Thần Cupid: Biểu tượng tình yêu vượt thời đại
Thần Cupid thường được liên tưởng đến một vị tiểu thiên sứ đang cầm cung tên, dù rằng điều đó không hẳn lúc nào cũng đúng. Hình ảnh của vị thần này thường xuất hiện nhiều nhất trong tháng Hai và tháng Sáu (tháng của Lễ Tình nhân và mùa cưới truyền thống). Tuy nhiên, khuôn mẫu hiện đại của thần Cupid là không chính xác với những gì mà người phương Tây từng biết về ông.
Không có gì mới lạ khi thần Cupid — vị thần tình yêu trong thần thoại đã được cải biên. Cũng giống như ông già Noel Santa Claus và Thỏ phục sinh Easter Bunny, thần Cupid đã thay đổi qua nhiều thời đại.
Nguồn gốc Hy Lạp của một vị Thần La mã
Nhiều câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp sẽ thay đổi tùy theo nguồn gốc và các thời kỳ. Trước năm 700 trước Công Nguyên, người Hy Lạp gọi thần tình yêu là Cupid hoặc Eros, một vị thần nguyên thủy: không có sự phối ngẫu giữa nam và nữ khi ông ra đời. Thần Eros bước đến thế giới này mà không có cha mẹ, ông là một sinh mệnh xuất sinh từ những vật chất nguyên thủy ban đầu. Thần Eros không phải là trẻ sơ sinh: ông là một cậu bé khôi ngô, mảnh khảnh. Ông mang theo pháp khí, nghịch ngợm, và thường xuyên phạm lỗi. Dẫu vậy, ông vẫn sẽ tồn tại để sau này có mối liên hệ với Cơ Đốc Giáo, sự lãng mạn, và cả thương mại.
Sau năm 700 trước Công Nguyên, thần Eros trở thành con trai của nữ thần tình yêu và sắc đẹp Aphrodite. Ông thừa hưởng đôi cánh từ cha là thần sứ giả Hermes. Bao đựng cung tên của ông có hai bộ mũi tên, mũi tên vàng dành cho tình yêu và mũi tên chì dành cho sự khinh thị. Thi thoảng, thần Eros sẽ sử dụng một trong những mũi tên đó cho cùng một cặp đôi. Tuy nhiên, ông được xem là một vị thần chân chính. Ông sở hữu một nửa thánh địa mà nữ thần Aphrodite đã chia sẻ ở bức tường phía Bắc của thành cổ Acropolis. Và Thần vị của ông sẽ vẫn tiếp tục.
Vào thời kỳ La Mã, Cupid là thần tình yêu trong mọi phương diện từ đam mê cho đến khả năng sinh sản, cũng giống như tên gọi thời nay. Cha ông được người La mã gọi là thần Mercury và mẹ là nữ thần Venus. Trong thời kỳ La Mã, hình tượng của thần Cupid ngày càng trẻ hóa. Thời bấy giờ, người ta cho rằng thật may mắn khi nhận được mũi tên của ông. Tuy nhiên, những trò nghịch ngợm của ông chỉ giới hạn trong việc khiến mẹ ông phiền lòng. Thay vì tuân theo mệnh lệnh của mẹ là làm cho nàng Psyche xinh đẹp phải lòng một con quái vật, thì thần Cupid đã tự rơi vào lưới tình của nàng — và biến nàng trở nên bất tử.
Thần Cupid thời Trung Cổ
Ngay cả những tín đồ Cơ Đốc Giáo mộ đạo nhất cũng không phủ nhận sự hiện diện của vị thần tượng trưng cho sự ham muốn thời Hy Lạp và La Mã, mặc dù ông dường như không có chỗ đứng ở châu Âu vào thời Trung Cổ. Thay vào đó, họ liễu giải ông ở phương diện đạo đức, xem ông như một cuộc sống tiệc tùng đầy dục vọng.
