Tác phẩm điêu khắc Pietà của Michelangelo: Những hình ảnh của hy vọng
Đức mẹ Mary không còn nắm giữ ánh sáng và hy vọng đã cho bà sức mạnh, bà đã lan tỏa ánh sáng hy vọng ấy cho bất kỳ ai đến tìm kiếm sự an ủi trong hoàn cảnh khó khăn, tăm tối.
Còn cảnh tượng nào đau lòng hơn cảnh một người mẹ mất đi đứa con yêu dấu của mình. Bất kỳ ai chứng kiến cảnh tượng đó đều cố nén cảm giác bi thương và trống rỗng của sự mất mát người thân. Dù vậy, khi công bố bức tượng Pietà, hình ảnh Đức Mẹ Mary tiếc thương trước thi hài chúa Giê su, nghệ thuật gia Michelangelo đã tiết lộ rằng niềm hy vọng có thể giúp con người vượt lên trên nỗi buồn đau như thế nào.
Vào năm 1497, Hồng y Bilhères de Lagraulas đã ủy nhiệm cho chàng trai Michelangelo Buonarroti 23 tuổi chưa có tên tuổi trong nghề, chế tác một nhóm các tượng điêu khắc có kích thước quá khổ, đó là công trình công cộng đầu tiên của chàng trai trẻ tuổi đến từ Florence. Những tác phẩm này dự định dành cho nhà nguyện an táng của Hồng y tại Vương cung thánh đường St Peter ở Rome, sau đó là cho một tòa nhà nhỏ hơn nhiều hơn so với thánh đường khổng lồ vào thời điểm đó. Bức tượng được đặt ở phía trên bệ thờ, nơi mà những thế hệ tương lai có thể hướng về đó cầu nguyện cho linh hồn của vị Hồng y.
Nghệ sĩ Michelangelo đã dành thời gian một năm để tìm và vận chuyển khối đá cẩm thạch duy nhất từ vùng Carrara và công bố bức tượng đã hoàn thành trước sự kinh ngạc của công chúng nhân dịp Lễ Đại xá 1,500 năm. Cứ sau 50 năm, theo bảy chu kỳ của các năm nghỉ, Lễ Đại xá được tổ chức như một năm tự do và thư giãn.
Du khách hiện đại ngày nay phải thưởng lãm tượng điêu khắc qua một bức tường kính, được xây dựng sau khi tác phẩm này bị tấn công bằng búa vào năm 1972. Các mối hàn và vết nứt đã được sửa chữa, nhưng tấm chắn bảo vệ đã làm mất đi tiếng nói nghệ thuật của bức tượng quyền năng này.
Chủ đề cũ được truyền tải theo cách mới
Michelangelo trẻ tuổi là người Ý đầu tiên điêu khắc chủ đề “Pietà,” một chủ đề được các nghệ thuật gia người Đức phát triển vào thế kỷ thứ 14 và sau đó được người Pháp áp dụng, họ đã đặt cho chủ đề này một cái tên mang ý nghĩa “niềm thương tiếc.”
Bố cục chủ đề thể hiện cảnh Đức mẹ Mary đang ôm thi hài Chúa Giêsu trong vòng tay trước khi chôn cất, cảnh tượng vốn không có miêu tả rõ ràng trong Kinh Thánh, và các nghệ thuật gia phương Bắc đã tìm cách khơi dậy sự cảm thông bằng cách nhấn mạnh những vết thương của Chúa Giêsu và nỗi đau buồn của Đức Mẹ. Những phiên bản đầu tiên được cho là sẽ khiến khán giả rùng mình, với những vết thương nứt toát ở cổ tay, bàn chân và bên hông của thi hài Chúa Giêsu đông cứng với những vết sưng tấy nghiêm trọng cùng chiếc vương miện gai vẫn còn trên đầu.
Nhưng nhà điêu khắc từ Florence này còn có những ý tưởng đặc biệt hơn thế. Ông đã tạc hình dáng của Chúa Giêsu với các khớp nối và tỉ lệ cơ thể hoàn hảo giống như các vị thần Hy Lạp, phần tay và chân của Ngài nhẹ nhàng đặt lên đùi của Mẹ Mary. Michelangelo đã khiến cho vết thương hầu như không được chú ý và nét mặt Chúa như đang chìm trong giấc ngủ yên bình. Dấu hiệu của sự tử vong nằm ở những chi tiết được mô tả hết sức tỉ mỉ trên cơ thể: Chẳng hạn như đôi vai chụm lại về sau tai, cơ thịt ở đùi chảy xệ và máu đọng trên bàn tay đang treo lơ lửng, tất cả đều nhằm nói đến sức nặng của sự ra đi.
