Triều đại nhà Thanh
Triều đại nhà Thanh (1644-1911) là Vương triều cuối cùng của Trung Quốc, do dòng họ Ái Tân Giác La lập nên. Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích là hậu duệ của tộc Nữ Chân lật đổ triều Bắc Tống, năm 1616 lập quốc ở vùng Đông Bắc Trung Quốc lấy tên là Hãn, trong sử sách gọi là nhà Hậu Kim. Năm 1636, Hoàng Thái Cực sửa Quốc hiệu là Thanh và xưng Hoàng đế. Năm 1644, Lý Tự Thành diệt nhà Minh, cùng năm đó Ngô Tam Quế mở cửa cho quân Thanh vào thành, Phúc Lâm tiến vào Bắc Kinh xưng Đế, lấy niên hiệu là Thuận Trị.
Sau khi Hoàng đế Thuận Trị băng hà, Hoàng đế Khang Hy lên kế vị, khai sáng thời kỳ thịnh thế Khang Hy, Càn Long, kéo dài suốt hơn 100 năm. Khang Hy 8 tuổi lên làm vua, 16 tuổi mưu trí hạ được Ngao Bái, 20 tuổi bắt đầu bình định loạn tam phiên. Sau đó ông còn thu phục được Đài Loan, ba lần thân chinh tới Cát Nhĩ Đan, Mông Cổ để dẹp loạn, phía Bắc chống quân Sa Hoàng xâm lược, tại Lạp Tát thiết lập Trú Tạng đại thần, từ đó định ra bản đồ Trung Hoa cận đại. Trong “Thanh sử cảo” nói rằng Khang Hy Đại đế “bản tính nhân hiếu, trí dũng trời ban, sớm lập đại nghiệp, yêu nước thương dân, văn võ song toàn, thống nhất trời đất, tuy nói là giữ gìn cơ nghiệp nhưng quả thực là người khai sáng”. Càng đáng quý hơn, ông là vị Vua có “học vấn cao thâm, sùng Nho trọng Đạo”, ưu ái các sĩ phu người Hán, ông còn ban lệnh soạn bộ “Khang Hy tự điển.”
Hoàng đế Khang Hy cũng rất coi trọng văn hóa phương Tây, ông đã học tập các kiến thức như đại số, hình học, thiên văn, y học từ những người tới Trung Quốc truyền giáo.
Khang Hy từ nhỏ đã thích võ thuật, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung. Ông có thể giương cung bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách rất xa. Mỗi khi đi săn, Khang Hy thường bắn được rất nhiều thú hoang. Trong các cuộc chiến chống loạn Tam phiên, Đài Loan, Mông Cổ và Sa Hoàng, ông đã thể hiện được tài năng quân sự trong việc bày binh bố trận, quyết thắng đến cùng.
Trước khi băng hà, Khang Hy đã truyền ngôi cho Ung Chính. Sau khi Ung Chính băng hà lại truyền ngôi cho Càn Long. Hoàng đế Càn Long cũng là một vị vua anh minh hiếm có trong lịch sử. Từ nhỏ ông đã tinh thông võ nghệ, ông đã 10 lần dẫn quân đến Tân Cương, Mông Cổ và đều giành thắng lợi. Ông được phong là “võ công thập toàn”. Hoàng đế Càn Long rất thích văn thơ, ông đã từng làm hơn 40,000 bài thơ. Ông tổng kết những thành tựu trong chính trị và quân sự của mình, tự xưng là “chính trị quân sự thập toàn lão nhân”. Càn Long ban lệnh biên soạn cuốn “Tứ Khố Toàn Thư” trong vòng 9 năm, tổng cộng gồm 800 triệu chữ, tập hợp lại phần lớn những sách cổ quan trọng từ trước thời Tần đến thời Đại Thanh, gần như chứa đựng tất cả mọi lĩnh vực học thuật của thời Trung Quốc cổ đại.
Bài viết được đăng lại từ vi.shenyunperformingarts.org