Những nữ anh hùng bị lãng quên
Liệu chúng ta đã quên những phụ nữ cao quý hiện diện trong những áng thơ và vở kịch thời cổ đại?
Trong khi tôi lang thang trên mạng tìm nguồn cảm hứng để chấp bút về các nữ anh hùng trong văn học, các nữ nhân vật hư cấu truyền cảm hứng cho quý độc giả, đặc biệt là những người phụ nữ giữ gìn đức hạnh và thể hiện lòng dũng cảm khi đối diện với hiểm nguy, thì một đường dẫn đến bài viết “The 10 Best Literary Heroines” (10 Nữ Anh Hùng Vĩ Đại Nhất Trong Văn Học) đã xuất hiện.
Tại đây, các biên tập viên của trang AbeBooks.com đã hỏi độc giả câu hỏi này: “Nếu bạn có thể trở thành bất kỳ nhân vật văn học nào, thì bạn sẽ trở thành ai và tại sao?” Rất nhiều người đã trả lời họ muốn trở thành các nữ nhân vật — không có gì ngạc nhiên, vì phái nữ đọc tiểu thuyết nhiều hơn nam giới — và có một số lời bình ngắn về những nhân vật chính chẳng hạn như cô bé Scout Finch trong “To Kill a Mockingbird” (Giết Con Chim Nhại) và nàng Scarlett O’Hara trong “Gone With the Wind” (Cuốn Theo Chiều Gió). Tại đây, cũng có một số nữ cường nhân trong văn học — Hermione Granger trong loạt truyện “Harry Potter,” Nancy Drew, và Anne trong tiểu thuyết” Anne of Green Gables” (Anne Dưới Chái Nhà Xanh) — cùng với nữ trinh thám lớn tuổi là Quý bà Marple.
Khi tôi đọc hết danh sách này, những câu hỏi sau đây đã xuất hiện: Các nữ anh hùng trong văn học thời xa xưa hơn thì sao? Liệu chúng ta đã quên những phụ nữ cao quý xuất hiện trong các áng thơ và vở kịch thời cổ đại? Có phải chúng ta không nhận ra sự kính trọng của những văn sĩ thời xưa đối với lòng dũng cảm, trung thành, khát vọng, tự chủ, và sự thông tuệ của phái nữ?
Những hiểu lầm
Có lẽ góc nhìn thiển cận của chúng ta bắt nguồn từ quan điểm về người phụ nữ trước thời hiện đại, rằng họ là nhóm người bị o ép và phục tùng nam giới. Chẳng hạn như, những người theo chủ nghĩa nữ quyền thời nay có thể cho rằng phụ nữ La Mã và Hy Lạp cổ đại, thời kỳ Trung Cổ, và thời kỳ Phục Hưng là tài sản cá nhân của nam giới, những vật phẩm thuộc quyền sở hữu và kiểm soát bởi cha họ và chồng họ, giá trị của họ được xác định bằng những món của hồi môn và những đứa trẻ mà họ có thể mang đến thế giới này.
Trong những niềm tin này cũng có một số điều đúng. Trong quá khứ, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, nhìn chung phụ nữ có ít quyền lợi hơn nam giới, không được tham dự hầu hết các sự kiện trên chính trường cũng như bị pháp luật và phong tục hạn chế tham gia những sự kiện văn hóa.
Tuy nhiên, sự thật vĩ đại hơn đó là xuyên suốt lịch sử được ghi chép lại, phụ nữ có một sức mạnh phi thường với vai trò làm vợ và làm mẹ. Cũng như thời nay, họ giao tiếp với cha, chồng, và con trai để bày tỏ ý kiến của mình, và tác động đến quan điểm của những người đàn ông trong cuộc sống bằng sức mạnh của sự thông tuệ, duyên dáng, và tình yêu thương. Như nhà sử học Will Durant và vợ ông, nhà nghiên cứu kiêm nhà văn Ariel Durant, đã miêu tả về những người La Mã cổ đại trong cuốn sách “The Story of Civilization” (Câu Chuyện của Nền Văn Minh): “Vì bản tính vội vã quá lớn của nam giới khiến phái nữ duyên dáng hơn bất kỳ điều luật nào, vị thế của phụ nữ La Mã không thể bị phán xét bởi sự thiếu kém của pháp luật.”
