Đôi vợ chồng thừa kế tòa lâu đài thời Trung cổ hơn 1,000 năm tuổi có cả hầm ngục tối
Ở một ngôi làng nhỏ cách Paris 5 tiếng về phía nam và cách thành phố Toulouse khoảng 2 tiếng rưỡi về phía bắc, có một tòa lâu đài rất cổ kính và trang nhã, nơi chủ nhân của nó đang sinh sống. Các thế hệ trong gia đình họ đã sống ở đây suốt nhiều thế kỷ, chào đón những vị khách muốn được du hành về quá khứ.
Tòa lâu đài có tên Château de Bonneval, đặt theo tên của những người đã coi nơi này là nhà suốt hơn một ngàn năm qua.
Vào năm 1996, đôi vợ chồng quý tộc trẻ tuổi thông minh đã có bước đi táo bạo để tiếp nối truyền thống gia đình bằng cách sinh sống ở đây và bảo tồn di sản mà họ được thừa kế: tòa lâu đài trung cổ này.
Những bức tường, khuôn viên, và những căn phòng có niên đại hàng thế kỷ của Château de Bonneval ngày nay đang kể một câu chuyện xuyên thời gian.
Đến Coussac-Bonneval bằng xe hơi, ở vùng ngoại ô của ngôi làng Pháp nhỏ bé vượt thời gian này, người ta sẽ dễ dàng bỏ qua nhà máy gốm sứ Limousin thô sơ được tái sử dụng nằm dọc con đường chính, nơi “vàng trắng” (ngụ ý gốm sứ) từng làm nên danh tiếng của vùng này vào thế kỷ 19.
Đồ gốm từng là công việc kinh doanh của hầu tước Hippolyte de Bonneval. Vào khoảng những năm 1830, ông đam mê công việc này đến nỗi đã từ bỏ tước hiệu công tước để có thể tiếp tục việc kinh doanh.
Ngày nay, bà Marta de Bonneval, 59 tuổi, nữ hầu tước hiện tại của Lâu đài Château de Bonneval, tin rằng lúc bấy giờ đồ sứ không được nhà vua coi là vật phẩm “quý.” Ngài Hippolyte “đã từ chối đóng cửa doanh nghiệp sứ của mình dù công việc này bị xem là thấp kém so với địa vị của ông,” bà chia sẻ với The Epoch Times.
“Đây là lý do tại sao tước hiệu cao nhất của gia đình vẫn là ‘Hầu tước,’” bà cho hay và nói thêm rằng đó là “dưới Công tước một bậc.” “Và gia đình họ không được mời đến sống trong cung điện hoàng gia ở Paris.”
Bà cho hay mặc dù ngài Hippolyte không phải là công tước, nhưng ông là vị tướng từng giành nhiều chiến thắng trong các trận chiến cho Vua Napoleon và là cố vấn đáng tin cậy của nhà vua cho đến cuối triều đại.”
Bà và phu quân, hầu tước Geraud de Bonneval, hiện 61 tuổi, đồng sở hữu, sinh sống và quản lý tòa lâu đài đáng ngưỡng mộ này ở Coussac-Bonneval suốt gần 30 năm qua.
Nhìn ngược về quá khứ, thật khó có thể tưởng tượng lâu đài này đã xuất hiện như thế nào khi lần đầu tiên nó được xây dựng là trên tàn tích của một biệt thự La Mã cổ đại, khoảng năm 980 Công Nguyên. Chỉ nghe truyền thống gia đình truyền miệng lại rằng ngày đó nó là một pháo đài bằng gỗ kiên cố ra sao.
Ngày nay, khi đi qua ngôi làng này, bạn sẽ thoáng thấy những tháp tròn thời trung cổ với mái nhọn hình nón nhô lên giữa các khoảng trống của các dãy nhà. Lâu đài này đã trở thành một phần quen thuộc của phong cảnh nơi đây. Nữ hầu tước cho biết phần lớn diện mạo của tòa lâu đài trung cổ và các cấu trúc bằng đá này được xây dựng từ thế kỷ 14, vào thời điểm đó nơi này đã trở thành “một pháo đài trung cổ thực sự.”
Những kỷ vật gợi nhớ về nguồn gốc từ thời phong kiến của tòa lâu đài hiện hữu ở khắp nơi: Cây cầu kéo kỳ vĩ với những tay kéo vẫn treo những sợi xích sắt khổng lồ. Bốn bức tường đá đồ sộ tạo thành tuyến phòng ngự kiên cố bao quanh mặt sàn hình vuông vẫn đứng vững chãi. Những tháp trống (drum tower) hình tròn có thể nhìn ra từng góc. Rãnh đất bao quanh cho thấy dấu tích của hào chiến, nơi từng đặt đầy chông nhọn thay vì nước để ngăn chặn những kẻ xâm lược. Tất cả các chi tiết [trang trí] cầu kỳ và thanh lịch của những thế kỷ sau này khó có thể che giấu những đặc điểm táo bạo đó — mà các chủ nhân của tòa lâu đài này cũng không muốn như vậy. Hoàn toàn ngược lại.
