Vẽ tranh minh họa bằng ân điển của Thiên Chúa
Phỏng vấn họa sĩ người Mỹ Bernadette Carstensen về các tác phẩm thiêng liêng của cô.
Có trụ sở làm việc tại San Francisco, họa sĩ vẽ tranh minh họa Bernadette Carstensen khắc họa những câu chuyện thiêng liêng vượt khỏi giới hạn của ngôn ngữ. Nhiều tác phẩm của cô là đơn đặt hàng ủy thác của Giáo hội. Tuy nhiên, đây là con đường sự nghiệp mà [ban đầu] cô không có ý định sẽ theo đuổi.
Lớn lên ở thành phố Circleville, tiểu bang Ohio (cách thủ phủ Columbus 40km về phía nam), cô Carstensen từng mơ ước trở thành một họa sĩ minh họa sách. Cha mẹ cô đều theo học chuyên ngành nghệ thuật, họ đã lấp đầy tư gia bằng các tác phẩm nghệ thuật tinh xảo và những cuốn sách phiêu lưu được minh họa bởi họa sĩ minh họa sách người Anh Arthur Rackham (1867–1939). Các nghệ sĩ này đã thổi hồn cho những câu chuyện, và cô hoàn toàn có ý định sẽ nối gót họ.
Đầu tiên, cô theo học chuyên ngành tranh minh họa tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật & Thiết kế Columbus (Columbus College of Art & Design), cùng trường mà cha mẹ cô đã tốt nghiệp. Tại đó, cô học được các phương pháp và cách kinh doanh trong việc sáng tạo và bán những câu chuyện trực quan đầy mạnh mẽ. Cô cũng học được tầm quan trọng của việc tạo ra các hình mẫu cụ thể cho các tác phẩm của mình, thay vì chỉ dựa vào trí tưởng tượng. Đối với các nhân vật, điều này có nghĩa là chụp hình và vẽ phác thảo những người mẫu mặc trang phục đang tạo dáng trong xưởng vẽ.
Sau khi tốt nghiệp, cô đã không tìm được công việc mà mình ao ước. Cô là giáo dân lâu năm tại Nhà thờ Thánh Patrick ở Columbus. “Tôi luôn tham dự Thánh Lễ vào mỗi cuối tuần, nhưng [tôi] thực sự chỉ đang vật lộn để sắp xếp lại cuộc đời mình,” cô chia sẻ qua điện thoại.
Khải huyền hiển linh
Thế rồi, vào năm 2013, một người bạn của gia đình đã gửi cho cô thông tin về “Apocalypse Prize” (Giải thưởng Khải huyền), một cuộc thi nghệ thuật xoay quanh sự khải huyền được mô tả chi tiết trong Sách Khải Huyền. Để tham gia, các nghệ sĩ phải sáng tạo bất kỳ tác phẩm nào dựa trên những khải thị của Thánh John, đồng thời vẫn phải bám sát phong cách nghệ thuật của bản thảo viết tay thời Trung Cổ (cũng được gọi là chất thơ). Phong cách cổ xưa này có bố cục phẳng cùng rất nhiều các biểu tượng linh thiêng (hoặc ‘các phép loại suy được lồng ghép trong Kinh thánh,’ theo video giới thiệu của cuộc thi).
Cô quyết định sáng tác một bức tam liên họa (nghĩa là tác phẩm gồm 3 bức tranh mang tính sùng đạo) về khải thị của Thánh John cho tác phẩm dự thi của mình, nhưng trước khi đặt cọ lên tấm vải canvas, cô phải đọc lại Sách Khải Huyền và cũng học cả ngôn ngữ của nghệ thuật viết tay thời Trung cổ. Ban tổ chức tặng cho các nghệ sĩ tham gia cuộc thi một bộ tài liệu, bao gồm sách hướng dẫn mô tả quá trình tạo ra các bản thảo chiếu sáng (illuminated manuscripts)* và các biểu tượng truyền thống liên quan. Ví dụ, theo truyền thống thì các đám mây thường bao quanh Chúa, các thiên thần luôn đi chân trần, và kích thước của các nhân vật sẽ tương tự như trong hệ thống phân cấp Thánh — ví dụ, các vị Thánh sẽ được vẽ lớn hơn con người.
