Điểm phim: ‘Barbie’
Một câu chuyện cổ tích nữ quyền mạnh mẽ không dành cho trẻ em?
Là một người đàn ông, tôi yêu Barbie. Đàn ông cũng có Barbie [của riêng mình], bạn biết không?
Chúng được gọi là [những chiếc xe của] hãng Harley-Davidson. Hãng xe Harley được thành lập vào năm 1903, và bà Ruth Handler, người đồng sáng lập hãng sản xuất đồ chơi Mattel Toys, đã tạo ra Barbie vào năm 1959. Vậy nên, rõ ràng công ty H-D [là bên] đầu tiên đã đưa ra khái niệm trang bị phụ kiện. Bạn thấy đó, chiếc xe ở cửa hàng đại lý Harley của bạn là một chiếc mô tô đủ tốt nhưng lại có phần hơi nhàm chán với hàng ngàn tùy chọn (đắt đỏ) để tùy chỉnh và nâng cấp.
Các chàng trai: “Tôi sẽ thay thế động cơ 883 của mình bằng một bộ 1200, trục cam đua bất hợp pháp, và một bộ lọc không khí lớn hơn. Thêm mô-men xoắn nữa!”
Các cô gái: “Tôi đang sưu tập bộ búp bê Barbie nguyên bản trong bộ áo tắm đen trắng cổ điển kết hợp với một số khuyên tai vòng và một chùm tóc đuôi ngựa buộc thấp; búp bê Barbie ‘Totally Hair’ với chiếc váy có hoa văn của thập niên 70, băng thấm mồ hôi màu hồng nóng bỏng, và mái tóc uốn duỗi tuyệt đẹp; và búp bê Barbie Day-to-Night (Ngày và Đêm) với hai bộ trang phục màu hồng nổi bật để lấy cảm hứng: một bộ đồ công sở dành để làm việc chăm chỉ và một chiếc váy xòe màu hồng óng ánh khi màn đêm buông xuống.”
Về cơ bản, chúng tương tự nhau. Kinh doanh là cốt lõi của Mỹ quốc. Hãy yêu búp bê Barbie.
Tôi cảm thấy khó mà hiểu được những đám đông phụ nữ và các cô gái vây kín Quảng trường Thời Đại của Thành phố New York, tất cả đều vận trang phục màu hồng, xếp hàng để xem phim “Barbie.” Đó là chưa kể đến những người đàn ông, cũng mặc đồ màu hồng xinh đẹp tương tự, hét vào các quý cô ở khắp các con phố: “Làm việc đi, Barbies ơi, làm việc đi!” Điều này sẽ đi vào lịch sử như một hiện tượng văn hóa — dịp cuối tuần “Barbenheimer” [ra mắt hai bộ phim] bom tấn của mùa hè với tổng doanh thu phòng vé toàn cầu là 536.7 triệu USD. Kinh doanh là cốt lõi của Mỹ quốc. Và tiệc tùng cũng vậy.
Phim “Barbie” có gì hay không? Đối với một người đàn ông dị tính trưởng thành, phim này không hay cho lắm, nhưng việc một người cha hộ tống cô con gái 14 tuổi của mình và một vài người bạn thân mặc đồ màu hồng đi xem thì xứng đáng được tán dương.
Tuy nhiên, điều không hài lòng đầu tiên của tôi về phim “Barbie” là sự thiếu vắng những thứ vui nhộn, hài hước đúng nghĩa dành cho những đứa trẻ vẫn còn đủ nhỏ để thực sự chơi nhân vật búp bê này của hãng Mattel. Nàng búp bê ấy, mặc dù vẫn trông như 19 tuổi, nhưng năm nay đã bước sang tuổi 64 rồi. Điều này gợi nhớ đến lời bài hát của nhóm nhạc The Beatles, “Liệu em vẫn cần anh, liệu em vẫn sẽ nuôi anh, khi anh 64 tuổi chứ?” Đối với Barbie, câu trả lời rõ ràng là có. Lời phàn nàn thứ hai của tôi về phim Barbie sẽ được đề cập ngay sau đây.
‘Barbie’
Giống như phần mở đầu của bộ phim “Lord of the Rings” (Chúa tể của những chiếc nhẫn), lịch sử của thời kỳ đồ đá của hiện vật được thuật lại. Ở đây bà Helen Mirren kể về Barbie như sau: Từ thuở sơ khai, các bé gái đã chơi với búp bê, nhưng những búp bê đó đều trong hình dạng của những em bé, và đóng vai trò như những thử nghiệm cho việc làm mẹ trong tương lai.
Sau đó, kết hợp nhạc nền kinh điển của bộ phim “2001: A Space Odyssey” (2001: Chuyến du hành không gian) năm 1968 với nhạc nền của bộ phim “Attack of the 50 Foot Woman” (Cuộc tấn công của người phụ nữ cao 50 feet) năm 1958, một búp bê Barbie cỡ đại xuất hiện trên bãi biển, đánh dấu kỷ nguyên nữ quyền, trong đó việc sinh con bị bài trừ để cổ vũ việc phụ nữ có thể trở thành bất cứ điều gì mà họ mong muốn.
Và sau đó, phim khiến người ta liên tưởng tới khái niệm và phong cách của bộ phim “Don’t Worry Darling” gần đây của nữ diễn viên Olivia Wilde, trong 20 phút đầu ngọt ngào và hài hước có thể chấp nhận được, Barbie “khuôn mẫu” (do diễn viên Margot Robbie thủ vai, còn ai nữa?), Ken (do diễn viên Ryan Gosling thủ vai) và các nhân vật bản sao khác của họ, sống trong thế giới “Barbieland” màu hồng của Barbie, theo chế độ mẫu hệ. Tất cả họ đều mãi mãi là những cô vợ hay mỉm cười, không hề tồn tại tâm trạng tồi tệ (một ngoại lệ hiếm hoi cho trường hợp này là cô búp bê mang thai tên Midge “đã bị hãng Mattel thu hồi”).
Barbie thức dậy, tắm mà không dùng nước, làm điệu bộ ăn bánh waffle và uống nước cam vắt, ngồi lên chiếc xe Corvette màu hồng của cô, và sau đó là cả bữa tiệc của Barbie và Ken trên một bãi biển màu hồng với những con sóng bằng nhựa cứng. Nhân vật Ken, công việc chính của anh là “Kéo thuyền vào bờ,” chạy tới, và xô mình vào những con sóng đó. [Giống như] cách mà trẻ em chơi, bạn biết đấy?
Nhiều phiên bản “Barbie” bao gồm Barbie Tổng thống (do Issa Rae thủ vai), người sống trong một Tòa Bạch Ốc màu hồng, và nhiều phiên bản Barbie Phi Châu, Á Châu, Latinh và, tất nhiên, những cô nàng Barbie chuyển giới — ở Barbieland — từ biển nhựa sáng bóng này sang biển nhựa sáng bóng khác.
Và rồi một ngày nọ, Barbie đột nhiên thức dậy với hơi thở có mùi và bắt đầu đặt câu hỏi về sự tất yếu của cái chết. Và phần vòm bàn chân [cong] cố định vì luôn đi giày cao gót của cô đột nhiên trở nên phẳng lì. Cuộc khủng hoảng hiện sinh của Barbie [đã bắt đầu]!
Barbie kỳ-quặc
Barbie nhỏ xíu bằng nhựa ghé thăm bà “Barbie kỳ-quặc” (do diễn viên Kate McKinnon thủ vai). Về cơ bản, bà “Barbie kỳ-quặc” đã bị cắt, đốt cháy, cạo, để kiểu tóc của người Mohawk, và bị tô hình xăm, bởi một cô bé chuyên gây rắc rối sở hữu bà.
Để phù hợp với cơn cuồng nhiệt các thế giới thực tế song song của Vũ trụ Điện ảnh Marvel ở thời điểm hiện tại, Barbie đi qua một cánh cổng để đến sống trong “thế giới thực,” di chuyển bằng nhiều phương tiện màu hồng khác nhau, với Ken ngồi ở ghế sau. Bởi vì định mệnh của Ken là luôn luôn ngồi sau Barbie. Mong muốn duy nhất của anh trong đời là được cô nhìn trìu mến. Quá đáng thương. Đây là một phần lý do cho lời phàn nàn thứ hai của tôi về phim Barbie, nhưng chúng ta sẽ nói về điều đó sau.
Nhìn kìa, trong thế giới thực, Barbie bị các công nhân xây dựng quấy rối tình dục trên Bãi biển Venice; không một ai lắng nghe lời giải thích của cô về việc cô thiếu cơ quan sinh dục chung chung.
Lý do Barbie phải đến thế giới thực là vì cô cần xác định điều gì đang khiến chủ nhân cô (do diễn viên Ariana Greenblatt thủ vai), và mẹ của chủ nhân cô (do diễn viên America Ferrera thủ vai) buồn bã đến mức cảm xúc tồi tệ của họ đã khiến bánh quế của Barbie bị cháy trong lò nướng bánh, làm cho bàn chân cô phẳng, v.v. Bạn thấy đấy, đó là Hiệu ứng cánh bướm từ thế giới thực đã gây hỗn loạn đến những đồ chơi của hãng Mattel trong các thế giới song song.
Trong khi đó, trở lại công ty Mattel, Giám đốc điều hành (do diễn viên Will Ferrell thủ vai) phát hiện Barbie và Ken đã đi khỏi vùng kiểm soát và phải được đưa trở về Thế giới Barbie (Barbie-land) ngay lập tức. Một cuộc tìm kiếm bắt đầu. Phần này không có gì đặc biệt hài hước cả. Trừ việc bất kỳ lúc nào diễn viên Will Ferrell đóng vai một người đàn ông ngốc nghếch thì [đoạn phim đó] ít nhất cũng có chút hài hước.
Ken
Khác với vẻ ngoài quyến rũ một cách ngớ ngẩn của nữ diễn viên Robbie, tài tử Ryan Gosling thành công thu hút sự chú ý trong phim, sau cùng thì anh đã đánh đổi cơ bụng trên bãi biển của mình để lấy một chiếc áo khoác lông chồn màu trắng trông giống ca sĩ Barry White to lớn. Tài tử Gosling có đạo cụ tốt nhất để thực hiện vai diễn này.
Ít nhất thì một nửa thời lượng phim, “Barbie” là một vở nhạc kịch, điều sẽ tự động biến bộ phim này trở thành một tác phẩm kinh điển đình đám ngay lập tức, được tái hiện vô tận trong các câu lạc bộ giả trang nữ (drag club) ở Mỹ. Ken có phải là người đồng tính không? Có vẻ giống? Có thể lắm chứ? Anh và Barbie không bao giờ thân mật với nhau vì cô quan tâm đến việc tổ chức một bữa tiệc vui vẻ hơn. Tuy nhiên, trong thế giới thực, Barbie nhận ra rằng cuộc sống của một cô gái rất phức tạp, và Ken dần thích thú với chế độ phụ quyền hơn. Vậy có lẽ anh ta không phải là người đồng tính? Có phần hơi khó nói.
Giải mã bộ phim ‘Barbie’
Bộ phim “Barbie” là một bộ phim ngụ ngôn hài hước, nhưng chúng ta hãy thử giải mã nó và xem liệu có chứa bất kỳ thông điệp tích cực nào không.
“Chế độ phụ quyền” là một cụm từ được nhồi nhét vào tâm trí khán giả trong suốt bộ phim “Barbie.” Trước đây, “chế độ phụ quyền” từng có nghĩa đơn giản là nam giới điều hành các việc trong gia đình. Nhưng trong thập niên qua, ý nghĩa này đã bị bóp méo để ám chỉ rằng những người đàn ông quyền lực, người da trắng, có đặc quyền thống trị những người phụ nữ bị áp bức trên mọi phương diện của cuộc sống, và bất cứ ai dám thách thức quan niệm này thì chính là một kẻ căm ghét nữ giới. Bộ phim “Barbie” về cơ bản cổ vũ cho quan điểm này, và đề xướng rằng giải pháp duy nhất cho tình trạng phụ quyền kinh khủng này là thay thế nó bằng một chế độ mẫu hệ, và điều đó sẽ cứu được hành tinh này.
Cốt truyện chung thì Thế giới Barbie (Barbieland) là một xã hội nữ quyền không tưởng, nơi nhóm phụ nữ Barbies là những người cai trị, còn những người đàn ông Kens là những kẻ kém cỏi ngu ngốc, ngớ ngẩn. Và sau đó Barbie và Ken đi xuyên thời không, đến “thế giới thực,” và khám phá ra rằng thế giới đó thật tuyệt vời đối với đàn ông và bất hạnh đối với phụ nữ, và Ken ngay lập tức ngưỡng mộ “chế độ phụ quyền” này và trở nên có quyền lực và kiêu ngạo, trong khi Barbie tội nghiệp trở thành một nạn nhân dễ bị tổn thương.
Tôi nghĩ rằng trong thế giới thực, rất nhiều phụ nữ tự tin, có thành tựu, những người sống và làm việc ở đây sẽ chế giễu sự mô tả sai lầm như vậy về cuộc sống thành công của họ. Và toàn bộ “thế giới thực” tràn ngập chế độ phụ quyền của bộ phim này, cuối cùng, là trao tiếng nói cho những người đàn ông thực sự không muốn sống trong Thế giới Barbie (Barbieland) nơi mà đàn ông thật ngu ngốc, và chưa hết, chúng ta bị buộc phải nghĩ rằng điều đó là sai trái khi cánh đàn ông không ủng hộ cho hình tượng những kẻ ngốc yếu đuối, nhu nhược như Ken. Thậm chí, Ken còn hát một bài hát về “sự mong manh vàng hoe” của mình.
Và sau đó, nhân vật Ken mới toanh được trao quyền quay trở lại Barbie-land, nơi anh và các Ken khác biến nơi này thành lãnh địa “Kendom” của riêng họ và các Barbie trở thành người phục tùng. Nhưng đợi đã! Barbie khuôn mẫu đã giành lại quyền kiểm soát và biến tất cả chú Ken thành kẻ phục tùng! Không phải câu chuyện về nữ quyền đề xướng rằng phụ nữ mong muốn bình đẳng với nam giới, chứ không phải là một sự đảo ngược hoàn toàn cấu trúc quyền lực xã hội bất bình đẳng trong nhận thức [của mọi người] sao? Ở đây, [bộ phim đã khiến] khán giả tin chắc rằng điều quan trọng nhất là phụ nữ được nắm quyền kiểm soát.
Hãy xem, xét cho cùng thì tôi không nghĩ đây là điều mà phụ nữ thực sự muốn. Ngay cả khi họ xoay sở để có được nó, sau một thời gian, họ sẽ muốn điều gì đó khác. Cách đây không lâu, ca sĩ kiêm nhạc sĩ Paula Cole đã viết một bài hát có tựa đề là “Where Have All The Cowboys Gone?” (Tất cả các chàng cao bồi đã đi đâu mất rồi?) Thông điệp của bộ phim này là thiết lập một chế độ mẫu hệ là phương thuốc hoàn hảo để chống lại chế độ phụ quyền, khi mà trên thực tế đó chính là điều họ muốn chúng ta ác cảm ngay từ đầu.
