Tầm quan trọng thực sự của số ba
Ngoài những mặt quan trọng khác của số ba, còn có ba phương thức chứng minh mà chúng ta dựa vào đó để thiết lập xã hội của mình.
Tôi khẳng định — một cách dõng dạc — rằng sau tính đơn nhất của một, số ba là quan trọng nhất!
Rõ ràng, con số ba mang những ý nghĩa quan trọng trong thần thoại và tôn giáo: Ba vị thần vĩ đại nhất của các vị thần Olympia Hy Lạp là ba anh em Zeus, Poseidon, và Hades. Và ba vị thần vĩ đại nhất của Ấn Độ Giáo là Brahma, Vishnu, và Shiva. Trong Thiên Chúa Giáo, Ba Ngôi gồm ba ngôi vị (Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần) song chỉ có Thiên Chúa là trung tâm.
Có một ý nghĩa sâu sắc mà trong đó ý tưởng ba-trong-một này không chỉ là một thần thoại hư cấu nào đó (theo nghĩa xúc phạm từ thần thoại), mà thực ra là một khía cạnh của thực tế mà chúng ta thường không nhận thấy.
Chẳng hạn, khi chúng ta nhìn vào cấu trúc của vũ trụ, chúng ta tìm thấy ba-trong-một ở khắp mọi nơi! Không gian là một khái niệm, nhưng nó được tạo thành từ ba chiều: dài, rộng, và cao. Thời gian là một khái niệm, nhưng nó cũng có ba chiều: quá khứ, hiện tại, và tương lai. Khối lượng tồn tại ở 3 trạng thái: rắn, lỏng, và khí. Triết học — bản thân tính hợp lý — có thể được xem là sự vận hành của chính đề, phản đề, và hợp đề. Theo quan niệm truyền thống, con người được cho là có thể xác, tâm trí, và linh hồn. Và còn nhiều ví dụ khác.
Một lĩnh vực mà tôi nghĩ thường bị bỏ qua là chứng minh hay kiểm chứng bất kỳ luận điểm hoặc niềm tin nào. Tại sao chúng ta tin những gì mình làm? Tất nhiên, không phải ai cũng có nhận thức rõ về bản thân, nhưng đối với những người hiểu được chính mình, niềm tin của họ đều có lý do và nếu bị buộc phải tranh luận, họ sẽ viện dẫn những bằng chứng của mình. Điều này áp dụng cho chính trị cũng như cho các tôn giáo, cho các cân nhắc về xã hội cũng như thẩm mỹ.
Ba yếu tố của bằng chứng
Chúng ta hãy xem xét ba yếu tố tạo nên bằng chứng. Thứ nhất, truyền thống là một dạng bằng chứng. Những gì đã được nói, đã làm hoặc đã thực hành trước đó – lúc đó chúng đã khởi tác dụng, phải vậy không? Vậy tại sao bây giờ chúng ta phải thay đổi bất cứ điều gì? Và ngẫu nhiên là, điều này không chỉ liên quan đến các thực hành tôn giáo hay xã hội, như thể bản thân khoa học cũng không phải chịu trách nhiệm tương tự đối với những truyền thống của chính nó, luôn chống lại những thay đổi và tiến bộ bất kể bằng chứng mới thuyết phục đến đâu. Như tác giả Thomas Kuhn đã nhận xét trong cuốn “Cấu Trúc của Các Cuộc Cách Mạng Khoa Học” (The Structure of Scientific Revolutions) xuất bản năm 1962, các nhà khoa học tập trung vào việc tinh chỉnh và mở rộng các lý thuyết hiện có hơn là thách thức những giả định hàm ẩn.
Nếu chúng ta xem xét các tôn giáo, chắc chắn Giáo hội Công Giáo từ lâu đã có yếu tố truyền thống mạnh mẽ, và thực sự chính truyền thống này đã trở thành một trong những lĩnh vực gây tranh cãi trong thời Cải cách Tin lành; Những người Tin Lành tìm thấy bằng chứng cho quan điểm của họ, không phải ở truyền thống, mà là ở khía cạnh thứ hai.
