Tìm lại hình tượng vũ công đã mất qua tác phẩm điêu khắc của Antonio Canova
Ngắm nhìn kiệt tác điêu khắc uyển chuyển của Canova, ‘Cô gái múa với Cymbal’ ở Berlin, nước Đức.
BERLIN – Trong sự tĩnh lặng trang trọng của bảo tàng Bode, tôi gần như có thể nghe thấy âm nhạc phát ra khi tác phẩm điêu khắc gần với kích thước người thật của điêu khắc gia Antonio Canova tên là “Cô gái múa với Cymbal,” xoay tròn trên một chân trước mặt tôi. Nàng nhảy nhẹ nhàng như bay, giơ hai tay lên đầu cho đoạn cao trào và thăng bằng trong khi đánh cymbal. Nàng mặc một chiếc váy thanh tú kiểu cổ điển ôm sát dáng người, làm nổi bật những chuyển động lả lướt mà nàng thực hiện.
Phong thái yên bình của người vũ công này chứng tỏ một lịch sử khá biến động của tác phẩm điêu khắc đã từng bị thiêu hủy bởi hoả hoạn, sau đó lại biến mất không dấu tích gần 130 năm trước và tình cờ được phát hiện lại vào năm 1979.
Ngài Neville Rowley, giám đốc nghệ thuật Ý thời kỳ đầu phụ trách Bộ sưu tập Điêu khắc và Bảo tàng Nghệ thuật Byzantine (Bảo tàng Bode), đã kể cho tôi nghe về câu chuyện tuyệt vời của tác phẩm điêu khắc và làm cách nào mà “Cô gái múa với Cymbal” của Canova lại trở thành một điểm sáng trong bộ sưu tập của họ.
Một nhà ngoại giao Nga sống ở Vienna, Hoàng tử Andrey Razumovsky là người đầu tiên sở hữu tác phẩm điêu khắc. Razumovsky là một nhà đàm phán chính trong việc đồng ý các điều khoản về chiến thắng của quân đồng minh trước Napoleon vào 1815. Ông cũng là một nhà bảo trợ nhiệt thành cho nghệ thuật, đã hỗ trợ những nhân vật vĩ đại như Canova và Beethoven. (Beethoven chơi bản giao hưởng số 5 lần đầu tiên tại cung điện của Razumovsky.)
Nhưng tác phẩm “Cô gái múa với Cymbal” của Canova đã làm ngài Razumovsky thất vọng. Các chuyên gia đương đại cho rằng những nghệ sĩ cổ đại cần làm nên những bức tượng trắng tinh khiết, và một vệt đen lớn chạy dọc đùi của nữ vũ công đã đi ngược lại phong cách Tân cổ điển nhằm làm sống lại những truyền thống cổ xưa.
Thảm họa xảy ra vào ngày 03/12/1814, chỉ vài tháng sau khi Razumovsky mua lại tác phẩm điêu khắc. Mặc dù trận hỏa hoạn đã thiêu hủy cung điện của ông, nhưng mọi người đã kịp thời đưa được vũ công của Canova đến nơi an toàn trước khi phần mái cung điện sụp đổ. Điều đáng nói là, tác phẩm điêu khắc chỉ bị gãy một vài ngón tay, nhưng trận lửa đó đã khiến vết đen ở đùi càng trở nên đậm hơn vì muội than.
Sau năm 1836, bức tượng của Canova đã biến mất khỏi lịch sử. Và rồi, một cách tình cờ vào những năm 1970, một nhà sử học nghệ thuật tham dự một bữa tiệc tại một trong những dinh thự của gia tộc Rothschild(*), ông đã nhìn thấy nữ vũ công mất tích của Canova trên cầu thang. Rowley lưu ý rằng vẻ đẹp vượt trội của bức tượng cùng với những ngón tay đã gãy là chìa khóa xác minh danh tính của nó. Hugh Honor, một học giả về Canova, đã phát hiện ra các chi tiết của tác phẩm điêu khắc bị hư hại do lửa trong bức thư gửi Canova từ nhà phê bình nghệ thuật Giuseppe Tambroni.
Di sản trường tồn của Canova
Tháng 10/2022 đánh dấu kỷ niệm 200 năm ngày mất của nghệ thuật gia Canova. Vào thế kỷ 18, Canova khởi nghiệp ở Venice nhưng ông lại thành danh ở Rome với tư cách là một nhà điêu khắc tân cổ điển xuất sắc nhất trong thời đại của mình. Ông đã nhận được nhiều lời mời từ những nhà lãnh đạo Âu Châu muốn ông đến làm việc cho họ, nhưng ông vẫn kiên định ở lại mảnh đất Rome, nơi truyền cho ông nhiều cảm hứng nhất.
Các tác phẩm điêu khắc phong cách tân cổ điển của Canova bắt nguồn từ nghệ thuật cổ đại. Trong cuốn “Lịch sử nghệ thuật thế giới,” được viết bởi Hugh Honour và John Fleming, Canova “được ca ngợi là người tiếp nối truyền thống Hy Lạp cổ đại, Phidias hiện đại [nhà điêu khắc Hy Lạp cổ đại.]” Ông đặc biệt cảm thấy hứng thú với những bức họa trên bình cổ Hy Lạp, và những bức bích họa được khai quật ở Herculaneum, một thành phố cổ đại miền nam nước Ý được khai quật vào năm 1709 (khoảng 40 năm trước khi khám phá ra Pompeii gần đó).
Ngoài việc được truyền cảm hứng từ nghệ thuật cổ đại, Canova còn là người yêu thích khiêu vũ và một vài tác phẩm của ông cũng thể hiện tình yêu này. Bạn của ông, điêu khắc gia Antonio d’Este đã viết về khoảng thời gian còn trai trẻ, họ sẽ đi lang thang trên những ngọn núi vào những ngày lễ hội để xem các cô gái nhảy múa. Ông đã viết Canova đã tận hưởng điều đó như thế nào “sự thuần khiết của các vũ công, … [và] từ việc quan sát những chuyển động tự nhiên của những cô gái này, anh ấy thường rút ra một ý tưởng hữu ích cho sáng tác nghệ thuật của mình.”
Những nghệ sĩ vĩ đại như Canova đã biến những điều không thể thành có thể. Canova đã đạt đến độ điêu luyện trong việc tạc nên những bức tượng đá cẩm thạch tĩnh nhưng lại chuyển động trong mọi góc nhìn. Ông đã làm điều đó trong: “Cô gái múa với Cymbal,” và bằng cách nào đó, ông đã làm cho cơ thể bằng đá cẩm thạch rắn chắc của vũ công nhẹ như lông vũ, dễ dàng làm tôi cũng như những du khách tham quan Bảo tàng Bode có thể “nghe” thấy âm nhạc mà nàng đang nhảy.
Để tìm hiểu thêm về “Cô gái múa với Cymbal” của Antonio Canova tại Bảo tàng Bode ở Berlin, hãy truy cập SMB.museum
Chú thích của dịch giả:
Antonio Canova (phát âm tiếng Ý: [anˈtɔːnjo kaˈnɔːva]), (1757-1822) là một nhà điêu khắc Tân cổ điển người Ý, nổi tiếng với các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch. Ông được coi là nhà điêu khắc vĩ đại nhất của trường phái Tân cổ điển.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bài gốc tại The Epoch Times