Nhà văn Theoduff of Orleans sống trong thời trị vì của vua Charlemagne (747-814 sau Công Nguyên), đã biến Cupid thành một nhân vật phản diện lôi kéo con người vào những tội lỗi xấu xa. Bao đựng tên chính là tâm trí trụy lạc của ông, những mũi tên độc được bắn ra từ cây cung gian trá, và ngọn đuốc của ông được cho là đốt lên ngọn lửa đam mê dục vọng. Đây là nền văn hóa đầu tiên khắc họa thần Cupid khỏa thân, ma tính của ông khó có thể che giấu.
Thần Cupid thời Phục Hưng
Vào cuối thời Trung Cổ, những cảnh báo về tội lỗi nhục dục của thần Cupid đã giảm dần khi nhu cầu về tình yêu phong nhã được lý tưởng hóa. Nhiều ví dụ về điều này được thể hiện trong hình ảnh minh họa cho tập thơ “Le Roman de la Rose” (Sự lãng mạn của Hoa Hồng), một tập thơ ngụ ngôn Pháp thuộc thế kỷ 13 của tác giả Guillaume de Lorris và Jean de Meun. Tác phẩm đã được đọc rộng rãi khắp châu Âu thời kỳ Phục Hưng, và được công nhận là đại diện cho toàn bộ nghệ thuật của tình yêu lãng mạn.
Sau những mô tả như vậy, thần Cupid đã chuyển sang thời kỳ Phục Hưng. Và rồi các nghệ sĩ đã khắc họa ông như một đứa trẻ ngoài đời thực. Thần Cupid lại tiếp tục trẻ hóa — một em bé mới chập chững biết đi hay thậm chí là trẻ sơ sinh — và nhiều hình mẫu khác.
Khi phương Tây quan tâm trở lại đối với nghệ thuật cổ điển, hình ảnh thần Erotes Hy Lạp — tức Eros ở số nhiều — trở nên rõ nét. Những tiểu thiên sứ đáng yêu được gọi là “amorini” (Thần ái tình) trở thành hình tượng phổ biến trong các khung cảnh thần thoại. Vào thời kỳ Baroque (giai đoạn năm 1600-1750), những nhóm hài nhi Cupid nghịch ngợm, có quyền năng của Thần, đã thay thế cho hình tượng đơn lẻ.
Thần Cupid đã mang đến sự lãng mạn và màu sắc vui tươi giống như vậy vào thời đại Victoria. Những tấm thiệp chúc mừng ở thời này cho thấy sự hỗn loạn trong cảm xúc, nhưng lễ nghi của thời đại Victoria nhẹ nhàng, thanh lịch đã thanh tẩy mối nguy hại của dục vọng đáng sợ.
Tình yêu vượt qua tất cả
Từ sự khiếm nhã biến dị cho đến vui chơi lãng mạn, thần Cupid vẫn trường tồn theo năm tháng. Ông đã mang tình yêu đến tận những ngõ ngách xa xôi nhất của địa cầu với tư cách là đại sứ tình yêu trong thần thoại phương Tây. Mặc dù mối liên hệ của thần Cupid với lòng sùng kính đã phai nhạt, nhưng khó có thể hình dung đây là kết cục của một vị thần từng được tôn thờ.
Nếu thần Cupid có thể tồn tại trước lớp giáp sắt của thời La Mã, sự tha hóa thời Trung Cổ, sự phóng đại thời Phục Hưng, và sự khiêm nhường thời Victoria, thì ắt hẳn số phận của ông không chỉ giới hạn trên các trang web hẹn hò và những chiếc áo T-shirt. Dẫu vậy thì trong mọi sự, tình yêu mới là sức mạnh vĩnh hằng có ảnh hưởng lớn lao, trong khi Cupid chỉ là một biểu tượng. Mặc dù chúng ta đã vẽ ông, nhưng hãy luôn chắc chắn rằng chúng ta tôn vinh những gì mà thần Cupid đại diện.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times