Thứ hai, là về thẩm quyền. Kinh Thánh hay, nói chung hơn, những cuốn sách hoặc bài học có thể được kiểm tra trực quan, chính thức là một nguồn bằng chứng. Chúng ta đã đề cập đến việc người Tin Lành bác bỏ một số truyền thống Công Giáo, và tại sao lại như vậy? Bởi vì họ cũng tìm kiếm bằng chứng cho niềm tin của họ nơi Kinh Thánh, điều mà họ coi là mâu thuẫn với một số truyền thống của Công Giáo.
Trớ trêu thay, khi những người Tin Lành mới bắt đầu, họ có Kinh Thánh, nhưng không có truyền thống, vì theo định nghĩa, họ vừa mới bắt đầu. Khoảng bốn trăm năm sau, tất cả họ, thuộc các giáo phái khác nhau, đã tích lũy vô số truyền thống. Nếu những người Tin Lành muốn nhất quán, họ sẽ cần phải xem xét những điều này dựa trên Kinh Thánh.
Cuối cùng, bằng chứng thứ ba (chúng ta có thể sử dụng nhiều từ khác nhau ở đây) là lương tâm của chúng ta, nhân chứng nội tâm, “tiếng nói của lương tâm,” trực giác của chúng ta — một thứ gì đó bên trong mách bảo chúng ta điều gì đúng hay sai, thiện hay ác. Nếu quay trở lại cuộc ly khai của Tin Lành khỏi Công Giáo, chúng ta có thể nhận thấy rằng rất nhanh chóng, sau khi phong trào Tin Lành phổ biến trên khắp châu Âu, chính nó cũng tự tách ra. Chỉ đề cập đến một trong những sự chia rẽ đáng chú ý: Những tín đồ phái Giáo Hữu đã bác bỏ các truyền thống Cơ Đốc Giáo cũng như quyền uy duy nhất của Kinh Thánh, và thay vào đó, họ thay thế nó bằng “Chúa nội tại,” Lời Chúa vang trong thâm tâm con người: nói cách khác, tiếng nói trực tiếp của Chúa phán qua lương tâm.
Khi một bằng chứng áp đảo
Tất cả những điều này đều rất thú vị nhưng chúng liên quan gì đến hiện tại? Vấn đề là chúng ta thường có xu hướng ưu ái một yếu tố chính mà bỏ qua hai yếu tố còn lại, hoặc đôi khi chúng ta coi yếu tố thứ hai như phương án dự phòng thứ yếu, nhưng yếu tố thứ ba lại bị bỏ qua, hoặc thậm chí bị coi là tiêu cực. Điều này kiềm hãm chúng ta và đưa đến những vấn đề lớn như chúng ta sẽ thấy.
Xét theo góc nhìn lịch sử, chúng ta thấy ba loại bằng chứng này là những chủ đề chi phối toàn bộ các thời đại lịch sử Âu Châu, một loại nét đặc trưng xuyên suốt nhiều thời đại khác nhau. Hãy để tôi giải thích rõ hơn.
Trong thời Trung Cổ ở Âu Châu, do chế độ phong kiến, phẩm trật Công giáo, và sự vắng mặt của máy in (chưa được phát minh) — tôi vừa đưa ra ba lý do — chủ yếu là một thế giới mà truyền thống được xem là bằng chứng và áp dụng cho mọi khía cạnh của cuộc sống.
Với sự xuất hiện của thời kỳ Phục Hưng, cuộc Cải cách Tin Lành và máy in, thế giới đã chuyển sang giai đoạn coi trọng thẩm quyền: bằng chứng được tìm thấy trong các kinh sách tôn giáo và những văn bản có thẩm quyền. Người ta tranh luận về nội dung trong văn bản: Tôi nghĩ về những nhân vật như nhà thơ sử thi John Milton, người đã dùng phương tiện in ấn để tranh luận công khai với tất cả mọi người nhằm chứng minh tính đúng đắn của nền Cộng hòa Anh quốc (vào thời điểm đó).