Kết luận
Mặc dù vậy, người ta có thể đưa ra lập luận rằng đây hoàn toàn là một sự thể hiện khéo léo về nữ quyền. Có thể ý định của nhà làm phim là để chứng minh khái niệm xã hội nữ quyền không tưởng đã hủy hoại đàn ông như thế nào. Và nếu đó là thông điệp thực sự của bộ phim “Barbie,” thì tôi sẽ ủng hộ nó. Ở đây còn một khả năng khác: bằng cách nêu ra độ ngớ ngẩn của cả hai chế độ mẫu hệ và phụ hệ cực đoan, và gợi ý rằng nhân loại nên xóa bỏ cả hai, để rồi nó trở thành một câu chuyện chuyển giới: cả hai [chế độ] cực đoan kia đều xấu xa, vậy tại sao lại chọn một trong hai? Nhưng vì bộ phim “Barbie” dường như ủng hộ chế độ mẫu hệ, nên chẳng phải theo logic thì phim “Barbie” không ủng hộ người chuyển giới phải không? Vậy tại sao lại có những Barbie chuyển giới? Ai mà biết được đạo diễn Greta Gerwig muốn nói gì ở đây? Đó là một câu chuyện cổ tích không có một thông điệp thực sự nhất quán.
Nhưng để tiếp tục và nói rõ ràng thì, bộ phim “Barbie,” cùng với loạt phim thương hiệu “Transformer” (Robot Đại Chiến), là một quảng cáo cho các đồ chơi của hãng Mattel. Và như vậy, nhà sản xuất phim sẽ mong muốn bộ phim được dán nhãn là dành cho trẻ em. Tuy nhiên, một kịch bản chứa đầy những từ như “chủ nghĩa hiện sinh,” “chế độ phụ quyền,” và “triệu chứng da sần vỏ cam,” cùng thông điệp được mô tả ở trên, không thực sự là một bộ phim dành cho trẻ em. Về cơ bản, “Barbie” là một bản phác thảo của chương trình hài kịch tạp kỹ “Saturday Night Live” kéo dài quá mức; một trò đùa dễ thương kéo dài, như Bilbo (một nhân vật trong phim Lord Of The Rings) từng nói, “giống bơ bị phết quá nhiều lên bánh mì vậy.”
Người ta cho rằng búp bê Barbie và việc trang bị thêm phụ kiện cho chúng có thể đã giúp các bé gái quyết định xem liệu chúng muốn trở thành bác sĩ y khoa Barbie, nữ tổng thống Barbie, hay phi công Barbie không. Có thể việc trang trí tất cả những thứ này mang tính quyết định trong cuộc sống tương tự như cuốn sách “What color is your Parachute” (Chiếc Dù Bay Của Bạn Màu Gì?)
Mặc dù vậy, tôi sẽ cho bạn biết điều này — việc để cuốn sách phụ kiện hậu mãi của nhà sản xuất xe Harley-Davidson dày 3 inch trên kệ gần nhà vệ sinh không giúp một người đàn ông xác định được ý nghĩa nhân sinh (tôi đang nói thay cho một người bạn đấy). Nó chỉ nuôi dưỡng lối nghĩ truy cầu nhiều hơn. Và khiến cho người Mỹ truy cầu nhiều hơn chính là gốc rễ cho hoạt động kinh doanh của Mỹ quốc. Đó chính là kinh doanh.
‘Babie’
Đạo diễn: Greta Gerwig
Diễn viên: Margot Robbie, Ryan Gosling, America Ferrerra, Will Ferrell, Kate McKinnon, Helen Mirren, Michael Cera, Dua Lipa, John Cena, Rhea Perlman, Issa Rae, Ariana Greenblatt
Thứ hạng theo đánh giá của MPAA: Phim có một số chi tiết không phù hợp với trẻ dưới 13 tuổi (PG-13)
Thời lượng phim: 1 tiếng, 54 phút
Ngày phát hành: 21/07/2023
Xếp hạng: 3 trên 5 sao
Trường An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times