Vương hậu Marie de’ Medici và sự tiếp nối của gia tộc bảo trợ nghệ thuật Medici lừng danh
Trong tất cả những kiệt tác ở viện bảo tàng Louvre, không bức tranh nào thích hợp như ở nhà mình hơn 24 bức tranh tôn vinh cuộc đời và triều đại của vương hậu Marie de’ Medici Pháp quốc.
Danh họa Peter Paul Rubens, người Flemish, vẽ loạt tranh “Marie de’ Medici Cycle” từ năm 1622 đến 1625. Đây là một trong những thành tựu nghệ thuật vĩ đại nhất thời bấy giờ. Loạt tranh được hoàn thành khi cung điện Louvre là dinh thự hoàng gia ở đỉnh cao quyền thế, những bức tranh tôn vinh thái hậu trong suốt triều đại của con trai bà, Vua Louis XIII, khi nước Pháp trên đà trở thành cường quốc lớn nhất châu Âu.
Tác phẩm đồ sộ của thời kỳ Baroque này được một thành viên thuộc gia đình lừng danh nhất trong giới bảo trợ nghệ thuật thời Phục hưng đặt hàng, là sự tiếp nối truyền thống bảo trợ nghệ thuật của họ. Hai trăm năm trước, tổ tiên của bà Marie là ông Giovanni de’ Medici đã giúp khai thủy thời kỳ Phục hưng nhờ sự bảo trợ của ông dành cho hai danh họa Brunelleschi và Donatello. Ông Lorenzo the Magnificent, có lẽ là người bảo trợ thời Phục hưng quan trọng nhất và là người đầu tiên bảo trợ cho nghệ thuật gia Michelangelo, là chú cố của bà. Ông nội của bà, Đại Công tước Cosimo I, là người bảo trợ cho nhà sử học nghệ thuật kiệt xuất Giorgio Vasari và Học viện Nghệ thuật Mỹ thuật của ông. Giáo hoàng Leo X và Clement VII, hai trong số những giáo hoàng ủng hộ nghệ thuật đáng chú ý nhất, cũng là các thành viên của gia tộc Medici.
Họa sĩ Rubens và gia tộc Medici
Bà Marie de’ Medici chào đời ở thành phố Florence vào năm 1575, bà trải qua 25 năm đầu tiên cuộc đời mình ở trung tâm văn hóa Phục hưng lâu đời đó. Mặc dù đương thời những nhân vật vĩ đại nhất của nơi đây đã không còn, nhưng di sản của họ vẫn tiếp tục hiện hữu trong các tác phẩm nghệ thuật trải rộng khắp thành phố và những bản sao của các tác phẩm của họ trong thư viện gia đình bà. Ngay từ khi còn nhỏ, bà Marie đã chứng tỏ là người kế vị thực thụ cho truyền thống đó. Bà đặc biệt quan tâm đến toán học, triết học và khoa học, chơi guitar và đàn luýt, thậm chí bà đã được đào tạo như một họa sĩ nghiệp dư từ người kế nhiệm của danh họa Vasari tại Học viện Nghệ thuật Mỹ thuật.
Vương hậu Marie gặp họa sĩ Rubens lần đầu tiên vào năm 1600. Vào thời điểm đó, ông là nghệ sĩ đang tỏa sáng nhanh chóng, ông vừa được phong làm họa sĩ triều đình cho Công tước Vincenzo Gonzaga xứ Mantua. Khi công tước đến thăm Florence để tham dự đám cưới của vương hậu Marie với vua Henri IV của Pháp, họa sĩ Rubens đã đi cùng ông để tìm hiểu kho tàng nghệ thuật của thành phố và chắc chắn được giới thiệu với gia tộc Medici.
Chín năm sau đó, danh họa Rubens được thuê làm nghệ sĩ cung đình bởi vua Archduke Albert von Habsburg – người trị vì quê hương Hà Lan của ông. Cùng với Hoàng đế La Mã Thần Thánh (Holy Roman Emperor), vua Tây Ban Nha cũng là thành viên của Nhà Habsburg, và từ đây danh họa Rubens đã có thể đặt nền móng cho sự nghiệp tự do trong tương lai của mình.
Năm 1621, vua Archduke Albert qua đời trong khi vương hậu Marie de’ Medici đang thực hiện một dự án nghệ thuật đủ tầm cỡ để chiêu mộ những tài năng xuất sắc trong thời của bà.
Khi bi kịch xảy ra
Dự án được hình thành để đánh dấu sự kết thúc giai đoạn lịch sử đầy kịch tính và bi thảm của hoàng gia Pháp trong thập niên trước. Năm 1610, phu quân bà là Vua Henri IV đã bị ám sát sau khi giành chiến thắng từ cuộc nội chiến kéo dành trong nhiều thập niên. Sau đó, vương hậu Marie buông rèm nhiếp chính cho con trai chín tuổi của họ, Vua Louis XIII, và cai trị Pháp trong bảy năm tiếp theo. Sự sụp đổ quyền lực được đánh dấu bằng bi kịch tiếp theo vào năm 1617, khi một nhóm quý tộc thuyết phục vị vua nhỏ tuổi ủng hộ sự việc mà ông được cho biết là cuộc đảo chính không đổ máu chống lại các cố vấn của mẫu thân — tuy nhiên người đứng đầu nhóm người cố vấn sẽ bị ám sát.
