Họa sĩ Raphael và cuộc đối thoại giữa đức tin và lý lẽ
Trong thời gian thanh bình trước đại dịch, mỗi ngày có hàng chục nghìn du khách đổ dồn về Bảo Tàng Vatican để chiêm ngưỡng những kiệt tác nghệ thuật Phục Hưng. Du khách mất hàng giờ đi qua những hội trường rộng lớn đưa họ đến những căn phòng của Giáo hoàng Julius II lúc nào cũng đầy ắp khách tham quan. Những căn phòng này là nơi họa sĩ Raphael Sanzio đã vẽ các bức bích họa từ năm 1509 đến năm 1514. Tại đây, nhiều khách du lịch mệt lử chụp vội bức ảnh hai nhà hiền triết Plato và Aristotle trong kiệt tác “Học viện Athens” (cũng là hình ảnh trên vé vào cửa) rồi rảo bước ra ngoài, vô tình không nhận ra rằng họ đang chứng kiến cuộc đối thoại trực quan tuyệt vời nhất giữa đức tin và lý lẽ trong lịch sử nghệ thuật Tây phương.
Căn phòng Stanza della Segnatura, còn được gọi là phòng ngai vàng của Giáo hoàng Julius II, là nơi họa sĩ Raphael thể hiện những tác phẩm bích họa nghệ thuật La Mã đột phá. Căn phòng nằm ở trung tâm của chuỗi căn phòng do Giáo hoàng Julius II xây sau khi ông được phong thánh vào năm 1503.
Là nhà bảo trợ nghệ thuật đầy kinh nghiệm, Giáo hoàng Julius đã cân nhắc rất nhiều họa sĩ trước khi đưa ra lựa chọn bất ngờ là một họa sĩ Raphael chưa có tên tuổi để trang trí không gian nơi ông sẽ chào đón các nguyên thủ quốc gia với tư cách là vị vua của miền trung nước Ý, cũng như các thần dân của ông với tư cách là người trị vì Cơ Đốc Giáo Phương Tây. (Cuộc Cải Cách Tin Lành bắt đầu bốn năm sau khi ông qua đời).
Họa sĩ Raphael được ủy thác khắc họa một cách trực quan đức hạnh của trí huệ, vốn được coi là phẩm cách cao quý nhất của nam nhân quyền lực thời Phục Hưng. Với sự hỗ trợ từ quân sư Tommaso Inghirami của Giáo hoàng Julius, họa sĩ Raphael đã tạo nên hình ảnh một khung vòm tinh tế quanh căn phòng của Đức giáo hoàng. Các bức tranh minh họa bốn chủ đề nghiên cứu chính của thời kỳ này: luật, triết học, nghệ thuật và thần học.
Những bức bích họa thật phi thường, nhưng điều khiến cho Giáo hoàng Julius và các cận thần của ông say mê là hai bức bích họa lớn đối diện nhau trong căn phòng. Bức tranh Disputation of the Holy Sacrament – Tranh luận về Thánh lễ) mô tả Thần học và bức tranh The School of Athens – Học viện Athens mô tả triết học. Những cái tên mỹ miều này không phải do họa sĩ Raphael đặt ra, ông có thể chỉ coi các tác phẩm của mình như những câu chuyện ngụ ngôn về Triết học và Thần học. Mà chính là Giorgio Vasari, một họa sĩ chuyển sang viết sử học, đã đặt ra 30 năm sau khi tác phẩm hoàn thành.
Họa sĩ Raphael không phải nhà triết học hay thần học, nhưng ông đã tái hiện hình ảnh những nhà tư tưởng, nhà thuyết giáo và nhà khoa học do Ngài Inghirami đề xuất vào các bức bích họa này. Đó không phải là nhóm những nhân vật được thể hiện trong nhiều tác phẩm khác, vì điều này mà họa sĩ trở nên nổi tiếng. Cách ông sắp đặt các nhân vật trong không gian phối cảnh đầy mới lạ đã mang lại ý nghĩa và sự tỏa sáng cho tác phẩm.
Thần học và triết học
Nhìn vào bức tranh về Thần học, người ta thấy một đường trục rõ ràng bắt nguồn từ Thiên Chúa ngự trên cao giữa những đám mây vàng, xuống đến Chúa Kitô đang dang hai tay, rồi đến chim bồ câu của Chúa Thánh Thần được bao bọc trong một vòng tròn vàng, và kết lại là hình ảnh Mặt Nhật trên bàn thờ để bánh thánh. Trục dọc khúc chiết này mô tả rằng Thần học là ngành nghiên cứu về Đức Chúa Trời, là điều tốt đẹp nhất.
Ngược lại, bức tranh “Học viện Athens” được chia đôi bởi một đường ngang, định hình bởi một nhân vật đang chạy vào từ phía bên trái và một người khác vội vã chạy khỏi khung cảnh phía bên phải, nhấn mạnh tính lý tính của triết học trong việc hiểu biết thế giới.
Các thiết lập khác nhau của hai tác phẩm tạo ra một sự khác biệt. Các nhà triết học hiện diện trong một công trình có kiến trúc dạng vòm to lớn, gợi nhớ đến Giáo đường Maxentius đồ sộ trong Công Trường La Mã, cũng là hình mẫu cho Giáo đường Thánh Peter mới do kiến trúc sư Bramante, bạn thân của họa sĩ Raphael, xây dựng. Kiến trúc là một phép ẩn dụ tuyệt vời cho triết học. Như người xưa đã dạy con người cách làm chủ và bố cục không gian thông qua kiến trúc, vì vậy họ đã tạo ra triết học như một phương tiện để sắp xếp trật tự các loại kiến thức. Tuy nhiên, không gian bị giới hạn và có cấu trúc mặc dù nó mở rộng về hướng người xem.
