Bức tranh khảm cô gái tuyệt đẹp được tìm thấy trong biệt thự La Mã giờ là ‘Nàng Mona Lisa’ của Thổ Nhĩ Kỳ
Du khách sẽ nhìn thấy gương mặt của cô gái này trên các ấn phẩm quảng cáo, bích chương du lịch, và các biển quảng cáo trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ, nếu du lịch đến đây. Đôi mắt đầy ám ảnh đó nhìn chằm chằm vào chúng ta như những giếng nước phản chiếu chính tâm hồn cô — có lẽ đôi mắt ấy dành cho một quý tộc La Mã giàu có nào đó, người từng sở hữu dinh thự mà bức tranh tô điểm.
Vẻ mặt cô ẩn chứa nỗi buồn, rồi chuyển sang hạnh phúc, và cứ thế lặp lại. Dù bạn đi đến đâu trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ — thì ánh mắt đó vẫn dõi theo bạn.
Không một ai biết chính xác danh tính của cô, ngay cả các nhà sử học hay các nhà khảo cổ, mặc dù cô được các nhà nghiên cứu hiện đại gọi đùa là “Gypsy Girl” (Cô gái Digan), khi bức tranh được khai quật lần đầu dưới đống đổ nát trong phòng ăn của Dinh thự Mainad. Bức tranh khảm này hiện được trưng bày tại Bảo tàng Khảm Zeugma tráng lệ ở thành phố Gaziantep, cách biệt thự nói trên khoảng 50km về phía Tây, và là một phần nhỏ của bức tranh khảm đá màu.
Cô chính là biểu tượng của thành phố Gaziantep ngày nay.
Bức tranh khảm “Gypsy Girl” trở nên nổi tiếng đến mức có hẳn một căn phòng để [trưng bày] riêng, và ánh mắt không thể nhầm lẫn đó đã mang lại cho bức tranh danh hiệu “Nàng Mona Lisa” của bảo tàng Zeugma. Chỉ có một ánh đèn mờ chiếu sáng bức chân dung. Mái tóc rối, đôi gò má cao, khuyên tai, và băng đô có thể là lý do cho danh hiệu này, nhưng người ta vẫn chưa thể chắc chắn rằng cô có phải là phụ nữ hay không. Một số người phỏng đoán cô có thể là Gaia, nữ Thần Đất Mẹ, trong khi nhiều người khác lại cho rằng bức chân dung này có lẽ là Alexander Đại đế.
Điều đó sẽ rất hợp lý nếu xét đến khu vực mà bức tranh được tìm thấy ban đầu.
Quân đoàn binh lính La Mã từng đóng quân đồn trú tại tiền đồn Zeugma, nằm dọc dòng sông Euphrates, thuộc miền nam Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Thành phố này được người La Mã đổi tên thành Zeugma, sau khi họ chinh phục khu vực này vào năm 64 trước Công Nguyên, thay thế cho cái tên Seleucia có từ thế kỷ thứ ba — theo tên người kế vị của Alexander Đại đế.
Bây giờ chúng ta đã biết Zeugma từng là cửa ngõ vĩ đại như thế nào, khi dẫn từ thế giới Hy Lạp-La Mã đến Đế quốc Ba Tư. Vì lẽ đó, giao thương, các hoạt động mậu dịch và tầm quan trọng chiến lược của Zeugma đã góp phần tạo nên nền văn hóa đa dạng và thịnh vượng cho thành phố này. Hơn nữa, vì Zeugma nằm ở điểm thấp nhất của sông Euphrates, nên người La Mã đã xây dựng một cây cầu phao lớn (nay đã không còn tồn tại nữa) và thu phí qua lại, tạo ra nguồn thu đáng kể. Và bản thân cái tên Zeugma cũng có nghĩa là “cây cầu” hoặc “nơi băng qua” trong tiếng Hy Lạp cổ.
Tất nhiên, nhiều người La Mã giàu có từng cho xây dựng các dinh thự nguy nga với nhiều món đồ trang trí vượt xa bức tranh khảm “Gypsy Girl” (Cô gái Digan) mà chúng ta vừa chiêm ngưỡng, trong đó có các bức bích họa, các bức tranh khảm trên tường và sàn nhà được chế tác tinh xảo. Nhiều công trình còn tích hợp cả tiện nghi nước vào đài phun nước, thiết kế này nhằm làm dịu mát bầu không khí khô nóng thổi vào từ bên ngoài. Nhiều công trình cũng có các vị Thần sông ngòi và đại dương như Poseidon. Các cột đá cẩm thạch, đài phun nước phun trào kiểu La Mã, và các bức tượng bằng đá vôi được dựng lộng lẫy khắp nơi.