“Ngay cả khi bạn muốn cách điệu hóa tác phẩm nghệ thuật của mình thì bạn phải có [kiến thức] nền tảng, để có thể khắc họa mọi thứ một cách chân thực, như bạn nhìn thấy chúng,” cô giải thích. Chỉ khi điều gì đó được thừa nhận rộng rãi rồi, thì nó mới có thể thông đạt mà gần như không cần lời giải thích, xuyên suốt các nền văn hóa.
Để tìm nguồn cảm hứng, cô đã tham khảo rất nhiều bức tranh thời Phục hưng, đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật Phục hưng phương Bắc, như bộ ba bức tranh “Last Judgment” (Sự Phán Xét Cuối Cùng) của họa sĩ Hans Memling và bức đa liên họa “Ghent Altarpiece” của danh họa Jan van Eyck, một bản sao của các tác phẩm này được treo trong xưởng vẽ của cô. Chẳng hạn như, trong bộ tam liên họa của mình, cô đã vẽ con rồng dưới chân Đức Mẹ Đồng Trinh dựa theo những con rồng mà cô từng thấy trong các bức tranh của họa sĩ Hieronymus Bosch.
Cô vẽ tác phẩm bằng màu gouache, một loại sơn gốc nước mà cô bắt đầu sử dụng sau khi giáo viên mỹ thuật ở trường trung học nói với cô rằng, đây là chất liệu khó thành thạo nhất. Màu gouache cho ra kết quả tương tự như màu keo trứng (egg tempera), loại sơn được dùng trong các bản thảo viết tay thời Trung cổ. Cô Carstensen giải thích rằng màu gouache tạo ra lớp bề mặt phản chiếu ánh sáng nhưng không thể đạt được độ tương phản sâu như chất liệu sơn dầu.
Tác phẩm này rất giàu ý nghĩa. Chẳng hạn như cây ô liu ở bức tranh bên trái tượng trưng cho hai nhân chứng. Và ở bức tranh trung tâm, cô Carstensen miêu tả Đức Mẹ, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, từ Thiên giới hạ phàm trên một vầng trăng khuyết, biểu tượng truyền thống như được viết trong Sách Khải Huyền 12:1.
Mặc dù loại sơn và biểu tượng mà cô chọn rất phù hợp với phong cách thời Trung cổ, nhưng cô không thể cưỡng lại được việc thêm một phong cách tự nhiên hơn vào bức tranh, trái ngược với phong cách bản thảo viết tay thời Trung cổ vốn tuân theo bố cục phẳng mà không thể hiện sự phối cảnh hay chiều sâu của khung hình.
Việc tham gia cuộc thi đã có tác động sâu sắc đến cuộc đời cô. Trong khi đọc lại Sách Khải Huyền, cô đã có một sự cải biến. “Nhờ ân điển của Chúa mà việc đọc Kinh Thánh đã chuyển hóa tâm tôi,” cô kể. Và từ đó trở đi, cô đã nhận được những ủy thác nghệ thuật thiêng liêng và cũng tập trung vào việc vẽ tranh minh họa các vị Thần.
Các tu sĩ Dòng Đa Minh
Năm 2016, mẹ cô Carstensen đề nghị cô vẽ một tác phẩm lớn để mừng lễ kỷ niệm 800 năm Dòng Thánh Đa Minh; nhà thờ mà gia đình cô hành lễ thuộc dòng thánh này (Nhà thờ Thánh Patrick ở Columbus). Dường như đây là một thời điểm hoàn hảo. [Vì lúc đó] cô đang thất nghiệp và sống cùng cha mẹ, cho nên cô có thể dành cả ngày cho tác phẩm đa nhân vật đầu tiên của mình, có tên là “Domincans” (Các Tu Sĩ Dòng Đa Minh).
