Tác giả của hang đá Chúa Giáng Sinh đầu tiên: Điêu khắc gia Arnolfo di Cambio
Các hang đá Chúa giáng sinh đóng vai trò tối quan trọng như là cảnh tượng Lễ Giáng Sinh làm say đắm lòng người nhất. Cách sắp đặt các nhân vật từ những vị vua hào nhoáng cho đến những người chăn cừu giản dị với một vài con vật — ngoại lai hay bản địa — vây quanh một hài nhi mới chào đời: Mọi thứ đều hoàn hảo đúng không nào? Tại Ý, các gia đình đua nhau trưng bày hang đá công phu nhất, có đầy đủ dòng nước chảy và các ngọn đèn chiếu sáng. Lễ khánh thành hang đá Chúa giáng sinh tại Quảng trường Thánh Peter đã thu hút sự chú ý của công chúng không kém gì giải World Cup.
Truyền thống 800 năm tuổi này có lẽ bắt nguồn từ Thánh Francis của thành Assisi, vị thánh đồng bảo trợ của nước Ý. Trong một Thánh lễ Giáng Sinh tại ngôi làng của xứ Greccio, thánh Francis đã giảng đạo thuyết phục đến mức người ta truyền nhau rằng toàn bộ giáo đoàn đã có chung một khải tượng về Đấng Christ Hài Đồng hiện diện trong máng cỏ. Kể từ đó, các màn tái hiện sống động [cảnh tượng Chúa giáng sinh] đã trở nên phổ biến, và nhanh chóng chuyển hướng thành các bức tượng chế tác được khắc trên đá cẩm thạch hoặc đúc bằng đất nung. Vào năm 1290, ông Arnolfo di Cambio đã chế tác hang đá điêu khắc đầu tiên kiểu này cho Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả (St. Mary Major), “nhà thờ Giáng Sinh” của thành Rome, theo sự ủy thác của Giáo hoàng Nicholas Đệ tứ, vị Giáo hoàng đầu tiên của dòng tu Thánh Francis.
Thành Bethlehem của phương Tây
Để đặt một hang đá đầu tiên, thì không có địa điểm nào phù hợp hơn là tòa Vương cung thánh đường có từ thế kỷ thứ năm này, vốn được xây dựng để vinh danh Đức Mẹ Mary với danh xưng “Theotokos” hay “God Bearer” (Mẹ Thiên Chúa). Danh hiệu này được ban cho người mẹ của Chúa Jesus vào giai đoạn Công đồng Ephesus (năm 431) đã truyền cảm hứng cho Giáo hoàng Sixtus Đệ tam xây dựng ngôi nhà thờ đầu tiên thờ phượng Đức Mẹ Đồng Trinh Mary tại phương Tây. Hai thế kỷ sau khi xây dựng, vương cung thánh đường này đã được trao tặng một thánh tích đặc biệt: năm mảnh gỗ từ máng cỏ nơi đặt Chúa Jesus sau khi Ngài chào đời tại thành Bethlehem. Những mảnh gỗ này là một món quà từ Đức Thượng phụ của thành Jerusalem gửi đến Giáo hoàng Theodore I không lâu trước khi đất nước Palestine rơi vào tay nhà nước Hồi giáo Rashidun vào năm 640. Vốn đã là “nhà thờ La Mã chuyên tổ chức các buổi lễ đặc biệt” (station church) nơi mà Giáo hoàng cử hành Thánh lễ Giáng Sinh, Vương cung thánh đường Đức Bà Cả sớm được mệnh danh là “[Nhà thờ] Thánh Mary của Máng cỏ” cũng như “Thành Bethlehem của phương Tây,” nhờ vào những thánh tích này.
Các mẩu nhỏ của chiếc máng cỏ đó, cùng với hài cốt của Thánh Jerome (cũng được mang về từ thành Bethlehem), được đặt trong một nhà nguyện nhỏ sát bên ngôi nhà thờ đã mô phỏng hang đá nơi Đấng Christ giáng sinh. Về sau, ngôi đền thờ này được ghép vào khu nhà nguyện lăng mộ chính của Giáo hoàng Sixtus V. Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ, nơi đây đã là một địa điểm đặc biệt của các cuộc hành hương. Đây chính là nơi đầu tiên đặt những bức tượng của ông Arnolfo, để nâng cao trải nghiệm của người hành hương về các thánh tích này thông qua ba cặp tượng gồm Đức Mẹ Mary và Chúa Hài Đồng; con bò đực và con lừa; nhà thông thái Caspar và Balthazar; cũng như bức tượng riêng lẻ của Thánh Joseph và Nhà thông thái Melchior. Những bức tượng này có chiều cao từ một feet rưỡi (0.4572m) đến hai feet rưỡi (0.762m), tạo thành một phông nền cỡ đại cho những phiến gỗ mộc mạc. Cùng khoảng thời gian đó, bàn thờ bên trong ngôi nhà nguyện này được trang hoàng lộng lẫy bằng đá khảm Cosmateque, một dạng tranh khảm mosaic thời trung cổ. Tại nơi trang trọng nhất của một nhà nguyện, phía trước bàn thờ độc đáo này, Thánh Ignatius của xứ Loyola — nhà sáng lập Dòng Chúa Jesus (hay Dòng Tên) — đã cử hành Thánh lễ đầu tiên của ông với tư cách là một linh mục Công Giáo vào năm 1538.