Và còn hơn thế nữa. Ngày nay, du khách có thể bước vào hầm ngục tối của tòa lâu đài — một căn phòng có tầm quan trọng đặc biệt ở Pháp vào thời trung cổ.
“Có một hiểu lầm phổ biến rằng [căn hầm] là nhà ngục của tòa lâu đài,” nữ hầu tước chia sẻ. Nhưng thực tế thì không phải vậy, mà đúng hơn, nó “là căn phòng an toàn của lâu đài. Đây là tuyến phòng thủ cuối cùng và là nơi ẩn náu của phụ nữ và trẻ em trong trường hợp lâu đài bị tấn công.”
Trải qua nhiều thế kỷ, các lãnh chúa quý tộc của Château de Bonneval ngày càng trở nên có uy tín — với một ngoại lệ đáng để bàn luận là Thống đốc Bonneval bảnh bao sống vào thế kỷ 18 — song song với đó, lâu đài này cũng từng trải qua nhiều lần lột xác hoàn toàn.
Vào năm 1470, nhờ ông Antoine de Bonnoval mua lại các vùng đất xung quanh mà pháo đài và thị trấn này đã được hợp nhất thành một. Nữ hầu tước de Bonneval cho biết “Chính nhờ ông ấy mà đến ngày nay, thị trấn này mới được gọi là Coussac-Bonneval.”
Tiếp đến là ông Gabriel de Bonneval, vào khoảng năm 1569, khi nước Pháp đang bị các cuộc chiến tranh tôn giáo chia cắt. Trong căn phòng mà nhà vua từng ngủ lại vẫn còn lưu giữ những đóng góp của ông Gabriel như một lời nhắc nhở. Ông Gabriel đã hoàn thành bổn phận của mình với Hoàng tử Henri thời đó bằng cách phục vụ trong quân đội — và để ăn mừng chiến thắng, vị hoàng tử mà sau này sẽ kế nhiệm ngai vàng đã ban đặc ân cho căn phòng này bằng cách nghỉ qua đêm tại đây.
Du khách thường muốn được chiêm ngưỡng căn phòng hoàng gia trang hoàng xa hoa này, căn phòng vốn được đặt tên để tôn vinh một vị vua. Nhưng đối với gia tộc Bonneval, căn phòng ngủ này thực sự là “ngôi sao” của chương trình tham quan lâu đài: từng thuộc sở hữu của vị tổ tiên nổi tiếng bốc đồng đó (Thống đốc Bonneval) — người nổi tiếng nhất trong gia tộc nhà Bonneval.
Sinh năm 1675, Bá tước Claude Alexandre de Bonneval được biết đến với cái tên Bonneval “Pasha” (Thống đốc Bonneval).
“Ban đầu ông là sỹ quan trong Đội Cận vệ Hoàng gia của Vua Louis XIV, còn gọi là Vua Mặt trời, nhưng xảy ra bất hòa với nhà vua và ông đã rời đến Áo,” nữ hầu tước chia sẻ, và đề cập rằng “có lẽ đây là vị tổ tiên nổi tiếng nhất của chúng tôi.”
“Ông là một chiến binh, một người đào hoa, và là người từng đi khắp thế giới,” bà cho hay và nói thêm rằng ông kết giao với nhà văn hào hoa Casanova, triết gia Montesquieu, và triết gia Voltaire.
Hình ảnh về vị Thống đốc này được hình thành rõ nét khi ông làm cho một vị vua khác nổi giận. Rốt cuộc, khi đang là vị tướng phục vụ cho Hoàng đế Habsburg, ông phải chạy trốn đến Đế chế Ottoman để bảo toàn tính mạng.
“Cuối cùng, trong mắt Pháp và các đồng minh ông đã trở thành kẻ phản bội,” bà nói.
Nhưng tính phiêu lưu của ông không dừng lại ở đó. Khi đến Istanbul, ông cải sang đạo Hồi và giúp hiện đại hóa quân đội của họ, thậm chí còn thành lập trường quân sự đầu tiên. “Sau cùng, ông được trao tặng quân hàm ‘Three Tailed Pasha’, danh hiệu quân sự cao nhất trong Đế chế Ottoman,” nữ hầu tước cho biết.
Ngày nay, bức chân dung lãng mạn của vị Pasha đội khăn turban và đeo dao găm theo nghi lễ vẫn được treo trong phòng ngủ của ông ở lâu đài.
