Con đường dẫn đến thành công trong nghệ thuật vẽ tranh phong cảnh
Họa sĩ Jake Gaedtke khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên của Mỹ quốc
Chuyến thăm quan bảo tàng mỹ thuật lần đầu tiên của ông Jake Gaedtke – người hiện là họa sĩ vẽ tranh phong cảnh sinh sống tại Montana – đã khiến ông sững sờ, để lại trong ông những ấn tượng khó phai và một ước mơ phải hoàn thành. Mặc dù ông không thể nhớ hết những bức tranh đó, nhưng ông vẫn nhớ chúng đã tác động đến cậu bé Gaedtke lớp hai như thế nào, như thể việc đó mới xảy ra ngày hôm qua. Khi ông đang cùng các bạn học dạo quanh Học viện Nghệ thuật Detroit, một nhóm lớn những bức tranh nhân vật khổ đứng đã khiến ông đột ngột dừng bước. “Tôi kinh ngạc khi nhìn thấy những bức tranh ấy,” ông nói qua điện thoại. Cậu bé Gaedtke đã rất choáng ngợp, những bức tranh đó dường như cao tới 10 feet (khoảng 3 mét). “Mình muốn vẽ những bức tranh đó,” cậu thầm nghĩ khi cố hình dung về khả khả năng vẽ của mình ra sao. Cậu bé ngây người trước các tác phẩm nghệ thuật này đến nỗi quên cả thời gian và những người bạn cùng lớp.
Từ chuyến thăm đó, ông biết mình sẽ trở thành họa sĩ.
Cha mẹ đã khích lệ và ủng hộ ông theo đuổi ước mơ của mình. Vào thời điểm đó, ông Gaedtke rất thích vẽ, và ông hồi tưởng lại lúc ông dành nhiều buổi chiều để vẽ cùng một người bạn và học hỏi nhiều điều từ loạt chương trình truyền hình “Learn to Draw” (Học vẽ) của họa sĩ tự học John Gnagy. Chương trình được phát sóng vào giờ ăn tối, và mẹ của ông cho phép ông dùng bữa trong phòng khách để xem chương trình dài 15 phút này. Các anh trai của Gaedtke không mấy ấn tượng về điều này, nhưng mẹ ông thì kiên quyết: “Em trai các con đang học, để yên cho em học nhé.” Ông Gaedtke nhận thấy những hướng dẫn cặn kẽ theo từng bước của họa sĩ Gnagy là vô giá, chẳng hạn như cách sử dụng các hình tròn, hình vuông, và hình tam giác để dựng hình.
Suốt những năm trung học, cậu bé Gaedtke đã có những bước tiến vượt trội trong nghệ thuật. Giáo viên mỹ thuật của cậu, một người hippie trẻ tuổi vừa mới tốt nghiệp đại học, đã dạy các lớp vẽ căn bản, hội họa, và lịch sử nghệ thuật với lòng nhiệt thành và đam mê, điều đã giúp khơi gợi cảm hứng cho Gaedtke. Ông thích ở thầy của mình là không quá chú trọng vào một thời kỳ nghệ thuật nào. Thầy đã dạy mọi thứ, từ nghệ thuật cổ điển cho đến nghệ thuật đại chúng gần đây. Họa sĩ Gaedtke cho biết: “Và điều đó có ảnh hưởng rất lớn, rất lớn đối với tôi khi còn học trung học, thầy thực sự đã cố gắng khơi dậy ngọn lửa trong tôi để tôi quyết tâm trở thành họa sĩ.”
Vào khoảng 16 tuổi, ông vượt qua kỳ thi tuyển sinh của “Khóa Học Họa Sĩ Nổi Tiếng Dành Cho Những Người Trẻ Tài Năng,” một khóa học hai năm chuyên về nghệ thuật thương mại và minh họa do các thành viên của Hiệp hội Họa sĩ Minh họa New York thành lập, chủ yếu là họa sĩ Albert Dorne và Norman Rockwell. Khóa học này trị giá 500 USD. “Tôi đã nghĩ, ‘Ôi trời! Chúng tôi không thể chi trả cho khóa học đó.’ Nhưng cha tôi đã tìm ra cách,” ông Gaedtke nói. Những bài giảng và lời nhận xét của các họa sĩ vẽ minh họa về bài tập của ông đã giúp ông phát triển kỹ năng hội họa, đưa ông đến gần hơn với ước mơ trở thành họa sĩ.
