Khu vườn Belvedere: Khu vườn điêu khắc của Giáo hoàng Julius Đệ nhị
Bên trong thành Vatican, phần 1
Bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc của Giáo hoàng Julius sánh ngang với bộ sưu tập của gia tộc Medici ở thành phố Florence, và giúp truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ vĩ đại thời kỳ Phục hưng.
Vào năm 1503, khi ông Giuliano della Rovere (Giáo hoàng Julius Đệ nhị) đắc cử giáo hoàng thông qua cuộc bỏ phiếu đồng thuận ở hội nghị bầu giáo hoàng ngắn nhất trong lịch sử, ông đã phải đối diện với những quyết định đầy rối ren. Chẳng hạn như, làm sao để xóa đi ký ức về vị Giáo hoàng tiền nhiệm không được yêu thích Alexander VI, hay làm thế nào để ngăn cản Quốc vương Pháp quốc xâm chiếm các vùng đất của Giáo Hội? Làm sao để tổ chức hiệu quả các buổi truyền giáo đến vùng đất châu Mỹ mới được phát hiện, hoặc trùng tu vương cung thánh đường đổ nát để phụng sự Thánh Peter? Ông nên lấy danh xưng nào với vai trò là người kế nhiệm Thánh Peter? Tuy nhiên, trong tất cả các quyết định của Giáo hoàng Julius Đệ nhị, không có quyết định nào lớn lao hay hiệu quả lâu dài hơn việc xây dựng địa điểm để trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật của ông.
Một người say mê sưu tầm nghệ thuật
Mặc dù Giáo hoàng Julius sinh ra ở Cộng hòa Genoa, nhưng ông đã trải qua 32 năm cuộc đời ở thành Rome. Khi ông được người chú là Giáo hoàng Sixtus IV đề cử làm Đức Hồng y của Giáo hội Công giáo La Mã ở tuổi 28, ông đã dành những năm đầu tiên của mình trong nhóm điều hành của một trong những nhà xây dựng thành công nhất lịch sử thành Rome. Ông Julius có mặt khi chú của ông đang thi công đường xá, xây dựng cây cầu đầu tiên bắc qua sông Tiber kể từ thời cổ đại, xây Nhà nguyện Sistine, và mở viện bảo tàng hiện đại đầu tiên trên Đồi Capitoline. Trong số nhiều nhiệm vụ của mình, ông Julius đã giám sát vô số địa điểm xây dựng, và tất nhiên đã khai quật được các tác phẩm điêu khắc cổ bị chôn vùi từ lâu, sau sự sụp đổ của Đế chế La Mã một thiên niên kỷ trước.
Ông Julius say mê mua lại các tác phẩm đó, và trưng bày chúng trong cung điện tráng lệ của ông gần địa điểm từng là Quảng trường La Mã vĩ đại, những cây cột và trụ ngạch lộng lẫy của nó hiện chìm trong cánh đồng được người La Mã gọi là “đồng cỏ chăn bò.”
Tuy vậy, bộ sưu tập của Giáo hoàng Julius sánh ngang với bộ sưu tập của gia tộc Medici ở thành phố Florence. Những người thân của ông hẳn cũng hy vọng tha thiết rằng họ có thể được lựa chọn là chủ sở hữu của bộ sưu tập nghệ thuật quý giá và đáng kính này. Tuy nhiên, ông Julius tỏ ra khác biệt với gia đình mình, điều này dẫn đến một quyết định có ảnh hưởng đáng kể đến lịch sử nghệ thuật phương Tây. Ông đã quyên tặng bộ sưu tập của mình cho Tòa Thánh, và thành lập Các viện bảo tàng Vatican. Ông không hề biết rằng món quà của mình sẽ đặt nền móng cho một viện bảo tàng mà ngày nay vẫn thu hút hơn năm triệu du khách mỗi năm.
Khu vườn Belvedere của thành Vatican
Bắt đầu bằng bức tượng “Apollo Belvedere,” một bức tượng cổ tinh xảo được tìm thấy ở ngoại ô thành Rome, các tác phẩm điêu khắc của Giáo hoàng Julius [sau đó] được đưa về Dinh thự Belvedere của thành Vatican. Công trình kiến trúc xinh đẹp này được xây dựng vào năm 1484, dưới thời Giáo hoàng Innocent VIII như một nơi ẩn cư lánh xa cuộc sống triều đình hỗn loạn, và tọa lạc chênh vênh trên đỉnh đồi, tận hưởng những cảnh quan bao quát của Thành phố Vĩnh cửu (Eternal City) cũng như những cơn gió mát lành vào ngày hè oi ả.
Mặc dù Giáo hoàng Alexander VI đã biến nơi này thành một nhà tù mạ vàng cho các kẻ thù chính trị cao cấp, nhưng ông Julius đã mang đến cho tòa kiến trúc một mục đích mới bằng cách bày trí các báu vật của mình ở khu vườn lộ thiên nằm bên trong tòa nhà do kiến trúc sư yêu thích của ông là Donato Bramante thiết kế lại. Bao quanh các tác phẩm điêu khắc lộng lẫy của Giáo hoàng Julius là những cây cam và tiếng nước chảy róc rách từ bốn đài phun nước như đang tấu lên bản dạ khúc nhẹ nhàng.