Quá trình tìm lại lịch sử của gia đình họ có thể thực hiện được là nhờ vào kho lưu trữ phong phú của lâu đài, với khoảng 30,000 tư liệu về gia đình. Tuy vợ chồng hầu tước đều sinh ra ở Brazil, và cũng kết hôn ở đó, nhưng họ cảm thấy có nghĩa vụ phải tiếp quản và bảo tồn di sản gia đình nên đã ở lại Pháp vào năm 1996. Họ nhận thấy nhiệm vụ của mình là bảo tồn di sản đó cho các thế hệ tương lai.
Hầu hết các bảo vật gia truyền của Pháp và một vài món đồ của Brazil được xếp dọc theo các hành lang có các ô cửa sổ kính màu bao quanh, nơi từng là đường vành đai trong của lâu đài. Cuộc cải tạo vào thế kỷ 18 giúp loại bỏ một số yếu tố về thời tiết như một phần trong cam kết hiện đại hóa toàn diện.
Những tấm thảm treo dọc khắp hành lang mô tả khung cảnh thời trung cổ và trưng bày nhiều gia huy cao quý. Các bộ giáp phục đứng trong tư thế như đang canh gác. Vẻ sang trọng của cung điện được thể hiện ở các phòng trưng bày bên trong, với những bức tường được bao quanh bằng các cột trụ liền tường, những tấm gương, và đường viền mạ vàng, trần nhà được trang trí bằng các bức bích họa hình tròn theo phong cách baroque.
Một cặp tác phẩm nghệ thuật mà nữ hầu tước tự hào nhất được đặt trong nhà nguyện của gia đình: hai thiên thần bằng gỗ, cao gần 2m, ở hai bên bệ thờ. “Chúng được ông Bouchardon chế tác,” bà cho biết khi đề cập đến điêu khắc gia người Pháp nổi tiếng với các tác phẩm của ông ở Versailles. “Có được một số tác phẩm của ngài ấy trong nhà nguyện của chúng tôi là một vinh dự lớn lao.”
Gia đình Bonneval háo hức giới thiệu “ba thời kỳ vĩ đại” trong quá trình phát triển dẫn tới diện mạo hiện tại của lâu đài này — rất đáng chú ý và độc đáo.
Đầu tiên, như đã đề cập ở trên, lâu đài này từng là một pháo đài thời trung cổ cho đến thế kỷ 14.
Thứ hai, nơi đây đã trở thành “một không gian nghệ thuật và sang trọng vào thế kỷ 16, lấy cảm hứng từ nghệ thuật thời kỳ Phục hưng Ý,” nữ hầu tước chia sẻ.
Phương diện này nổi bật nhất là ở phần sân trong được trang trí bằng nhiều kiểu cột mô phỏng khác nhau, tạo thêm điểm nhấn đặc biệt.
Không nghi ngờ gì nữa, khoảng sân này chính là yếu tố kiến trúc thú vị nhất của tòa lâu đài, nữ hầu tước cho biết. Thực sự hiếm có lâu đài thời Trung cổ nào sở hữu một sân trong mang phong cách Phục hưng.
Thứ ba và cũng là điều cuối cùng, lâu đài này trở thành một tòa nhà uy nghi với không gian sáng sủa và chú ý nhiều hơn đến sự thoải mái. Một cuộc hiện đại hóa quy mô lớn vào thế kỷ 18 đã chứng kiến những cánh cửa kiểu Pháp và 18 cửa sổ chớp xuyên thủng bức tường phía tây — từng không thể xuyên thủng một thời.
Bóng tối của pháo đài phong kiến đã nhường chỗ cho một kỷ nguyên mới, thổi vào lâu đài khí sắc và ánh sáng.
Đường điện, hệ thống nước hiện đại, hệ thống sưởi được lắp đặt vào những năm 1920, đã nâng cấp toàn diện lâu đài.
“Ngày nay, khi dạo quanh lâu đài, người ta có thể thấy được những thời kỳ khác nhau mà tòa lâu đài này đã trải qua,” nữ hầu tước nói. “Mỗi thế hệ lại bổ sung hoặc thay đổi bố cục nội thất cho phù hợp với nhu cầu của thời đại.”
Đối với gia tộc Bonneval, bảo tồn tòa lâu đài trong thế kỷ 21 là mục đích của họ. Và rõ ràng là họ đã thành công.
Bà cho hay hai vợ chồng đã đục những bức tường dày gần 4m để lắp đặt các tiện nghi hiện đại nhất, và nói thêm rằng mọi biện pháp đều được thực hiện để bảo tồn vẻ truyền thống. “Cuối cùng, chúng tôi đã bổ sung các thiết bị nhà bếp hiện đại và Internet bên trong lâu đài.”
Thanh Vy biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times