Hector, Achilles, và nam tính độc hại
Sự so sánh giữa hai chiến binh vĩ đại trong thiên sử thi ‘Iliad’ của thi hào Homer
Trong thiên sử thi “Iliad” của thi hào Homer, người anh hùng thành Troy Hector và người anh hùng Hy Lạp Achilles ngay từ ban đầu đã có mối duyên tiền định sẽ đối địch với nhau.
Thiên sử thi này đã diễn biến theo từng bước chắc chắn hướng đến kết cục không thể tránh khỏi này, cũng giống như cuộc dàn trận của những chiến binh thành Troy và chiến binh Hy Lạp trên cánh đồng rực sáng phía trước thành Troy. Cuộc chạm trán sắp tới giữa những chiến binh vĩ đại nhất của mỗi bên vẫn luôn hiện hữu xuyên suốt trận chiến dường như không có hồi kết này giữa các đội quân trên những bãi biển phía trước thành phố, nằm giữa “những đỉnh núi thiêng của thành Troy” và “những đại dương đầy ắp cá,” ngăn cách giữa nền văn minh nhân loại và thế giới bên kia bí ẩn hoang vu.
Xuyên suốt câu chuyện kể về cuộc chạm trán giữa hai chiến binh này, thi hào Homer đã cho chúng ta nhìn thấy hai phiên bản khác nhau của sự nam tính. Cả hai chiến binh này đều có khuynh hướng hiếu chiến, mạnh bạo, thậm chí là hung hăng. Chẳng hạn như, cả hai chiến binh này đều là những nỗi kinh hãi ngoài chiến trường. Tuy nhiên, hai chiến binh này có những động cơ khác biệt, và vì thế tính nam của họ cũng khác nhau. Ngày nay, thông thường người ta sẽ tự động gán cho tính cách mạnh mẽ hay hùng hổ của một người đàn ông là “nam tính độc hại.” Tuy nhiên, biệt danh phổ biến đó không thể phân biệt rõ ràng giữa việc kiểm soát và sử dụng loại hành vi này, điều mà thiên sử thi “Iliad” đã làm nổi bật khá rõ thông qua phép so sánh giữa hai chiến binh nói trên.
Cơn thịnh nộ của Achilles
Mặc dù thiên sử thi có niên đại cuối thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên hoặc đầu thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên này lấy bối cảnh là Cuộc chiến thành Troy, nhưng tác phẩm này lại không kể về cuộc chiến đó. Trong phần nội dung của thiên sử thi “Iliad”, chúng ta không tìm thấy thời điểm bắt đầu cũng như kết thúc của cuộc bao vây thành Troy. Thay vào đó, thiên sử thi này kể về một màn kịch nhỏ bên trong vở kịch lớn này: câu chuyện về cơn thịnh nộ của Achilles.
Những dòng thơ mở đầu nổi tiếng của thiên sử thi “Iliad” viết như sau: “Cơn thịnh nộ — Nữ thần, cất lời ca phẫn nộ của chàng chiến binh Achilles, con trai vua Peleus, / tang tóc, bi đát, khiến cho cư dân vùng Achaea gánh chịu vô số tổn thất” (Bản dịch của Fagles). Gần như xuyên suốt bộ sử thi này, do Achilles vướng vào một cuộc tranh chấp nhỏ với Agamemnon, vị thống lĩnh Hy Lạp, nên chàng đã từ chối tham chiến. Và bởi vì Achilles là một chiến binh vô địch của người Hy Lạp, một cỗ máy tử thần đích thực ngoài chiến trường — có lẽ là chiến binh vĩ đại nhất trong tất cả mọi tác phẩm văn chương và thần thoại — nên sự vắng bóng của chàng đã mang đến tổn thất to lớn cho chính đất nước của chàng.
Cơn thịnh nộ của Achilles trước vị thống lĩnh Agamemnon đã ngăn cản chàng tham chiến, dẫn đến việc rất nhiều người dân Hy Lạp thiệt mạng.
