Tấm gương lịch sử: ‘Phúc vô song chí, họa bất đơn hành’
Câu thành ngữ “Phúc vô song chí” và câu ngạn ngữ “Phúc vô song chí, họa bất đơn hành” (Phúc không song hành đến, họa không đến một mình) nói về sự quan sát họa và phúc của con người ở trần gian. Hai câu này xuất hiện sớm nhất từ luận thuật “Phúc bất trùng chí, họa tất trùng lai” (‘Thuyết uyển – Quyển mười ba – Quyền mưu’) của học giả Lưu Hướng thời Hán, hàm ý rằng phúc báo, may mắn sẽ không đến liên tiếp nhưng tai họa sẽ nối tiếp nhau mà tới. Vì sao Lưu Hướng lại nói như vậy?
Lưu Hướng xuất thân trong một gia đình hoàng tộc. Huyền tổ của ông, Sở Nguyên Vương Lưu Giao, là em trai của Hán Cao Tổ. Trong “Hán Thư” chép rằng, Lưu Hướng là người bình dị, liêm khiết và yêu thích Đạo thuật, nhưng không thích xã giao tiệc tùng trong chốn thế tục. Ông dành hết tâm huyết cho việc nghiên cứu kinh điển và học thuật, đồng thời đi sâu nghiên cứu mối giao tế giữa Trời Đất và con người. Ông cũng nghiên cứu sâu mối liên kết và đối ứng tương hỗ giữa Thiên đạo, Thiên tượng và con người. Lưu Hướng ban ngày đọc sách, ban đêm quan sát các tinh tú, thường xuyên làm việc suốt đêm.
Một trong những tác phẩm của ông là “Thuyết uyển.” Từ việc soi xét lại lịch sử, Lưu Hướng ghi lại những giai thoại và những chuyện vụn vặt trong dân gian, cùng với những ý kiến bàn luận. Từ đó, ông làm sáng tỏ đạo lý hưng vong của quốc gia, sự thành bại của việc trị quốc, hay những bài học giúp người đời xu cát tị hung (tìm cái may, tránh họa). “Phúc vô song chí” là nhận thức của cá nhân ông. Ông dùng câu chuyện có thật của Hàn Chiêu Hầu để khuyên răn mọi người.
Tấm gương lịch sử về việc Hàn Chiêu Hầu xây dựng tòa cung điện
Hàn Chiêu Hầu là vị Quân chủ thứ sáu của nước Hàn thời Chiến Quốc, còn được gọi là Hàn Chiêu Hi Hầu hoặc Hàn Ly Hầu. Khi tại vị, ông đã bổ nhiệm Thân Bất Hại làm tướng quốc, tiến hành cải cách nội chính, tu thuật hành Đạo, lập lại an ninh trật tự trong nước, ngoại quốc không đến xâm phạm, đưa nước Hàn trở thành một trong thất hùng thời Chiến Quốc.
Năm Hàn Chiêu Hầu thứ 22, thừa tướng Thân Bất Hại qua đời. Ba năm sau, Hàn Chiêu Hầu khởi công xây dựng một tòa cung điện. Lúc đó, đại phu nước Sở là Khuất Nghi Cữu, đã đưa ra lời tiên đoán táo bạo với ông: “Thần cho rằng Ngài không thể đi ra khỏi cánh cổng này!”
Hàn Chiêu Hầu hỏi: “Tại sao ngươi lại võ đoán như vậy?”
Khuất Nghi Cữu nói: “Bởi vì không đúng thời! Nói cách khác, hiện nay xây dựng tòa nhà này không phải lúc thích hợp. Phàm mọi việc đều phải xem thời cơ, đúng thời thì sẽ thuận lợi, không đúng thời thì sẽ bất lợi. Trước đây, Ngài đã từng rất thuận lợi, rất phong quang, nhưng lúc đó Ngài lại không xây cung điện. Năm ngoái, nước Tần tấn công vùng Nghi Dương (tỉnh Hà Nam ngày nay) lãnh địa của nước Hàn. Năm nay, nước Hàn bị hạn hán nghiêm trọng, khốn quẫn thiếu thốn. Trong lúc này, Ngài không thương xót, quan tâm đến khó khăn cấp bách của người dân, mà ngược lại càng thêm phù hoa xa xỉ. Ngài làm như vậy chắc chắn sẽ chiêu mời tai họa. ‘Phúc bất trùng chí, họa tất trùng lai’ chính là nhắm vào hành vi như vậy!”
Qua năm sau, khi tòa cung điện của Hàn Chiêu Hầu được xây dựng hoàn tất, Hàn Chiêu Hầu cũng qua đời. Quả nhiên ứng nghiệm với lời tiên đoán của Khuất Nghi Cữu, Hàn Chiêu Hầu khi còn sống chưa bao giờ bước qua khỏi cánh cổng của cung điện.
Lưu Hướng đã lấy câu chuyện lịch sử “Phúc bất trùng chí, họa tất trùng lai” để làm tấm gương khuyên răn mọi người phải biết tự cảnh giới, cẩn trọng trong mọi suy nghĩ và việc làm để tránh rước mầm tai họa. Đây là kết quả của việc đang lúc khó khăn thiếu thốn mà vẫn còn xa xỉ phù phiếm!
