Rõ ràng chịu thiệt nhưng không tranh biện, sau khi qua đời được vãng sinh đến miền tịnh thổ của Phật quốc
Tài sản vốn thuộc về bạn nhưng bị người khác trắng trợn bảo là của họ, bạn sẽ phản ứng như thế nào? Phẫn nộ? Hay tranh biện? Báo lên quan? Phản ứng của một người tên là Dữu Sân có phẩm hạnh cao khiết thời Nam Bắc triều khiến rất nhiều người bất ngờ.
Một ngày nọ, Dữu Sân ngồi thuyền từ trang trại trở về nhà, trên thuyền chở 150 thạch gạo (“thạch” là đơn vị đo lường thời xưa, 1 Thạch là khoảng 71,616 kg). Lúc ấy, có người nhờ ông chở hộ 30 thạch gạo về nhà, ông không hề nghi ngờ gì liền đồng ý. Sau khi về đến nhà, người nhờ cậy kia nói: “Gạo của anh là ba mươi thạch, còn tôi nhờ ông chở là 150 thạch gạo kia”.
Dữu Sân sau khi nghe xong, im lặng không nói gì, lại để anh ta mặc sức lấy đi 150 thạch gạo. Rõ ràng chịu thiệt như vậy nhưng không mảy may nổi giận, ông quả thực không phải là một người bình thường.
Dữu Sân rốt cục là người như thế nào? Ông sinh ra ở Tân Dã (nay thuộc Hà Nam, Trung Quốc), thuở nhỏ đã thông minh lanh lợi, ham đọc sách, kinh sử bách gia chư tử không có cuốn nào không thông hiểu. Không chỉ như vậy, đối với các việc như tiên tri, xem quẻ, bắn tên, chơi cờ vây… đều rất nhanh nhẹn và tinh thông.
Dữu Sân tài hoa xuất chúng nhưng tính tình điềm đạm, khiêm tốn, chất phác, yêu thích sông núi cỏ cây trong tự nhiên. Trạch viện của nhà ông rộng khoảng mười mẫu, trong đó núi đá, ao hồ chiếm hết một nửa. Ông sinh hoạt đơn giản, thường ăn uống đạm bạc, áo quần cũ kĩ, cũng không mảy may lo nghĩ về gia sản của mình.
Một lần trong nhà xảy ra hỏa hoạn, Dữu Sân chỉ lo cất mấy quyển sách trong giỏ tre đặt trên ao nước, chỉ sợ những quyển sách này bị lửa thiêu cháy mất. Từ đó không khó để thấy được rằng, Dữu Sân quan tâm nhất điều gì. Tuy nhiên, lúc người hàng xóm nghèo khổ của Dữu Sân bị vu hãm ăn trộm và trị tội, Dữu Sân lại nguyện ý lấy sách của mình làm vật thế chấp, lấy được hai vạn tiền, sau đó bảo học trò của mình giả trang làm thân nhân của người hàng xóm, thay ông ấy bồi thường tổn thất. Sau khi người hàng xóm được miễn tội đã đến tạ ơn Dữu Sân. Dữu Sân vì không muốn tạo ra gánh nặng cho ông ta, bèn nói: “Tôi đồng cảm với người trong thiên hạ bị tội oan sai, cũng không kỳ vọng người khác cảm ơn mình”.
Hoàng đế khai quốc triều Lương là Lương Vũ Đế thuở nhỏ có giao tình với Dữu Sân, rất tán thưởng tài học của ông. Sau khi Lương Vũ Đế khởi binh, đã giao cho Dữu Sân làm Bình Tây Phủ Ký Thất Tham Quân, nhưng không ngờ Dữu Sân lại từ chối làm quan. Về sau Tương Đông Vương đến Hình Châu, bổ nhiệm Dữu Sân làm Trấn Tây Phủ Ký Thất Tham Quân, ông cũng từ chối. Sau khi Lương Vũ Đế lên ngôi vua, lại hạ chiếu giao cho ông làm Hoàng Môn Thị Lang, nhưng Dữu Sân vẫn như cũ cáo bệnh không làm.
Đến cuối đời, Dữu Sân một lòng hướng Phật, ông tự mình lập đạo tràng trong nhà, mỗi ngày đều lễ bái trước tượng Phật, sám hối, tụng kinh rất kiền thành, ngày đêm không nghỉ.
Vào một tối nọ, ông đột nhiên nhìn thấy một vị cao tăng, tự xưng là “Nguyện Công”, tướng mạo cử chỉ đều không giống người thường. Vị cao tăng gọi Dữu Sân là “Thượng Hành tiên sinh”, và đưa cho ông một bó hương, sau đó rời đi.
Vào năm Đại Thông thứ tư (năm 533), một hôm Dữu Sân đang lúc nghỉ trưa đột nhiên tỉnh giấc, nói với người nhà rằng: “Nguyện Công lại đến rồi, ta không lưu lại ở thế gian lâu nữa đâu”. Ông nói dứt lời thì qua đời, sắc mặt không hề thay đổi, thọ 78 tuổi. Lúc ông qua đời, tất cả người nhà đều nghe trên không trung có người xướng lên rằng: “Thượng Hành tiên sinh đã vãng sinh đến miền tịnh thổ của Phật quốc rồi”.
Sau khi Lương Vũ Đế biết tin, hạ chiếu nói: “Hành thiện thực đáng biểu dương, là bạn tốt xưa kia của trẫm. Dữu Sân ở nơi dân dã, nhưng tựa như ngọc quý ở Hình Sơn, kỷ tử ở Giang Lăng, thước đo của Tĩnh Hầu, có đức độ, danh thơm, một mình khổ tiết, tự tỏa hương thơm. Theo thời vãng chuyển, thực đáng tiếc thay. Nay đặt thụy là Trinh Tiết ẩn sĩ, đề cao gương liệt hiển”.
Dữu Sân để lại cho hậu thế hai mươi quyển “Đế lịch”, hai mươi quyển “Dịch Lâm” do chính ông biên soạn. Con trai Dữu Mạn Thiến và cháu nội Dữu Quý Tài của ông, đều có học vấn và đức hạnh rất tốt đẹp, lưu danh thơm trong thiên hạ. Điều này ngoài nguyên nhân là nhờ Dữu Sân dạy bảo, phải chăng có thể là phúc báo cho việc hành thiện tích đức của ông?
Tư liệu tham khảo: “Lương thư”, “Nam sử”
Do Lưu Hiểu thực hiện
Lý Tịnh Thành biên tập
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