Trớ trêu thay, với một thành phố có hơn 500 nhà thờ, bức tranh chủ đề thần học hầu như không có sự hiện diện của kiến trúc. Dù có một chút xây dựng bên trái và vài khối nhà bên phải, nhưng cấu trúc của tác phẩm là những nhóm người. Các nhân vật đứng thành hàng tựa như lối đi dọc hai bên của nhà thờ; các nhà tiên tri và các tông đồ ngồi thành một hình bán nguyệt tựa như khu vực cầu nguyện, và Chúa Jesus với áo choàng trắng xuất hiện nơi bàn thờ. Đằng sau Mặt Nhật là cảnh vật trải dài đến tận chân trời. Một lời mời qua hình ảnh trực quan khiến người xem đi theo sự dẫn dắt của các vị thánh và các nhà tiên tri để thâm nhập sâu hơn vào những bí ẩn của đức tin. Hai cách thiết lập ở hai bức tranh nhằm để so sánh sự phát triển nền triết học của nhân loại với bản tính thiêng liêng của thần học, phụ thuộc vào sự mặc khải của Thiên Chúa.
Những đổi mới của họa sĩ Raphael
Tuy nhiên, khía cạnh sáng tạo nhất của hai tác phẩm là vị trí các nhân vật. Họa sĩ Raphael đã lấp đầy bức tranh với gần 60 nhân vật, quả là một kỳ công. Trước đây, các nhóm nhiều nhân vật thường được sắp xếp đơn giản thành hàng giống như một bức ảnh niên giám, nhưng Raphael đã biên đạo từng nhân vật để dàn dựng ánh mắt xuyên suốt bức bích họa đến cực điểm.
Trong bức “Tranh luận về Thánh lễ”, các nhân vật ở phía ngoài hơn như được đẩy vào không gian của người xem tranh. Một cậu bé tò mò nghiêng người qua lan can, phía đối diện là một người đàn ông thể hiện cử chỉ trước cuốn sách của mình. Ông là biểu tượng của dị giáo đang cố gắng đề xuất những ý nghĩ của riêng mình. Những nhân vật tiếp theo chuyển mình, quỳ gối, vươn tay và chỉ trỏ, nhưng không thể làm sao lãng ánh nhìn của chúng ta về phía bàn thờ, nơi một người đàn ông lớn tuổi đang chỉ tay lên trời đầy kiên định.
Mặt khác, bức tranh triết học được bao quanh đỉnh với ba khung vòm với phối cảnh hoàn hảo, dẫn hướng mắt nhìn từ đỉnh của tác phẩm về phía trung tâm. Được bố cục trong khung vòm trung tâm, hai nhà triết học Plato và Aristotle được đưa vào tác phẩm giống như một viên đá thả vào mặt nước tĩnh lặng. Tư tưởng của họ lan tỏa giữa các nhà tư tưởng nổi tiếng tập trung dọc theo hàng đầu (bao gồm cả nhà triết học Socrates trong chiếc áo choàng màu ô liu đang làm cách phép tính bằng ngón tay).
Các nhân vật khiến chúng ta hướng ánh nhìn xuống phía dưới, nơi các triết gia đổ xuống các bậc thang và dường như tập hợp thành các trường phái tư tưởng riêng. Ngài Euclid đang dùng chiếc la bàn của mình, xung quanh là những học sinh say mê theo dõi. Ở bên trái, ngài Pythagoras đang giải thích định lý cho những người trẻ, người già và thậm chí cả người ngoại quốc, là người đàn ông với chiếc mũ turban, vốn là biểu tượng tôn vinh các trí thức Hồi giáo của Trường Cordoba.
Những khắc họa triết học trong tranh của họa sĩ Raphael xuất hiện như một làn sóng kiến thức, trỗi dậy và phát triển qua nhiều thời đại, được truyền thụ từ thầy sang trò mãi cho đến thời đại của chúng ta. Tự hào về thành tựu này, họa sĩ Raphael đã chèn bức chân dung tự họa của mình vào phía ngoài cùng bên phải trong cuộc thảo luận với nhà thông thái Hy Lạp Ptolemy và nhà triết học Strabo, có lẽ họa sĩ Raphael đang thuyết trình về kỹ thuật vẽ phối cảnh của mình. Họa sĩ Raphael, đang nhìn vào người xem, đội một chiếc mũ vải màu đen, anh tuấn và lịch thiệp, không giống như đối thủ của ông, nhà điêu khắc Michelangelo nổi bật ở trung tâm của bố cục với đôi giày ống và chiếc áo khoác màu oải hương.
Nhà điêu khắc Michelangelo hơn họa sĩ Raphael tám tuổi và đã làm việc trong Nhà Nguyện Sistine khi họa sĩ trẻ bắt đầu dự án này. Họa sĩ Raphael đã vẽ thêm Michelangelo vào bức bích họa và mô tả một người Florence trầm mặc như Heraclitus, nhà triết học khó hiểu. Họa sĩ Raphael có lẽ dự định xây dựng một nhân vật mang tính châm biếm, một nhân vật ăn mặc lôi thôi trong một bức tranh tĩnh mịch u sầu.
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times