Một ngày trong đời: Làm việc tại mỏ đá cẩm thạch với điêu khắc gia Michelangelo
Michelangelo Buonarroti là một trong những nghệ thuật gia vĩ đại nhất thời kỳ Phục Hưng nước Ý. Sự lẫy lừng của ông không chỉ đến từ những tác phẩm nghệ thuật được ông sáng tác mà còn bởi những gì ông sẵn sàng nhẫn chịu để sáng tạo nên chúng.
Một trong những điều ông phải trải qua là các mối nguy hiểm tiềm ẩn tại mỏ đá cẩm thạch tọa lạc ở những dải núi nước Ý, nơi mà các nghệ sĩ mua đá cẩm thạch cho tác phẩm điêu khắc của họ. Hầu hết các nghệ sĩ sẽ đến nơi thực địa để tự mình chọn lấy những khối đá cẩm thạch mà họ ưng ý và mang đi.
Tuy vậy, thỉnh thoảng Michelangelo vẫn ở lại mỏ đá và giúp đỡ những công nhân trong những công việc nguy hiểm và khó khăn như tách các khối cẩm thạch ra khỏi ngọn núi, và bản thân ông phải bảo đảm khối đá được vận chuyển qua lối đi an toàn đến đáy mỏ, sau đó được chuyển đến Rome và Florence.
Cuốn sách của tiến sĩ William Wallace “Michelangelo: Nghệ sĩ, con người, và thời đại của ông” giúp chúng ta hình dung ra cảm giác làm việc với Michelangelo tại các mỏ đá cẩm thạch thời Phục Hưng, nước Ý.
Một ngày tại mỏ đá
Quý vị độc giả hãy tưởng tượng như sau: Vài tháng trước, chúng ta đã chu du đến đây bằng con la, vì thế có thể nói là chúng ta đã ở đây được một thời gian; chúng ta đang chọn lựa đá cẩm thạch, chúng ta đang tách đá ra, và quá trình hạ những khối đá xuống là một quá trình rất lâu dài. Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi làm điều này, vì người bảo trợ của chúng tôi, ngài Michelangelo là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng và bận rộn nhất hiện nay.
Michelangelo luôn làm việc ở những dự án lớn do các Hồng Y hay Giáo hoàng ủy nhiệm. Chúng tôi không chắc rằng liệu đã có ai từng khai thác những khối đá cẩm thạch lớn như những khối mà ông muốn hay không. Phải nói rằng, chúng tôi đang cố gắng hết sức để thực hiện các chỉ dẫn của ông một cách nhanh nhất và an toàn nhất có thể.
Ông đã lựa chọn loại đá cẩm thạch thuần chất nhất và tinh khiết nhất theo ý thích của mình, và bây giờ chúng tôi đang thực hiện một kỹ thuật La Mã cổ đại là tận dụng các khe nứt tự nhiên trong núi đá bằng cách chèn gỗ ướt vào, và rồi khi khe nứt này nở rộng, khối đá sẽ tự tách ra khỏi ngọn núi.
Sau khi khối cẩm thạch được tách mở ra, chúng tôi tạc hình và cẩn thận đặt chúng vào một chiếc xe trượt mà chúng tôi đã làm. Một số khối đá cao hơn 9m và có thể dễ dàng làm những người trong chúng tôi bị thương nếu mọi người không cẩn thận, vậy nên Michelangelo đã túc trực ở đó theo dõi mỗi công đoạn vận chuyển.
Để đảm bảo quá trình diễn ra suôn sẻ nhất có thể, ông không chỉ giám sát chúng tôi mà còn đích thân lựa chọn và kiểm tra từng món vật liệu mà ông mua. Ông thường xuyên ghi chú và vẽ ra những biểu đồ để đảm bảo rằng chúng tôi đang thực hiện một cách hiệu quả nhất để hoàn thành chặng đường phía trước.
Chặng tiếp của chuyến hành trình thì rất quan trọng và nguy hiểm nhất. Chúng tôi được biết về những người đã bị mất ngón tay, chân, hoặc mất mạng trong lúc thực hiện công đoạn này. Chúng tôi buộc khối đá vào một chiếc xe trượt lớn đã sẵn sàng đặt trên đường ray và sau đó buộc dây thừng xung quanh khối đá.
Sau đó tất cả chúng tôi, cả Michelangelo nữa, nắm chặt một sợi dây thừng, hít thở thật sâu, từ từ hạ xuống thật chậm từng bước một, xuống đến sườn núi. Lực hấp dẫn không đứng về phía chúng tôi, chúng tôi có thể làm hỏng khối đá nếu hạ xuống quá nhanh. Cơ bắp thì mỏi nhừ, và nhịp thở thì hổn hển, có vẻ như chúng tôi chỉ di chuyển được vài chục thước mỗi giờ.
Chúng tôi sẽ làm điều này mỗi ngày cho tới khi khối đá hạ xuống chân núi, nơi khối đá sẽ được đưa đến Florence trên một quãng đường dài 150km. Người ta sẽ dùng tàu và xe bò kéo khối đá này đến biển, từ đó vận chuyển đến Pisa, rồi từ Pisa đến Signa dọc theo sông Arno và sau đó được vận chuyển đến Florence bằng xe bò kéo một lần nữa.
Chúng ta chắc chắn đều mong muốn mọi nỗ lực khó khăn của mình được đền đáp và nhà điêu khắc vĩ đại này của thời đại chúng ta sẽ sáng tạo nên những tác phẩm trường tồn qua nhiều thế kỷ.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch times