Gia đình tích thiện đa phúc báo: Cha của Âu Dương và các học trò của ông
Cha của Âu Dương là một ông lão ngoại tỉnh, sinh ra ở huyện Thường Đức, tỉnh Hồ Nam. Ông bà nội của Âu Dương đã cống hiến cho đại nghiệp Bắc phạt của cựu Tổng thống Tưởng Giới Thạch. Tuy nhiên, ông nội không may tử trận trên chiến trường, bà nội đau lòng nên cũng qua đời, cha Âu Dương đã lớn lên dưới sự nuôi dạy của tổ mẫu (bà cố.) Thời trung học, ông học khoa thương mại. Để kiếm phí sinh hoạt cho cuộc sống, ông ở bên cạnh hỗ trợ con trai của ông chủ thị trấn học tập, giúp cho “ông chủ nhỏ” có thể thuận lợi tốt nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp trường nghề, cha của Âu Dương nhập ngũ và theo học tại Học viện quân sự Hoàng Phố. Khi vào Học viện quân sự, ông có bốn nguyện vọng lớn trong đời là: “du lịch đến những nơi hùng vĩ tráng quan, danh lam thắng cảnh, được kết giao với anh hùng hào kiệt, làm quen với người phụ nữ xinh đẹp, và thưởng thức rượu ngon thuốc tốt.” Ông chưa kịp tốt nghiệp học viện thì đã phải tham gia vào cuộc chiến tranh chống Nhật. Sau khi kháng chiến thắng lợi, ông tham gia kháng chiến phòng thủ Bắc Bình. Cuối cùng khi được điều động đến đảo Đại Trần (Dachen), ông theo quân đội đến Đài Loan.
Ông luôn tự hứa với lòng sẽ làm một vị Nho tướng. Cấp bậc của ông thăng tiến thuận lợi. Thế nhưng, sau khi kết hôn cùng với mẹ của Âu Dương, những người con lần lượt ra đời. Cha của Âu Dương không thể dùng số tiền quân nhân ít ỏi để trang trải học phí của sáu người con cùng phí sinh hoạt của gia đình. Ông chỉ còn cách từ bỏ giấc mộng làm tướng quân của mình. Sau khi nghỉ hưu, ông tham gia kỳ thi giáo quan huấn luyện quân đội. Khi trở thành giáo quan huấn luyện quân đội ông mới có thêm thu nhập, gia đình mới có thể tiếp tục sống qua ngày.
Sau khi nghỉ hưu, lần đầu tiên trong thân phận giáo quan huấn luyện quân đội của ông lại được phân đến lớp năm hai của trường cao trung. Hiệu trưởng trường đã đưa ra lời phó thác đầy tha thiết với cha của Âu Dương rằng, giáo quan huấn luyện quân đội theo lý mà nói không cần phải đảm nhận công việc của một người thầy dẫn dắt, thế nhưng, trong trường lại có một lớp học vô cùng đau đầu. Tất cả các học sinh ngoại tỉnh của trường đều tập trung vào lớp này. Học sinh nào cũng đánh nhau gây náo loạn. Hiệu trưởng hy vọng cha của Âu Dương có thể đảm nhiệm công việc như người thầy dẫn dắt, chấn chỉnh nhóm học sinh rắc rối. Cha của Âu Dương rất vui vẻ khi đảm nhận vị trí này.
Ông làm bạn với các học sinh trong lớp. Dần dà, lớp này từ lớp chuyên gây rắc rối trở thành lớp nâng cao. Khi họ sắp tốt nghiệp năm ba cao trung, cha của Âu Dương đã phân loại những học sinh này. Dựa vào thể chất, trí tuệ và phản ứng của mỗi học sinh, ông kiến nghị ai nên nộp đơn vào Học viện Hải quân, ai nên vào Học viện Không quân, và ai nên vào Học viện Lục quân. Tất cả học sinh trong lớp đều trêu ông, cho rằng ông giống như tổng tư lệnh Tam quân đang sắp xếp tương lai cho từng người. Kết quả là đa số các học sinh của lớp học này đều gia nhập vào quân đội. Mỗi người đều có sự phát triển tốt.
Sau một năm, những học sinh của lớp học “quý hóa” này đột nhiên muốn đến nhà để chúc tết giáo quan huấn luyện và vợ của thầy. Bởi vì mẹ của Âu Dương sẽ về nhà mẹ đẻ vào mùng Hai tết, nên họ đã hẹn nhau, đến nhà chúc tết vào ngày mùng Ba.
Ngày mùng Ba tết, gần 20 nam thanh niên oai nghiêm đạp xe từ thành phố Cao Hùng đến làng Đại Liêu. sau khi đã đạp xe thấm mệt, đoàn người lại nháo nhào muốn ăn trưa tại nhà tôi. Mẹ của Âu Dương vui vẻ đồng ý. Trong phòng khách và ngoài sân đều được bài trí hai bàn ăn lớn. Sau khi các món ăn được xào nấu nóng hổi thì yến tiệc của mẹ Âu Dương cũng được dọn lên bàn. Một đoàn người náo nhiệt trò chuyện đến tận chiều mới quay về nhà. Cha của Âu Dương rất vui vẻ. Tất cả những học trò này đều nói đủ mọi chuyện trên đời cùng ông, không khí vô cùng thân mật.
