Nếu âm nhạc là nguồn nuôi dưỡng nghệ thuật
Thi hào William Shakespeare từng viết một câu nổi tiếng trong vở kịch ‘The Twelfth Night’ rằng, “Nếu âm nhạc là nguồn nuôi dưỡng tình yêu, thì hãy cất lên.” Tương tự với cảm xúc đó, âm nhạc cũng là nguồn nuôi dưỡng và truyền cảm hứng cho mỹ thuật.
Âm nhạc đã là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ từ thời cổ đại cho đến các thế kỷ tiếp theo, với các nhạc sĩ và ca sĩ được khắc họa như những người kể chuyện tài ba, những vị thần, và cả trong những câu truyện thần thoại. Việc nghiên cứu một số tác phẩm nghệ thuật lịch sử thông qua lăng kính âm nhạc mang lại một cách lý giải độc đáo cũng như hiểu biết đầy đủ về âm nhạc và các thời kỳ nghệ thuật.
Người chơi hạc cầm Cycladic
Tác phẩm nghệ thuật từ nền văn minh Cyclades “Marble seated harp player” (Người chơi hạc cầm ngồi bằng đá cẩm thạch) có từ thiên niên kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Hiện vật này được cho là tìm thấy trên đảo Naxos của Hy Lạp ngày nay, nơi nổi tiếng trong lịch sử về chất lượng của đá cẩm thạch. Bức tượng điêu khắc này là một trong những tác phẩm mô tả nhạc công sớm nhất từng được biết đến. Ban đầu, tác phẩm bằng đá cẩm thạch này được tô điểm bởi các họa tiết trang trí. Phân tích khoa học đã tiết lộ rằng các tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch ở thời kỳ Cyclades thường được sơn bằng các chất liệu màu có nguồn gốc từ khoáng chất, chẳng hạn như chu sa (đỏ) và azurite (xanh lam).
Bức tượng này mô tả một nam nhân ngồi trên ghế có lưng tựa cao đang chơi một loại nhạc cụ, giống như hạc cầm có dây. Hạc cầm là một trong những nhạc cụ lâu đời nhất trên thế giới, với bằng chứng sớm nhất còn tồn tại có niên đại vào khoảng năm 2600 trước Công Nguyên. Việc tạo hình cẩn thận hai cánh tay cơ bắp và các khớp ngón tay của nghệ sĩ hạc cầm khiến người xem ấn tượng về sức mạnh [cơ thể] của một nhạc công. Ngón tay cái bên phải của nhạc công này ở tư thế nâng lên, cho thấy ông đang gảy lên một nốt nhạc. Vị nhạc công dường như vừa cất tiếng hát vừa đệm đàn, đầu ngửa ra phía sau và đôi môi trề ra phía trước.
Tác phẩm điêu khắc lôi cuốn này gợi nhắc về thời đại của thi hào Homer. Thời điểm đó, sử thi được sáng tác và truyền miệng với âm nhạc đi kèm trước khi được ghi chép lại bằng văn bản. Truyền thống truyền miệng đã giúp bảo tồn quá khứ huyền thoại. Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là bức tượng được tạc trước thời đại của thi hào Homer 20 thế kỷ. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng lâu đời và lớn lao của âm nhạc trong xã hội. Theo đoạn âm thanh trực tuyến của Viện Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, có lẽ là “nhạc công hạc cầm này hẳn cũng dạy về trí tuệ và lịch sử cho người dân của ông, hát cho họ nghe suốt đêm thâu khi họ quây quần bên ông.”
Dàn hợp xướng của những thiên thần
Vào những năm 1400, phần lớn tác phẩm nghệ thuật được sáng tác ở châu Âu vẫn mang phong cách thời kỳ Trung cổ. Một nhóm nghệ sĩ nói tiếng Flemish dần chuyển sang phong cách thời kỳ Phục Hưng và tạo nên các tác phẩm nghệ thuật theo trường phái hiện thực một cách chi tiết, với những kỹ pháp nghệ thuật mới mẻ và nâng cao hơn cùng những biểu tượng nghệ thuật phức tạp. Một trong những họa sĩ Phục Hưng phương Bắc thời kỳ đầu này là Jan van Eyck.
Tuy các học giả không còn xem họa sĩ van Eyck là người phát minh ra tranh sơn dầu, nhưng ông đã khai thác và vận dụng phương pháp này đến mức độ điêu luyện và ngoạn mục. Điều này có thể thấy trong kiệt tác đồ sộ “Ghent Altarpiece” của ông, được đặt làm cho Nhà thờ chính tòa Thánh Bavo ở thành phố Ghent và vẫn ở đó cho đến hôm nay, bất chấp hàng thế kỷ bị cướp bóc, trộm cắp, và gần như bị phá hủy.
Bức tranh sơn dầu lớn đầu tiên mang tính biểu tượng trong lịch sử nghệ thuật này rất giàu hình tượng Công Giáo và các chi tiết tỉ mỉ. Bức tranh tế đàn đa liên họa cho thấy các yếu tố hội họa và kỹ thuật đặc biệt, gồm cả việc khắc họa chân thực các loại vải đương thời, nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá giả mô phỏng, không gian phối cảnh, và có tới 75 loại hoa có thể được xác định, cây cối, và trái cây chín mọng mang biểu tượng của Cơ Đốc Giáo.
Hai tấm trên của bức đa liên họa “Ghent Altarpiece” miêu tả các thiên thần đang tham dự vào hoạt động trình diễn âm nhạc trên thiên giới. Phía bên trái, các thiên thần đứng xung quanh một bục giảng có họa tiết trang trí [và] giữ một bản thảo đang mở. Một số nốt nhạc được viết bằng ký âm mensural, đặc trưng của âm nhạc đa âm (là sự kết hợp đồng thời của hai hoặc nhiều dòng giai điệu độc lập được xướng lên cùng một lúc.) Thể loại âm nhạc này, với âm thanh siêu xuất như thuộc về thế giới khác, rất phổ biến vào thời của danh họa van Eyck. Mặc dù các chuyên gia không thể xác định chính xác bản nhạc mà các thiên thần đang cất lên, nhưng họ có thể phân biệt được cao độ giọng hát của từng thiên thần nhờ những biểu cảm trên gương mặt và vị trí khuôn miệng được điều chỉnh cẩn thận.
Ở phần tranh bên phải, là nhóm các thiên thần thứ hai đang chơi các nhạc cụ đệm cho các thiên thần đang hát. Người ta có thể nhìn thấy một thiên thần đang điều khiển ống thổi của đàn organ. Đàn organ, chủ thể chính trong phần tranh này, vốn có nguồn gốc từ thời cổ đại và được sử dụng trong âm nhạc thế tục, trở thành một nhạc cụ quan trọng của nhà thờ trong suốt thời kỳ Trung Cổ. Hạc cầm, cũng được miêu tả trong phần tranh này, rất phổ biến vào thời kỳ đó và gắn liền với những câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng của những người hát rong (những người sáng tác và biểu diễn thơ trữ tình).
Hạc cầm trong bức tranh đa liên họa “Ghent Altarpiece” được vẽ chân thực đến nỗi người xem có thể phân biệt được các dây đàn dày mỏng khác nhau giúp tạo ra các âm sắc khác nhau của nhạc cụ này. Thật vậy, hai nghệ sĩ Hubert và Jan van Eyck đã vẽ các nhạc cụ chân thực đến mức các nhà nghiên cứu có thể xác định chúng được làm từ loại gỗ nào. Vì rất ít nhạc cụ có từ thời của van Eyck còn tồn tại đến thời nay, nên những bức tranh như “Ghent Altarpiece” là một nguồn tài nguyên vô giá.
Những nhạc công của Caravaggio
Danh họa Michelangelo Merisi da Caravaggio, thiên tài không thể tranh cãi của hội họa Nam Baroque (nước Ý và Tây Ban Nha), cũng được truyền cảm hứng từ kỹ pháp vẽ tranh sơn dầu điêu luyện của các họa sĩ Flemish thời kỳ đầu.
Danh họa Caravaggio là một trong những họa sĩ có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử. Bức họa thuở ban đầu đầy sống động của ông, “The Musicians” (Những người nhạc công), sử dụng hình ảnh Thần tình yêu Cupid có cánh trong thần thoại đang hái nho để biến bức họa này thành một câu chuyện ngụ ngôn về âm nhạc và tình yêu. Ông đã kết hợp bố cục này với những ảnh hưởng đương đại, bao gồm những phong cách biểu diễn âm nhạc vào cuối thế kỷ 16 và một bức chân dung tự họa (chàng trai trẻ thứ hai từ phải sang). Sử gia nghệ thuật Andrew Graham-Dixon đã thảo luận trong cuốn tiểu sử nghệ sĩ của ông, “Caravaggio: A Life Sacred and Profane” (Danh Họa Caravaggio: Một Cuộc Đời Thiêng Liêng và Trần Tục), rằng họa phẩm này mang tính canh tân bởi vì lần đầu tiên trong nghệ thuật họa sĩ miêu tả việc chuẩn bị buổi hòa nhạc chứ không phải là buổi biểu diễn thực tế. Do đó, bức tranh này không phù hợp với các bức tranh đồng quê theo phong cách Venice hoặc âm nhạc nguyên mẫu của thế kỷ 16.
