Kiệt tác nội thất từ New York: Hãng sản xuất Pottier & Stymus
Trong suốt thời đại Victoria, hãng sản xuất Pottier & Stymus từng là một trong những hãng thiết kế nội thất và đồ nội thất hàng đầu Mỹ quốc.
Thành phố New York từng là trung tâm sản xuất đồ nội thất và đồ trang trí nội thất sang trọng của Mỹ quốc vào cuối những năm 1870 và đầu những năm 1880. Kỷ nguyên hậu Nội chiến chứng kiến sự bùng nổ của các ngành kỹ nghệ sản xuất đồ gia dụng cao cấp, trùng với cao trào xây dựng nhà ở chưa từng có do tăng trưởng kinh tế quốc gia thúc đẩy.
Hãng sản xuất Pottier & Stymus từng là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực chế tác đồ nội thất tinh xảo, đậm tính nghệ thuật và các phương án thiết kế nội thất. Pottier & Stymus trở thành một trong những hãng lớn nhất trong ngành, tuyển dụng rất nhiều nghệ nhân có tay nghề cao, mới nhập cư từ Âu Châu. Hãng này có một phòng trưng bày và rất nhiều xưởng sản xuất ở Manhattan, và sau này, là ở Queens.
Ngày nay, những tác phẩm mang tính lịch sử của hãng thuộc sở hữu của nhiều bảo tàng khác nhau trên khắp Hoa Kỳ và tiếp tục được các nhà sưu tập tư nhân mua lại.
Những nghệ nhân đóng đồ nội thất cao cấp ở New York
Năm 1859, ông Auguste Pottier và ông William Stymus thành lập công ty lấy tên của mình. Họ quen biết nhau thông qua công việc trước đó: đốc công cho một nghệ nhân đóng đồ nội thất cao cấp ở New York. Sau khi ông chủ của họ qua đời, hai ông đã mua lại, đổi tên và mở rộng hãng này. Ông Stymus sinh ra và lớn lên ở New York, có cha mẹ là người Đức, đã có kinh nghiệm trong nghề bọc nệm. Ông Pottier là một người Pháp, đã được đào tạo nghề điêu khắc gỗ ở Paris. Công ty Pottier & Stymus non trẻ chuyên đóng đồ nội thất theo yêu cầu cho khách hàng trên khắp đất nước. Hãng còn tìm nguồn cung đồ cổ, lên ý tưởng và tiến hành trang trí nội thất.
Công ty kinh doanh ngày càng phát đạt: Danh sách khách hàng nổi bật của hãng tăng lên, trong đó có những tên tuổi lớn trong giới tài chính, những ông trùm đường sắt, và những người có quyền thế trong ngành khai thác mỏ. Đến năm 1871, cơ sở của hãng trên Đại lộ Lexington đã chiếm trọn nguyên dãy nhà phố nằm giữa đường số 41 và số 42. Vào thời hoàng kim, hãng Pottier & Stymus có đến 700 nhân công nam và 50 nhân công nữ, trong đó có kiến trúc sư, thợ chạm khắc, nhà thiết kế, họa sỹ, thợ may, thợ dệt, thợ bọc nệm, thợ kim loại, và thợ mạ vàng. Một tờ báo tiếng Pháp mô tả nơi đây như “xứ sở thần tiên.” Không chỉ là hãng thiết kế cho giới nhà giàu, hãng này còn sản xuất các dòng sản phẩm nội thất có giá rẻ hơn. Gộp chung, thì doanh thu của hãng vượt quá 1 triệu USD.
Các sản phẩm của hãng Pottier & Stymus mang nhiều phong cách khác nhau: Phục Hưng Ai Cập, Neo-Greco, Renaissance Revival (Tân Phục Hưng), Gothic hiện đại, và phong cách Nhật Bản. Đặc trưng của các tác phẩm được trang trí công phu này là việc sử dụng các tấm sứ, giá đỡ bằng đồng mạ vàng, và nhiều loại gỗ sang trọng. Các loại đồ nội thất tân thời được sản xuất gồm có tủ phòng khách — một kiểu tủ trưng bày điển hình vào thời kỳ này ở những gia đình nhà giàu mới nổi (nouveau-riche) — còn có bàn, ghế, ghế sofa, và bộ nội thất phòng ngủ.
Dự án danh tiếng nhất của hãng đến từ Tòa Bạch Ốc vào năm 1869. Tổng thống Ulysses S. Grant, trước đó là tướng chỉ huy Quân đội Liên bang miền Bắc trong cuộc Nội chiến, đã thuê công ty này trông nom việc tân trang tòa Dinh thự Điều hành (Executive Mansion – tên gọi trước của Tòa Bạch Ốc). Ông Stymus đã trực tiếp giám sát dự án tại Hoa Thịnh Đốn. Trong số những hiện vật đáng chú ý thuộc sở hữu của Hiệp hội Lịch sử Tòa Bạch Ốc ngày nay, có một bàn hội nghị bằng gỗ óc chó tiện dụng và chiếc ghế sofa mang phong cách ái quốc.
Chiếc bàn này từng là tâm điểm của Phòng Nội các. Bàn có tám ngăn kéo có thể khóa được nên mỗi thành viên trong nội các đều có không gian an toàn để chứa các tài liệu quốc gia. Một số hiệp ước quốc tế từng được ký kết trên chiếc bàn này. Ghế sofa theo phong cách Renaissance Revival, cũng bằng gỗ óc chó, nổi bật với họa tiết hình tấm khiên được cho là lấy cảm hứng từ Đại ấn Hoa Kỳ.