Từ đó đến nay đã gần bốn mươi năm. Ngày mùng ba tết hàng năm sẽ là ngày trọng đại của gia đình chúng tôi. Một nhóm học sinh đến nhà tôi để chúc Tết và mở hai bàn tiệc rượu vào buổi trưa. Tuy điều đó khiến chúng tôi rất mệt, nhưng mỗi khi nhìn thấy phong bì đỏ, chúng tôi đều cố gắng hết sức để giúp mẹ Âu Dương quán xuyến mọi việc, như rửa bát đũa, pha trà, bày biện thức ăn…
Sau khi cha của Âu Dương được chuyển đến trường Cao đẳng Thương mại ở tỉnh giữ chức giáo quan, từ đó về sau, ngày mùng ba tết năm nào cũng sẽ có những nữ sinh đến nhà tôi để chúc tết. Sau này, cha của Âu Dương lại chuyển đến những trường như Bách Khoa tỉnh, trường Hàng Hải. Mặc dù mỗi năm sau đó đều sẽ có những người khác nhau tham gia bữa tiệc, nhưng vẫn có những học trò đúng hẹn lại ghé thăm dù đã 40 năm. Năm nào họ cũng đến chúc tết.
Thật ra, học trò đến nhà để chúc tết thường là những người có vài câu chuyện đáng nhớ với cha Âu Dương. Ví dụ như chị Cô, chị Tạ thi vào công chức là nhờ sự động viên của cha Âu Dương. Không những thế mà ông còn đích thân hướng dẫn các chị cách làm bài thi. Bởi vì các chị có được công việc ổn định ở cơ quan nhà nước, nên trong tâm chị Cô, chị Tạ luôn tràn đầy lòng biết ơn. Anh Trần và chị Lâm là nhờ cha Âu Dương giới thiệu nên mới có thể nên duyên vợ chồng. Ngay cả khi hai vợ chồng cãi vã nhau thì cha Âu Dương cũng là người đứng ra hòa giải. Còn có anh Lâm bốc đồng, bị đuổi học vì đánh nhau. Nhờ cha Âu Dương chăm sóc hỗ trợ, anh mới có thể hoàn thành việc học của mình.
Trong số đó có một đôi vợ chồng năm nào cũng đều đến chúc tết. Không những vậy, họ còn luôn mang đến cho chúng tôi trứng cá rất quý giá. Thật ra, cô ấy không phải là học trò mà cha Âu Dương từng dẫn dắt. Năm đó, khi gia đình của cô ấy gặp khủng hoảng kinh tế, không thể tiếp tục đi học. Bạn bè cùng lớp đã khởi xướng việc quyên góp tiền bạc, hy vọng có thể xoay xở được một khoản tiền để giúp cô ấy hoàn thành việc học của mình. Sau khi cha của Âu Dương biết được sự tình này, ông bất ngờ quay về nhà, mượn chiếc dây chuyền vàng trên cổ của mẹ Âu Dương. Mẹ Âu Dương cũng không hỏi và không nói một lời nào, lập tức tháo chiếc dây chuyền vàng trên cổ xuống, đưa cho ông ấy. Trong khi các học sinh đang cầm chiếc thùng quyên góp, thu thập từng đồng từng xu một, thì đột nhiên có một dây chuyền vàng rơi vào bên trong. Mọi người ai nấy đều sửng sốt! Nhờ vậy, nữ học trò này đã thuận lợi hoàn thành việc học của mình. Cô lại may mắn cưới được một người chồng tốt. Hàng năm vào ngày mùng Ba tết, hai vợ chồng đều sẽ đến nhà tôi để chúc Tết cha Âu Dương, mãi cho đến khi ông ấy qua đời.
Người xưa nói tổ tiên tích đức, tích đức! Đức mà cha Âu Dương đã tích chính là hồi báo trên thân những người con chúng tôi.
Khi tôi đảm nhiệm một vị trí trong quân đội, bởi vì quy định đặc thù, tôi phải ở trong đơn vị phi chiến đấu mới có thể đọc sách thi vào trường Dạ Đại. Có lần, tôi may mắn được điều sang làm giáo quan ở trường Kỹ thuật Hàng hải, thuận lợi ghi danh vào kỳ thi tuyển sinh liên thông lên trường Dạ Đại. Thế nhưng, chưa kịp công bố kết quả thi đỗ, tôi lại nhận được mệnh lệnh cần lên chiến hạm. Thấy tôi không còn khả năng học trường Dạ Đại nữa, hiệu trưởng trường Kỹ thuật Hàng hải đã cho tôi một vé đi công tác. Ông ấy bảo tôi phải bắt chuyến tàu trong đêm hôm ấy để đến Tổng bộ ở Đài Bắc, xem thử bộ phận nhân sự có sẵn sàng hỗ trợ việc hoãn thuyên chuyển công tác hay không. Vì vậy, tôi đã trực tiếp đến Đài Bắc, đối mặt với cấp trên và nói ra nguyện vọng của mình. Nhưng khi cấp trên gặp mặt tôi, ông ấy bất ngờ nói: “Cậu đã quên tôi rồi sao? Tôi là học trò của giáo quan đây. Mùng Ba tết vừa rồi tôi đã đến nhà anh để chúc tết đấy!” Cũng bởi vì may mắn lần này, cuối cùng tôi cũng thực hiện được ước mơ học tại trường Dạ Đại.