Công trình này gợi lên ký ức về khu vườn của các Nữ Thần Hesperides, sân chơi thần thoại của các vị Thần. Những trái cam óng ánh nằm giữa những tán lá xanh lục gợi nhớ đến những quả táo vàng dường như để tô điểm cho không gian thoát tục đó. Giáo hoàng Julius trưng bày các tác phẩm của mình, nhưng không phải dành cho tất cả mọi người [đến thưởng lãm]. Người hành hương bình thường đi đến thành Rome, thường là bộ hành, để cầu nguyện trên mô đất của lăng mộ Thánh Peter, hoặc chạm vào phiến đá cẩm thạch cổ kính trên quan tài đá của Thánh Paul, sẽ giật mình khi thấy cùng những vị Thánh đó đang được nâng niu bảo tồn trong thánh địa của giáo hoàng. Cả hai vị Thánh này đều bị những kẻ sùng bái của Đế chế La Mã sát hại.
Giáo hoàng Julius đã chọn một “lễ khánh thành nhỏ” cho bộ sưu tập của mình, khi ông mời các nhà nhân văn, các nghệ sĩ, các thi nhân, các triết gia — tóm lại là những người sẽ được truyền cảm hứng thay vì thấy phản cảm trước các tác phẩm điêu khắc này. Năm 1510, giáo sĩ Francesco Albertini đã viết một cuốn sách để hướng dẫn cho du khách tế nhị hơn, đặc biệt là các bức tượng của Belvedere. Ông Albertini đã miêu tả tấm bảng phía trên lối vào có khắc dòng chữ “Procul Este Prophani,” là dòng trích dẫn từ thiên sử thi Aeneid của thi hào Virgil, tạm dịch là “Hãy tránh xa, nếu bạn không có kiến thức chuyên môn,” nhằm nhấn mạnh tính chất độc đáo của viện bảo tàng mới ra đời này.
Khu vườn của các vị Thần
Bức tượng Thần Apollo, vị Thần của âm nhạc, ánh sáng và thơ ca, ngự trị trong khu vườn. Bức tượng này là bản sao chế tác hồi thế kỷ thứ hai từ nguyên tác bằng đồng năm 320 – 330 trước Công Nguyên của điêu khắc gia Leochares. Thần Apollo được xem là hình mẫu của vẻ đẹp nhân văn trong nghệ thuật. Bức tượng cao hơn 7 feet (~ 2.1 mét), cho thấy sự hoàn hảo về tỷ lệ, sắc thái biểu cảm, và dáng vẻ mà các điêu khắc gia Hy Lạp đã đạt đến. Tư thế ưu nhã và vẻ mặt điềm nhiên của Thần Apollo đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ khác, từ danh họa Raphael đến điêu khắc gia Canova, và cả bức tượng Perseus, nằm cách đó vài bước trong khu vườn, rõ ràng là được mô phỏng theo tượng Thần Apollo.
Các vị Thần khác vui đùa xung quanh khu vườn. Bức tượng La Mã “Venus Felix” thế kỷ thứ hai được tạc nên để nhớ về tác phẩm lừng danh của điêu khắc gia Praxiteles — “Aphrodite of Cnidus” (Nữ thần Aphrodite xứ Cnidus) chế tác vào năm 320 trước Công Nguyên, vốn được biết đến là bức tượng điêu khắc nổi tiếng bậc nhất của thế giới cổ đại. Tuy nhiên, diện mạo của Nữ Thần được thay thế bằng diện mạo của một phụ nữ quý tộc La Mã trong khi con trai cô đứng bên cạnh với vai trò là Thần Cupid đáng yêu. Khi Giáo hoàng Julius tiếp tục các dự án đầy hoài bão của chú ông về cơ sở hạ tầng đô thị, thì bộ sưu tập tăng thêm với nhiều tác phẩm điêu khắc được khai quật ở các khu vực xung quanh Đền Pantheon và quảng trường Campo de’ Fiori.
Bức tượng Hercules chiến đấu với Antaeus và Nữ hoàng Cleopatra chìm vào giấc ngủ ngàn thu dưới ánh mắt trống rỗng của những chiếc mặt nạ sân khấu bằng đá cỡ lớn được phát hiện tại Dinh thự của Hoàng đế La Mã Hadrian ở Tivoli. Nhưng bảo chứng của thiên thượng dành cho dự án của Giáo hoàng Julius xuất hiện vào ngày 14/01/1506, khi một khám phá xôn xao nhất thế kỷ được đưa ra ánh sáng lần nữa.