Điêu khắc gia thầm lặng
Ông Arnolfo di Cambio vẫn luôn là một người hùng thầm lặng của thời kỳ tiền Phục hưng Ý. Chào đời ở gần thành phố Siena khoảng năm 1245, ông đã theo học điêu khắc gia Nicola Pisano, một trong những người đầu tiên mô phỏng các hình mẫu cổ xưa trong tác phẩm của mình. Ông Arnolfo đã đi theo thầy của mình đến thành phố Bologna và Pisa. Nhưng cuối cùng, ông đã đến thành Rome, nơi ông đã tái tạo lại mái vòm che bàn thờ, chế tác một bức tượng đồng Thánh Peter có kích cỡ như người thật cho vương cung thánh đường cùng tên, đồng thời điêu khắc hang đá Chúa giáng sinh đầu tiên này. Sau đó, ông đã bị cuốn hút đến với thành phố Florence để thiết kế nhà thờ chính tòa Đức Bà Ngàn Hoa (cathedral of Santa Maria del Fiore). Ông đã qua đời tại đây trước năm 1310.
Hang đá đầu tiên loại này của ông Arnolfo đã được cách tân trên nhiều mức độ khác nhau. Mặc dù các bức tượng này là dạng phù điêu nhô cao (high relief) thay vì [là các bức tượng] đứng tự do, nhưng không có nghĩa là chúng nằm ngang trên mặt tường, mà là được nhóm lại trong một khung cảnh giống như hang đá, gợi nhớ về đêm phép lạ nổi tiếng của Thánh Francis tại xứ Greccio. Ông Arnolfo chỉ điêu khắc phần đầu của con bò đực và con lừa, khiến cảnh tượng đó trông như thể là những con vật đó đang ngắm nhìn khung cảnh này từ trên một cái máng. Hai trong số ba Nhà thông thái (Magi) đứng trong một khối đá riêng lẻ tạo nên một bối cảnh, hoặc cảm giác về sự xâu chuỗi liền mạch, khi họ chờ đợi để tôn thờ [Chúa Hài Đồng].
Ông Arnolfo đặc biệt chú ý đến những chi tiết tinh xảo khắc trên những chiếc áo choàng của chủ thể và trang trí khung nền với hình dáng một tấm thảm. Nhà vua cao tuổi nhất, Nhà thông thái Melchior, quỳ gối trước Đấng Christ Hài Đồng, tập trung sự chú ý vào phần chính yếu của câu chuyện này. Thánh Joseph đứng tách biệt, gần như một nhân vật bổ trợ cho vị vua đang quan sát sự việc trên: một người bình phàm được tiết lộ về các sự kiện phi thường.
Một số học giả phỏng đoán rằng có lẽ tổng cộng có tám bức tượng, bao gồm một cặp tượng nhà tiên tri, nhưng nếu là như vậy, thì những bức tượng kia đã bị thất lạc. Ngay cả bức tượng Đức Mẹ Mary và Chúa Hài Đồng hiện tại cũng là một tác phẩm thay thế vào thế kỷ thứ 16. Đồng thời, ông Arnolfo đã hé lộ [về sự ra đời của] phong cách Phục Hưng mới thông qua cách các nhân vật giao tiếp với nhau. Dáng vẻ kinh ngạc của nhà thông thái trẻ, đang huơ tay nói chuyện với nhà thông thái lớn tuổi, trái ngược hẳn với sự trầm ngâm lặng lẽ của Thánh Joseph. Ngôn ngữ hình thể của các nhân vật này và vẻ hứng thú trong ánh nhìn chăm chú của họ đã báo hiệu về điều mà sẽ sớm được biết đến là Thời đại Hoàng kim (Golden Age) của nghệ thuật.
Các Nhà thông thái là chủ đề được khắc họa nhiều nhất trong nghệ thuật Cơ Đốc Giáo thuở sơ khai: một hình ảnh về niềm hy vọng dành cho những người dân ngoại (Gentile), hoặc người phi Do Thái, rằng họ cũng là những người được cứu rỗi. Các nhân vật ngoại tộc này đến từ các vùng đất và truyền thống khác nhau, tượng trưng cho sứ mệnh phổ quát của Cơ Đốc Giáo, được phó thác truyền tin mừng đến toàn thế giới.
Vào thời điểm tác phẩm này được ủy thác thực hiện, vùng đất nơi mà Moses, David, và Chúa Jesus từng sống không còn thuộc về [các nước theo] Cơ Đốc Giáo. Vùng đất đó đã bị Quốc vương Saladin của Ai Cập và Syria xâm chiếm. Bởi vì Thánh Francis đã khiến Quốc vương của Ai Cập cảm thấy tâm phục với bài thuyết giáo của ông vào năm 1219, nên Giáo hoàng Nicholas Đệ tứ, bất chấp tình hình có vẻ khốc liệt với những tín đồ Cơ Đốc, đã tiếp tục tuyên bố niềm hy vọng hợp nhất của vùng đất này thông qua tác phẩm trên.
Lan Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times