Những tác phẩm chịu ảnh hưởng từ phong cách Ai Cập đã làm nên tên tuổi của hãng. Việc khai trương kênh đào Suez vào năm 1869 đã đẩy trào lưu say mê văn hóa Ai Cập (Egyptomania) lên đến đỉnh điểm ở Hoa Kỳ vào những năm 1870. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan mô tả rằng, “Các món đồ trang trí nội thất theo phong cách Phục Hưng Ai Cập không hề giống với đồ nội thất được sản xuất ở Ai Cập, mà thay vào đó, đây là biểu hiện của niềm say mê với thế giới cổ đại và các nền văn hóa ngoại lai không phải của Tây phương.” Những vật dụng theo phong cách này có các họa tiết như đầu nhân sư, lá cọ, hoa sen, và chân động vật.
Niềm đam mê đối với các giá trị thẩm mỹ
Hội chợ Triển lãm Centennial vào năm 1876 là hội chợ thế giới đầu tiên ở Hoa Kỳ. Sự kiện được tổ chức ở Philadelphia để tỏ lòng tôn kính đối với nơi khai sinh bản Tuyên ngôn Độc lập và kỷ niệm 100 năm ngày ký văn bản này. Triển lãm được Tổng thống Grant khai mạc, trưng bày những thành tựu công nghiệp và nghệ thuật của quốc gia. Các hãng tham gia triển lãm được tiếp xúc với đông đảo công chúng và có cơ hội gặp gỡ các nhà bảo trợ tiềm năng. Hãng Pottier & Stymus trưng bày các mẫu đồ nội thất đương đại, trong đó có chiếc ghế bành được thêu và chạm khắc tinh xảo.
Cuộc triển lãm đã khơi dậy niềm đam mê của người dân đối với phong cách Aesthetic (*). Trào lưu này kéo dài suốt những năm 1880, đặc biệt thịnh hành ở New York. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan mô tả chủ nghĩa Duy mỹ (Aestheticism) là “một hiện tượng văn hóa của thời đại, tôn vinh cái đẹp như một lực lượng nghệ thuật, xã hội, và đạo đức, đặc biệt là trong phạm vi gia đình.”
Cùng thời với phong cách Aesthetic, mối quan tâm đến việc sưu tập và trưng bày nghệ thuật cũng ngày càng tăng cao, không chỉ ở nhà riêng, mà còn phục vụ mục đích giáo dục và giải trí công cộng. Nhiều bảo tàng nghệ thuật quan trọng của quốc gia đã được thành lập tại thời điểm này. Thật vậy, ông Pottier từng là một trong hàng trăm nhà bảo trợ đầu tiên của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan và tiếp tục quyên tặng chiếc ghế bành ở Triển lãm Centennial cho bảo tàng.
Bảo tồn ngôi nhà Glenmont
Ngôi nhà Glenmont ở West Orange, tiểu bang New Jersey, hiện là một phần của Công viên Lịch sử Quốc gia Thomas Edison. Đây là cơ hội hiếm có để chiêm ngưỡng các sản phẩm nội thất của hãng Pottier & Stymus được bảo tồn nguyên vẹn, bởi vì nhiều ngôi nhà mà hãng trang trí về sau đã bị phá dỡ. Hãng đã trang trí nội thất trong biệt thự Glenmont cho chủ sở hữu ban đầu của nó, người đã mua ngôi nhà vào năm 1879. Hãng Pottier & Stymus trang trí biệt thự này theo phong cách Gothic hiện đại và sang trọng, với các vật dụng do chính hãng sản xuất lẫn thu mua. Bảy năm sau, ông Thomas Edison mua lại ngôi nhà thời kỳ Victoria này. Ông và phu nhân rất coi trọng các thiết kế của hãng Pottier & Stymus, họ chỉ thực hiện những thay đổi tối thiểu đối với phần trang trí nội thất. .
Nghệ thuật trang trí [nội thất] của Mỹ quốc phát triển rực rỡ vào nửa sau thế kỷ 19. Hãng sản xuất Pottier & Stymus, hoạt động từ năm 1859 đến năm 1919, đã đóng góp các món đồ nội thất nổi bật nhất cho giai đoạn này, thể hiện tay nghề điêu luyện bậc thầy và đặt định vị thế của hãng trong lịch sử. Ngoài Tòa Bạch Ốc, công ty này còn thực hiện đơn hàng tại các khách sạn và nhà liền kề (townhouse) ở New York, các biệt thự ở California, thậm chí cả dinh thự Tổng thống tại Chapultepec ở Mexico City. Để khám phá các vật dụng đa dạng mà hãng đã chế tạo thì cần nghiên cứu sâu hơn. Đáng buồn thay, phần lớn hồ sơ về hãng đều đã biến mất trong một vụ cháy nhà kho vào năm 1888. Giờ đây khi mà việc sản xuất hàng loạt của Mỹ quốc chủ yếu diễn ra ở ngoại quốc, thì các hãng như Pottier & Stymus gợi nhắc chúng ta về kỹ thuật sản xuất thượng thừa của đất nước này.
Chú giải:
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times