Chúng ta có thể thấy các câu chuyện về những người phụ nữ sử dụng quyền lực của mình trong nhiều thời đại quá khứ. Thậm chí một nghiên cứu sơ lược về lịch sử La Mã cũng cho thấy những phụ nữ như bà Fulvia (phu nhân của chính trị gia Mark Antony) và bà Livia Drusilla (vợ của Hoàng đế Augustus) có ảnh hưởng vô cùng lớn lao đến những người chồng của họ.
Vào thời Trung Cổ, các nhân vật như Nữ hoàng Eleanor xứ Aquitaine, Thánh Joan xứ Arc, và các dòng nữ tu đã có ảnh hưởng đến chính trị và văn hóa vào thời đại của họ.
Thời kỳ Phục Hưng và Baroque nổi bật với nhiều nữ nghệ sĩ xuất chúng, Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất trị vì Anh quốc bằng đường lối cứng rắn, và những người phụ nữ như bà Margaret Roper, ái nữ của ngài Thomas More, đều nổi tiếng bởi tài năng văn chương và sự uyên bác của họ.
Các văn nhân trong lịch sử đã tôn vinh bản tính, đức hạnh, và thành tựu của những người phụ nữ kiên cường qua các áng thơ, vở kịch, và tác phẩm văn xuôi của họ.
Những cô gái dũng cảm và giàu lòng yêu thương
Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với nàng Penelope trong sử thi “Odyssey” của thi hào Homer, người vợ chung thủy và nhẫn nại của chàng Odyssey. Nàng đã xoay sở ngăn chặn những người theo đuổi mình bằng nhiều cách khác nhau trong khi ngóng trông phu quân trở về an toàn. Đối với cổ nhân, Penelope là hình mẫu của lòng chung thủy và đức hạnh của người vợ. Có lẽ ít người trong chúng ta biết về tác phẩm “Antigone,” một vở kịch của Sophocles khắc họa sự sụp đổ của vương tộc Creon. Vở kịch này tôn vinh nàng Antigone và tấm lòng trung thành của nàng đối với anh trai và các vị thần. Sau khi anh trai Polynices của Antigone hy sinh trong trận chiến giành lại quyền trị vì thành Thebes, nhà vua mới, Creon, đã không cho phép chôn cất và cử hành tang lễ cho chàng. Theo người Hy Lạp, việc này là để ngăn cản linh hồn của người đã khuất chuyển sinh vào kiếp sau.
Nàng Antigone không tuân theo lệnh này và tiến hành những nghi thức mai táng bằng cách rải đất lên thi thể của anh trai. Khi bị bắt giữ vì bất tuân nhà vua, nàng đã can đảm nhận tội, nói với nhà vua rằng luật của Thượng Đế sẽ phế truất quyền lực thế tục của ông.
Vua Creon ra lệnh chôn sống nàng Antigone trong một hang động. Để không bị chết dần mòn, nàng Antigone đã treo cổ tự vẫn, và con trai của vua Creon, người đã đem lòng yêu thương nàng, cũng kết liễu cuộc đời của mình. Người mẹ đau buồn, cũng là vợ của vua Creon quyên sinh theo. Với mệnh lệnh vô lý của nhà vua và lòng dũng cảm của nàng Antigone, [triều đại] Creon đã hoàn toàn sụp đổ.