Đầu tiên, cô chọn các vị Thánh và Chân Phước (Á Thánh) từ cuốn sách có tên là “St. Dominic’s Family” (Gia Đình Dòng Thánh Đa Minh) của Sơ Mary Jean Dorcy; cuốn sách này mô tả ngắn gọn tiểu sử của hơn 300 tu sĩ Dòng Đa Minh. Cô thấy rất xúc động khi tìm hiểu thêm về các vị tu sĩ này.
Vì muốn mỗi nhân vật đều có thể dễ dàng nhận biết, cô đã chọn các nhân vật nổi tiếng như Thánh Pius V (Giáo hoàng), Thánh Thomas Aquinas, và Thánh Catherine thành Siena, cùng một số nhân vật ít người biết đến như Chân phước Anthony Neyrot (người đội khăn xếp), Chân phước Fra. Angelico (người cầm bảng màu vẽ) và Thánh Zedislava Berka (người cầm khiên). Cũng giống như trong nghệ thuật thiêng liêng của nhiều thế kỷ trước, cô khiến mỗi nhân vật có thể được nhận biết thông qua những đồ vật mà họ cầm, những đồ vật có thể tiết lộ thứ bậc của họ hoặc cách họ tử vì đạo, cùng nhiều ý nghĩa khác. Ví dụ, Chân phước Jean -Joseph Lataste, ngoài cùng bên trái, cầm lá cờ của The Province of St. Joseph (Tỉnh Dòng Thánh Joseph), còn được gọi là Eastern Province (Tỉnh Miền Đông) (thành lập năm 1805), và ngài cầm một hộp sọ tượng trưng cho Thánh Mary Magdalene. Theo trang web Ordo Praedicatorum, trong khi chuyển di hài tích của vị thánh này vào năm 1860, chân phước Jean -Joseph Lataste đã nghĩ rằng: “Quả thật là những tội nhân lớn nhất có trong mình những phẩm chất để trở thành những vị Thánh vĩ đại nhất; ai biết được liệu một ngày họ có thể trở thành như vậy hay không.” Sau đó, ông đã thành lập House of Bethany (Ngôi nhà Bethany) dành cho những người phụ nữ đã hối cải và muốn quay về với Chúa.
Cô Carstensen đã lùng sục khắp các cửa hàng đồ cũ để tìm những tấm vải và trang phục khoác lên các nhân vật Thánh, và mượn phẩm phục của một trong các linh mục để mặc cho bạn bè và người thân của cô khi họ làm mẫu trong các bức ảnh tham khảo. Hầu hết trong các bức tranh minh họa đều có hình ảnh người chồng và con gái lớn của cô, bé Brigid (xuất hiện trong vai trò là Chúa Hài Đồng trong các tác phẩm thời đầu của cô; con trai cô đảm nhận vai diễn này trong các tác phẩm gần đây hơn). Sau đó, cô xếp từng bức chân dung nhân vật lên bố cục bức tranh trước khi tạo ra tác phẩm cuối cùng.
Tác phẩm này thực sự gây được tiếng vang với mọi người, và không lâu sau đó, các ủy thác tương tự cũng đến, trong đó có yêu cầu của Cha Donald Calloway để khắc họa hình ảnh “St. Joseph Terror of Demons” (Thánh Joseph Khiến Ác Quỷ Khiếp Nhược). Cha Calloway muốn có một tác phẩm tương tự như “Dominicans” (Các Tu Sĩ Dòng Đa Minh) nhưng mà với bố cục dọc, [trong đó] Thánh Joseph Khiến Ác Quỷ Khiếp Nhược được các nhân vật thiêng liêng bao quanh. Ông đang viết một cuốn sách có nhan đề là “Consecration to St. Joseph: The Wonders of Our Spiritual Father” (Tận Hiến cho Thánh Joseph: Những Điều Kỳ Diệu về Người Cha Thiêng Liêng của Chúng Ta), và ông chỉ định những nhân vật mà ông muốn có trong cuốn sách minh họa này.