Trong phần lớn nội dung của sử thi này, Achilles không làm chủ được bản thân. Từng ngày trôi qua, chàng buồn bã ủ dột ở trong túp lều, một cơn thịnh nộ day dứt, sục sôi như nuốt chửng lấy chàng, chàng tin rằng thống lĩnh Agamemnon đã xúc phạm mình. Cảnh ngộ khó khăn tuyệt vọng của những chiến hữu không thể lay động trái tim đang bị giằng xé bởi sự phẫn nộ của Achilles.
Chỉ khi người bạn thân thiết của chàng tử trận, Achilles mới quay lại chiến trường. Tuy nhiên, ngay cả khi đó, chàng vẫn hành xử liều lĩnh và tức giận mù quáng, mặc dù hiện giờ cơn thịnh nộ đã chuyển hướng sang những địch thủ của chàng, đặc biệt là Hector.
Tính cách hung bạo của Achilles đã mang đến thảm họa — cho cả người dân thành Troy và người dân Hy Lạp, phe của chàng — bởi vì sự hung bạo đó mang tính ích kỷ và mất kiểm soát, bắt nguồn từ cơn giận dữ phi lý. Sau khi người bạn thân qua đời, Achilles đột nhiên nổi cơn thịnh nộ điên loạn đối với người dân thành Troy, chàng đã trút năng lượng giận dữ đó theo một cách mù quáng và mất hết nhân tính.
Kết cục của cơn phẫn nộ này là Achilles đã quyết tâm báo thù cho sự ra đi của bạn mình, chàng đã giao chiến trực diện với kẻ thù không đội trời chung của mình, Hector.
Mặc dù tính cách của Hector có nhiều nét tương đồng với Achilles, nhưng chàng lại có những điểm khác biệt trọng yếu. Hector cũng là một chiến binh dũng mãnh ngoài chiến trường, một thân một mình đánh bại những đội quân của kẻ địch. Thi hào Homer ví von Hector giống như một cơn gió Tây đầy uy lực và một chú sư tử oai hùng.
Người dân Hy Lạp khiếp sợ Hector với lý do chính đáng: “Hector càn quét những chiến binh tóc dài Argive, tiêu diệt những binh sĩ cuối cùng lạc khỏi hàng ngũ, những người ở sau những người bị bỏ lại và các binh sĩ đã hốt hoảng tháo chạy” (Quyển VIII). Sự dũng mãnh trên chiến trường cùng với năng lực chỉ huy mạnh mẽ của Hector đã góp phần bảo vệ thành phố. Trong Quyển VI, thi hào Homer nói rằng Hector là “người đơn độc trấn giữ thành Troy.”
Sự nam tính của Hector
Tuy nhiên, Hector không chỉ là một chiến binh hung tợn. Chàng còn có một phương diện vô cùng ôn hòa, và đây là điểm khác biệt giữa Hector và Achilles. Khi ở bên trong thành Troy, Hector là một người điềm tĩnh và lịch thiệp. Thậm chí, Hector đã nói chuyện tử tế với Helen, người đã góp phần lớn gây nên nỗi thống khổ của Hector, bởi vì mối quan hệ vụng trộm của nàng và Paris, em trai của Hector, đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh này.
Và điều quan trọng nhất, Hector là một người đàn ông của gia đình, chàng hết lòng quan tâm đến vợ và con trai. Tại một cảnh nổi tiếng trong Quyển VI miêu tả rằng, ngay sau trận chiến, khi trên người vẫn còn dính máu và lấm lem bùn đất, Hector đến thăm vợ và con trai, chàng vẫn mặc bộ áo giáp rách tả tơi và ngọn lửa chiến đấu vừa phai nhạt đi trong đôi mắt chàng. Đoạn thơ trích dẫn như sau:
“Nàng [vợ của Hector] giờ đây đã đoàn tụ với chàng, và theo sau những bước chân của nàng.