Trung thành với nghệ thuật hiện thực
So với những năm ở trung học, ông Gaedtke nhận thấy việc học ở đại học thật thất vọng. Vào đầu những năm 1970, ông học mỹ thuật tại Đại học Wisconsin–Stevens Point, và rời đi sau một năm để nhập ngũ vào Lực lượng Không quân. Họa sĩ Gaedtke đã dành bốn năm để phục vụ đất nước, và sau đó ông theo học nghệ thuật tại Đại học Nam Colorado–Pueblo (nay là Đại học Tiểu Bang Colorado). Ở cả hai trường đại học trên, các khoa nghệ thuật đều tập trung vào nghệ thuật hiện đại. Các giảng viên không dạy các kỹ pháp phác thảo và sơn màu; thay vào đó, họ khuyến khích sinh viên thể hiện bản thân. Ông Gaedtke chưa bao giờ hứng thú với nghệ thuật hiện đại và nghệ thuật trừu tượng: “Tôi muốn học để trở thành một họa sĩ thực thụ.”
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông định cư ở vùng núi Colorado và tập trung chủ yếu vào vẽ tranh nhân vật. Niềm đam mê hội họa tả thực của ông vẫn rất mạnh mẽ, và trong nhiều thập niên, ông tiếp tục vẽ và phát triển kỹ năng nghệ thuật một mình. Ông đã tham gia các khóa học nghệ thuật ở nhiều nơi, trong đó có một khóa học đã vĩnh viễn thay đổi nghệ thuật của ông.
https://img.theepochtimes.com/assets/uploads/2023/03/11/Jake-Gaedtke-A-Winters-Creek-20-x16-Oil-600×753.jpg
Tác phẩm “A Winter’s Creek” (Một con lạch vào mùa đông) của họa sĩ Jake Gaedtke, vẽ năm 2020. Tranh sơn dầu trên vải canvas; kích thước: 20 inch x 16 inch. (Ảnh: Jake Gaedtke)
Hành trình tìm cách nắm bắt vẻ đẹp tự nhiên
Trong suốt cuộc đời mình, họa sĩ Gaedtke có một tình yêu sâu sắc với các hoạt động ngoài trời, ông tham gia nhiều chuyến đi bộ đường dài, câu cá, và các chuyến phiêu lưu cắm trại. Ông luôn muốn thể hiện những vùng đất đó lên tấm vải canvas. “Vẻ đẹp mà tôi thấy ngoài kia dường như rất hấp dẫn đối với tôi. … Tôi thực sự muốn thể hiện điều đó, nhưng tôi không biết cách làm và không biết bắt đầu từ đâu,” vị họa sĩ cho biết.
Ông đã ghi danh tham gia các buổi hội thảo tại học viện nghệ thuật địa phương, một trong số đó là lớp vẽ tranh ngoài trời của họa sĩ vẽ phong cảnh Jay Moore. Ông Gaedtke cho hay: “Tôi ngay lập tức yêu thích khóa học này.” Khi lần đầu tiên bắt đầu trực họa ngoài trời, ông đã rất chật vật. Ông thất vọng đến mức ông đã ném những bức tranh của mình đi giống như ném đĩa Frisbee vào đá. “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể vẽ được. Nhưng khi bạn kiên trì vượt qua khó khăn, thì cuối cùng mọi thứ bắt đầu khởi sắc hơn.”
Năm 2002, ông Gaedtke bắt đầu tham gia chương trình cố vấn mới của họa sĩ Moore dành cho các nghệ sĩ vẽ phong cảnh chuyên nghiệp đầy tham vọng. Đó là một chương trình có nhịp độ nhanh và rất khắc nghiệt. “Thầy đã cố gắng đặt ra những thử thách để xem tôi có thể làm gì, cố gắng được bao nhiêu để trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp,” ông cho biết.
