Bộ phim ‘Nền Văn Minh’ của Kenneth Clark: Vẫn quan trọng, vẫn rất liên quan đến chúng ta ngày nay
Năm 1969 là một năm đáng nhớ trong lịch sử truyền hình Mỹ.
Chương trình “Monty Python’s Flying Circus” (Gánh xiếc bay của Monty Python) ra mắt vào năm này, và những trận cười ngặt nghẽo đã khiến chương trình đó được chuyển thể thành hài kịch truyền hình. Những loạt phim được yêu thích khác vẫn còn được nhớ đến ở ngày nay, như “Gunsmoke” (Những gã nghiện thuốc lá), và “Bonanza” (Cơn phát đạt), hay “Walt Disney’s Wonderful World of Color” (Thế giới màu sắc tuyệt vời của Walt Disney), rất lôi cuốn khán giả. Vào tháng Một năm đó, trong một sự kiện mà đến nay vẫn được xem là một trong những trận cầu bất ngờ nhất trong lịch sử bóng bầu dục Mỹ, đội bóng New York Jets hạ đo ván đội Baltimore Colts với tỉ số 16 trên 7 để có được chiến thắng trong Super Bowl III, chức vô địch đầu tiên chính thức mang thương hiệu [Super Bowl] đó.
Tất nhiên, sự kiện được theo dõi rộng rãi nhất trên màn hình vào năm đó, với hơn 600 triệu người xem trên toàn cầu, là chuyến bay của tàu Apollo 11, chiếc phi thuyền không gian chở theo ba phi hành gia người Mỹ — Neil Armstrong, Buzz Aldrin, và Michael Collins — đáp xuống Mặt Trăng và quay về Trái Đất.
Trong hàng loạt các chương trình kịch và giải trí của năm 1969 này, điều hầu như đã bị lãng quên ngày nay là một sản phẩm của kênh BBC đánh dấu một bước tiến trong ngành sản xuất phim tài liệu truyền hình và quảng bá văn hóa Tây phương. Có hơn 5 triệu người Mỹ và 2.5 triệu công dân Anh xem mỗi tuần một lần loạt phim gồm 13 phần có tựa đề “Civilisation: A Personal View” (Nền văn minh: Từ góc nhìn cá nhân) của tác giả Kenneth Clark.
Ở hai bên bờ Đại Tây Dương, nhiều người hâm mộ đã tổ chức các bữa tiệc mang tên “Nền văn minh” — để cả những người hàng xóm không có tivi màu có thể cùng xem phim. Ở Anh quốc, các nhà thờ đã sắp xếp lại thời gian biểu các buổi lễ chiều để giáo dân không bỏ lỡ một tập nào. Vào cuối mùa hè năm đó, người ta ghi nhận được một lượng lớn du khách Mỹ đến du lịch châu Âu, và trong một chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, Sir Kenneth Clark lỗi lạc đã được chào đón như một ngôi sao nhạc rock.
Rất nhanh sau đó, cuốn sách của ông Clark dựa trên loạt phim này đã bán được hơn một triệu bản. Ngày nay, “Civilisation” vẫn được in, đĩa DVD của loạt phim này vẫn tiếp tục được bán, và các tập phim vẫn được phát hành trên nền tảng trực tuyến.
Tất cả những điều này đã đặt ra câu hỏi: Tại sao? Điều gì trong bộ phim đã thu hút người xem chú tâm đến nghệ thuật và lịch sử?
Người Đàn ông và Phương tiện truyền hình
Ông Kenneth Clark (1903-1983) với hàm răng kém bắt mắt, áo khoác vải tuýt, cùng giọng nói và phong thái của giới thượng lưu, dường như không phải là một ứng cử viên để trở thành ngôi sao truyền hình trong bối cảnh chính trị hỗn loạn vào cuối những năm 1960. Tuy vậy, có lẽ chính những yếu tố nhận diện này đã bảo chứng cho độ tin cậy của ông — nói theo cách người Mỹ thì là “hàng chính hiệu”.
Gia thế của ông chắc chắn là điều không thể tranh cãi. Sinh ra trong gia đình giàu có, ông Clark học tại Đại học Oxford và sau đó dành hai năm sinh sống ở Ý dưới sự kèm cặp của ông Bernard Berenson — một trong những nhà phê bình nghệ thuật vĩ đại của thế kỷ 20. Khi ông Clark trở về nước Anh, ông làm giám đốc Bảo tàng Ashmolean của Oxford và nhanh chóng giữ chức vụ tương tự tại Phòng Trưng Bày Nghệ thuật Quốc Gia (National Gallery), đây là hai thành tựu vô cùng xuất sắc đối với một thanh niên trẻ tuổi. Trong phần đời còn lại của mình, ông đã cống hiến cho nghệ thuật dưới cương vị là giảng viên, nhà văn, và công chức nhà nước.
