Montaigne và La Boétie: Một tình bạn hoàn mỹ
Bi kịch cá nhân có thể là một chất xúc tác cho sự thay đổi và trưởng thành. Trong khi chúng ta không đố kỵ với những người trải qua bi kịch đó, chúng ta còn ngưỡng mộ những ai nhẫn chịu tốt và có thể biến nỗi đau của họ thành điều gì đó tốt đẹp. Ví dụ, vở “The Divine Comedy” (Thần Khúc) tồn tại bởi vì Dante đã phải chịu đựng gấp bội nỗi bất hạnh khi mất đi nàng Beatrice yêu quý của ông và bị lưu đày khỏi thành phố Florence suốt đời.
Tổng thống Abraham Lincoln là một trường hợp điển hình khác. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã phải chịu đựng [nỗi đau] mất đi nhiều thành viên trong gia đình, trong đó có người con trai thứ hai của mình. Về sau, khi đang ở Tòa Bạch Ốc, người con trai thứ ba của ông qua đời và ông đã chứng kiến sự suy sụp tinh thần của phu nhân ông, bà Mary Todd. Sau đó, ông bị ám sát. Tổng thống Lincoln, một trong những người đàn ông được kính trọng nhất trong lịch sử, đã sống một trong những cuộc đời bất hạnh nhất mà người ta có thể tưởng tượng được. Nhưng thế giới sẽ đi về đâu nếu không có những người u sầu như vậy?
Khi người bạn thân nhất của ông Michel de Montaigne, ông Étienne deLa Boétie, qua đời một cách bi thảm ở tuổi 32, ông Montaigne đã vô cùng đau buồn. Ông đã rút lui khỏi đời sống bên ngoài và nhốt mình trong tòa tháp của ông. Trong 10 năm tiếp theo, khoảng thời gian tịch mịch này đã tạo ra một trong những sản phẩm văn học độc đáo nhất trên thế giới: “The Essays” (Những Bài Tiểu Luận).
Những tâm hồn tri kỷ
Một trong những tình bạn tuyệt vời trong lịch sử của giới văn học bắt đầu khi hai quan chức chính phủ trẻ tuổi gặp nhau tại một lễ hội thị trấn ở thành phố Bordeaux. Ông Montaigne đã nghe nói về ông La Boétie qua một bài viết ban đầu về bất tuân dân sự mà ông ấy chắp bút, “Discourse on Voluntary Servitude” (Luận Về Tinh Thần Nô Lệ Tự Nguyện). Tuy rằng ông Montaigne vẫn chưa viết [tác phẩm nào], nhưng ông đã được biết đến ở địa phương với tư cách là một luật sư. Ngay lập tức, họ đã trở nên tâm đầu ý hợp.
“Chúng tôi đã trân quý nhau nhờ biết tiếng về nhau,” ông Montaigne nói, và “phát hiện ra chúng tôi nắm bắt được nhau, rất thấu hiểu nhau và gắn kết với nhau đến nỗi từ đó trở đi không ai [trong chúng tôi] thân thiết với người nào đó khác ở mức như vậy nữa.”
Ông La Boétie chỉ hơn ông Montaigne vài tuổi, nhưng vì lớn lên trong hoàn cảnh mồ côi nên ông chín chắn hơn. Ông là một người làm việc chăm chỉ, đã kết hôn, và là một thành viên ưu tú của Nghị viện Bordeaux. Họ có cùng một niềm yêu thích đối với văn học và triết học và nguyện sống “đời sống tốt đẹp,” như các nhà văn Hy Lạp và La Mã cổ đại đã theo đuổi.
Ông La Boétie đảm nhận vai trò của người cố vấn thông thái. Ông là một nhà thơ tài năng, và ba trong số các bài thơ của ông viết về ông Montaigne. Trong một tác phẩm trào phúng bằng tiếng Latin, ông La Boétie đã mô tả người bạn tài năng nhưng non nớt của mình là người có một “đôi chân có cánh đã gần đến mục tiêu rồi, sẵn sàng giật lấy vương miện,” và khích lệ Montaigne tìm sự trợ giúp trong quá trình tìm kiếm đức hạnh và mục đích.
Ở một tác phẩm khác, ông La Boétie đã tiên đoán: “Giá như số phận cho phép, thì không có lý do gì để lo lắng rằng hậu duệ của chúng ta sẽ miễn cưỡng đặt tên chúng ta trong số những cái tên của những người bạn nổi tiếng.”
Tình bạn của họ kéo dài chỉ bốn hoặc năm năm trước khi ông La Boétie mắc bệnh dịch hạch vào năm 1563. Ông đã ra đi một cách khắc kỷ xứng đáng với triết gia Socrates, với người bằng hữu Montaigne kề cạnh bên giường bệnh. Về sau, ông Montaigne đã sống khép mình và, sau một giai đoạn trầm cảm vẩn vơ, ông bắt đầu viết lách như một phương thức trị liệu. Những nhan đề ban đầu như “To Philosophize is to Learn How to Die” (Triết Học Là Học Cách Chết) thể hiện một quyết tâm khắc kỷ âm ám và cho thấy rằng bạn của ông thường xuyên ở trong tâm trí ông.