Đó là, cho đến khi Đế chế La Mã sụp đổ — khi thành phố này chứng kiến vận mệnh của mình suy tàn, các dinh thự xa hoa biến thành đống đổ nát. Sau đó, nhiều cư dân ở nông thôn chuyển đến, và những công trình này đơn thuần trở thành chuồng trại chăn nuôi gia súc. Vẻ tráng lệ của thành phố này đã bị lãng quên trong khoảng 1,700 năm, cho đến khi nó được các nhà nghiên cứu khám phá lại nhiều thế kỷ sau đó.
Vào năm 2000, việc xây dựng con đập Birecik khổng lồ trên sông Euphrates đã khiến toàn bộ các tác phẩm nghệ thuật cổ xưa vô giá này rơi vào tình cảnh nguy hiểm cận kề, và các nhà khoa học được kêu gọi để giải cứu chúng. Trước tình hình mực nước dâng cao, với tốc độ khoảng 10cm mỗi ngày, hoạt động cứu hộ khẩn cấp đã chứng kiến sự khôi phục của khoảng 3000m2 bức tranh khảm, 137m tranh bích họa, 20 cột trụ, 4 bức tượng, và 4 đài phun nước kiểu La Mã. Tất cả đã được tháo dỡ và di dời về Bảo tàng Khảm Zeugma — một bảo tàng mới vô cùng hiện đại, trị giá 30 triệu USD vào năm 2011. Nguồn tài trợ tư nhân và công cộng đã giúp bảo tồn các bức tranh khảm quý giá này.
Ngày nay, bạn có thể du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ và chiêm ngưỡng tính nghệ thuật đỉnh cao của những bức tranh khảm, trong đó có cả ánh nhìn đầy bí ẩn của tác phẩm “Gypsy Girl” (Cô gái Digan.) Bảo tàng này có ba khu trưng bày:
Khu A là nơi trưng bày các bức tranh khảm lót sàn kiểu La Mã. Du khách sẽ được hình tượng Thần Oceanos, vị thần của tất cả các vị thần sông, và vợ ông, nữ Thần Tethys, chào đón. Nơi đây còn có các họa tiết trang trí tinh xảo của cá và cá heo, tượng trưng cho sự trù phú của biển cả.
Bức tranh khảm lớn từ Dinh thự Poseidon này khắc họa hình ảnh á Thần Achilles. Để tránh việc Achilles phải tham gia vào Cuộc chiến thành Troy, mẹ chàng đã cải trang chàng thành phụ nữ. Tuy nhiên, đến khi Vua Odysseus mưu trí thổi tù và chiến đấu, thì Achilles dũng mãnh đã vung vũ khí lên, tự tiết lộ thân phận của mình. Khung cảnh sống động cho thấy chàng đang chuẩn bị xông ra trận.
Bức tranh khảm vị Thần tình yêu Eros và nàng Psyche của Dinh thự Poseidon, cũng cho thấy nhiều màu sắc sống động và các họa tiết đáng kinh ngạc. Vị thần tình yêu có cánh Eros được khắc họa bên cạnh vợ mình, nàng Psyche (hay Tâm hồn), trong trang phục rũ xếp nếp. Đường viền phức tạp của hoa lá, trái cây, và các họa tiết hình học như cạnh tranh với vẻ đẹp tráng lệ ở trung tâm bức tranh.
Không thể diễn tả hết vẻ đẹp lộng lẫy của từng bức tranh khảm, và vì thế, khi ngôn từ bất lực thì hình ảnh chính là lời giải thích.
Khu B của bảo tàng lưu giữ các bức tranh khảm có nguồn gốc từ thành phố tự trị Gaziantep và các vùng lân cận, có thiết kế đơn giản hơn với các loài động vật sống động và các bức tranh khảm sàn từ các nhà thờ thời Đông La Mã.
Khu C dành riêng cho phòng hội nghị, quán cà phê, và cửa hàng quà tặng.
Nhiều du khách cho rằng nếu đến thăm thành phố Gaziantep thì nhất định phải thưởng lãm các bức tranh khảm ở bảo tàng Zeugma. Tất nhiên, bạn có lẽ sẽ nhìn thấy hình ảnh cô gái với ánh mắt dõi theo mình khắp các nẻo đường trong thành phố nếu bạn cần một lời nhắc nhở.
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times