Nguồn cảm hứng cho bức tranh bán thân giàu nội hàm này có thể đến từ nhà bảo trợ của danh họa Caravaggio là Hồng Y Francesco Maria del Monte. Hồng y del Monte là người tích cực ủng hộ cho âm nhạc và mỹ thuật, quan tâm đến các phong cách mới. Ông đã đặt hàng bức họa “The Musicians” (Những người nhạc công), treo trong căn phòng ở cung điện La Mã của mình, nơi đặc biệt dành cho các buổi hòa nhạc riêng.
Bức họa thể hiện bước chuyển rõ rệt từ âm nhạc đa âm thời Trung cổ, như các thiên thần đã biểu diễn trong bức tranh đa liên họa “Ghent Altarpiece,” sang sự hồi sinh của phong cách đơn âm cổ đại cổ điển từ thế kỷ 16 trở đi (chỉ có một giọng ca duy nhất). Sử gia Graham-Dixon giải thích rằng buổi hòa nhạc sắp diễn ra trong tác phẩm “The Musicians” mô tả giọng hát đơn ca cùng với nhạc đệm, rõ ràng nhất là được đệm bởi đàn luýt.
Ông Jayson Kerr Dobney, nhà giám tuyển Bộ phận Nhạc cụ của Viện Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, giải thích rằng đàn luýt từng là nhạc cụ phổ biến nhất ở châu Âu thời Trung cổ. “Ban đầu, đàn luýt được chơi bằng cách dùng một miếng gảy để gảy dây, nhưng vào thế kỷ 15, nhạc công đàn luýt bắt đầu sử dụng những ngón tay của họ,” ông Kerr Dobney viết. Kỹ thuật này, có thể được nhìn thấy trong bức tranh của danh họa Caravaggio, cho phép các nhạc công có thể chơi những bản nhạc phức tạp hơn.
Bản tình ca
Nhóm thời kỳ Tiền Raphael (Pre-Raphaelite Brotherhood) thế kỷ 19 là nhóm các họa sĩ người Anh tìm cách mô phỏng lại phong cách của các nghệ sĩ Âu Châu trước thời Raphael. Các tác phẩm nghệ thuật của họ, với chi tiết tinh xảo và tính thẩm mỹ trong trang trí, thường khắc họa những chủ đề trong văn học và thơ ca, thường tập trung vào chủ đề tình yêu.
Ngài Edward Burne-Jones, một thành viên của nhóm Tiền Raphael, được truyền cảm hứng đặc biệt từ nghệ thuật, thần thoại, và tôn giáo thời Trung Cổ. Bức họa “The Love Song” (Bản tình ca) của ông, chủ đề và tác phẩm mà ông đã nghiên cứu nhiều lần trong suốt 15 năm, miêu tả khung cảnh sáng tác âm nhạc được lấy cảm hứng từ một bài hát cổ của Pháp với những ca từ: “Than ôi, tôi biết một bản tình ca, / Buồn hay vui, lần lượt ghé tới.”
Trái ngược với tác phẩm “The Musicians” của Caravaggio, ông Burne-Jones tái hiện những cảnh đồng quê thời Phục Hưng Venice trong bức họa “The Love Song” đầy màu sắc và lôi cuốn. Trong đoạn âm thanh trực tuyến của Viện Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, giám tuyển Emerita Katharine Baetjer giải thích rằng bố cục của bức họa này, với ba nhân vật ở phía trước, gợi nhớ đến một cửa sổ kính màu thời Trung Cổ.
Phía trước bộ ba nhân vật này có một viền hoa tượng trưng cho sự cay đắng và tình yêu. Chàng hiệp sĩ si tình, có lẽ là đại diện cho chính họa sĩ Burne-Jones, ngồi bên trái. Thiếu nữ chơi đàn ống (pipe-organ) dường như không để ý đến kẻ đang si mê mình. Một lần nữa, thần tình yêu Cupid lại xuất hiện trong tác phẩm nghệ thuật này trong bộ trang phục xếp nếp kiểu cổ xưa và đeo những mũi tên không sử dụng khi ông đang siết chặt ống thổi của cây đàn organ, tượng trưng cho mối liên hệ ẩn dụ giữa âm nhạc và tình yêu.
Chi Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times