Tất nhiên, tôi không gợi ý rằng trong hai thời đại này mọi người đều dựa vào cái này (truyền thống) hay cái kia (thẩm quyền), vì đã và luôn luôn có sự pha trộn. Ví dụ, những tín đồ phái Giáo Hữu đưa ra một góc nhìn khác về bằng chứng cho tôn giáo của họ.
Ở châu Âu, có vẻ như chúng ta đã trải qua khoảng 500 năm với các giá trị và bằng chứng dựa trên truyền thống, tiếp theo là 400 năm lấy thẩm quyền của Kinh Thánh làm kim chỉ nam, và giờ đây chúng ta đang ở một giai đoạn khác của lịch sử loài người. Chắc chắn rằng, sau Đệ nhị Thế chiến, chủ nghĩa hậu cấu trúc, và sự thật chủ quan, chúng ta hiện đang ở thời đại mà tiếng nói bên trong là bằng chứng chủ chốt. Chỉ có điều bây giờ, một cách kỳ lạ, điều này đã không còn là lương tâm mà những tín đồ phái Giáo Hữu ban đầu đề cao, cũng không phải là sự giác ngộ tâm linh của các tôn giáo Đông phương và các nhà huyền môn trong các truyền thống khác. Không, nó đã trở thành một nơi duy ngã, nơi những gì tôi “cảm thấy” luôn đúng và vượt lên trên bất kỳ thực tế khách quan, bất kỳ sự thật, cũng như bất kỳ sự xem xét nào đối với dữ liệu, ý kiến trái chiều, hoặc phản biện.
Bằng cách nào đó, chúng ta đã thiết kế ra một thế giới trong đó tính chủ quan tuyệt đối đã thay thế những giá trị truyền thống và sự thật khoa học. Và đối với những “tín đồ,” đây chính là tôn giáo của họ!
Điều này hết sức bất thường về mọi mặt: Đàn ông là phụ nữ, phụ nữ là đàn ông; tự do ngôn luận, tự do tư tưởng là xấu vì nó gây khó chịu và khiến mọi người không thoải mái; tội diệt chủng là tốt “trong bối cảnh cụ thể,” và v.v. Tất cả những ý tưởng phi lý và ghê tởm mà chỉ 20 năm trước, bất kỳ người có học thức nào cũng có thể bác bỏ thẳng thừng thì giờ đây đã trở thành những niềm tin phổ biến, những niềm tin “đã được chứng minh.”
Tất nhiên, chúng được chứng minh, vì không còn các truyền thống tri thức chung và được mọi người đồng thuận; và không còn cuốn sách hay kinh sách tôn giáo nào có quyền uy. Và mọi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, không còn đọc sách nhiều như xưa.
Vì vậy, khi thiếu vắng truyền thống, và thiếu vắng sách vở, và không có bất kỳ sự rèn luyện nào trong các lĩnh vực như cầu nguyện, thiền định, chánh niệm và những điều tương tự, thì niềm tin hão huyền rằng những gì tôi suy nghĩ luôn đúng (bất kể việc suy nghĩ thực sự diễn ra ít ỏi đến mức nào) đã chiếm ưu thế và trở thành một thành phần chính trong văn hóa của chúng ta. Nguy hiểm là, đó là một văn hóa chết.
Bước đầu tiên để chống lại xu hướng này là nhận ra bản chất thực sự của nó. Bước thứ hai là thừa nhận những bằng chứng của ba yếu tố: truyền thống, quyền uy, nội tâm. Chúng ta cần cả ba. Và bước thứ ba là chủ động phê phán — bất cứ nơi nào chúng ta gặp phải — và thách thức tất cả chủ nghĩa chủ quan ngớ ngẩn này: Thách thức chúng bằng những ý tưởng tuyệt vời từ những truyền thống vĩ đại của chúng ta (và giải thích tại sao chúng vĩ đại) và cũng thông qua việc sử dụng những kiến thức cao cả đến từ nghiền ngẫm sách vở, dù về lịch sử, khoa học, hay tôn giáo.
Hòa Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times