Câu chuyện đằng sau sự ra đời của Đài Tưởng Niệm Quốc Gia Núi Rushmore
Tầm nhìn của một người nghệ sĩ đã dẫn đến cơ duyên được điêu khắc khuôn mặt của bốn vị tổng thống lên Núi Rushmore, một sự kết hợp hoàn hảo của nghệ thuật và lịch sử.
Vào mùa hè năm 1927, một chiếc máy bay đã bay ngang qua những ngọn đồi Black Hill ở tiểu bang South Dakota. Nó sà xuống và chao lượn trong không khí, mang đến một màn trình diễn dành tặng cho Tổng Thống Calvin Coolidge và gia đình của ông đang ngồi bên dưới. Anh phi công đã thả xuống một vòng hoa dành tặng cho đám đông khán giả đang quan sát rồi bay vút đi.
Gia đình Tổng Thống Coolidge đã lựa chọn khu vui chơi rộng lớn Game Lodge trong công viên tiểu bang Custer cho kế hoạch nghỉ hè của họ, nơi mà họ cố gắng để giữ một lịch trình lặng lẽ. Tuy nhiên, một nhà điêu khắc đầy tham vọng đứng gần đó lại nảy ra một ý tưởng khác biệt.
Nhà điêu khắc Gutzon Borglum cần quảng bá cho tác phẩm điêu khắc nghệ thuật lịch sử khổng lồ đã được lên kế hoạch trước đó của mình trên Núi Rushmore. Và sự việc một Tổng thống Hoa Kỳ ghé thăm nơi này dường như là một cơ hội tuyệt vời để làm điều đó.
Ông Borglum đã thuê một phi công để bay ngang qua Tòa Bạch Ốc Mùa Hè của Tổng Thống nhằm nỗ lực thuyết phục tổng thống Coolidge đọc một bài diễn văn tại vùng Núi Rushmore này. Và những cố gắng của ông đã được đền đáp. Vào một ngày tháng Tám trong xanh và rực nắng, Tổng thống Coolidge đứng trước một đám đông tụ tập tại Núi Rushmore và đã tuyên bố về việc khởi công dự án của Borglum.
“Sự kết hợp gương mặt của bốn vị tổng thống Hoa Kỳ trên vùng núi đồi bất diệt của tiểu bang South Dakota sẽ tạo nên một di sản quốc gia độc nhất vô nhị… Nơi đây là trung tâm của lục địa … con người tương lai sẽ chứng kiến lịch sử và nghệ thuật được kết hợp lại với nhau để khắc họa một tinh thần yêu nước vĩ đại,” Tổng thống Coolidge đã tuyên bố. “Nếu những thế hệ con cháu của chúng ta vẫn giữ vững tinh thần yêu nước này, thì đó chính là vì họ tiếp tục nghiên cứu về cuộc sống và thời đại của những con người vĩ đại đã từng là những nhà lãnh đạo trong lịch sử của đất nước chúng ta, và sẽ kiên trì tiếp tục ủng hộ cho các nguyên tắc mà những vĩ nhân này đại diện. Đó chính là mục đích chân chính cho việc xây dựng đài tưởng niệm này.”
Mục đích cao cả của Tổng thống Coolidge khi xây dựng đài tưởng niệm này trùng hợp một cách tuyệt vời với tầm nhìn của nhà điêu khắc Borglum khi nung nấu kiệt tác hoành tráng này.
Những Vĩ nhân trên ngọn núi
Nhà sử học Doane Robinson nổi tiếng là “Cha đẻ của tác phẩm Núi Rushmore.” Ông yêu thích lịch sử và yêu mến tiểu bang South Dakota. Trong khi phục vụ như là một nhà sử học của tiểu bang, ông Robinson đã quyết định biến những ngọn núi đá hoa cương của tiểu bang South Dakota thành một địa điểm lý tưởng dành cho một tác phẩm điêu khắc lịch sử có thể thu hút mọi người đến đây và tạo ra nguồn thu nhập cho tiểu bang.
