngoặt Quan Trọng, Nền Văn Minh Phương Tây Tiếp Theo Sẽ Đi Về Đâu?” Sau khi đọc 10 bài viết luận của The New Criterion, quý vị sẽ đặt câu hỏi: Tiếp theo là nơi nào đây?
Lý do tôi đề nghị dùng từ “những rắc rối” như một từ mô tả phù hợp là bởi vì các bài viết luận này không gợi ý nghĩ về một sự sụp đổ không thể tránh khỏi của phương Tây, mà là một sự sụp đổ có thể xảy ra. Bộ sưu tập văn xuôi sâu sắc này mang lại lợi ích cho người đọc ở chỗ cung cấp nhiều góc nhìn khác nhau về nguồn gốc của nền văn minh phương Tây, quá trình phát triển như thế nào, đi lệch hướng ra sao, và cuối cùng điều gì sẽ kết thúc hoặc hồi sinh nền văn minh đó.
11 tác giả của cuốn sách (bài viết luận đầu tiên do hai tác giả Allen C. Guelzo và James Hankins chấp bút) hướng độc giả đến nhiều hướng đi mà chúng ta chủ yếu thực hiện trong suốt 2,000 năm qua, tuy vậy, có đề cập chi tiết hơn về thế kỷ qua.
Cũng giống như các nhà sử học đã phân tích nhiều lý do khiến Cộng hòa La Mã sụp đổ, những tác giả này, một vài người trong số họ là những nhà sử học, đã phân tích điều gì đã dẫn đến sự suy tàn của phương Tây. Bộ sưu tập này là một minh chứng cho các mức độ khác nhau mà một số bộ óc thông minh và sáng suốt hơn đồng tình hay không đồng tình về những điều đã dẫn đến sự suy tàn này.
Ông Kimball xứng đáng được công nhận vì đã đưa ra hai quan điểm đối lập, so sánh giữa sự suy tàn của Đế chế La Mã và sự suy tàn của phương Tây.
Khi ông Edward Gibbon viết cuốn “Lịch Sử Suy Tàn Và Sụp Đổ Của Đế Chế La Mã” (The History of the Decline and Fall of the Roman Empire) nổi tiếng của mình, ông đã được trao cho món quà là sự suy xét lại lịch sử để phỏng đoán điều gì đã dẫn đến sự sụp đổ đó. Công việc của ông là một cuộc nghiên cứu vượt thời gian về các quốc gia, cụ thể là các nước cộng hòa, đã tan rã như thế nào.
Liệu nền cộng hòa này sẽ sụp đổ chăng? Các tác giả đã lưu ý rõ ràng trong tất cả 10 bài luận, vì nhiều lý do, nền cộng hòa này đang chật vật để duy trì sự thăng bằng của mình: đạo đức xuống cấp, sự chấp nhận các hệ tư tưởng khác nhau và đôi khi mang tính phá hoại, sự hiểu sai có chủ đích giữa chế độ dân chủ và “sự điên cuồng của đám đông,” phương tiện truyền thông chính thống không đáng tin cậy, nhập cư ồ ạt, những người nhập cư từ chối hòa nhập và toàn thể công dân bản xứ báo trước sự từ chối đó, một chính phủ mất kết nối và ngày càng hống hách, quyền lực ngày càng bành trướng của các quan chức không do người dân bầu ra trong một nền dân chủ đại diện, một tầng lớp trung lưu bị lạm dụng, sự lên án không ngừng nghỉ đối những vị anh hùng và lịch sử của Mỹ quốc, và việc phá bỏ các thể chế được tôn trọng.
Mặc dù không có tác giả nào tuyên bố một cách dứt khoát rằng đây là sự kết thúc, nhưng độc giả đi đến kết luận rằng việc tổng hợp các nghiên cứu có hệ thống tiêu cực này khó có thể dẫn đến kết quả khác.
So sánh với La Mã và những nơi khác
Những bài viết đối sánh Hoa Kỳ với Đế chế La Mã rất phong phú và rõ ràng ngay cả khi không đọc cuốn “Nơi Nào Tiếp Theo?” Nhưng như tác giả Conrad Black tuyên bố trong bài viết luận “Đất Nước Không Thể Bỏ Qua” (The Indispensable Country) của mình như sau: “Tất cả những so sánh phiến diện với sự suy tàn của Đế chế La Mã đều là vô nghĩa,” và “Sự thống trị lâu dài của Rome với tư cách là cường quốc thế tục vĩ đại nhất trên thế giới được biết đến trong hơn sáu trăm năm hầu như không liên quan đến Hoa Kỳ.”
Vậy nên, chúng ta nên tìm nền văn minh khác thích hợp hơn để so sánh? Có thể có hoặc có thể không.
Các tác giả trong bộ sưu tập bài viết luận nói trên đưa ra nhiều tham chiếu và so sánh với Cộng hòa La Mã, nhưng họ cũng đưa ra những so sánh khác, như với Hy Lạp Cổ đại, tuy nhiên cụ thể hơn, là việc so sánh với Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Những so sánh với La Mã cổ đại và Hy Lạp cổ đại có thể mang tính khai sáng, thậm chí là trang nghiêm đối với độc giả hiện đại, nhưng việc so sánh với các quốc gia cộng sản là những viên thuốc đắng, mà dù sao cũng phải chấp nhận tất cả.
