Alexander Đại Đế đã trở nên vĩ đại như thế nào? (Phần 3)
Hoàn thành sứ mệnh ở tuổi 32 và rời đi
Sự sa ngã đột ngột của vị thống soái tài đức.
Dựa trên nguồn gốc lịch sử còn sót lại sơ khai nhất về Alexander Đại Đế, sử gia Diodorus Siculus (90–30 TCN) cho chúng ta thấy những tính cách tiêu biểu tạo nên một Alexander vĩ đại trong phần lớn cuộc đời ngắn ngủi của ông: nghĩa cử huynh đệ, tinh thần hiệp sĩ – ngay cả đối với những người bị ông chinh phục và niềm tín Thần tuyệt đối.
Bây giờ, chúng ta hãy xem những tính cách tiêu biểu này thể hiện như thế nào trong những chương cuối cùng của cuộc đời phi thường của người anh hùng này.
Sự sa ngã và cái chết
Không lâu sau khi trở về từ cuộc chinh phạt, Alexander qua đời ở tuổi 32. Cuộc đời ngắn ngủi của ông mang rất nhiều ý nghĩa. Có lẽ, ông được phái đến thế gian để thực hiện những cuộc chinh phạt, hoàn thành sứ mệnh và trở về trong đoạn đời ngắn ngủi – tương tự như Chúa Jesus cũng qua đời ở độ tuổi 32-33.
Quan trọng hơn hết, cái chết của Alexander hầu như tương quan với sự đánh mất cả ba đức tính cao quý của mình: nghĩa cử huynh đệ, tinh thần hiệp sĩ và đức tin. Sau khi đánh bại Hoàng đế Darius Đệ Tam và thống lĩnh được Đế chế Ba Tư, tính cách của ông dần dần thay đổi.
Alexander đã dành cả cuộc đời cho một mục đích duy nhất là chinh phục thế giới. Khi đã hoàn thành sứ mệnh, ông thấy rằng không có lý do gì để không thư giãn và thụ hưởng. Vấn đề duy nhất là dường như không có bất kỳ lý do thuyết phục nào để ông phải từ bỏ hưởng thụ.
Ông đánh mất nghĩa cử huynh đệ với những binh sĩ người Macedonia và Hy Lạp khi quyết định chinh phạt tận Ấn Độ. Cuộc chinh phạt này mang lại vinh quang vĩ đại hơn cho Đế chế Ba Tư mà ông đang cai trị nhưng lại đưa những người anh em đi xa quê nhà hơn.
Ông còn tự đặt danh hiệu mới cho mình là “Con trai của Ammon,” nghĩa là “Con trai của Thần”. Việc này không có ý nghĩa gì đối với binh sĩ của ông nhưng lại có ý nghĩa đối với người Ba Tư.
Tác giả Diodorus giải thích: “Binh sĩ Macedonia đã nổi loạn khi được lệnh vượt qua sông Hằng và thường xuyên bất tuân mệnh lệnh khi được lệnh phải tham gia vào các hội nhóm và chế nhạo tính tự phụ của Alexander khi Ngài tự nhận Ammon là cha của mình.”
Trong sự kiện này, chúng ta nhận thấy hành động thái quá này của ông ấy chỉ để khiến cho dân chúng Ba Tư xu nịnh hài lòng.
Những biểu hiện thái quá này cho thấy phẩm hạnh của Alexander đã trở nên lệch lạc. Trên thực tế, điều đó giống như sự phát triển quá mức của tế bào ung thư hay sự sinh sôi của nấm mốc. Có thể nói đó là sự sa ngã.
Từ một người có tinh thần hiệp sĩ cao cả và tôn trọng phong tục tập quán ở những nơi mình chinh phạt được, cho đến cuối cùng ông lại vứt bỏ phong tục của Hy Lạp vốn đã dưỡng thành phần lớn cuộc đời ông để tiếp nhận phong tục ngoại bang và biến thành của chính mình. Sử gia Diodorus khắc họa rõ ràng những sự thay đổi từ việc mặc phục trang của người Ba Tư đến những quảng bá về người Ba Tư trên khắp Hy Lạp và việc tuyển 360 cung nữ cho mục đích hưởng lạc.
“Có vẻ như bất chiến mà thành, giờ đây khi Alexander trị vì vương quốc của mình, ông đã học đòi thói xa hoa của người Ba Tư và sự vô độ của các vị vua Á Châu. Đầu tiên, ông cho xây dựng hoàng môn quan theo phong cách Á Châu trong cung điện. Sau đó, ông ra lệnh cho những người ưu tú nhất làm cận vệ; trong đó có người anh trai Oxathres của Darius. Ông còn đội vương miện, vận hoàng bào và khăn choàng Ba Tư.
Ông phân phát cho các chiến hữu của mình những chiếc áo choàng viền tím và đóng yên cương ngựa kiểu Ba Tư. Ngoài ra, mỗi ngày ông tuyển chọn thêm thê thiếp từ những cô gái Á Châu nhan sắc tuyệt trần vào đoàn tùy tùng của mình như Darius từng làm. Hàng đêm, các cô gái lượn quanh nhà vua để ông lựa chọn người sẽ được ở lại với ông đêm đó. … Thật sự, nhiều người đã chỉ trích ông vì những điều này nhưng ông đã bịt miệng họ bằng những món quà.
