“Thiên Thần báo hỷ” – nguồn cảm hứng dồi dào cho những họa sỹ bậc thầy thời Phục Hưng
Chúa Jesus giáng sinh chốn nhân gian là sự kiện lớn trong lịch sử nhân loại, và là việc được trời cao an bài. Kinh Tân Ước có nói đến sự an bài này qua câu chuyện “Thiên Thần báo hỷ”, câu chuyện cũng là cảm hứng sáng tác của các họa sĩ bậc thầy thời Phục Hưng.
Rất ít người biết rõ về tiểu sử của Đức mẹ Maria. Trong “Tân Ước” cũng chỉ ghi chép lại rất ít, hầu như người ta chỉ đọc được những điều liên quan tới bà trong những câu chuyện kể về “Thiên Thần báo hỷ” hay “Chúa Jesus giáng sinh”.
Chuyện kể rằng, Maria sống cùng cha mẹ của mình là Gioakim và Anna tại Nazareth, xứ Galilea. Lúc Maria ba tuổi, bà được đưa tới tham dự nghi thức tại Thần điện Jerusalem; khi đó bà đã tự mình trèo qua những bậc thang rất dài và đến đứng trước đại tế tự. Lớn lên, Maria được hứa hôn với Yuse, và trong khi bà còn chưa làm lễ cưới, Thượng Đế phái thiên sứ Gabriel xuống báo hỷ cho Maria rằng bà được chọn làm Thánh nữ; bà đang mang thai và tương lai sẽ hạ sinh một đứa bé trai; hãy đặt tên cho bé là Jesus. Maria đáp rằng: “Tôi tất nhiên đồng ý làm Thiên nữ của Thượng Đế.”
“Thiên Thần báo hỷ” luôn là một nguồn cảm hứng lớn cho các nghệ thuật gia thời Phục Hưng. Trong bức tranh không chỉ có Maria và Thiên Thần, còn thường có sự xuất hiện của chim bồ câu, đại diện cho sự thiêng liêng, ám chỉ Chúa Jesus sẽ giáng trần dưới hình thức một con người bằng da bằng thịt. Thiên Thần sẽ cầm trên tay một nhành bách hội, tượng trưng cho sự trinh khiết của Maria. Maria thì cầm một cuốn sách, tượng trưng cho lời dự ngôn được viết trong “Cựu Ước” về việc “xuất hiện một người phụ nữ hạ sinh con trai” đã ứng nghiệm. Có bức tranh còn lấy hình ảnh Adam và Eva trong vườn cấm làm bối cảnh, tượng trưng cho sự bại hoại của nhân loại và Giác Giả sẽ hạ phàm để cứu độ người thế gian.
Danh họa theo dòng Đa Minh, Fra Angelico, ưa thích sử dụng những chất liệu màu tươi sáng để diễn tả Thần linh. Ông cũng rất thích vẽ về cuộc gặp gỡ thần thánh giữa vị thiên sứ Gabriel và Đức Maria. Ông đã thể hiện rất chân thật tâm thái vui mừng của Đức Mẹ khi nhận sứ mệnh mà Thượng Đế ban xuống. Trên hành lang tại tu viện San Macro, bức tranh hiện lên sinh động với sắc trắng và đỏ của những bông hoa trong khu vườn, nơi chứng kiến khoảnh khắc “Thiên Thần báo hỷ”. Hình dáng Đức mẹ to lớn bên căn phòng nhỏ, dường như muốn nói Bà mới thực sự là chủ nhân của toà điện thần thánh này. Maria mặc một áo khoác màu xanh, một kiểu áo truyền thống có từ thế kỷ thứ 12, bên trong mặc chiếc áo trơn, không có trang trí, thể hiện sự nghiêm cẩn trong lối ăn mặc của Bà. Trong các bức họa cùng chủ đề, thông thường áo Maria mặc là màu khói tím, khoác ngoài chiếc áo dài màu đỏ, là màu sắc biểu thị cho sự bi thương. Fra còn vẽ áo của Thiên Thần màu hồng, thêu chỉ vàng tươi tắn, cùng với đôi cánh bảy sắc cầu vồng bằng lông vũ, thể hiện niềm vui trọn vẹn của Thiên đàng trong giây phút ân phúc này.
Còn bức tranh của danh hoạ người Ý Barocci được vẽ vào khoảng những năm 1582–1584 tại lễ đường lại thể hiện sự phức tạp bằng những điều đơn giản. Chính là thông qua thế tay của thiên sứ và Maria, cùng nụ cười điềm đạm của Bà, trong một góc còn có một chú mèo nằm ngủ… khiến một cảnh tượng thần thánh bỗng chốc hoà lẫn với sự bình dị đời thường; khiến người xem cảm giác được tính chân thực và gần gũi của bức tranh. Hoá ra một sự việc kỳ diệu như thế lại có thể chân thực xuất hiện trong cuộc sống đời thường chúng ta.
Hoạ sĩ Leonardo Da Vinci cũng đã sáng tác tác phẩm “Lễ truyền tin” vào khoảng những năm 1472-1473. Ông sử dụng bút pháp tường thuật thể hiện biểu cảm của nhân vật, đồng thời màu sắc được vẽ lên cũng vô cùng tinh tế. Kiến trúc đồ sộ phía sau Đức Mẹ cùng với chiếc kỉ án được chạm khắc tỉ mỉ nói lên không khí thần thánh trang nghiêm của cuộc gặp gỡ. Thành công lớn nhất của bức tranh, ẩn giấu ở vẻ đẹp cũng như cái “động” trong chuyển động của Thiên Thần. Chiếc đuôi váy dài màu đỏ đậm đang quét trên nền đất, dường như cho thấy thái độ nghiêm túc, trân trọng sự kiện này của vị Thiên Thần. Việc Thiên Thần hạ phàm cứu thế độ nhân, đó là việc vĩ đại và thần thánh tới nhường nào!
Biên dịch: Mặc Tâm