Sự thống trị của giới tinh hoa
Trong bài viết luận “Bóng Ma Của Nền Văn Minh Trung Quốc” của mình, tác giả Angelo M. Codevilla viết: “Văn hóa thống trị của Mỹ quốc hiện nay đã phát triển và tạo dấu ấn của người Mỹ trong hơn nửa thế kỷ. Tất cả những tác động [của sự suy tàn này] đều quá rõ ràng, và ở một khía cạnh nào đó còn tồi tệ hơn những gì mà chính quyền Xô Viết đã gây ra cho người dân Nga”.
Tất cả trong một bài viết luận, Mỹ quốc được so sánh với Trung Quốc cộng sản và nước Nga Xô Viết và — dường như thật khó tin — nhưng điều đó phù hợp bởi vì “văn hóa thống trị” mà Mỹ quốc có lẽ đã không cổ súy, nhưng chỉ đơn giản là thừa nhận và thường xuyên thúc đẩy.
Như tác giả Anthony Daniels đã tuyên bố trong bài viết luận của mình “Một Hình Thức Phổ Biến Của Sự Độc Tưởng,” “Những thảm họa của Chủ nghĩa phát xít và Chủ nghĩa Cộng sản đã không ngăn cản việc tìm kiếm sự siêu việt bằng hệ tư tưởng,” và hệ tư tưởng đó bắt nguồn từ cái mà ông James Piereson gọi là “ý thức hệ đa dạng.”
Theo ông James Panero trong bài viết luận “Dưới Sự Kiểm Soát Của Tầng Lớp Thượng Lưu” (Going Under With the Overclass), đó là một hệ tư tưởng được dẫn dắt bởi “giới hoạt động [xã hội] tinh hoa,” những người hiện đang kiểm soát các thể chế của Mỹ quốc, vốn thúc đẩy “những khát vọng dân chủ và sự gắn kết,” nhằm “làm suy yếu” các thể chế này.
Nhưng khi biết các kết quả của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản, tại sao bất kỳ nhóm nào, giới tinh hoa hay một ai khác, lại theo đuổi những mục tiêu ý thức hệ như vậy? Một trong những phép loại suy phù hợp nhất trong tuyển tập nói trên, tác giả Kimball, trong bài viết luận “Những Con Đường Lớn Dẫn Đến Một Xã Hội Lý Tưởng,” đưa ra gợi ý rằng, giống như vị Vua Cyrus vĩ đại của đất nước Ba Tư Vĩ Đại, họ làm vậy đơn giản vì họ có thể. Họ làm điều đó vì những bất bình trong quá khứ, cho dù có tác động đến cá nhân hay không, và liệu những bất bình đó đã được dàn xếp hay chưa.
Cũng giống như vua Cyrus, sau khi Sông Gyndes cuốn trôi một trong những con bạch mã của ông, ông “quyết định trừng phạt dòng sông bằng cách để những người nô lệ của ông đào 360 con kênh, khiến dòng chảy của sông trở nên nhỏ giọt,” ông Kimball nói rằng, “Đây là điều mà chúng ta đã làm cho chính mình, buộc chặt miếng ga-rô tinh thần cho các động mạch đã nuôi sống chúng ta trong quá khứ.”
Ông còn trích dẫn thêm từ triết gia Soren Kierkegaard, bằng cách viết rằng tinh thần hiện đại này “khiến mọi thứ đứng vững nhưng lại làm mất đi ý nghĩa của nó một cách xảo quyệt.”
Các tham chiếu lịch sử đầy ám ảnh của ông Kimball lặp lại những câu hỏi do tác giả Codevilla đặt ra: “Ai sẽ chống lại họ, và với nền văn hóa nào?” Liệu quan sát của triết gia Kierkegaard có phải là lời giải đáp cho các câu hỏi của ông Hanson, “Điều gì sẽ xảy ra với một xã hội khi những ý tưởng độc hại của một tầng lớp tinh hoa thâm nhập vào dân chúng, và những người dân thường cảm nhận nền tảng của quyền công dân của chính họ đang sụp đổ?”
Nền Cộng hòa không lành mạnh
Bộ sưu tập của ông Kimball mang đến cho chúng ta sự phong phú của những góc nhìn lành mạnh về nền cộng hòa đang yếu ớt của chúng ta và của phương Tây nói chung. Mặc dù tác giả Black có một cái nhìn tích cực hơn những người khác, khi ông cho thấy rằng “Mỹ quốc vẫn là quốc gia không thể bỏ qua” và sẽ “tăng tốc vượt qua” “giao lộ trong các vấn đề của thế giới” này, có lẽ nhan đề bài viết luận gợi ý của ông Kimball đã trả lời câu hỏi nhan đề của bộ sưu tập là “tiếp đến sẽ là điều gì?”
Ngài Thomas More đã đặt ra thuật ngữ “không tưởng,” xuất phát từ từ ngữ “ou-topos” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “không có nơi nào.” Có lẽ cuộc đấu tranh đang diễn ra này sẽ chẳng đi đến đâu cả. Một suy nghĩ đáng sợ hơn — và dường như đó là lời cảnh báo chung từ những người viết luận — là bất kể điểm đến của chúng ta là gì, khi chúng ta đến được đó, nơi đó sẽ không còn lại gì cả.
“Tại Bước Ngoặt Quan Trọng, Nền Văn Minh Phương Tây Tiếp Theo Sẽ Đi Về Đâu?”
Bình An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times