“Tác phẩm này chắc chắn là thử thách lớn hơn,” cô Carstensen nói. Cô giải thích rằng bố cục theo chiều dọc khiến việc sắp xếp các nhân vật khác nhau trở nên khó khăn, để tránh tình trạng quá chen chúc trong bức tranh.
Cha Calloway đã nghĩ ra tư thế thần bản mệnh của Thánh Joseph, khi ngài bế Chúa Hài Đồng, người giết con rồng quỷ dưới chân Thánh Joseph bằng thân của nhành hoa huệ tây. “Chủ ý để thể hiện [rằng,] sự thánh khiết của Chúa là điều đã tiêu diệt ác quỷ, và đó là lý do tại sao hoa huệ tây tượng trưng cho sự thánh khiết, và biến thành một ngọn giáo,” cô chia sẻ.
Cô Carstensen chưa hài lòng với tác phẩm này nên đã vẽ một bức tranh khác về [chủ đề] Thánh Joseph Khiến Ác Quỷ Khiếp Nhược, mà không có các nhân vật xung quanh. “Tôi yêu bức tranh này; tôi treo nó trong phòng ngủ của mình,” cô cho biết. Cô thích ngắm nhìn bức tranh khi cầu nguyện, và bức tranh này cũng là một tác phẩm giàu cảm xúc, vì cả chồng và con gái cô đều làm mẫu cho tác phẩm này. Cô không phải là người duy nhất yêu thích bức tranh này. Các giám khảo tại Viện Nghệ thuật Công Giáo đã trao cho tác phẩm này giải ba của “Sacred Art Prize” (Giải thưởng Nghệ thuật Thiêng Liêng) năm 2021 của Viện.
Một trong các tác phẩm ủy thác đa nhân vật khác của cô đã đặt ra thách thức khác: khắc họa nhiều nhân vật tôn giáo đương đại. Viện Benedict XVI đã ủy thác thực hiện một tác phẩm nghệ thuật cho bản thánh nhạc “Missa Sancti Juniperi Serra” của nhà soạn nhạc Frank La Rocca, một bản Thánh lễ mới tôn vinh Thánh Junipero Serra. Trong tác phẩm “St. Junipero Serra and American Saints” (Thánh Junipero Serra và Các Vị Thánh của Nước Mỹ), cô đặt vị Thánh này ở trung tâm, trước vạn vật, bên cạnh ngài là các vị Thánh của nước Mỹ và những người đang trong quá trình phong thánh. Một số người tin rằng vị thánh này đã lạm dụng hình ảnh của người Mỹ thổ dân. “Đây là cách để chúng tôi tôn vinh ngài ấy và … chỉnh sửa lại tư liệu,” cô cho hay.
Tính nhân văn phổ quát
Tuy quá khứ đã truyền cảm hứng cho cô, nhưng cô cũng xúc động trước những trải nghiệm cuộc sống của mình. Cô sử dụng phong cách tự nhiên để diễn giải nhẹ nhàng về Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng, khi được ủy quyền từ một trong các mục sư trong nhà thờ của cô. Cô vừa mới làm mẹ, và bố cục tranh phản ánh bản năng làm mẹ của cô. Đức Mẹ ngước nhìn Chúa Hài Đồng một cách trìu mến. “Chúa đang đội hoa cho Đức Mẹ, tượng trưng cho những gì sẽ đến khi cả hai đều ở trên thiên đàng,” cô chia sẻ trên trang web của mình.
Cô Carstensen không ngừng nỗ lực để làm chủ nghệ thuật của mình. Cô mong muốn mọi người thưởng lãm các bức tranh minh họa này và có thể hiểu câu chuyện ngay lập tức.
Về tất cả các tác phẩm nghệ thuật của mình, cô nói: “Tôi muốn mọi người thực sự đồng cảm với các nhân vật, … cảm nhận được tính hiện thực của tâm linh, và hy vọng có thể giúp đỡ mọi người cùng lòng mộ đạo của họ.”
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tôi tại [email protected], và tiếp tục tìm thấy nguồn cảm hứng hàng ngày bằng cách ghi danh nhận bản tin Inspired newsletter tại TheEpochTimes.com/newsletter
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Time