Chuyển hướng nỗi buồn của chúng ta
Michelangelo đã sử dụng các yếu tố của hiện trường để chuyển hướng sự chú ý từ Chúa Giêsu, người mà nỗi thống khổ đã trôi qua từ lâu, đến khuôn mặt của Đức Maria, người đang phải là trong sầu bi đau đớn. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn vào khuôn mặt trẻ trung, không có biểu hiện nào của sự cau mày phẫn uất, không có khuôn miệng đang mở ra với tiếng kêu rên thống khổ và không có cái nhíu mày nào tỏ ra nghi ngờ. Vẫn là Mary với vẻ mặt tĩnh lặng và trang nghiêm của bà trong hình ảnh trẻ trung, đã trả lời với sứ thần Gabriel rằng: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền.”
Đức mẹ Mary trong tác phẩm của Michelangelo, khi hồi đáp “xin vâng” với Chúa mang ý nghĩa lớn lao. Trải qua những khó khăn mà bà phải đối mặt khi giải thích với vị hôn phu Joseph về việc mang thai bí ẩn của mình để sinh ra đứa con Thiên Chúa trong một chuồng ngựa thô sơ, và khi vội vã sang Ai Cập trong lúc trốn tránh binh lính của vua Herod. Lời hồi đáp “xin vâng” ấy của Mary đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của bà.
Vào ngày thứ Sáu này, khi mà sau 33 năm dành trọn tình cảm cho con trai cũng như 33 năm kỳ vọng vào Đấng cứu thế, có vẻ như là quá sức nếu đem tất cả tình yêu và hy vọng đó chôn sâu vào hầm mộ.
Hy vọng dẫu cho bóng tối
Tác phẩm điêu khắc xuất sắc của Michelangelo đã làm nổi bật nỗi thê lương của thời khắc ảm đạm này. Tấm mạng che xung quanh khuôn mặt của Đức Mary trông như buông lỏng, tạo ra một dải bóng mờ trên lông mày của bà và rũ thành bóng tối ở hai bên cổ bà. Những đường nếp sâu của vạt áo và chiếc váy của bà như nuốt chửng ánh sáng và tạo ra những vùng bóng tối.
Ban đầu giống như một ngách nông, những cái bóng nghiệt ngã sẽ dồn vào mọi phía. Nhưng Đức Mary không nản lòng trước bóng tối, bà vẫn đang nhìn chăm chú vào thi hài của Chúa Giêsu: Michelangelo đã chạm khắc những tác phẩm này với độ phẳng mịn cao nhất và trên bề mặt được đánh bóng công phu. Các nhà sử học nghệ thuật rất ngạc nhiên rằng nhà điêu khắc không bao giờ đánh bóng đá cẩm thạch tinh xảo như vậy nữa, nhưng khi bước lùi lại khỏi bức tượng, người ta có thể hiểu lý do vì sao.
Đôi mắt của Đức Trinh Nữ bị thu hút bởi ánh sáng phát ra từ cơ thể của con trai mình mặc cho tất cả những bóng tối đang chiếu về bà. Đức Mary không bao giờ đánh mất ánh sáng, ngay cả trong những giờ khắc đen tối nhất. Đây là một bài học bất hủ cho hàng triệu người đã đứng trước tác phẩm, nhớ lại những đau khổ và nỗi buồn của chính họ khi chứng kiến Đức Mẹ đang gánh trên vai một gánh nặng nặng nề nhất mà bất kỳ con người nào có thể phải chịu đựng. Nhưng bà không từ bỏ việc hy vọng. Cấu trúc hình chóp của bức tượng đã tăng thêm ấn tượng về sự kiên định của bà. Niềm hy vọng của bà đã neo giữ bà trong những khoảnh khắc bão táp nhất.
Giữa tất cả những nét đẹp hoàn mỹ đó, có một điều bất thường khiến người xem chú ý vào cảnh tượng: Phần thân dưới của Mary quá lớn so với phần trên của bà. Một dải vải xếp nếp rộng biến lòng bà thành nơi trưng bày thi hài của Chúa Giêsu, gợi lên cả hình ảnh tấm vải liệm và tấm lòng bao dung rộng lớn của người mẹ đã mang mang nặng đẻ đau Ngài trong chín tháng.
Nhưng chúa Giêsu nằm vắt ngang qua chân của Đức Mary, không có vẻ như được đặt chắc chắn trong lòng bà, mà hướng xuống, như thể sắp rơi xuống bàn thờ bên dưới. Với một tay, Mary giữ chặt con trai mình. Tay còn lại của bà mở rộng ra với một cử chỉ về phía người xem. Đức mẹ Mary không còn nắm giữ ánh sáng và hy vọng đã cho bà sức mạnh, bà đã lan tỏa ánh sáng hy vọng ấy cho bất kỳ ai đến tìm kiếm sự an ủi trong hoàn cảnh khó khăn, tăm tối.
Elizabeth Lev là một nhà sử học nghệ thuật sinh ra ở Mỹ, giảng dạy, thuyết trình và hướng dẫn tại Rome.
Chú thích của dịch giả:
Thiên Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bài gốc tại The Epoch Times