Nhà điêu khắc lỗi lạc Lorado Taft đã từng từ chối công việc này vì lý do sức khỏe không tốt, vì vậy ngài Robinson đã tiếp cận ông Borglum và đưa ra ý tưởng của mình. Ông Borglum đã bị thuyết phục và lặn lội đến tiểu bang South Dakota vào năm 1924 để tìm kiếm một địa điểm lý tưởng, nơi có thể tiến hành dự án để đời này.
Điêu khắc gia Borglum là một người ưa tranh cãi và có rất nhiều khuyết điểm, tuy nhiên không có bất kỳ khuyết điểm nào của ông liên quan đến tư tưởng nhỏ bé hoặc tầm nhìn hạn hẹp. “Từ khi còn là một đứa trẻ, tôi đã có một khát vọng mãnh liệt là khôi phục lại thế giới này, và tôi chưa bao giờ rời bỏ nó,” ông nói.
Dự định từ trước của ông Robinson là điêu khắc những vị anh hùng của miền tây Mỹ quốc như John Fremont, Lewis & Clark, Sacagawea, Tù trưởng Red Cloud của người Mỹ bản xứ Lakota Sioux, và Buffalo Bill Cody. Ông và Borglum đã ấp ủ nhiều kế hoạch cho Núi Rushmore, tuy nhiên quyết định cuối cùng của họ là lựa chọn bốn vị tổng thống Hoa Kỳ sẽ làm cho ngọn núi trở nên lôi cuốn và thu hút được nhiều sự quan tâm hơn từ công chúng, và đó là: cố tổng thống George Washington, Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, và Theodore Roosevelt.
Ông Borglum đã lựa chọn điêu khắc tổng thống Washington trước tiên. Là vị lãnh đạo của Quân Đội Lục Địa và là vị tổng thống đầu tiên của đất nước Hoa Kỳ, Washington là đại diện cho thế hệ những vị Tổ phụ lập quốc Hoa Kỳ. Gương mặt của ông đã được điêu khắc xong vào năm 1930.
Với sự thành công của thương vụ Louisiana và là tác giả của Tuyên Ngôn Độc Lập, Borglum tin rằng tổng thống Jefferson có tầm ảnh hưởng to lớn với sự phát triển của đất nước. Nỗ lực đầu tiên để điêu khắc tổng thống Jefferson đã thất bại, vì vậy, thay vì đặt ông bên phải của Washington như trong thiết kế, thì Borglum đã điêu khắc ông về bên trái.
Tổng thống Abraham Lincoln là sự lựa chọn tiếp theo. Là một vị anh hùng đối với cá nhân Borglum, ông đã đặt tên cho con trai mình là Lincoln. Ông cũng đã hoàn thành một số bức tượng của vị tổng thống thứ 16th này trong một vài dự án khác nhau trước khi tiến hành kiệt tác Núi Rushmore này. Tổng thống Lincoln đại diện cho công cuộc bảo vệ quốc gia bởi vì ông đã lãnh đạo đất nước này trong suốt thời kỳ Nội Chiến.
Tổng thống Theodore Roosevelt có thể là sự lựa chọn gây tranh cãi nhất của Borglum, tuy nhiên Borglum có sự quen biết cá nhân với Roosevelt và cũng là người ủng hộ nhiệt thành của tổng thống trong suốt sự nghiệp chính trị của ông. Bởi vì cống hiến quan trọng của Roosevelt đối với nền kinh tế quốc gia, gồm cả thành tựu của ông trong công trình xây dựng Kênh Đào Panama, Theodore Roosevelt chính là vị tổng thống đại diện cho sự phát triển của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Công trình Núi Rushmore được tuyên bố hoàn thành vào tháng 10/1941, bảy tháng sau khi Borglum qua đời vì các biến chứng của một cuộc phẫu thuật. Trong suốt quá trình xây dựng, khó khăn tài chính dai dẳng đã cản trở những nỗ lực hoàn thành dự án. Tuy nhiên, nhà điêu khắc Borglum và những con người đã tin tưởng vào tài năng của ông đều đã vượt qua trở ngại từ đầu đến cuối. Sau khi nhà điêu khắc, Borglum qua đời, anh Lincoln [con trai của Borglum] đã đứng ra gánh vác trách nhiệm dẫn dắt dự án này để hoàn thành giấc mơ vĩ đại mà cha mình cả đời ấp ủ.