Họa sĩ Moore đã hướng dẫn ông Gaedtke cách vẽ phong cảnh cũng như việc trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp trên thực tế — chẳng hạn như hằng ngày bạn phải đảm đương việc kinh doanh lẫn vẽ tranh như thế nào. Cứ hai tuần, ông Gaedtke phải hoàn thành một bài tập về bất kỳ chủ đề nào bao gồm phác thảo, vẽ tranh, và lịch sử nghệ thuật, hay nhận thức về kinh doanh và tâm lý học. Mỗi ngày, ông Gaedtke dành từ 12 đến 14 giờ để hoàn thành từng chủ đề.
Họa sĩ Gaedtke giải thích, một trong những thách thức của việc vẽ tranh ngoài trời là có quá nhiều thứ trong một khung cảnh khiến nó trở nên choáng ngợp. Họa sĩ Moore đã dạy ông cách tìm tiêu điểm cho một bức tranh bằng cách chia nhỏ cảnh thành các hình khối và hình dạng cơ bản, đồng thời học cách phối màu (tối và sáng) trong bố cục của cảnh. Đầu tiên, họa sĩ Moore chỉ cho phép ông Gaedtke sử dụng bảng màu gồm các màu đen, trắng, và xám, vận dụng cách phối màu để mô tả các khối.
Khi ông Gaedtke hiểu được cách phối màu, họa sĩ Moore hướng dẫn ông cách sơn màu và dạy ông pha trộn các màu sắc của cảnh quan. Quy trình học vẽ đơn sắc bài bản này và sau đó là vẽ sơn màu tựa như cách các bậc thầy học cổ xưa học vẽ nhân vật trong giai đoạn tập sự ở học viện của họ.
Và tất nhiên, hiểu biết về thiên nhiên là điều vô cùng quan trọng. Họa sĩ Gaedtke đã dành nhiều thời gian ở ngoài trời để quan sát ánh sáng mặt trời, cách ánh sáng hoạt động trong tự nhiên, và làm thế nào thể hiện nó lên tranh vẽ. Kể từ đó, ông trở thành một họa sĩ vẽ phong cảnh với tình yêu đặc biệt dành cho việc vẽ cảnh nước, tuyết, và cảnh đêm.
Tuyết tĩnh lặng từ lúc bình minh đến lúc trăng lên
Mặc dù mùa đông trên núi có thể rất khắc nghiệt, nhưng họa sĩ Gaedtke lại thấy mùa này thật tĩnh lặng. Ông nói: “Tôi nghĩ không điều gì có thể khiến tôi dễ chịu bằng một ngày tuyết rơi thơ mộng không mang theo chút gió.” Tất nhiên, họa sĩ Gaedtke thích vẽ tuyết. Một trong những tác phẩm yêu thích của ông là “Midnight Shadows” (Bóng Đêm), gần đây đã đạt giải nhất trong hạng mục Vẽ Phong Cảnh của Cuộc thi Art Renewal Center Salon Quốc tế lần thứ 16. Ông yêu những đêm trăng sáng, khi mà dấu chân của những người đi bộ trên con đường mòn và dấu vết của những người trượt tuyết băng đồng qua vùng tuyết mới cho thấy một ngày náo nhiệt như thế nào.
Họa sĩ Gaedtke tình cờ bắt gặp cảnh tượng này trong một buổi chiều dắt chó đi dạo trên đường mòn Sourdough Trail gần nhà ông ở Bozeman, Montana. Ông nhìn thấy những cây dương đổ bóng tuyệt vời như thế nào, tạo ra những hình thù trừu tượng trên con đường mòn phủ đầy tuyết. Đứng chôn chân trên đường, ông lập tức hình dung ra một bức tranh, không phải về khung cảnh tràn ngập ánh nắng phía trước mà là một đêm trăng sáng.
Ông buộc chú chó lại và chụp một vài bố cục ảnh về khung cảnh đó. “Bức ảnh có thể giúp bạn phác thảo hình dạng và những thứ tương tự, nhưng khi sơn màu và phối màu thì bạn không thể dựa vào chúng nhiều như vậy nữa. Bạn thực sự phải dùng trực họa để có độ chính xác cao hơn,” họa sĩ Gaedtke giải thích.
