Thư viện của nhà thờ tuyệt đẹp này nổi tiếng với những cánh cửa bí mật và hầm mộ đáng sợ — tôn vinh người La Mã tử vì đạo
Nằm dọc theo dòng sông Danube ở miền Bắc nước Áo có một nhà thờ rất cổ kính, sang trọng, và tráng lệ, mà người ta có thể dễ dàng liên tưởng đến [bối cảnh] của bộ phim Indiana Jones nào đó trong tương lai — với sự pha trộn vừa phải giữa cảm giác rùng rợn và bí ẩn.
Với những cánh cửa ẩn, cầu thang bí mật, hầm mộ chứa đầy đầu lâu người, và hàng ngàn cuốn sách ngả vàng theo thời gian, tu viện đầy mê hoặc nằm gần thị trấn Sankt Florian, cách thành phố Linz 10 dặm này, có thể gợi cho chúng ta nhớ đến một nhà khảo cổ học đầu đội mũ phớt, tay cầm roi da. Thậm chí kẻ thù của ông, những người Đức, cũng từng chiếm đóng nơi này suốt những năm tháng chiến tranh.
Tuy nhiên, vượt qua bộ phim bom tấn kể trên, Tu viện Thánh Florian còn mang đến hiệu ứng về vẻ đẹp siêu phàm thoát tục lấy cảm hứng từ phong cách Baroque. Nghệ thuật và kiến trúc nơi đây khiến cho tâm trí chúng ta thăng hoa.
Các tu sỹ khổ hạnh từng cầu nguyện ở đây vào thời Carolingian thế kỷ thứ 9, họ sống đạm bạc hơn nhiều so với các tu sỹ được thờ phượng sau này, giữa những sảnh đường nguy nga làm bằng đá cẩm thạch đầy màu sắc và những kệ sách được trang trí công phu. Cuộc đại trùng tu vào thế kỷ 17 của tu viện này đã mang đến phong cách Baroque cho nơi đây.
Tu viện Thánh Florian là một trong những tu viện lớn nhất nước Áo, sánh ngang với độ cao chót vót của Tu viện Melk và phong cách trang trí xa hoa của Tu viện Klosterneuburg. Nhưng, khác với hai tu viện trên, Tu viện Thánh Florian đón lượng du khách ít hơn.
Tu viện này được đặt theo tên của viên chỉ huy người La Mã là Florian, vào thế kỷ thứ 1 Công Nguyên, người đã cải sang đạo Cơ Đốc, và từ chối thực thi luật lệ La Mã nhằm bức hại các đồng môn Cơ Đốc của ông. Ông Florian bị đe dọa thiêu sống, nhưng cuối cùng lại bị xử tử bằng cách dìm nước, dù ông kiên định bày tỏ rằng ông muốn một cái chết rực lửa hơn.
Sau này ông trở thành vị Thánh bổn mạng của lính cứu hoả.
Du khách đi thuyền trên sông Danube đến khu phức hợp này, sẽ thấy tu viện vẫn giữ nguyên hiện trạng sau khi được kiến trúc sư người Ý Carlo Antonio Carlone xây dựng lại từ năm 1686 đến năm 1708. Sau khi ông qua đời, tu viện được ông Jakob Prandtauer, một kiến trúc sư người Áo theo trường phái Baroque hoàn thiện.
Khi đi ngang qua tháp đồng hồ trang nhã và các bức tượng điêu khắc sống động bên ngoài tu viện, du khách sẽ bị cuốn vào một trải nghiệm đa giác quan có kết hợp cả âm thanh.
Có vài ngày trong tuần, du khách sẽ được ngồi trên những dãy ghế gỗ ở gian giữa của nhà thờ và cảm nhận sóng âm thanh rung động cộng hưởng. Âm nhạc ngân lên từ cây đại phong cầm trứ danh sẽ tác động đến cảm xúc của du khách, khi họ đắm mình trong các cảnh quan vật lý xung quanh: hàng cột trụ cao vút, trụ đỡ tường, và những mái vòm xếp thành hàng dọc ở gian giữa của tu viện; trần nhà hình vòm rộng lớn với mái vòm và các bức tranh bích họa siêu việt về các cõi thiên đường; và thánh đường với nhiều chi tiết chạm khắc gỗ, mạ vàng, và các bức tranh tôn giáo.
Tất cả những yếu tố này, khi bị tác động bởi ánh sáng, cũng sẽ tác động đến cách chúng ta diễn giải âm thanh.
Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Áo Anton Bruckner từng là nghệ sỹ chơi đàn đại phong cầm tại đây. Cây Đại phong cầm Buckner, như tên gọi của nó, có hơn 7,300 ống đàn và 103 nút chặn. Đây là một trong những cây đại phong cầm lớn nhất vẫn đang hoạt động ở Áo.
Ông Buckner yêu thích âm nhạc này đến nỗi ông được an táng ở nơi mà ông có thể nghe thấy âm thanh của cây đại phong cầm này mãi mãi — ngay bên dưới vị trí của cây đàn. Nhưng, trước khi du khách bước xuống khám phá hầm mộ đầy hài cốt để tìm kiếm ông — giống như người bạn tốt của chúng ta, tiến sỹ Jones (trong bộ phim Indiana Jones ) có thể từng làm — thì trần nhà tuyệt đẹp ở gian giữa tu viện sẽ khiến du khách không thể nào rời mắt, không thể nào lướt qua.
Khi du khách ngước nhìn lên trên, chạm vào mắt họ chính là đỉnh cao của nghệ thuật Baroque. Một bức tranh vẽ cảnh thiên đường dường như đang bước vào không gian thế tục của chúng ta. Các cột đá cẩm thạch giả được sơn nhiều màu, với mũ cột tròn và phối cảnh tuyến tính tạo nên ảo ảnh quang học, giúp không gian thần thoại hai chiều và không gian hiện thực ba chiều hòa hợp liền mạch. Kỹ thuật ảo ảnh đặc biệt trong phong cách Baroque này được gọi là “trompe l’oeil”, tiếng Pháp có nghĩa là “đánh lừa thị giác.”
Men theo cầu thang dẫn xuống lòng đất, du khách sẽ đến một hầm mộ nằm bên dưới gian giữa của tu viện và cây đại phong cầm, nơi có một căn phòng đáng sợ. Ở đây có một chiếc quan tài bằng đá vẫn còn hài cốt của nhà soạn nhạc chơi đại phong cầm Anton Bruckner bên trong. Bầu bạn với ông là không dưới 6,000 hộp sọ, hài cốt của những tín đồ Cơ Đốc Giáo, được xếp chồng lên nhau ngay ngắn, trong một góc phía sau cánh cửa có song sắt bằng kim loại. Tại đây, trong căn phòng chật kín, những linh hồn ở bên kia thế giới vẫn có thể lắng nghe thanh âm của cây đại phong cầm.
Rời khỏi hầm mộ rùng rợn không chút đắn đo — trộm mộ là việc của ông bạn tiến sỹ Jones của chúng ta — du khách có thể khám phá thư viện của nhà thờ này — nơi lưu trữ các hiện vật và kho tàng trí tuệ cổ xưa. Và, bộ phim Indiana Jones nào mà có thể trọn vẹn nếu không có những cánh cửa bí mật đây? Các kệ sách của Tu viện Thánh Florian cũng thế.
Việc xây dựng chái thư viện theo phong cách Baroque của tu viện bắt đầu vào năm 1744, đây là tác phẩm của kiến trúc sư Johann Gotthard Hayberger. Các kệ sách bằng gỗ mạ vàng xếp chồng lên nhau từ sàn nhà bằng đá cẩm thạch lên tới ban công tầng hai cho đến trần nhà, phía trên được vẽ thêm những bức bích họa đầy màu sắc. Bức bích họa “The Marriage of Virtue and Science Under the Guidance of Religion” (Cuộc Hôn Nhân giữa Đức Hạnh và Khoa Học Dưới Sự Dẫn Dắt của Tôn Giáo) do hai họa sỹ Bartolomeo Altomonte và Antonio Tassi vẽ, mô tả những cảnh tượng phúng dụ từ thiên đường bằng màu hồng phấn, màu vàng kim, và màu xanh lam.
Thư viện này có khoảng 150,000 cuốn sách từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 và khoảng 1,000 bản thảo thời trung cổ, chứa đựng lượng tri thức nhiều hơn một con người có thể đọc. Một số kệ sách xoay trên các bản lề ẩn, phía sau có các cầu thang xoắn ốc bí mật dẫn tới các ban công nhìn xuống thư viện.
Hành trình xuyên qua khu phức hợp vẫn tiếp tục, đưa du khách tới một trong những điểm nổi bật dành cho giới hoàng gia và chức sắc thời xưa: Đại sảnh Cẩm thạch Đế vương. Được trang hoàng bằng đá cẩm thạch hồng exotic với những cột trụ màu trắng xen kẽ, cùng những chiếc ghế ngồi trông giống như ngai vàng ở một đầu [đại sảnh]. Tại đây, những thượng khách sẽ được thết đãi văn nghệ giải trí.
Giai Kỳ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times