Giáo hoàng Julius nghe nói về một “phát hiện dị thường” gần Đấu trường La Mã trên mảnh đất của địa chủ Felice de Fredis nào đó. Ông cử nghệ sĩ thân tín Giuliano Sangallo ở thành Florence đi khảo sát. Ông Sangallo dẫn theo con trai và vị khách của gia đình là danh họa Michelangelo Buonarotti, đang ở thành Rome để xây dựng một khu lăng mộ đồ sộ cho giáo hoàng cùng đi. Cả ba người đi đến vườn nho thì thấy bức tượng điêu khắc đã được khai quật một phần, hai người đàn ông thốt lên, “Đó là bức tượng Laocoön mà tác gia Pliny từng nhắc đến.”
Nhân vật Laocoön được biết đến từ thiên sử thi Aeneid của thi hào Virgil với vai trò là linh mục của thành Troy trong cuộc chiến thành Troy, người đã đặt ra cụm từ, “Beware of Greeks bearing gifts” (Hãy cẩn thận khi người Hy Lạp mang các lễ vật tới). Cả vị linh mục này và các con trai của ông đều bị sát hại thảm khốc bởi hai con rắn biển theo mệnh lệnh của các vị Thần Hy Lạp. Cái chết của Laocoön là sự kiện đầu tiên trong một chuỗi các sự kiện dẫn đến sự trỗi dậy của La Mã.
Là một trong những hình tượng dễ nhận biết nhất của nghệ thuật La Mã, bức tượng đột nhiên nổi tiếng hơn nữa khi được tác gia Pliny Cha ở thế kỷ thứ nhất mô tả. Chính trị gia người La Mã này tuyên bố rằng bức tượng là một nguyên tác của Hy Lạp do các nhà điêu khắc Agesander, Athenodoros, và Polydorus của Đảo Rhodes tạc nên, và ông từng thấy bức tượng này trong dinh thự của Hoàng đế Titus ở thành Rome. Ông cho rằng bức tượng này “vượt trên hết thảy các tác phẩm được thực hiện trong hội họa hoặc điêu khắc tính tới thời điểm đó” — về cơ bản bức tượng đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật!
Mặc dù những người mua tượng xếp thành hàng dài, bao gồm cả gia tộc Medici và Quốc vương của nước Pháp, nhưng Giáo hoàng Julius đã đề nghị một khoản huê lợi trọn đời cho ông de Fredis và [nhờ đó] bức tượng điêu khắc đã có mặt ở Belvedere vào tháng 3 cùng năm. Việc mua lại bức tượng Laocoön đã trang hoàng cho giấc mơ kiến tạo một ngọn núi Parnassus cho La Mã của Giáo hoàng Julius. Núi Parnassus là ngọn núi thần thoại nơi mà Thần Apollo và chín Nữ thần Muse lan tỏa nguồn cảm hứng nghệ thuật. Khoản đầu tư này mang đến thành tựu vĩ đại nhất trong nhiệm kỳ làm giáo hoàng của ông.
Một sân thượng cho tài năng nghệ thuật
Danh họa Raphael và Michelangelo thường chăm chỉ lui tới khu vườn này. Trong khi ông Raphael vận dụng sự tao nhã cổ điển vào tác phẩm hội họa của mình trong các gian phòng của Giáo hoàng Julius, thì ông Michelangelo học cách vận dụng thuần thục sự xoắn động trên bức tượng Laocoön để vẽ bức bích họa đặc sắc của mình trên trần nhà nguyện Sistine. Danh họa Leonardo da Vinci đã sống ở Belvedere suốt ba năm. Điêu khắc gia Gian Lorenzo Bernini đã dành nhiều ngày để phác thảo các tác phẩm ở đó. Và sử gia kiêm nhà khảo cổ nghệ thuật Johann Winckelmann đã gieo những hạt giống của bộ môn lịch sử nghệ thuật khi giám tuyển bộ sưu tập này ở Belvedere.
Sự “chuyển đổi” các vị Thần ngoại đạo này thành các biểu tượng Cơ Đốc Giáo vẫn thể hiện cho sức mạnh của vẻ đẹp vượt qua sự chia rẽ, khi điều đó được chứng minh bởi hàng chục ngàn người đi qua khu vườn của Giáo hoàng Julius mỗi ngày.
Trong suốt lễ kỷ niệm 500 năm thành lập Các viện bảo tàng Vatican vào năm 2006, Giáo hoàng Benedict XVI đã viết, “nguồn gốc xa xôi của tổ chức này bắt đầu từ một tác phẩm mà chúng ta có thể mô tả rõ ràng rằng ‘không thuộc tôn giáo’ — nhóm tượng điêu khắc tráng lệ Laocoön — nhưng trên thực tế, bức tượng này có được ánh sáng đầy đủ và chân thực nhất trong bối cảnh của thành Vatican … Đó là ánh sáng của vẻ đẹp tỏa ra từ bên trong tác phẩm nghệ thuật và dẫn dắt tâm trí mở rộng đến cảnh giới cao cả, nơi mà Đấng Tạo Hóa tương ngộ với các tạo vật được phỏng theo hình tượng và diện mạo của Ngài.”
Diệu Linh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times