Cùng với việc bất tuân mệnh lệnh của nàng, trong cuộc tranh luận với vua Creon, và ngay cả khi vệ binh đưa nàng đi hành hình, Antigone vẫn nhiệt thành biện hộ rằng việc chôn cất anh trai Polynices là một hành động công chính. Khi nàng rời khỏi vũ đài, nàng đã thốt lên: “Hãy nhìn tôi, nhà vua, người cuối cùng của vương triều các ngài — tôi đã chết như thế nào, và dưới bàn tay của ai, vì duyên cớ gì — tôi đã làm tròn bổn phận vì tấm lòng thành kính!”
Ở người thiếu nữ này, chúng ta nhìn thấy một tâm hồn cao thượng giống như bất kỳ nhân vật nào trong nền văn học Hy Lạp.
Nữ hoàng của lòng nhiệt thành
Trong sử thi “Aeneid,” thi nhân Virgil đã tạo ra một trong những hình tượng trọn vẹn nhất về người phụ nữ trong văn học cổ đại. Khi chúng ta lần đầu tiên gặp gỡ Dido, nữ hoàng xứ Carthage, nàng là một góa phụ không con mải mê xây dựng thành phố này, trông coi việc dựng các đền thờ và quảng trường — một vị nữ hoàng quyền uy được thần dân yêu mến và tôn kính.
Khi nàng đem lòng yêu thương một kẻ lang thang cũng là hoàng tử Aeneas của thành Troy, Dido đã xao nhãng một số bổn phận của nữ hoàng, nhưng điều tệ hơn là, Aeneas đã bỏ rơi nàng theo chỉ thị của các vị thần để hoàn thành sứ mệnh của chàng. Trái tim tan vỡ và đau khổ, vị nữ hoàng đã trèo lên một giàn thiêu và quyên sinh.
Một số người thời nay có thể cho rằng nàng Dido yếu đuối hoặc quá khích với hành động cực đoan này, nhưng đối với tôi thì nàng khơi dậy sự đồng cảm lớn lao. Nàng thực lòng yêu thương Aeneas, nghĩ rằng họ sẽ kết hôn, nhưng Aeneas đã từ chối. Cảm xúc của nàng tan vỡ khi Aeneas tiếp tục chuẩn bị rời bỏ nàng. “Ôi, Tình yêu tàn nhẫn,” thi nhân Virgil bình phẩm, “liệu có giới hạn nào mà ngươi không thúc ép trái tim con người đi đến?”
“Tình yêu Tàn nhẫn” đã đưa vị nữ hoàng đến tàn lụi, như nó đã từng xảy ra với vô số đàn ông và phụ nữ khác trong suốt nhiều thế hệ đã qua.
Câu chuyện về người vợ của Bath
Vẻ mặt trơ tráo, răng thưa, từng kết hôn năm lần, vị lữ khách đi đến những vùng đất xa xôi như Jerusalem và La Mã, đội một chiếc mũ rộng như tấm khiên, người phụ nữ khiếm nhã, thích mạo hiểm này chính là Cô vợ của Bath trong tác phẩm của Geoffrey Chaucer, một trong những người hành hương trong cuốn “The Canterbury Tales” (Chuyện Kể Ở Canterbury). Cô biết cách cười và tán gẫu, cũng như tất cả mánh khóe của tình yêu.
Cô vợ của Bath có vẻ là một lựa chọn kỳ quặc để đưa vào cuộc thảo luận về đức hạnh người phụ nữ, và tất nhiên cô không có hành vi nào giống với Antigone hay Dido. Tuy nhiên, lời miêu tả ngắn gọn của tác giả Chaucer về vóc dáng bên ngoài của cô, và sau này là những suy nghĩ của cô về hôn nhân và các mối quan hệ nam nữ trong câu chuyện cô kể, đã chế nhạo ý tưởng tất cả những người vợ thời trung cổ đều là những nô bộc bị áp bức. Cô vợ của Bath là người hóm hỉnh, hiển nhiên là người có học thức — cô kể chuyện về Ovid và Vua Arthur — và cô cũng là một người biết làm dáng.