Mặc dù ông không sở hữu chiếc tivi nào cho riêng mình, nhưng ông Clark sớm đã có hứng thú với việc khám phá những cách mà phương tiện mới này có thể phục vụ cho nền văn hóa. Trước khi bắt tay vào làm phim “Civilisation,” ông đã nghiên cứu chuyên sâu về truyền hình và vị trí của nó trong nghệ thuật với vai trò là một công cụ để tiếp cận và giáo dục khán giả đại chúng.
Khi truyền hình không còn được ghi hình trực tiếp nữa, và các chương trình bắt đầu xuất hiện trên màn hình màu thay vì màn hình trắng đen, thì phương tiện này trở thành một thiết bị lý tưởng để thể hiện sự phong phú và vẻ đẹp của các bức họa, tượng điêu khắc, và các công trình kiến trúc.
Người đàn ông này đã gặp được thời cơ của mình.
Khoảnh khắc và Thông điệp
Đối với một số người sống ở cuối những năm 1960, nền văn minh Tây phương có vẻ như trên bờ vực sụp đổ. Chủ nghĩa cấp tiến trở nên thời thượng, những thay đổi quan trọng trong mọi lĩnh vực từ thời trang đến âm nhạc đến sự lãng mạn và hôn nhân đã lật đổ hoàn toàn truyền thống, các cuộc bạo loạn và biểu tình quy mô lớn từ mọi nguyên nhân đã nổ ra ở những khu vực cách xa nhau như Paris, London, Chicago, và Los Angeles.
Và rồi, vào một buổi tối mùa đông năm 1969, một người đàn ông gần như không được công chúng biết đến đã xuất hiện trên màn hình nhỏ trong các phòng khách gia đình từ Hoa Kỳ cho đến Anh quốc. Ông Kenneth Clark đã ra mắt loạt phim về nghệ thuật và văn minh Tây Âu bằng việc trước tiên là nghiên cứu về sự sụp đổ của Đế chế La Mã và cục diện hỗn loạn theo sau đó. Ngay trong phần mở đầu, ông Clark đã nói về sự mong manh của nền văn minh, về sự sụp đổ của Thành Rome như sau: “Trái tim của nền văn minh Âu châu gần như đã ngừng đập trong hai thế kỷ. Chúng ta chỉ vượt qua được trong đường tơ kẽ tóc” — nhân tiện thì, đó cũng là nhan đề cho tập phim đầu tiên của ông.
Sau đó, ông Clark chia sẻ thêm rằng: “Trong vài năm gần đây, chúng tôi đã hình thành một cảm giác không mấy dễ chịu rằng điều đó có thể xảy ra một lần nữa. Và những nhà tư tưởng tiến bộ, những người mà thậm chí dưới Thời kỳ La Mã nhìn nhận rằng việc liên minh với những người man rợ là rất tốt đẹp, đã bắt đầu đặt câu hỏi rằng liệu nền văn minh có xứng đáng để bảo tồn hay không.”
Khi loạt phim này tiếp tục công chiếu, các khán giả đã được gợi nhắc nhiều lần về nghệ thuật và nền văn hóa mà họ được thừa hưởng từ thiên niên kỷ trước — nói theo một cách khác, họ được gợi nhắc nhiều lần về lý do tại sao nền văn minh của họ thực sự xứng đáng được bảo tồn. Công trình kiến trúc Nhà thờ Đức Bà Chartres, những món quà vô giá được Thời kỳ Phục Hưng La Mã và Florence ban tặng, các tác phẩm của đại văn hào Shakespeare và Montaigne, âm nhạc của những nhà soạn nhạc người Đức, tác phẩm nghệ thuật của những họa sĩ Hà Lan: Những chủ đề này và còn rất nhiều chủ đề khác được ông Clark và máy quay phim quy tụ lại, tạo nên bức tranh ghép đồ sộ về nền văn minh Tây phương, được trình bày không một chút chiêu trò hay sai lệch và được diễn thuyết bởi một người đàn ông có chất giọng du dương và phong thái lịch lãm.
Vẻ đẹp say đắm lòng người
Trong bài báo trực tuyến về bộ phim “Civilisation” của mình, bà Anne Morey đề cập đến những kiến giải sâu sắc của ông Clark về việc sử dụng tivi như một phương tiện dành cho giáo dục và nghệ thuật. Bà đã trích dẫn câu sau từ cuốn hồi ký của ông “The Other Half: A Self-Portrait” (Nửa còn lại: Một bức chân dung tự họa): “Khi tôi bắt đầu thực hiện các chương trình, tôi đã nghĩ đến hoài bão của nhà soạn nhạc Wagner muốn biến opera trở thành một gesamtkunstwerk (tác phẩm nghệ thuật toàn diện) — lời thoại, trình diễn, và âm thanh đều hòa quyện với nhau.”