Một người hầu gái đang ôm con trai [của Hector] trong lòng,
Một hài nhi bé bỏng mới chào đời,
Con trai của Hector, đứa con yêu quý trong đôi mắt của chàng
và tỏa sáng như một vì sao …
Người chiến binh vĩ đại ngoài chiến trường chợt nở một nụ cười rạng rỡ,
ánh nhìn của chàng tập trung vào cậu bé, trong sự yên lặng …
… Hector rạng ngời dang rộng vòng tay đón lấy
con trai của chàng … Và … phá lên cười,
[Nàng Andromache] cũng mỉm cười, và Hector vĩ đại,
nhanh chóng tháo bỏ chiếc mũ giáp,
đặt chiếc mũ xuống đất, [chiếc mũ] rực cháy dưới ánh mặt trời,
và chàng nâng niu ôm hôn con trai, đung đưa cậu bé trong vòng tay,
khấn nguyện với Thần Zeus cùng những vị Thần bất tử khác …
Sau đó, Hector đã cầu nguyện và đặt con trai vào vòng tay của người vợ yêu quý.
Nàng Andromache ôm chặt cậu bé vào lòng …
mỉm cười giữa hai dòng lệ tuôn rơi. Phu quân của nàng đã nhìn thấy,
và giờ đây lòng ngập tràn niềm thương xót, Hector trìu mến vỗ về nàng,
cố gắng trấn an nàng.”
Nàng Andromache lo sợ rằng Hector sẽ hy sinh, và chàng thực sự đang đứng trước tình thế vô vàn nguy hiểm — nhưng chàng chấp nhận rủi ro này vì nàng, để bảo vệ nàng và toàn bộ thành phố của họ. Tại đây, chúng ta nhận thấy tính cách mạnh bạo của Hector không phải là mù quáng hay phẫn nộ giống như Achilles.
Hành động đó là có lý trí, biết suy xét. Mục đích của hành động đó đơn giản là để bảo vệ những điều chàng yêu thương. Chàng biết làm chủ phía mặt tính cách nguy hiểm của mình và chuyển hóa điều đó chỉ để hướng đến lợi ích của những người khác; chàng sẽ không bao giờ gây tổn hại cho người dân thành Troy hay gia đình mình. Đây là biểu hiện chân chính của sự nam tính. Sự nam tính chân chính sẽ làm chủ phía mặt hung bạo, nguy hiểm trong bản tính của người đàn ông để hướng đến những mục tiêu tốt đẹp và cao cả hơn. Ngược lại, Achilles đã không chế ngự tính cách hung bạo trong bản tính của mình, và chàng cũng không chuyển hóa điều đó hướng đến lợi ích của những người khác. Chàng ta đã dùng phía mặt hung bạo này cho chính mình, đồng thời thỏa mãn những cảm xúc mất kiểm soát của bản thân.
Từ câu chuyện này, chúng ta có thể học được điều gì về khái niệm “nam tính độc hại” hiện đại? Một định nghĩa phổ biến của thuật ngữ này là: “một khái niệm văn hóa về sự nam tính tôn vinh chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism), sự mạnh mẽ, bản tính cương cường, và tính áp chế, và đó là điều cản trở người ta thích nghi với xã hội này hoặc có hại cho sức khỏe tâm thần.”
Định nghĩa này không thể làm rõ sự khác biệt nêu trên, sự khác biệt giữa một nam nhân như Hector và một nam nhân như Achilles. Bản thân tính cương cường, sự mạnh mẽ, hay tính áp chế không “độc hại,” mà chỉ là cách vận dụng những tính cách đó “độc hại” mà thôi. Nếu như đàn ông không có bản tính cương cường và mạnh mẽ, thì suy cho cùng, những người này chưa phải là đàn ông thực sự. Dường như những người sử dụng thuật ngữ “nam tính độc hại” thường ủng hộ việc đàn ông không còn là đàn ông — tức là từ bỏ những tính cách sẵn có trong bản tính tự nhiên của những người đàn ông, chẳng hạn như sự mạnh mẽ, bản tính cương cường, và áp chế.
Tuy nhiên, điều đó bất khả thi.
Trên thực tế, chúng ta cần có những tính cách này để duy trì xã hội. Chẳng hạn như nói về Hector. Nếu như chàng thiếu khuyết những tính cách này, thì thành Troy sẽ sụp đổ sớm hơn, mang đến nỗi thống khổ và bất hạnh cho nền văn minh của quê hương chàng.
Trường An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times