Câu chuyện cô kể cho những người bạn hành hương đã phá bỏ hơn nữa một số định kiến của chúng ta về phụ nữ thời trung cổ. Bị kết án với tội danh tàn ác, một chàng hiệp sĩ trẻ có thời hạn một năm để trở lại cung điện của Vua Arthur và trả lời chính xác cho câu hỏi: Phụ nữ muốn thứ gì nhất trên thế giới này? Nếu chàng hiệp sĩ trở về với đáp án chính xác, thì nữ hoàng hứa sẽ tha mạng cho chàng. Nếu chàng trả lời không chính xác, thì sẽ mất mạng.
Câu chuyện này quá dài để thuật lại ở đây, nhưng cuối cùng chàng hiệp sĩ trẻ đã tìm được một người phụ nữ cao niên hứa với chàng rằng bà có câu trả lời, đó là: tất cả phụ nữ đều muốn chồng hoặc người yêu mà họ có thể sai khiến. Khi chàng dâng câu trả lời này cho triều đình, nữ hoàng và các nữ quan của bà đều vỗ tay khen ngợi, và chàng hiệp sĩ được tha mạng, nhưng bây giờ chàng phải kết hôn với một bà già xấu xí. Sau khi hai người cử hành hôn lễ và vào đêm tân hôn, bà hỏi chàng hiệp sĩ liệu chàng thích cưới một người luôn chung thủy như bà, hay một mỹ nhân lẳng lơ và không chung thủy. Không biết quyết định ra sao, chàng hiệp sĩ đã yêu cầu bà chọn giúp mình. Vì chàng đã trao quyền chọn lựa cho bà và cũng là quyền để sai khiến chàng, bà đã trở thành một phụ nữ vừa xinh đẹp vừa tốt bụng.
Trong cuộc sống lẫn câu chuyện kể của mình, Cô vợ của Bath đã thể hiện sự hóm hỉnh, thông tuệ, và một tình yêu dành cho cuộc sống và sự lãng mạn. Cô là một phụ nữ hiện đại đáng kính trọng về mọi mặt.
Âm vang của quá khứ đến hiện tại
Nhiều văn sĩ khác từ thời xưa đã tạo ra nhiều nữ nhân vật rất đáng khâm phục. Chẳng hạn như trong vở kịch “Twelfth Night” (Đêm Thứ Mười Hai), văn hào Shakespeare sáng tác nhân vật nàng Viola sống trong cảnh túng quẫn. Nàng đã cải trang thành một cậu bé và làm việc cho một công tước, từ đó giải cứu bản thân nhờ vào sự hóm hỉnh và lòng dũng cảm của mình.
Cuốn tiểu thuyết “The Scarlet Letter” (Chữ Cái Màu Đỏ) của tác giả Nathaniel Hawthorne khắc họa hình tượng về đức tính dũng cảm của nàng Hester Prynne, người bị xã hội ruồng bỏ vì hạ sinh một đứa con ngoài giá thú, người mà khả năng cam chịu khó khăn và thái độ “ngẩng cao đầu” đã giúp cô vượt qua mặc cảm thanh danh bị ô uế của mình.
Từ những người phụ nữ này và những nữ nhân vật hư cấu khác trong quá khứ, người hiện đại chúng ta vẫn có thể tìm thấy các hình mẫu lý tưởng triển hiện đầy đủ khía cạnh của mỹ đức. Đối với nữ diễn viên bị những người theo đuổi văn hóa tẩy chay phê phán gay gắt vì các lời bình ngây thơ trên mạng xã hội, nàng Hester Prynne có thể được xem là một hình mẫu về việc giữ phong thái cao khi đối diện sự chỉ trích. Sinh viên năm thứ hai đại học bị tấn công vì những quan điểm tôn giáo của cô có thể tìm thấy niềm an ủi và nguồn cảm hứng từ nàng Antigone.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times