Tranh sơn dầu tả thực nhân vật, cảm động và thăng hoa vượt thời không (Phần 1)
Một bức họa vì sao có thể cảm động lòng người? Lấy tranh sơn dầu tả thực nhân vật làm ví dụ, từ đề tài đến hình thức nghệ thuật đều lưu lại truyền thống vô cùng phong phú. Quan sát tỉ mỉ để thể hội, chúng ta có thể phát hiện giá trị nghệ thuật bên trong.
Khi đánh giá một bức tranh nhân vật, điều đầu tiên mọi người xem xét là chủ thể của bức tranh. Đó là một cá nhân, là cử động giữa hai người, là kết cấu ba người hay là cảnh tượng lớn với nhiều người. Sau đây chúng ta hãy cùng thưởng thức một số kiệt tác tranh sơn dầu tả thực trong lịch sử theo thứ tự số lượng nhân vật.
Tranh chân dung tái hiện tinh thần thời đại
“Chân dung của Baldassare Castiglione” (Ritratto di Baldassarre Castiglione) là tác phẩm trong thời kỳ đỉnh cao của văn nghệ Phục Hưng của họa sĩ người Ý Raffaello Sanzio (1483~1520). Nhiều người nhận xét, họa sĩ Raffaello là người hiền hòa, tính cách tao nhã. Các bức tranh của ông cũng y như vậy.
Baldassare Castiglione là Đại sứ của Pháp tại Anh quốc. Ông là người theo chủ nghĩa nhân văn, tác giả của cuốn sách bán rất chạy ở châu Âu “Cuốn sách của cận thần” (The Book of the Courtier), và cũng là bạn của Raffaello. Trong bức tranh, ông cẩn trọng, trang nghiêm, thân thiện, trầm tĩnh, phong thái hoàn toàn phù hợp với thân phận.
Baldassare Castiglione là nhân vật đại biểu của quý tộc Hoàng gia thời kỳ văn nghệ Phục Hưng, do đó phục sức của nhân vật chính từ màu sắc đến chất liệu đều rất sang trọng. Màu nâu vàng chủ đạo phối với một chút xám bạc và trắng, sự tương phản sáng tối khiến bức tranh như có ánh sáng chiếu vào. Đường viền ưu nhã của khuôn mặt bao hàm vận luật, đôi mắt màu lam nhạy bén nhìn thẳng vào người xem, lộ ra thần sắc hồng hào.
Thông qua nét bút lão luyện và màu sắc đơn thuần, họa sĩ Raffaello đã thể hiện một cách sinh động phong thái và dáng dấp cá tính của nhân vật. Màu sắc và hình thức của bức tranh lồng ghép vào nhau một cách có trật tự trong sự điềm tĩnh. Qua bức tranh này, người xem có thể lĩnh hội sâu sắc văn hóa tinh thần của thời kỳ văn nghệ Phục Hưng.
Vì để biểu hiện người và vạn vật do Thần sáng tạo một cách trung thực, Raffaello đã nỗ lực dùng kỹ nghệ đạt đến độ hoàn thiện. Nếu quan sát tinh tế, quý vị sẽ phát hiện nguyên tắc “tái hiện nghệ thuật chân thực” xuyên suốt toàn bộ các tác phẩm của ông.
Tình hữu nghị sâu đậm và phép ẩn dụ sâu sắc
Chúng ta cùng xem tiếp bức “The Ambassadors” (Các vị Đại sứ). Đây là bức tranh của họa sĩ người Đức Hans Holbein the Younger (1497~1543), được ủy thác sáng tác vào năm 1533.
Bên trái bức tranh là quý tộc trẻ người Pháp Jean de Dinteville, lúc đó phụng lệnh Vua François I đến Luân Đôn làm Đại sứ. Tay phải cầm một thanh đoản kiếm, chuôi kiếm hoa lệ phản ánh độ tuổi của nhân vật – 29 tuổi. Bên phải là người bạn của Jean de Dinteville, vị học giả xuất sắc Georges de Selve, vài năm trước mới nhận lệnh làm Giám mục Lavaur ở Pháp. Cuốn sách bên dưới khuỷu tay cũng phản ánh độ tuổi của nhân vật này – 25 tuổi. Năm 1533, Georges đến Luân Đôn thăm Jean de Dinteville. Hai người đã mời Hans Holbein the Younger vẽ bức tranh để lưu lại kỷ niệm vĩnh viễn về tình hữu nghị của họ.