‘Về Tình Bạn’
Một trong những bài tiểu luận hay nhất của nhà văn Montaigne là bài tiểu luận “On Friendship” (Về Tình Bạn). Ông đã cởi mở [chia sẻ] về người bạn La Boétie, ông mô tả nhiều đức tính tốt của bạn mình và phân biệt sự gắn bó của hai ông với các mối quan hệ quen biết khác bắt nguồn từ những mục đích thực dụng hơn là bắt nguồn từ bản thân mối quan hệ đó. Sự gắn kết của họ là một dạng tình huynh đệ, nhưng được tự do lựa chọn mối giao kết của mình, họ không có sự so bì của những người anh em ruột thịt. Tuy ông Montaigne hy vọng sẽ tạo dựng được một mối quan hệ bền chặt như vậy nữa trong cuộc đời mình, nhưng ông không kỳ vọng nhiều: “Cần phải có rất nhiều hoàn cảnh ngẫu nhiên để tạo nên mối quan hệ như thế, rằng nếu Vận may có thể đạt được điều đó một lần trong ba thế kỷ, thì đã là một điều gì đó [quá may mắn] rồi.”
Cuối cùng thì điều gì đã khiến ông Montaigne đến với ông La Boétie? Trong một trong những câu nói nổi tiếng nhất mà ông Montaigne từng viết, ông thấy mình không thể giải thích được mối ràng buộc bí ẩn của họ:
“Nếu bạn ép tôi phải nói tại sao tôi yêu quý ông bạn ấy, thì tôi cảm thấy rằng điều này không cách nào diễn đạt, ngoại trừ việc trả lời rằng: Bởi vì đó là ông ấy, bởi vì đó là tôi.” Cảm giác ngạc nhiên khôn tả này khó có thể làm sáng tỏ bằng định nghĩa thông thường về tình bạn mà ông Montaigne rút ra được từ kinh nghiệm của bản thân: Trong tình bạn chân chính, “các tâm hồn hòa quyện và được tạo nên trong sự hiệp nhất chung đến mức chúng xóa nhòa ranh giới mà đã kết nối chúng với nhau để chúng ta không thể nhận ra.”
Bảo vệ tình bằng hữu của nam giới
Tài hùng biện đáng khâm phục như vậy đã khiến một số học giả đa nghi cho rằng mối quan hệ của hai ông Montaigne và La Boétie không phải ở mức “chỉ là” bạn hữu. Từng là một quan điểm ngoài lề, nhưng quan điểm này ngày càng trở thành xu hướng chủ đạo trong mấy năm qua. Lời tuyên bố này là đáng lo ngại không chỉ vì đã xuyên tạc về ông Montaigne, mà còn vì đã đưa đến một vấn đề lớn hơn: Tại sao việc một người đàn ông trở thành bằng hữu thân thiết với một người đàn ông khác lại không còn được chấp nhận, và không được hơn thế nữa? Khi các mối quan hệ thuần túy của nam giới không bị tấn công vì “nam tính độc hại” của họ, thì họ sẽ bị cường tính hóa.
Để xem xét lời tuyên bố này, chúng ta hãy nói về ông Montaigne. Nhan đề của bài tiểu luận “On friendship” (Về Tình Bạn) là dùng từ sai. Nhan đề bằng Pháp ngữ là “De l’amitié” (Tình Bạn). Như dịch giả M.A.Screech lưu ý trong ấn bản “The Complete Essays” (Những Bài Tiểu Luận Hoàn Chỉnh) (London, năm 1993) của ông do nhà xuất bản Penguin Classics phát hành, “amitié” (tình bạn) bao gồm rất nhiều các mối quan hệ tình cảm và một số thuật ngữ yêu cầu phải diễn đạt tất cả các nghĩa khác nhau của từ này: tình bạn, tình bạn thân thiết, lòng nhân từ, tình cảm, và tình yêu. Tuy nhiên, tình yêu theo nghĩa “amour,” – tình cảm lãng mạn – không nằm trong những định nghĩa này.
Trong chính bài tiểu luận này, ông Montaigne so sánh trải nghiệm của mình về tình bạn tri kỷ với tình yêu lãng mạn. Ông thừa nhận rằng “ham muốn ái ân thì sôi sục, mạnh mẽ và mãnh liệt hơn.” Nhưng đó là một sự nồng nhiệt nhất thời và chóng tàn. Ham muốn thể xác đó vốn không đi đến tận cùng nơi sâu thẳm nhất trong chúng ta. Dục vọng không hề đại diện cho con người toàn vẹn như tình bạn chân chính.
“Tình cảm bạn hữu là một sự ấm áp phổ biến nói chung, ôn hòa và êm dịu, một sự ấm áp có tính ổn định và yên bình, tất cả đều nhẹ nhàng và đều đặn. “Tình bạn hoàn hảo” của chính ông Montaigne, điều mà ông mô tả là “không thể chia cắt,” cao cả hơn sự lãng mạn đơn thuần — hay bất kỳ kiểu giao hảo thân thiết nào khác. Ông Montaigne đã viết rằng, “Đừng để ai đó xếp đặt những tình bạn thông thường khác ngang hàng với tình bạn này.”
Một số học giả nhất quyết trở nên táo bạo đến mức họ sẽ bẻ cong bằng chứng cho bất kỳ tuyên bố nào nhằm khám phá “ý nghĩa ẩn giấu” của một văn bản. (Một lập luận khác, cũng được tiếp nhận nhiều hơn trong những năm gần đây, là ông Montaigne là tác giả thực sự của các tác phẩm của ông La Boétie.) Cách tiếp cận này đã bỏ qua đức tính thẳng thắn, một trong những phẩm chất mà ông Montaigne xem trọng nhất. Trong “The Essays” (Những Bài Tiểu Luận), ông luôn biểu thị được sự thành thật và chân thành. Thành thật là “phần đầu tiên và căn bản của đạo đức.” Nếu nội tâm của một người không đủ sâu sắc, thì sẽ không có gì nhiều để khám phá.
Lan Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times