Với hơn 100 họa phẩm trực họa cảnh đêm, họa sĩ Gaedtke đã nắm được sắc thái về đêm và cách ánh đêm buông xuống như thế nào. Ông đã áp dụng hiểu biết đó khi chuyển cảnh ban ngày thành ban đêm cho bức “Midnight Shadows” (Bóng đêm).
Đầu tiên, ông tạo ra một phiên bản nhỏ cho bức tranh, giải quyết các vấn đề về màu sắc và bố cục, trước khi tự tin vẽ bức tranh lớn hơn. Khi đang thực hiện tác phẩm trên giá vẽ, họa sĩ Gaedtke đưa ra hàng trăm quyết định như dùng loại nét bút nào và pha màu gì, v.v Họa sĩ ví quá trình này giống như một cuộc đối thoại liên tục giữa mình với bức tranh. Ông thường lùi lại khỏi bức tranh, và hỏi xem cần làm gì tiếp theo.
Khi dắt chó đi dạo trên cùng một con đường mòn, cách nơi khung cảnh của bức tranh “Midnight Shadows” (Bóng đêm) khoảng 20 yard, họa sĩ Gaedtke bất ngờ gặp một cảnh khác — chủ thể của bức tranh “Guiding Light” (Ánh sáng dẫn đường). Họa sĩ nói: “Xuyên qua bóng đêm, xuyên qua bóng tối, bạn có thể thấy những đốm sáng nhỏ dẫn đường cho bạn đi qua con đường mòn và lối nhỏ đó.” Mặc dù, ông có thể nhìn nhận rằng đây sẽ là một cảnh đêm tuyệt vời, nhưng một lần nữa, ông lại muốn tạo ra một thứ gì đó khác biệt. Vì vậy, ông đã vẽ cảnh ban ngày cho bức “Guiding Light” (Ánh sáng dẫn đường) theo bố cục thẳng đứng, tập trung vào hàng cây dương để hướng người xem vào bức tranh.
“Tôi muốn người xem bước vào bức tranh, như thể họ thực sự hiện diện nơi đó — và họ muốn ở đó, lặng lẽ cảm nhận tiếng lạo xạo của tuyết dưới chân mình,” họa sĩ nói.
Hoàn thành ước mơ
Ông Gaedtke đã thực hiện được ước mơ trở thành một họa sĩ, vẽ nên những bức tranh đẹp. Khi còn là học sinh lớp hai, ông không thể tưởng tượng được làm thế nào mình có thể vẽ nên những bức tranh ấy. Nhưng nhờ sự chăm chỉ, sự hiếu kỳ không ngừng, và tình yêu dành cho nghệ thuật, ông đã tìm được những người thầy phù hợp để học hỏi.
Trong nhiều năm, họa sĩ này đã mở các lớp dạy vẽ và nhận kèm riêng các học trò tại xưởng vẽ của mình. “Thật tuyệt khi có thể chia sẻ mọi thứ mà bạn học được và có thể truyền lại cho người khác.”
Ông vẫn tham khảo lại các học liệu từ “Khóa Học Họa Sĩ Nổi Tiếng Dành Cho Những Người Trẻ Tài Năng” và cũng sử dụng chúng khi dạy cho các lớp và những học trò ông kèm riêng. Ông cho rằng các họa sĩ có hoài bão nên tham dự những hội thảo của các họa sĩ mà mình ngưỡng mộ, hơn là những họa sĩ thời thượng — và họ phải làm việc chăm chỉ, theo đuổi những gì họ muốn học, và không nản lòng. Đối với những họa sĩ vẽ phong cảnh mang hoài bão lớn, ông khuyên họ nên vẽ tranh ngoài thiên nhiên tươi đẹp và học hỏi trực tiếp từ chân lý của tự nhiên.
Để tìm hiểu thêm về họa sĩ vẽ phong cảnh Jake Gaedtke, mời quý vị truy cập trang: Landscape-Art.com
Thu Quý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times