Trước phải biết mệnh, sau đó là hiểu sự việc, biết phân rõ chính – tà
Ông nói với mọi người “Thượng mưu tri mệnh, kỳ thứ tri sự” (Người mưu tính việc lớn trước phải biết mệnh, tiếp đến là biết sự việc), chính là phải biết Thiên mệnh, hiểu được sự việc trên đời. Người biết Thiên mệnh có thể dự đoán và nhìn thấy trước nguồn gốc của họa-phúc, tồn-vong. Từ đó sớm chuẩn bị phòng ngừa ngay khi sự việc còn chưa manh nha, như vậy có thể trong vô hình đã tránh được họa nạn. Bậc trí giả hiểu việc đời, việc người, ngay khi vừa nhìn thấy sự việc, đã có thể cân nhắc, phán đoán sự thành bại của ngày sau. Từ việc Khuất Nghi Cữu nhắc nhở Hàn Chiêu Hầu, có thể nói ông là người “tri sự” (biết sự việc.) Khi ông nhìn thấy Hàn Chiêu Hầu xây dựng tòa cung điện không hợp với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa,” liền có thể phán đoán được là thành hay bại. Song, Hàn Chiêu Hầu đã không tự suy xét lại bản thân, vẫn tiếp tục xa xỉ vô độ, cuối cùng bại nghiệp, tiêu vong.
Sách “Hậu Hán thư” có chú thích như sau: “Vào cuối đời Quân chủ suy nhược, xa xỉ vô độ, xây dựng bừa bãi, tùy tiện chế đặt quy định, bắt bách tính lao dịch cực khổ, để thỏa mãn ham muốn bất chính của mình, cho nên lê dân than thở, chấn động âm dương.” (‘Quyển 31 – Lục Khang truyện.’) Như vậy, đem ra đối ứng với hành vi của Hàn Chiêu Hầu, thì chính là trùng khớp!
Tác giả cho rằng, xét từ cao tầng, nguồn gốc của sự tồn vong, họa phúc của con người nằm ở đức và nghiệp. Đức đưa đến phúc lành, nghiệp dẫn đến tai họa; đức lớn có thể kéo dài tuổi thọ, nghiệp lớn tột cùng thì hình thần toàn diệt. Nhân quả tương ứng, đời đời tuần hoàn. Bởi vì nhân loại mê mờ ở trong thế gian, phấn đấu vì danh, lợi, tình và theo đuổi sự thỏa mãn dục vọng, tạo nghiệp nhiều hơn tích đức. Cho nên, con người đã chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử “Phúc bất trùng chí, họa tất trùng lai.” Khi đã dùng hết đức rồi, mà nghiệp chưa trả hết thì khó khăn, việc không như ý, thậm chí là tai họa sẽ ập đến.
Xét từ Thiên mệnh, từ kinh nghiệm nhân quả trong sự việc của con người, “Phúc vô song chí, họa bất đơn hành, làm thế nào để có thể tránh được tai họa? Trong “Thuyết uyển,” Lưu Hướng nói cho mọi người biết phải đi theo con đường chính đạo, tránh xa tà đạo: Người đoan chính, chính là thành tâm lo nghĩ cho việc chung; Làm người cầm quyền thì phải tận tâm vì bách tính. Kẻ tà ác, chính là vì truy cầu lợi ích của riêng mình; Đối với người cầm quyền, lừa dối bách tính chính là ác. Bậc trí giả hành sự phải đặc biệt coi trọng việc phòng ngừa. Mọi lúc, mọi việc đều cẩn thận soi xét bản thân. Tuy sống yên ổn nhưng luôn nghĩ đến ngày gian nguy, không tự mãn để không chiêu tổn hại, cho nên có thể trăm việc đều bình an.
Trong nhiều tác phẩm của các thế hệ sau, đặc biệt là trong hí kịch và tiểu thuyết không thiếu viện dẫn câu “Phúc vô song chí, họa bất đơn hành.” Trong dân gian cũng truyền bá rộng rãi câu nói này.
Ví dụ, trong hồi thứ 20 vở “Tỳ bà ký” của tác giả Cao Minh thời Minh, đã trích dẫn câu “Phúc vô song chí” này: “Phúc vô song chí thì còn khó tin, chứ họa bất đơn hành thì chắc chắn là thật.” Hồi 50 của tiểu thuyết “Văn minh tiểu sử” thời Thanh cũng nói thế này: “Từ xưa đến nay phúc vô song chí, họa bất đơn hành.”
“Phúc bất trùng chí, họa tất trùng lai” và “Phúc vô song chí, họa bất đơn hành,” tư tưởng sống trong yên ổn nghĩ đến ngày gian nguy này đã được truyền thừa hơn 2,000 năm rồi. Truy tìm về cội nguồn là để một lần nữa nhắc nhở con người trong thời kỳ mạt thế loạn lạc, phải đi trên con đường chính đạo, tránh xa tà đạo. Như vậy mới có thể thực sự tránh xa tai họa, đắc bình an.
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