Trong hai năm, vương mẫu Marie bị giam cầm cho đến khi bà trốn thoát và tham gia vào một cuộc nổi loạn lật đổ quyền lực của liên minh ngầm. Năm 1621, lãnh đạo của liên minh này chết và Vua Louis đã chọn Hồng y Richelieu (trước đây là Quốc vụ khanh tài năng nhất của vương mẫu Marie) làm cố vấn trưởng của riêng mình và bà Marie được bổ nhiệm vào hội đồng hoàng gia.
Khi trở về thủ đô Paris, bà Marie đã tập trung vào việc hoàn thành dự án mà bà gọi một cách không chính thức là “Cung điện Medici” — chính là Cung điện Luxembourg. Lấy cảm hứng từ Cung điện Pitti của thành phố Florence, Cung điện Luxembourg được bắt đầu xây dựng vào năm 1615 với nỗ lực tái tạo sự hùng vĩ về kiến trúc của thành phố quê hương bà Marie. Việc xây dựng và trang trí nội thất của điện có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật Paris.
Sự hòa giải của bà Marie với Vua Louis là động lực tức thì để bà quyết định ủy thác danh họa Rubens vẽ 24 tác phẩm kỷ niệm cuộc đời và gia đình bà.
Loạt tranh ‘Marie de’ Medici Cycle’
21 bức tranh khắc họa những chiến thắng, những nỗ lực, và dòng tộc của bà Marie — được sắp xếp theo chiều kim đồng hồ theo thứ tự thời gian — ban đầu được đặt trong một phòng trưng bày hẹp ngay bên ngoài căn hộ hoàng gia Luxembourg.
Hai mươi bức tranh chứa đựng những đặc điểm mạnh mẽ, đôi khi thống trị, ngụ ngôn, và/hoặc biểu tượng: Tác phẩm “The Meeting of Marie de’ Medici and Henri IV” (Cuộc gặp gỡ của vương hậu Marie de’ Medici và vua Henri IV) miêu tả cặp vợ chồng hoàng gia giữa những đám mây, theo dáng vẻ của các vị thần trong thần thoại Hy Lạp và La Mã. Trong bức “The Death of Henri IV and the Proclamation of the Regency” (vua Henri IV băng hà và Tuyên ngôn Nhiếp chính) cho thấy vị vua quá cố đã trải qua sự kiện “apotheosis” — quá trình mà các hoàng đế La Mã cổ đại cho là sự thăng thiên để giải thoát khỏi trần tục. “The Coronation at Saint-Denis” (Đăng quang tại Saint-Denis), “The Victory at Jülich” (Chiến thắng tại Jülich) và “The Flight from Blois” (Bay bay từ Blois) nằm giữa những tác phẩm miêu tả các thiên thần Cơ đốc bay lơ lửng phía trên [chân dung] bà Marie, ngụ ý về về sự chấp thuận, chỉ dẫn và bảo vệ từ thiên thượng.
Trong số bốn bức tranh còn lại, hai bức chỉ lý tưởng hóa vừa phải các sự kiện lớn trong cuộc đời của bà Marie —“The Wedding by Proxy of Marie de’ Medici to King Henri IV” (Đám cưới theo ủy nhiệm của Vương hậu Marie de’ Medici và Vua Henri IV) và “The Consignment of the Regency” (Trao quyền Nhiếp chính). Hai bức còn lại là chân dung của song thân bà: Đại Công tước Francesco de Medici và Thái tử phi Joanna nước Áo.
Truyền thừa di sản Medici
Sự kiện bà Marie chọn để công bố loạt tranh trước công chúng càng tôn vinh gia đình hoàng gia: lễ cưới của con gái bà là Henrietta Maria với Vua Charles I nước Anh. Bà sẽ không ngờ rằng triều đình của vua Charles và vương hậu Henrietta Maria — nơi mà sau này bà Marie sống trong ba năm — sẽ trở thành một trung tâm văn hóa sánh ngang với Florence thời Phục hưng của gia tộc Medici. Dưới sự lãnh đạo của các vị vua trẻ tuổi hơn, những tác phẩm của các bậc thầy nước Ý lần đầu tiên được biết đến rộng rãi ở Anh quốc. Tam kiệt vĩ đại nhất của thời Florence huy hoàng nhất đều là hiện thân tiêu biểu trong bộ sưu tập hoàng gia mới này. Trong đó gồm cả những bức tranh của Leonardo da Vinci và Raphael, cũng như những bức phác thảo chuẩn bị cho các tác phẩm sáng tạo ít chuyển động hơn của Michelangelo.
Diệu Linh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times