Đài tưởng niệm lịch sử này cho đến ngày nay vẫn còn là một chủ đề tranh cãi đối với Người Mỹ Bản Địa. Vào năm 1948, một vị trưởng lão người Lakota là Henry Standing Bear, đã ủy quyền cho nhà điêu khắc Korczah Zilolkowski để tiến hành tạc một tác phẩm điêu khắc cạnh tranh trên một ngọn núi nằm cách Núi Rushmore khoảng 17 dặm. Đài Tưởng Niệm Crazy Horse đến nay vẫn chưa hoàn thành, tuy nhiên lại thấp hơn đối thủ Rushmore 27 bộ.
Đại sảnh của những kỷ lục
Ngoài các gương mặt được tạc trên Núi Rushmore, dự định của Borglum còn bao gồm một Đại sảnh của những kỷ lục. “Bạn có thể để lạc một lá thư trong hệ thống dịch vụ bưu điện toàn cầu vì không có bất kỳ địa chỉ hay chữ ký nào, và cũng không thể đưa ngọn núi điêu khắc đó đi vào lịch sử mà không có bất kỳ đặc điểm nhận dạng nào,” Borglum nói. Giải pháp của ông cho vấn đề nhận dạng này chính là tòa Đại sảnh của những kỷ lục này.
Những ý tưởng nguyên thủy của Borglum dành cho đại sảnh này là vĩ đại hơn rất nhiều so với những gì đang tồn tại ngày hôm nay. Vào năm 1938 và 1939, nhiều nhóm người đã đào các đường hầm vào sâu trong núi để làm đại sảnh, tuy nhiên Borglum sau đó đã yêu cầu dừng lại việc xây dựng này và hoàn thành công việc của ông với các khuôn mặt bên ngoài.
Mặc dù ông đã không bao giờ hoàn thành được tòa đại sảnh này, tuy nhiên vào năm 1998 ý tưởng của Borglum đã phần nào được thực hiện khi một kho lưu trữ hồ sơ đã được đặt vào đường hầm mà ông đã cất công đào lên này. Kho lưu trữ này hiện bao gồm các bảng ghi thông tin về Núi Rushmore và một lịch sử ngắn gọn của đất nước Hoa Kỳ. Borglum có chủ ý muốn tác phẩm của mình được lưu truyền qua nhiều thế hệ, và kho lưu trữ này sẽ giúp đảm bảo rằng ý nghĩa của đài tưởng niệm và danh tính của những vĩ nhân mà ông đã tạc lên núi sẽ không bao giờ rơi vào lãng quên.
Chúng ta dựng nên những đài tưởng niệm là để tưởng nhớ về quá khứ. Hy vọng lớn nhất của Borglum đối với tuyệt tác của mình đó là Núi Rushmore này sẽ nhắc nhở người dân Hoa Kỳ nhớ về những vĩ nhân đã xây dựng đất nước của họ và công chúng sẽ tiếp tục truyền cảm hứng từ thế hệ này sang các thế hệ khác.
“Những pho tượng khổng lồ này là dấu ấn của chúng tôi. Cắt ngang xương sống của thế giới Tây phương, cao đến thiên đường, mặc cho tất cả các yếu tố trở ngại, chúng tôi đã điêu khắc mà không hề nao núng,” ông đã viết như thế. “Tôi tin chắc rằng những pho tượng này sẽ mãi trường tồn khi mà dãy Rocky Mountain vẫn còn tồn tại.”
Bài viết này đã được xuất bản chính thức trên tạp chí American Essence.