Ông Clark và đội ngũ quay phim và âm thanh của mình đã đi theo tham vọng này suốt loạt phim đó. Từ những cảnh quang kỳ vĩ của vùng bờ biển Ireland trong phần mở đầu loạt phim cho đến những cảnh quay ở các nhà thờ, viện bảo tàng, các tòa lâu đài, và nhiều nơi khác nữa, chúng ta tìm hiểu về nghệ thuật thông qua những lời dẫn của ông Clark trong khi được chiêm ngưỡng chính các công trình đó và lắng nghe âm nhạc được sáng tác trong thời đại của chúng.
Và có lẽ những nét đặc trưng này đã giải thích tốt nhất tại sao loạt phim “Civilisation” lại phổ biến đến như vậy. Vẻ đẹp thu hút con người có thể sẽ khiến chúng ta rung động theo những cách đầy huyền bí và sâu sắc. Ví như, những người không có đức tin tiến vào Nhà thờ Đức Bà Chartres có thể bị choáng ngợp bởi những xúc cảm trầm trồ, kinh ngạc, bởi sự yên bình, cũng như niềm khao khát về điều gì đó siêu việt vượt trên chính họ. Chắc hẳn, một vài cảm xúc tương tự như vậy đã len lỏi vào tâm thức của những khán giả xem chương trình khi họ say mê những cảnh tượng đẹp đẽ mà họ tìm thấy trên màn hình của mình.
Bình luận của những nhà bình luận
Không phải tất cả khán giả xem “Civilisation” đều yêu thích bộ phim đó. Một số nhà sử học nghệ thuật cho rằng tác phẩm này là quá dàn trải và đơn sơ, bỏ qua sự thật rằng loạt phim này được sản xuất hướng đến đối tượng khán giả đại chúng chứ không dành cho những người có chuyên môn học thuật. Số khác thì cáo buộc ông Clark là người theo chủ nghĩa sô-vanh* vì phớt lờ các nữ nghệ sĩ. Họ quên rằng ông Clark được sinh ra chỉ hai năm sau khi Nữ hoàng Victoria băng hà và ông trưởng thành trong kỷ nguyên mà quan điểm về đàn ông và phụ nữ khác hẳn với cách nhìn nhận của chúng ta [ngày nay]. Họ cũng quên mất rằng trong hầu hết những thế kỷ mà ông Clark đề cập đến trong loạt phim, những nghệ sĩ được xem là nổi bật vốn đều là nam giới.
Trong văn hóa thời nay, bộ phim “Civilisation” cũng được để ngỏ khả năng bị chỉ trích và chế giễu vì sự tập trung vào châu Âu và nghệ thuật Tây phương. Tuy nhiên, tại đây, các nhà phê bình lại một lần nữa chưa hiểu thấu đáo. Tên đầy đủ của cả cuốn sách và loạt phim này chính là: “Civilisation: A Personal View” (Nền văn minh: Từ một góc nhìn cá nhân), ông Kenneth Clark đã cống hiến cả một đời để nghiên cứu và viết về nghệ thuật Tây phương, đặc biệt là về nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng. Đối với ông, việc mạo hiểm đào sâu vào nghệ thuật của Trung Quốc, Ấn Độ, hay những nền văn minh khác là sai lầm lẫn khôi hài.
Tại đây, một người có thể liên tưởng đến câu ngạn ngữ Ả Rập cổ “Chó cứ sủa và đoàn người vẫn cứ đi.” Những người thông thái trong chúng ta sẽ phớt lờ những nhà phê bình này và tiếp tục thưởng thức và học hỏi từ loạt phim “Civilisation” ấy.
Bài học cho ngày nay
Mục đích hàng đầu của loạt phim này là giáo dục cho chúng ta về nghệ thuật cũng như giúp chúng ta có cái nhìn khái quát về lý do và cách thức mà chúng ta, cũng như ông Kenneth Clark, có thể đón nhận một kho báu phong phú từ việc nghiên cứu về chúng.
Tuy nhiên còn có một bài học khác ở đây, chủ yếu là ý tưởng rằng nền văn minh là những điều mong manh và rằng nghệ thuật và văn hóa mà nền văn minh tạo ra có thể bị hủy hoại. Cũng giống như cuộc “Cải cách Tin lành” đã dẫn đến việc phá hủy các nhà thờ cổ, các bức họa, các bức tượng, cũng như thánh tích, thì những phong trào như văn hóa xóa sổ ngày nay cũng có thể đập vỡ các bức tượng trong các quảng trường công cộng hoặc loại bỏ một số cuốn sách ra khỏi những thư viện và giáo trình đại học.
Ở đoạn kết của “Civilisation,” ông Clark bày tỏ: “Như tôi nói ngay từ đầu rằng chính vì thiếu vắng sự tự tin, hơn bất cứ thứ gì khác, đã giết chết nền văn minh. Chúng ta có thể tự hủy diệt mình bằng sự hoài nghi và ảo tưởng, như kích nổ những quả bom vậy.”
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times