Nhìn tướng mạo của hai người trong bức tranh, tư thế đứng thẳng, trên người mặc phục sức trang trọng như tơ lụa, nhung thiên nga, lông thú và dải lụa vàng .v.v. Tất cả đều được miêu tả rất chân thực tinh tế, cho thấy họ vừa là những học giả phát triển những lĩnh vực tri thức mới của nhân loại, vừa là quý tộc quyền thế hiển hách, là những nhân vật phi phàm vào thời kỳ văn nghệ Phục Hưng.
Trên chiếc bàn hai tầng giữa hai người xếp đầy những vật phẩm liên quan đến âm nhạc, thiên văn học, bản đồ học .v.v. đại biểu cho bốn môn học lớn trong giáo dục – hình học, toán học, thiên văn, âm nhạc. Điều này cho thấy, tri thức của họ rất phong phú.
Trong những dụng cụ thiên văn và hàng hải được bày trên chiếc khăn Thổ Nhĩ Kỳ ở tầng trên, có một chiếc đồng hồ hình trụ đang chỉ ngày 11/04. Một chiếc đồng hồ hình đa giác khác hiển thị hai thời gian khác nhau trong một ngày. Còn chiếc đàn luýt tượng trưng cho sự hài hòa thì đứt một dây, có thể là ám chỉ cuộc phân tranh giữa Tân giáo và Thiên Chúa giáo, cũng ẩn ý cho thế sự mong manh lúc bấy giờ.
Trang sách mở ra ở trước cây đàn luýt là Thánh ca. Ở mép trên bên trái của bức tranh có một bức tượng Chúa Jesus chịu nạn nhỏ, mặt hướng về hai nhân vật chính.
Ở trung tâm gạch lát sàn trong bức tranh có một đầu lâu người được vẽ bằng thủ pháp biến hình. Nhìn từ phía chính diện sẽ không cảm nhận được đó là cái gì, chỉ có nghiêng sang bên trái, nhìn ở khoảng cách gần mới có thể nhận ra hình dạng của nó. Đầu lâu là ẩn dụ của cái chết, ám chỉ tất cả vinh hoa phú quý và thành tựu công nghiệp của nhân loại đều là những thứ huyễn hoặc vô thường, nháy mắt sẽ tiêu tan.
Khi thưởng thức tác phẩm từ phía chính diện, cái bức tranh biểu hiện là cảnh tượng hiện thực sống động như thật, đầu lâu bên dưới chỉ giống như một chiếc bút lông mơ hồ không rõ. Thế nhưng khi quan sát từ một góc khác, liền có thể nhìn rõ hình dạng của nó – đầu lâu người trở thành chân thực, cảnh tượng hoa lệ liền biến thành hư ảo.
Bức “Các vị Đại sứ” đã cho thấy một cách đầy đủ khả năng nắm vững phép thấu thị của Hans Holbein the Younger. Bức tranh chân dung với kỹ xảo thuần thục này không chỉ là kỷ niệm của tình hữu nghị, mà còn phản ánh quan hệ chính trị giữa hai nước Anh – Pháp và bối cảnh của cải cách tôn giáo lúc bấy giờ, đồng thời ẩn dụ triết lý nhân sinh. (Còn tiếp)
Tài liệu tham khảo:
Khâu Thực, “Tán thưởng và phân tích phong thái nhân vật trong nghệ thuật phương Tây: Raphael”
Chu Di Tú, “Tán thưởng và phân tích những bức tranh nổi tiếng của phương Tây: ‘Các vị Đại sứ’ của Holbein”
Video liên quan: Đặc sắc của phương tiện và kỹ pháp vẽ tranh sơn dầu truyền thống
Tùy Phong biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