Chìm đắm trong cuộc sống nhàn hạ vô biên và sa ngã, giờ đây Alexander đối mặt với nhiều âm mưu và chỉ trích gay gắt trong nội bộ. Có lần, trong cơn say, ông đã giết chết người lính già tên Cleitus, một cận thần đã từng cứu mạng ông. Cleitus đã công khai chỉ trích ông bỏ bê việc triều chính.
Tình hình càng trở nên tồi tệ khiến Alexander phải chiêu mộ 30,000 quân Ba Tư chỉ để đối phó với chính thần dân Macedonia của ông khi cần.
Đánh mất niềm tin vào Thần
Cuối cùng, đức tin và lòng mộ đạo của ông cũng biến dạng tương tự và hoàn toàn tiêu mất về sau. Khi Hephaestion, chiến hữu thân cận nhất của ông qua đời, ông quyết định tổ chức tang lễ vô cùng xa hoa và ra lệnh cho mọi người phải tế lễ Hephaestion như một vị Thần. Việc này được một vị tư tế địa phương chấp thuận.
Để kết thúc tang lễ, Alexander ban chiếu lệnh cho tất cả phải tế lễ Hephaestion như một phụ tá của Thần. Thực tế, đúng lúc đó, Philip, một chiến hữu khác xuất hiện và mang theo chỉ dụ từ Thần Ammon phán rằng hãy thờ phụng Hephaestion như một vị Thần. Alexander vui mừng vì Thần đã ân thuận ý chỉ của ông ấy. Và chính ông là người đầu tiên thực hành nghi thức tế lễ [cho Hephaestion].
Điều đáng lưu ý là trong lúc Alexander đang ban lệnh cho dân chúng phải thờ phụng người bạn của ông ấy như một vị Thần thì nhận được chỉ dụ ân thuận từ Thần [Ammon]. Nếu xét kỹ, chúng ta nhận thấy rằng ông ấy thật sự không quan tâm rằng ý chỉ của ông ấy có được chấp thuận hay không. Giờ đây, Alexander đã vứt bỏ hầu hết sự khiêm nhường đối với những vị Thần mà ông đã từng tôn kính.
Khi Alexander tiến đến gần thành phố Babylon trong cuối hành trình, người Chaldaean đã khuyên rằng nếu ông tiến vào thành phố thì ông sẽ chết ở đó. Người Chaldaean nổi tiếng vì khả năng tiên tri đọc được điềm báo. Ban đầu, Alexander rất coi trọng điều này:
“Từ Nearchus, Alexander biết được lời tiên tri của người Chaldaean. Ông hoảng hốt và ngày càng lo lắng hơn. Điều đó càng khắc sâu thêm khả năng và danh tiếng của người Chaldaean. Sau một lúc do dự, ông quyết định phái hầu hết chiến hữu vào thành Babylon, còn ông thay đổi đường đi nhằm tránh xa thành phố này và thiết lập đại bản doanh cách đó 25 dặm”.
Tuy nhiên, theo sự thuyết phục của các nhà hiền triết Hy Lạp, vì để thuận tiện và vì cảm tình của dân chúng, cuối cùng ông đã tiến vào thành Babylon – nơi ông đã bỏ mạng.
Giả định thuyết phục nhất của Diodorus về nguyên nhân thật sự dẫn đến cái chết của Alexander chính là ông bị đầu độc bởi những người bất đồng với sự cai trị của Alexander. Nếu cho rằng muỗi mang mầm bệnh sốt rét gây chết người thì chúng ta cũng nên lưu ý rằng chính việc uống rượu và ăn uống vô độ có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch và có khả năng ông đã qua đời vì điều đó mặc dù ông còn khá trẻ và cường tráng.
Nhìn chung, qua phần lớn cuộc đời của Alexander, chúng ta học được ý nghĩa của nghĩa cử huynh đệ, tinh thần hiệp sĩ và đức tin. Ba phẩm giá cao quý này có thể dẫn dắt chúng ta khám phá thế giới nội tâm phong phú và có thể trở thành giá trị cốt lõi của bất kỳ nền văn minh huy hoàng nào.
Chúng ta thấy một sự tương phản rõ ràng giữa cuộc đời trước đó của Alexander và phần tư cuối cùng sinh mệnh của ông sau khi ông đạt được mục tiêu của mình. Kết cục bi thảm do đánh mất những phẩm chất đạo đức này – nghĩa cử huynh đệ, tinh thần hiệp sĩ và đức tin – cho ta thấy được giá trị cao quý và khai sáng từ đó.
Nhìn lại cuộc đời của Alexander từ phương diện này, chúng ta thấy được bức tranh toàn cảnh và mạch lạc nhất về con người của ông và ông đã trở nên vĩ đại như thế nào. Tuy ngắn gọn, nhưng đây chính là câu chuyện về Alexander Đại Đế.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times